Chờ lối đi ‘sắc bén’ hơn cho xuất khẩu trước thỏa thuận thuế quan mới

Thỏa thuận thuế quan mới trong thương mại Mỹ - Việt đang chờ đợi lối đi “sắc bén” hơn trong HĐXK của Việt Nam. Đặc biệt là cần sự chung tay của cả cộng đồng doanh nghiệp với giải pháp cho từng thị trường, từng ngành, tuân thủ QTXX, chuyển hướng sang phân khúc giá trị cao…

Trước việc Hoa Kỳ và Việt Nam vừa đạt thỏa thuận khung về thuế quan (mức thuế 20% áp dụng toàn diện đối với tất cả hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ; và thuế 40% đối với hàng hóa trung chuyển), riêng với ngành hàng thủy sản Việt, giới phân tích cho rằng hiện tại vẫn chưa rõ khi nào thỏa thuận thương mại sẽ có hiệu lực nhưng các mặt hàng tôm, cá tra, cá ngừ Việt Nam vẫn rất quan trọng đối với Hoa Kỳ.

Cần sự chung tay

Tuy vậy, với mức thuế đối ứng trên 20% thì tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) thủy sản năm 2025 có nguy cơ giảm xuống còn 9 tỷ USD. Nhất là con tôm Việt Nam có nguy cơ đối mặt với “thuế chồng thuế” gồm thuế đối ứng, thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp. Điều này khiến cho áp lực cạnh tranh của XK tôm càng cao hơn ở thị trường chủ lực như Mỹ, nhất là cạnh tranh từ các quốc gia có thuế thấp hơn như Ecuador, Ấn Độ có thể sẽ trở nên gay gắt hơn.

Trước áp lực cạnh tranh và số phận long đong của con tôm Việt, theo Ts. Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP thực phẩm Sao Ta (FMC), cần sự chung tay của cả cộng đồng DN trong tất cả chuỗi giá trị, trong đó vai trò của DN chế biến đang ở vị trí trung tâm.

Và không riêng gì con tôm, như lưu ý của ông Lực, các DN của chúng ta cũng không thể không chú ý thêm những rủi ro còn tiềm ẩn. Phía Hoa Kỳ sẽ đánh thuế cao, như là hình thức, giải pháp trừng phạt nếu biết DN, ngành hàng nào có gian lận xuất xứ nguồn gốc. 

Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng, Giám đốc SSI Research, cho rằng quy tắc xuất xứ là yếu tố quan trọng hơn cả mức thuế. Nếu quy tắc xuất xứ quá khó, hàng hóa Việt Nam sẽ khó được hưởng mức thuế thấp, dù mức thuế cuối cùng có thể rất thấp.

Còn theo Ts. Đặng Thảo Quyên, chuyên gia kinh tế quốc tế, từ diễn biến mới trong quan hệ thương mại Mỹ-Việt, đặc biệt là các mức thuế quan mới áp lên hàng Việt, các ngành XK truyền thống như dệt may, da giày và đồ gỗ đang đối mặt với rủi ro lớn từ mức thuế mới và sự cạnh tranh từ hàng hóa Mỹ chịu thuế 0%. Điều này đặc biệt đáng lo khi các đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ, Bangladesh và Indonesia có khả năng sẽ chịu mức thuế thấp hơn.

Do đó, Ts. Quyên chỉ rõ, để giảm thiểu rủi ro, các ngành này cần đa dạng hóa thị trường XK, không chỉ phụ thuộc vào Mỹ mà hướng đến các quốc gia có chính sách thuế ưu đãi hơn. Đồng thời, cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, tuân thủ quy chuẩn và tiêu chuẩn xanh để tiếp cận các thị trường tiêu chuẩn cao như châu Âu.

Mặt khác, vị chuyên gia này nhấn mạnh bằng cách giữ vững lợi thế ở lĩnh vực công nghệ cao và thúc đẩy các ngành dễ tổn thương chuyển hướng sang phân khúc giá trị cao và thị trường đa dạng hơn, Việt Nam có thể vượt qua cú sốc từ chính sách thương mại mới của Mỹ, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh trên trường quốc tế.

Ngoài ra, trong nhận định mới nhất từ Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán Maybank (MSVN) mức thuế 20%, dù đáng kể, vẫn nằm trong khả năng kiểm soát của phần lớn các DN xuất khẩu Việt Nam. Tuy vậy, nhằm duy trì khả năng cạnh tranh thì các DN hiện có thời gian để đàm phán cơ chế chia sẻ chi phí với các nhà nhập khẩu Mỹ, điều chỉnh cơ cấu giá và tối ưu hóa hoạt động.

Hơn nữa, phía MSVN cho rằng các DN Việt Nam có khoảng thời gian để tái cơ cấu động lực tăng trưởng kinh tế theo hướng chất lượng cao, đa dạng hóa và bền vững.

Tinh chỉnh linh hoạt theo từng ngành, từng thị trường

Riêng ở góc độ của một chuyên gia trong lĩnh vực logistics, ông Nguyễn Hoài Chung, Phó Ban chính sách Hiệp hội Logistics Tp.HCM (HLA), nói rằng giải pháp chiến lược trung và dài hạn cho các DN xuất khẩu là nên đa dạng hóa thị trường bằng việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA), khai thác thị trường tiềm năng, nghiên cứu thị trường).

Cụ thể, đưa ra lời khuyên về giải pháp chiến lược phát triển thị trường cho DN xuất khẩu, ông Chung nêu rõ với thị trường Bắc Mỹ (Hoa Kỳ, Canada, Mexico), các DN cần đầu tư vào chất lượng, đạt chứng nhận quốc tế, xây dựng thương hiệu, thâm nhập kênh phân phối hiện đại và thương mại điện tử, am hiểu và quản trị rủi ro pháp lý, chính sách.

Với thị trường châu Âu (điển hình như Đức, Anh, Hà Lan, Ý…), vị chuyên gia này có lời khuyên cho các nhà XK là nên khai thác triệt để FTA Việt Nam - EU (đặc biệt là quy tắc xuất xứ), “xanh hóa” sản xuất, lấy chứng chỉ bền vững. Hơn thế nữa, các DN cần tập trung vào sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Riêng thị trường Đông Bắc Á (gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông), theo ông Chung, các DN xuất khẩu nên tập trung vào chất lượng tuyệt đối (như với thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc). Với thị trường Trung Quốc thì các DN nên đi qua kênh chính ngạch, xây dựng quan hệ. Đồng thời, các DN cần khai thác triệt để Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Với các thị trường quan trọng ở ASEAN và Ấn Độ (như Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ), ông Nguyễn Hoài Chung mong rằng các nhà XK cần tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm để cạnh tranh. Mặt khác, họ nên tìm đối tác bản địa tin cậy tại Ấn Độ. Các DN cũng cần đáp ứng các tiêu chuẩn địa phương.

Còn thị trường Châu Đại Dương và những thị trường mới khác (chẳng hạn như Thổ Nhĩ Kỳ), vị chuyên gia này khuyến nghị các DN xuất khẩu nên tuân thủ tuyệt đối quy định an toàn sinh học. Đồng thời, các DN cần tìm đối tác am hiểu sâu sắc thị trường bản địa để thâm nhập.

Xét cho cùng, với thỏa thuận thuế quan mới trong thương mại Mỹ - Việt đang cần các nhà XK của Việt Nam có lối đi mới “sắc bén” hơn và được tinh chỉnh linh hoạt theo từng ngành, từng thị trường. Có như vậy thì chướng ngại từ chính sách thuế đối ứng sẽ không còn là thách thức cao như núi và các DN xuất khẩu sẽ thể hiện được bản lĩnh của mình.

Nguồn: VnBusiness