Tại cuộc điện đàm ngày 2-7, Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump hoan nghênh việc hai đoàn đàm phán của hai nước đã thống nhất Tuyên bố chung Việt Nam - Mỹ về khuôn khổ hiệp định thương mại đối ứng công bằng và cân bằng.
Ông Trump đánh giá cao việc Việt Nam cam kết dành quyền tiếp cận thị trường ưu đãi cho hàng hóa của Mỹ, trong đó có xe ô tô phân khối lớn.
Ông khẳng định Mỹ sẽ cắt giảm đáng kể thuế đối ứng cho nhiều hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong giải quyết những vướng mắc ảnh hưởng đến quan hệ thương mại song phương, nhất là trong các lĩnh vực mà hai bên ưu tiên.
Cần thời gian để đánh giá thêm
Thông báo về mức thuế mới với Việt Nam cho đến lúc này mới chỉ được phát đi từ nền tảng mạng xã hội của Tổng thống Mỹ Donald Trump, chưa được cụ thể hóa thành chính sách chính thức. Nhiều điểm then chốt cũng như mức thuế sẽ áp dụng vẫn chưa rõ ràng. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp cho hay cần thêm dữ liệu và thời gian cụ thể để đánh giá đúng tác động thực sự của thỏa thuận này.
Nói với Tuổi Trẻ, ông Hồ Quốc Lực - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta, một trong năm doanh nghiệp xuất khẩu tôm hàng đầu Việt Nam - cho rằng có hai yếu tố cần chờ đợi.
Thứ nhất, Bộ Thương mại Mỹ cần công bố chi tiết mức thuế áp cho từng nhóm hàng, vì trong một ngành như thủy sản, thuế suất có thể rất khác biệt giữa các loại mặt hàng . Thứ hai, cần đợi kết quả đàm phán chính thức từ phía Việt Nam.
Bởi theo ông Lực, khi có đủ hai yếu tố trên, doanh nghiệp mới có thể đánh giá lại lợi thế so sánh của mình, nhất là trong tương quan với các quốc gia cạnh tranh cùng ngành.
Ông Lực cũng nhấn mạnh rằng ngành thủy sản Việt Nam có phần yên tâm hơn nhiều ngành hàng khác nhờ lợi thế chủ động nguyên liệu trong nước, thuận lợi cho truy xuất nguồn gốc.
Tuy nhiên mức thuế chỉ là một phần của bài toán. Triển vọng tiêu dùng của thị trường Mỹ và tốc độ phục hồi kinh tế nước này trong các quý tới sẽ là yếu tố then chốt quyết định sức mua và đầu ra cho doanh nghiệp.
Thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ nội địa
Đó là ý kiến của đa số chuyên gia khi được hỏi về việc các doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì khi Mỹ có mức áp thuế mới. Bởi theo các chuyên gia, chỉ khi phát triển được công nghiệp phụ trợ mới tự chủ được trong sản xuất.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 3-7, ông Đỗ Phước Tống, chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP.HCM, cho biết mức thuế với hàng hóa Việt Nam xuất sang Mỹ là con số chưa có các văn bản chính thức, song chúng ta vẫn kỳ vọng sắp tới sẽ đạt được các thỏa thuận chi tiết thuận lợi hơn cho hàng hóa Việt Nam sang Mỹ.
Về tình hình đơn hàng, các đối tác quốc tế vẫn đang đợi quyết sách cuối cùng để định hướng sản phẩm và thị trường. Tuy vậy Mỹ vẫn là thị trường tiềm năng để các doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ khí hướng đến và tới đây vẫn xúc tiến, triển lãm tại Mỹ để tìm thêm đơn hàng mới.
"Việc Mỹ áp thuế đối ứng cũng là một trong những vấn đề buộc chúng ta phải thúc đẩy công nghiệp phụ trợ trong nước phát triển hơn.
Đây được xem là giai đoạn quan trọng để tăng cường nội lực sản xuất, giảm sự phụ thuộc và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam trong tương lai", ông Tống nói.
Trong khi đó, ông Đoàn Võ Khang Duy - giám đốc Công ty cổ phần công nghiệp Ameco - thông tin riêng với các sản phẩm của doanh nghiệp vẫn cạnh tranh được với hàng một vài nước nếu áp mức thuế phù hợp, cộng thêm việc có được sự tin tưởng từ bạn hàng truyền thống cũng là một lợi thế.
"Doanh nghiệp vẫn chờ kết quả đàm phán chính thức để tiếp tục làm việc với đối tác, tìm kiếm đơn hàng mới", ông Duy nói.
Nhìn ở góc độ khác, ông Nguyễn Văn Khánh - phó chủ tịch Hội Da giày TP.HCM - cho rằng nhiều năm qua doanh nghiệp da giày vẫn phụ thuộc lớn vào nguyên phụ liệu từ nước khác do giá cạnh tranh.
Về dài hạn, ông cho rằng cần thúc đẩy sản xuất nguyên phụ liệu trong nước thông qua các chính sách phát triển ngành nhằm đảm bảo sự bền vững.
Mở rộng thị trường xuất khẩu dài hạn
Có thêm ý kiến về thông tin mức áp thuế mới của Mỹ, ông Bruno Jaspaert - tổng giám đốc tổ hợp Khu công nghiệp Deep C - chia sẻ vấn đề nhận được sự quan tâm nhất hiện nay là định nghĩa về hàng hóa "chuyển tải" - một yếu tố quan trọng nhưng chưa được làm rõ.
Ông Bruno Jaspaert đặt vấn đề: "Ai sẽ là người định đoạt khái niệm, kết luận điều này và tiêu chí nào để phân biệt đâu là các nhà xuất khẩu thuộc nhóm chuyển tải?".
Tương tự, bà Deborah Elms - trưởng bộ phận chính sách thương mại tại Quỹ Hinrich (Singapore) - cũng cho rằng định nghĩa "chuyển tải" cần được xem xét kỹ càng với dữ liệu cụ thể hơn. Nếu phần giá trị gia tăng tại Việt Nam đủ lớn và đảm bảo tiêu chí "chuyển đổi đáng kể" thì sản phẩm đó phải được xem là hợp pháp trong thương mại quốc tế, đúng theo logic của toàn cầu hóa.
Ở khía cạnh tích cực, nhiều chuyên gia trong ngành cũng cho rằng nếu Mỹ áp thuế dựa trên tỉ lệ nội địa hóa, điều này có thể tạo động lực để Việt Nam nâng cấp công nghiệp hỗ trợ và chuỗi cung ứng trong nước.
Khi đó các doanh nghiệp FDI nói chung buộc phải đầu tư nhiều hơn vào việc sản xuất ngay tại Việt Nam nhằm đáp ứng tiêu chí xuất xứ. Đây cũng là nguồn lực quan trọng trong việc đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số của Việt Nam trong dài hạn.
Bởi theo ông Bruno Jaspaert nhìn nhận, thời điểm này nếu tận dụng cơ hội để tăng đầu tư vào chuỗi cung ứng và logistics nội địa, Việt Nam không chỉ giảm thiểu rủi ro từ thuế quan mà còn mở rộng thị trường xuất khẩu khác trong dài hạn.
"Sau bảy năm từ khi phụ trách thị trường Việt Nam, tôi nhận ra không quốc gia nào sánh bằng Việt Nam về khả năng chống chịu và phục hồi. Thuế quan chỉ là một gờ giảm tốc trên con đường Việt Nam tiến tới mục tiêu trở thành quốc gia phát triển"- ông Bruno Jaspaert nhận xét thêm.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ