Chủ động trước Trung Quốc: Phải chấp nhận rủi ro
12/01/2015 20(Doanh nghiệp) - "Tại sao người dân phải lội suối, băng rừng để buôn lậu? Tại sao hàng trăm DN VN phải chấp nhận làm ăn với TQ?".
Đó là những câu hỏi được TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế trung ương đặt ra trước câu chuyện tình trạng buôn lậu ngày càng phổ biến.
Buôn lậu là cách để tạo ra lợi nhuận dễ nhất
PV: - Một nghiên cứu của Trung tâm WTO thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) Việt Nam vừa công bố đã chỉ rõ tình trạng buôn lậu ngày càng phổ biến từ Trung Quốc về Việt Nam đang “làm đổ vỡ sản xuất trong nước”. Bên cạnh đó, còn tồn tại thực trạng hàng Việt làm ra không có sức cạnh tranh về chất lượng và giá thành, đặc biệt với hàng hóa từ Trung Quốc. Như vậy, có phải là một năm qua nỗ lực giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc của chúng ta chưa đạt được kết quả không?
TS Võ Trí Thành: - Tình trạng buôn lậu, là một vấn đề khá nghiêm trọng đã diễn ra nhiều năm nay, với nhiều nguyên nhân: Thứ nhất, chúng ta có một đường biên giới dài hơn 1000km, trong khi đó người dân không có việc làm, thu nhập không ổn định, vậy thì làm sao có thể tránh được tình trạng nhập lậu, buôn lậu.
Thứ hai, nhập lậu liên quan đến một số mặt hàng bảo hộ cao, có nghĩa sử dụng hàng rào thuế quan cao, cho nên nếu nhập lậu được sẽ đồng nghĩa với việc trốn được thuế, như vậy giá thành sẽ thấp, có thể cạnh tranh.
Thứ ba, là do các thủ tục hải quan có chi phí cao, như quy trình kiểm tra an toàn vệ sinh, chất lượng sản phẩm.
Thứ tư, là hàng nhập lậu vẫn còn chỗ đứng, bởi vì người dân vẫn có nhu cầu tiêu dùng, gắn với đó là câu chuyện cạnh tranh của hàng trong nước, cạnh tranh của DN, đó là tổng thể tất cả những thứ trước mắt.
Từ đó, hãy đặt câu hỏi: Tại sao người dân phải lội suối, băng rừng để buôn lậu? Tại sao hàng trăm DN VN phải chấp nhận làm ăn với TQ?. Thực ra đó là thị trường, là cách để tạo ra lợi nhuận.
Từ câu chuyện này để thấy rất rõ, đây là vấn đề nghiêm trọng, có thể dẫn đến các hệ lụy: một là, thất thu thuế cho nguồn ngân sách; hai là, cạnh tranh không lành mạnh, làm tổn hại một số hàng sản xuất trong nước; ba là, về mặt pháp lý không kiểm soát được, cũng như không bảo đảm được an toàn cho người tiêu dùng; bốn là, nhập lậu liên quan đến nhiều hoạt động khác như buôn người, trung chuyển tiền, rất khó kiểm soát, không thể giám sát. Từ đó, làm sai lệch thống kê liên quan đến thương mại, tiền tệ, làm cho bộ máy quản lý nhà nước, thương mại thiếu trong sáng, xuất hiện mầm bệnh tham nhũng.
PV: -Theo ông, Việt Nam cần phải xác định động lực và mục tiêu cụ thể về việc này như thế nào?
TS Võ Trí Thành: - Để ngăn chặn được tình trạng này lại liên quan đến vấn đề tự do hóa thương mại, ngành thương mại càng tự do thì thuế càng thấp. Bên cạnh đó, cũng liên quan đến việc giảm thiểu vấn đề kiểm soát tiêu chuẩn kỹ thuật, giám sát quy trình cần đơn giản, giảm thiểu chi phí.
Đặc biệt, là vấn đề phát triển kinh tế, phải tạo công ăn việc làm cho những người dân, đồng bào ở vùng biên giới.
Còn câu chuyện dài hạn, một là, vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh trong quá trình cải cách kinh tế, hội nhập, đặc biệt là DN vừa và nhỏ.
Hai là, vấn đề cải cách bộ máy liên quan đến quản lý cửa khẩu, cụ thể như hải quan, tất cả đều nằm trong tổng thể cải cách hành chính, như đơn giản hóa thủ tục hiện đang được tiến hành.
Và điểm quan trọng nhất là luôn phải nhớ, song song với việc đòi hỏi đội ngũ cán bộ trong sạch, minh bạch, chuyên nghiệp, thì phải quan tâm đến hệ thống động lực cho họ làm việc tường minh, đàng hoàng. Nếu chỉ đòi hỏi suông, mà không có hệ thống động lực bao gồm bảo hiểm, tiền lương, cải cách chức năng vị trí công tác, thì sẽ không bao giờ làm được.
PV:- Vậy là chúng ta có thể có cái nhìn khả quan vào nỗ lực giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc không, thưa ông?
TS Võ Trí Thành: - Chúng ta phải có cái nhìn bình tĩnh và đúng về vấn đề này. Tôi vẫn nói thoát Trung, nếu thoát về tư tưởng, để có tư duy độc lập, phát triển, thì là điều tốt.
Nhưng TQ là một nền kinh tế lớn, là một thị trường có cả cơ hội và thách thức, nên chúng ta phải biết tận dụng chỗ nào phát huy được lợi thế, cùng với thời gian nâng cao được năng lực cạnh tranh nhất là về sáng tạo, công nghệ, quản lý, đưa hiệu suất, hiệu quả làm việc lên cao. TQ cũng là một nền kinh tế lớn, một mắt xích quan trọng của nền kinh tế toàn cầu, nên chúng ta không nên bỏ qua.
Cho nên, chúng ta phải có cái nhìn toàn cục hơn, đầy đủ hơn về xu hướng phát triển thương mại trên TG. Vai trò của các tập đoàn xuyên quốc gia, thách thức, khó khăn, cùng với cải cách, hội nhập làm sao để DN Việt phát triển.
Cần có quy chế để quản lý tốt hơn
PV:- Nhìn ra thế giới, Việt Nam có thể học tập bài học của quốc gia nào, về việc tồn tại bên cạnh một thị trường khổng lồ với một nền kinh tế vượt trội hơn mà vẫn tránh được áp lực phụ thuộc, tận dụng được những cơ hội từ nền kinh tế đó? Xin ông phân tích cụ thể?
TS Võ Trí Thành: - Câu chuyện buôn lậu hiện không chỉ diễn ra riêng ở VN, mà còn diễn ra tại các nước phát triển, như câu chuyện giữa Canada - Hoa Kỳ, hay một đất nước tương đối nhỏ so với nước lớn như Mexico - Hoa kỳ.
Tiêu biểu là câu chuyện giữa Canada - Hoa Kỳ, hai nước đều có chính sách thuế khác nhau, gắn với câu chuyện tự do hóa thương mại, nâng cao sự trong sạch của bộ máy.
Nhưng tất nhiên họ có thuận lợi vì bộ máy quản lý chuẩn hơn, hệ thống động lực tốt hơn, các phương tiện cũng tốt hơn, các quan hệ mang tính cam kết, chứ không có chính sách biên mậu như VN - TQ. Cho nên việc tồn tại cạnh các thị trường lớn là do từng nước, có chính sách khác nhau, còn học hỏi cũng chỉ là một phần.
PV: - Nói đến chính sách biên mậu, vừa qua tại hội thảo Cơ cấu kinh tế VN - những rủi ro phát triển, nhiều chuyên gia chỉ rõ chính sách biên mậu của ta hiện nay có nguy cơ chèn ép cơ cấu kinh tế VN, khiến nền kinh tế không thể vươn lên. Để tránh bị TQ chèn ép trong giao thương biên mậu, các chuyên gia cho rằng, VN có thể lập “danh sách đen” những mặt hàng cấm nhập của các cơ sở sản xuất TQ không đảm bảo chất lượng, cấm nhập vào VN. Bên cạnh đó, đề xuất hủy bỏ chính sách biên mậu, quan điểm của ông ra sao trước đề xuất này?
TS Võ Trí Thành: - Chúng ta đã nghiên cứu rất nhiều về chính sách biên mậu, cũng như trao đổi thương mại, thanh toán giữa VN và các nước trên TG như Lào - Campuchia.
Riêng đối với TQ, chúng ta luôn có tinh thần làm sao cho quy chuẩn hóa, chính thức hóa hơn gắn với những quy chế để có cách xử lý, giám sát tốt hơn. Ở đây có hai việc, một là, đàm phán làm sao cho chuẩn hóa hơn, tạo điều kiện cho quản lý giám sát, hạn chế nhập lậu, buôn lậu, kể cả những hành vi dịch chuyển khác ở đường biên, như buôn người.
Bởi vì, một khi còn đường biên dài, còn tham nhũng, người dân không có việc làm thì tình trạng buôn lậu chắc chắn sẽ vẫn còn. Vì lợi ích lâu dài giữa hai bên, vì những lợi ích lớn hơn, nên hạn chế, xử lý, thay đổi những điều có thể gây đến ảnh hưởng không tốt.
Hai là, cần chủ động xử lý biện pháp trước mắt, trung và dài hạn, việc gì vi phạm cam kết thì có cơ chế để xử lý tranh chấp, cơ chế để kiện (ra tòa).
Trong nhiều năm qua chúng ta cũng cố gắng đi theo định hướng này, nhưng con số thu được chưa được như mong đợi, chưa được tích cực.
PV: - Thưa ông, Việt Nam đã nhiều lần đề cập tới vấn đề phát triển kinh tế gắn với bảo vệ chủ quyền. Trong mối quan hệ với Trung Quốc, vấn đề này cần được nhìn nhận như thế nào?
TS Võ Trí Thành: - Chủ quyền là câu chuyện hết sức thiêng liêng có quan hệ chặt chẽ đến phát triển kinh tế. Trong TG ngày nay, để đảm bảo chủ quyền thì phải mở rộng hợp tác, giao lưu, hội nhập, phải có chính phát triển kinh tế đủ mạnh, phải có năng lực cạnh tranh tốt.
Có nghĩa, phải đủ nguồn lực, đủ vị thế, đủ tiếng nói, nhưng chúng ta phải biết rằng mở cửa hội nhập chỉ là điều kiện cần cho phát triển, không có nó thì sẽ không phát triển, nhưng có nó cũng chưa chắc đã phát triển. Phải kết hợp với các yếu tố bên trong, ví dụ như cải cách, nâng cao năng lực.
Hội nhập sẽ tạo điều kiện phát triển, tạo ra các mối quan hệ, lợi ích đan xen, đối tác có hành vi xâm lấn lãnh thổ thì ảnh hưởng đến lợi ích của các nước khác, chính vì thế nó cũng kìm hãm, có áp lực răn đe vì động chạm quyền lợi của nhiều nước. Bên cạnh đó, không phải cứ hội nhập là phát triển nó chỉ là một tiền đề, cần gắn với nội lực bên trong, để thấy hội nhập phải chấp nhận có rủi ro.
Như vừa qua, liên quan đến quan hệ chính trị, rõ nhất là câu chuyện giàn khoan 981 trái phép được hạ đặt vào Biển Đông, hay câu chuyện địa chính trị Ukraine với Mỹ, dẫn đến trừng phạt đứt khúc quá trình thương mại, quá trình dịch chuyển dòng vốn. Chính vì vậy, trong quan hệ đối ngoại kinh tế, thứ nhất, phải khẳng định rõ chủ quyền, thứ hai, phải tạo dựng nội lực cho mình bên cạnh vấn đề chủ quyền, nội lực là bộ máy, là khả năng cạnh tranh của DN, là sự hiểu biết của người dân gắn với sự phát triển của đất nước.
Thứ ba, DN phải hiểu rõ lợi thế của những rủi ro trong bối cảnh VN ngày càng hội nhập sâu rộng với TG, với nhiều đối tác, cùng với các hiệp định thương mại tự do đang thực hiện và sẽ ký kết. Từ đó, có thể nhìn thấy sân chơi ở đâu, cách chơi như thế nào, điều kiện để chơi với từng đối tác, từng thị trường, để biết được độ rủi ro về kinh tế, địa chính trị, để lựa chọn cơ hội và cách nhìn. Qua đấy để các DN có tầm nhìn, kế hoạch để lựa chọn làm sao phát huy được lợi thế của mình để quản trị, hạn chế được cái phát sinh.
PV:- Vậy chúng ta cần có những điều chỉnh như thế nào về chính sách kinh tế để nâng cao nội lực của nền kinh tế, đồng thời nâng cao nội lực của Việt Nam?
TS Võ Trí Thành: - Tất cả những gì chúng đang làm đều nằm trong chiến lược tổng thể, giúp phát triển VN bền vững và hiệu quả hơn, có cách mở cửa sâu rộng tận dụng tốt hơn lợi thế của mình.
Theo tôi, chúng ta cần, một là, làm sao có cách thức phát triển thay đổi để bền vững, để hiệu quả hơn, ổn định kinh tế vĩ mô, tái cấu trúc nền kinh tế, cải cách thể chế làm sao cho môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, thông thoáng, giảm chi phí hành chính cho DN.
Hai là, mở cửa sâu rộng hơn, đây cũng là thách thức đối với VN, làm sao để tận dụng được lợi thế của mình để phát huy, phát triển, kéo được lợi thế bên ngoài, làm cho mình phát triển. Phải xác định, thế giới này luôn luôn tồn tại sự rủi ro, chúng ta chỉ có thể hạn chế đến mức thấp nhất có thể, còn đã kinh doanh thì phải chấp nhận rủi ro để tiến lên.
- Xin cảm ơn TS đã chia sẻ với Đất Việt!
Nguồn: Báo Đất Việt
- Đàm phán cấp bộ trưởng về thuế đối ứng với Mỹ tại đảo Jeju, Việt Nam đạt kết quả bước đầu
- Việt Nam đề nghị tiếp cận nhập khẩu, chuyển giao hàng hóa công nghệ cao
- Doanh nghiệp dệt may cần hành động ra sao để hóa giải ‘bóng ma’ thuế quan cao?
- Nông sản Việt rộng đường chính ngạch vào Trung Quốc
- Mỹ - Trung 'đình chiến': Nhu cầu vận chuyển xuyên Thái Bình Dương tăng vọt