Chỉ ra những lợi thế riêng của doanh nghiệp Việt, tờ New York Times cho rằng xuất khẩu Việt Nam có cơ hội để phát triển trong giai đoạn hậu suy thoái kinh tế. 

Sáu tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 32,12 tỷ USD (bằng 53% mục tiêu kim ngạch xuất khẩu do Chính phủ giao), tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2009 tương đương với 4,37 tỷ USD.

Nhìn lại những đồng vốn phương Tây đua nhau tìm đến Việt Nam trong những năm 90 của thế kỷ trước, tạo cơ hội cho Việt Nam nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý của nhiều nhà đầu tư. Dù sau năm 2009, suy thoái kinh tế toàn cầu vẫn ảnh hưởng đến tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, nhưng thị trường xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn có nhiều khả quan. Tốc độ tăng trưởng GDP quý 2/2010 tăng gần 6% so cùng kỳ năm 2009. Sản xuất công nghiệp tăng trên 13%. Tổng lượng hàng hóa xuất khẩu tháng 5 năm 2010 tăng hơn 12%. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), dự đoán năm 2010 và 2011, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ từ 6% đến 6,5%, trong khi tỷ giá đồng tiền Việt Nam khá ổn định so với đồng USD và sẽ không có việc phá giá tiền đồng đáng kể trong ngắn hạn. Các đơn vị tiền tệ chính của thị trường xuất khẩu Việt Nam là USD, đồng Yên Nhật, đồng nhân dân tệ cũng khá ổn định và trên đà tăng giá.

Trong khi đó, hàng năm, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến thị trường châu Á- khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới chiếm 50% tổng kim ngạch xuất khẩu và đến thị trường Hoa Kỳ chiếm 23%. Với những yếu tố thuận lợi này, dự báo năm nay, tổng kim ngạch của Việt Nam tăng 9%, và năm 2011 tăng 8%.  

Tuy nhiên, trước những biến động về thị trường tài chính, giá nguyên liệu, nhân công… và nhất là đồng nhân dân tệ tăng giá, ngành dệt may Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức nhằm đảm bảo hài hòa giữa hiệu quả kinh tế với mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu. 

Với kim ngạch xuất khẩu 4,8 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm, tăng trên 17% so với cùng kỳ năm ngoái, dệt may tiếp tục vượt qua dầu thô tới gần 1,4 tỷ USD,  dẫn đầu các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu hàng đầu của dệt may Việt Nam với tốc độ tăng 15%; xếp thứ nhì là Nhật Bản: 10%. Các thị trường mới như Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, ASEAN... đều tăng đáng kể. Ngoài xuất khẩu thành phẩm, sản phẩm sợi của Việt Nam cũng đã tiếp cận được với các thị trường mới như Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil… Hiện sản phẩm dệt may của Việt Nam đang chiếm khoảng 2,7 % thị trường thế giới. Cũng giống như đối với mặt hàng dệt may, Indonexia và Mexico là hai đối thủ cạnh tranh đáng lưu ý với các mức tăng trưởng tương ứng là 34,9% và 28,3%.

Ngành dệt may Việt Nam đang có nhiều thuận lợi trong thu hút nhà nhập khẩu, tạo được uy tín, gia tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường thế giới, vượt qua nhiều đối thủ mạnh như Trung Quốc, Thái Lan, Bangladesh, Indonexia… để thu hút đơn hàng, cũng như đón đầu sự dịch chuyển đơn hàng dệt may từ các nước khu vực châu Á vào Việt Nam. 

Đến nay, những biện pháp đối phó của Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam vẫn cho thấy tính hiệu quả. Các mặt hàng thủ công hoặc đặc chủng mang đến cho Việt Nam lợi thế mà Trung Quốc không có được, giúp nền kinh tế Việt Nam nâng khả năng cạnh tranh cao đối với các mặt hàng xuất khẩu.

Tuy nhiên, vấn đề của Việt Nam lại là việc lệ thuộc quá nhiều vào việc xuất khẩu vào Mỹ. Trong năm 2009, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với giá trị tương đương 20% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Đây cũng là lý do khiến ngành công nghiệp sản xuất đồ nội thất của Việt Nam gặp vô vàn khó khăn khi thị trường nhà ở tại Mỹ lâm vào khủng hoảng. “Những nhà máy nhỏ đang trong tình trạng rất khó khăn”, Michael Gunther, Giám đốc nhà máy sản xuất đồ gỗ xuất khẩu Honai Furniture, cho biết. Nhà máy nằm cách TP. Hồ Chí Minh 20 Km của ông hiện giải quyết việc làm cho khoảng 900 nhân công.

Honai Furniture chỉ xuất sang Mỹ khoảng 20-25% sản lượng. Phần còn lại được xuất đi những thị trường khác, đặc biệt là châu Âu. Ông Gunther cho biết, công ty của mình không phải sa thải bất cứ nhân công nào cho dù những đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn thậm chí đã phá sản.

“Có những khách hàng đã yêu cầu công ty tăng sản lượng nhưng chúng tôi không thể. Honai vẫn đang hoạt động với công suất tối đa”- giám đốc Gunther tự hào với khả năng vượt qua khủng hoảng của công ty mình.

Suốt nhiều thập kỷ sau chiến tranh, Việt Nam vẫn là một nền kinh tế nông nghiệp. Ngay cả khi lệnh cấm vận của Mỹ được chính quyền Clinton dỡ bỏ năm 1994, Việt Nam vẫn phải mất nhiều năm để trở thành một nền kinh tế xuất khẩu trong điều kiện phải cạnh tranh khốc liệt với người hàng xóm Trung Quốc.

Để làm được điều này, các doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu hướng tới những thị trường khó tính với những sản phẩm đặc thù thay vì cạnh tranh về giá cũng như nhân công lao động với đối thủ lớn Trung Quốc.

“Thị trường nội địa tại Việt Nam vẫn còn quá nhỏ bé so với Mỹ. Dù không được như trước khủng hoảng nhưng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ vẫn tiếp tục tăng”- Frederick R. Burke, chuyên gia của hãng luật Baker & McKenzie- nhận định.

Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp tại Việt Nam vẫn được giữ ở mức khả quan trong suốt 2 năm khủng hoảng kinh tế. Thông qua các kế hoạch kích thích kinh tế, Chính phủ nước này giúp các doanh nghiệp tiếp tục có việc làm, không cần phải sa thai nhân công.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam có cơ hội để phát triển hơn sau cuộc khủng hoảng này: “Chính phủ Việt Nam đã học được nhiều điều thông qua cuộc khủng hoảng và tôi cho rằng họ có khả năng giúp kinh tế, đặc biệt là xuất khẩu phục hồi nhanh chóng”, V. Bruce J. Tolentino, chuyên gia cao cấp của Asia Foundation cho biết.

Nguồn: Báo Công Thương Điện tử