Thúc đẩy tiềm năng hợp tác với Liên minh Thái Bình Dương
25/05/2017 40NDĐT – Là một trong những đối tác thương mại chính của các nước thuộc Liên minh Thái Bình Dương (AP) ở thị trường ASEAN, thương mại song phương giữa Việt Nam và bốn quốc gia thuộc AP còn nhiều tiềm năng tăng trưởng, thể hiện ở mức tăng cao và nhanh chóng trong những năm gần đây. |
Tại hội thảo “Liên minh Thái Bình Dương và Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu” diễn ra ngày 22-5 tại Hà Nội, ông Vũ Quang Minh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế, Bộ Ngoại giao cho biết, Việt Nam và bốn nước thành viên Liên minh Thái Bình Dương (Chile, Colombia, Mexico và Peru) nằm trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, hiện được đánh giá là động lực của tăng trưởng toàn cầu với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới. Quan hệ kinh tế thương mại của Việt Nam và bốn nước thành viên PA liên tục tăng ở mức trung bình khá cao từ 15-20%, điển hình là năm 2016 đã đạt hơn 7 tỷ USD, chiếm 50% tổng giá trị thương mại của Việt Nam với khu vực Mỹ La-tinh. Ngoài ra, Việt Nam và các nước PA còn hợp tác trên các lĩnh vực khác như khoa học công nghệ, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo trợ xã hội, phát triển nông nghiệp, chăn nuôi thuỷ sản, phát triển du lịch, giao thông công cộng, phát triển hạ tầng đô thị và văn hoá giáo dục, y tế, viễn thông… Bên cạnh đó, Việt Nam và các thành viên AP còn cùng tham gia nhiều cơ chế liên khu vực như Diễn đàn hợp tác Đông Á-Mỹ La-tinh (FEALAC), Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC)… Trước những cơ hội và thách thức trong thế kỷ 21, trong đó có cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, quá trình toàn cầu hóa sâu rộng, rủi ro tiềm ẩn của xung đột địa chính trị, và sự gia tăng của xu hướng bảo hộ thương mại, kinh nghiệm phát triển nhanh chóng của AP, cũng như cách tiếp cận linh hoạt của Liên minh trong quan hệ hợp tác nhiều mặt với các tổ chức khu vực và với các nước châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có ASEAN và Việt Nam, sẽ là bài học bổ ích cho Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung khi xử lý thách thức toàn cầu trong thời gian tới. Với vai trò là nền kinh tế hàng đầu của châu Mỹ La-tinh và Đông Nam Á, AP và ASEAN cần tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác, cùng nâng cao vai trò “cửa ngõ” để thúc đẩy quan hệ giữa hai khu vực. Trong bối cảnh đó, Văn kiện khung về hợp tác ASEAN-AP vừa được hoàn tất sẽ là cơ sở vững chắc để đưa quan hệ hai khối phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là trong bốn lĩnh vực ưu tiên gồm hợp tác kinh tế; giáo dục và giao lưu nhân dân; khoa học, công nghệ và sáng tạo; và phát triển bền vững. Với tư cách là nước ASEAN điều phối quan hệ ASEAN và AP trong năm 2017, Việt Nam cũng khẳng định cam kết sẽ phối hợp tốt với các nước thành viên để triển khai các hoạt động hợp tác cụ thể, trước mắt là trong các lĩnh vực ưu tiên đã được đề ra tại Văn kiện khung về hợp tác ASEAN-AP, ông Vũ Quang Minh nhấn mạnh. Hội thảo cũng là sự kiện mở màn cho chuỗi các hoạt động trong khuôn khổ Tuần lễ Liên minh Thái Bình Dương diễn ra từ ngày 22 đến 28-5 tại Hà Nội, nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và AP, đồng thời giới thiệu sâu rộng về đất nước, con người, văn hóa, và ẩm thực của bốn quốc gia trong khối đến với người dân Thủ đô Hà Nội. |
Nguồn: Báo Nhân dân
- Khảo sát nhanh (2'): Yêu cầu thẩm định chuỗi cung ứng của một số thị trường EU đối với hàng xuất khẩu Việt Nam
- Mỹ sẽ thông báo mức thuế quan mới từ ngày 4/7
- Đàm phán Thuế đối ứng Việt - Mỹ: Chờ đợi kết quả chính thức
- Chờ lối đi ‘sắc bén’ hơn cho xuất khẩu trước thỏa thuận thuế quan mới
- Hiểu thế nào về mức thuế đối ứng 20% Mỹ áp cho Việt Nam?