EU đã rót 19,1 tỷ USD vào Việt Nam
31/12/2014 12Công Thương- Mặc dù là nguồn vốn có chất lượng cao, mang hàm lượng công nghệ tiên tiến, tuy nhiên, tính đến ngày 15/12/2014, Việt Nam mới thu hút được 23/28 nước thành viên EU đầu tư vào Việt Nam với 1.566 dự án còn hiệu lực cùng tổng vốn đầu tư đăng ký trên 19,1 tỷ USD.
Dòng vốn chất lượng cao
Theo Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong số các nước EU đầu tư vào Việt Nam, Hà Lan đứng đầu với 226 dự án, có vốn đầu tư đăng ký 6,61 tỷ USD, chiếm 34,6% tổng vốn đầu tư của EU tại Việt Nam.
Pháp đứng thứ 2 với 420 dự án có vốn đầu tư 3,3 tỷ USD, chiếm 17,3%. Đứng ở vị trí thứ 3 là Vương quốc Anh có 194 dự án với 2,83 tỷ USD vốn đầu tư, chiếm 14,9% tổng vốn đầu tư .
Cũng giống như nhiều nhà đầu tư quốc tế khác, các nhà đầu tư từ EU quan tâm nhất tới lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Minh chứng cho điều này là con số 555 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký vào lĩnh vực này trên 6,1 tỷ USD, chiếm 32,2% tổng vốn đầu tư của các nước EU tại Việt Nam.
Ngành sản xuất, phân phối điện, khí, nước xếp thứ hai nhờ có 19 dự án đầu tư với tổng vốn 3,52 tỷ USD, chiếm 18,4%.
Đi ngay sau là lĩnh vực thông tin truyền thông, EU hiện có 170 dự án với tổng vốn đăng ký 2,19 tỷ USD, chiếm 11,5% tổng vốn đầu tư.
Xếp thứ tư là lĩnh vực kinh doanh bất động sản, khai khoáng với quy mô vốn lần lượt ở mức 1,9 tỷ USD và 1,48 tỷ USD.
Như vậy, các nhà đầu tư châu Âu luôn tham gia vào các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao tại Việt Nam. Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài, điều này có được là do các doanh nghiệp FDI của châu Âu có khả năng tài chính và lợi thế về công nghệ, kỹ thuật cao.
Xét về địa phương, Hà Nội là “điểm dừng chân” yêu thích nhất của các doanh nghiệp EU khi hội tụ được 363 dự án với 3,08 tỷ USD vốn đầu tư, chiếm 16,1% về tổng vốn đầu tư của các nước EU tại Việt Nam. TP. Hồ Chí Minh đứng thứ 2 với 571 dự án trị giá 2,8 tỷ USD, chiếm 14,7%.
Theo hình thức đầu tư, doanh nghiệp FDI từ EU tham gia nhiều nhất vào hình thức 100% vốn nước ngoài với 1.117 dự án trị giá 7,8 tỷ USD. Hình thức liên doanh có 377 dự án với tổng vốn đầu tư là 4,78 tỷ USD. Hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, EU có 29 dự án với 3,1 tỷ USD…
Nhiều giải pháp đẩy mạnh thu hút FDI từ EU
Việt Nam mới chỉ thu hút được 23/28 nước thành viên của EU. Hơn nữa, tổng vốn đăng ký đầu tư mới đạt 19,1 tỷ USD. Con số này còn khiêm tốn so với tiềm năng hai khu vực.
Trong khi đó, FDI từ châu Âu - đặc tính lượng vốn lớn, quản trị tiên tiến và công nghệ kỹ thuật cao- đang trở thành nguồn vốn cần đẩy mạnh thu hút theo định hướng của Chính phủ Việt Nam.
Nhiều chuyên gia kinh tế dự đoán, Việt Nam trong những năm tới có thể sẽ đón nhận một làn sóng đầu tư mới từ khu vực này nhờ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU.
Tuy nhiên, theo Cục Đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần thực hiện nhiều giải pháp để tăng thêm độ hấp dẫn với các nhà đầu tư từ EU. Trong đó, Việt Nam cần cải thiện môi trường đầu tư chung, hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách đầu tư nước ngoài, mở rộng lĩnh vực thu hút FDI và đa dạng hoá các hình thức đầu tư, xoá bỏ các rào cản về quy hoạch, hỗ trợ nhà đầu tư giảm chi phí sản xuất.
Nguồn: Báo Công Thương
- VCCI lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
- Đàm phán cấp bộ trưởng về thuế đối ứng với Mỹ tại đảo Jeju, Việt Nam đạt kết quả bước đầu
- Việt Nam đề nghị tiếp cận nhập khẩu, chuyển giao hàng hóa công nghệ cao
- Doanh nghiệp dệt may cần hành động ra sao để hóa giải ‘bóng ma’ thuế quan cao?
- Nông sản Việt rộng đường chính ngạch vào Trung Quốc