Hầu hết các ngành sản xuất công nghiệp và nông nghiệp của Việt Nam sẽ chịu tác động như thế nào từ các FTA? TBKTSG lược trích đánh giá của Bộ Tài chính trên cơ sở bộ này tổng hợp ý kiến từ các bộ, ngành khác, và các hiệp hội doanh nghiệp.

1. Các ngành nông nghiệp

Ngành chăn nuôi

Với mức độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân 6,7%/năm, ngành chăn nuôi nói chung đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thịt cả nước. Đến năm 2013 tổng sản  lượng thịt ước đạt 4,3 triệu tấn các loại.

Tuy nhiên, tỷ lệ nhập khẩu nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi còn cao, và thức ăn chăn nuôi trên thị trường hầu hết cà của các doanh nghiệp nước ngoài. Năm 2013, tổng nhu cầu thức ăn tinh cho ngành là 22,4 triệu tấn, trong đó 10 triệu tấn là nhập khẩu với giá trị 4 tỉ đô la Mỹ gồm ngô, cám, khô dầu,…

Mặt hàng thịt gà, thịt bò/trâu có kim ngạch nhập khẩu rất lón từ TPP và thế giới. Thuế suất năm 2015 đối với 3 thị trường Asean, Trung Quốc và Hàn Quốc xuống mức 0%, và sẽ xuống 0% vào 2020 với các FTA khác. Bộ Tài chính dự báo, khả năng nhập khẩu các mặt hàng thịt sẽ tăng, nhất là thịt gà từ Hàn Quốc.

Ngành chăn nuôi bị ảnh hưởng nhiều nhất khi TPP có hiệu lực vì mức thuế trung bình với thịt nhập khẩu ở mức 15% sẽ được cắt giảm và xóa bỏ thuế, trong khi nhiều thành viên TPP như Mỹ, Canada, Australia, New Zealand là các quốc gia rất mạnh về chăn nuôi.

Ngành sản xuất gạo

Dù cạnh tranh khốc liệt nhưng gạo Việt Nam về cơ bản vẫn giữ được quyền kiểm soát ở thị trường trong nước.
Gạo là mặt hàng thuộc danh mục nhạy cảm trong tất cả các FTA. Thuế suất MFN của các loại gạo là 40%, riêng thóc để gieo trồng là 0%. Tính đến 2014, các FTA có cam kết thuế suất nhập khẩu trung bình thấp gồm Asean, Asean – Trung Quốc, Asean – Hàn Quốc. Từ 2021, hầu hết các FTA có cam kết thuế suất trung bình dưới 5%.

Hiện tại, Việt Nam xuất khẩu hơn 6,6 triệu tấn/năm, trị giá gần 3 tỉ đô la Mỹ. Hàng năm, Việt  Nam cũng nhập khẩu hơn 48 triệu đô la Mỹ, trong đó nhiều nhất (36 triệu đô la Mỹ) là từ Trung Quốc, Asean, Ấn Độ.

Ngành sữa

Trong các FTA, cam kết xóa bỏ thuế với các mặt hàng sữa nhập khẩu có hiệu lực chủ yếu vào giai đoạn 2018.
Khả năng cạnh tranh của các sản  phẩm sữa Việt Nam không cao do phụ thuộc chủ yếu vào nguyên liệu và thiết bị nước ngoài. Đặc biệt là 100% nguyên liệu sữa bột các loại phải nhập khẩu. Dự kiến, nguyên liệu sản xuất sữa bột sẽ tiếp tục phải nhập khẩu. Trong khi đó, các hãng sữa ngoại câu kết đấy giá sữa bột bán lẻ tại Việt Nam lên quá cao, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.

2. Các ngành công nghiệp

Ngành máy móc thiết bị, điện gia dụng

Đây là ngành ít có lợi thế xuất khẩu. Việt Nam nhập khẩu máy móc, thiết bị từ 37 nước, trong đó Trung Quốc là thị trường nhập khẩu chính, chiếm gần 35% tỷ trọng, kim ngạch 5,2 tỉ đô la Mỹ.

Các mặt hàng này chủ yếu có mức độ xóa bỏ thuế nhập khẩu cho giai đoạn 2018 đối với Atiga, và 2020 đối với Asean – Australia – New Zealand, và  muộn hơn với Nhật Bản. Đối với các Hiệp định Asean – Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, lộ trình giảm thuế là phân tán. Một số mặt hàng như dây điện và cáp điện; điện thoại và linh kiện; sản phẩm điện từ và linh kiện;… được xóa bỏ thuế quan.

Khả năng nhập khẩu mặt hàng này trong các năm tiếp theo sẽ tăng nhanh hơn do thuế suất giảm.

Ngành ô tô

Ô tô chỉ cam kết trong Hiệp định Asean, và Asean – Trung Quốc, còn các hiệp định khác loại trừ. Trong Asean, thuế nhập khẩu ô tô sẽ về 0% năm 2018; trong khi trong Hiệp định Asean – Trung Quốc, thuế nhập khẩu sẽ về 50% vào năm 2020.

Trong khi Việt Nam vẫn loay hoay phát triển ngành công nghiệp ô tô, thì các quốc gia như Thái Lan và Indonesia đã có ngành ô tô rất phát triển. Đây là thách thức rất lớn.

Khả năng nhập khẩu các  mặt hàng ô tô và linh kiện sẽ tăng trong các năm tới đây.

Ngành thép

Công suất của các nhà máy cán thép ở Việt Nam là hơn 11 triệu tấn thép xây dựng, gần 9,3 triệu tấn phôi thép, hơn 2,1 triệu tấn ống thép, gần 3,3 triệu tấn tôn mạ, hơn 4 triệu tấn can nguội; trong khi tiêu thụ thép chỉ là 11 triệu tấn. Chưa kể các dự án đang trong giai đoạn xây dựng, đặc biệt là Formosa, ngành thép đang trong nguy cơ cung vượt xa cầu.

Với hiệp định liên minh hải quan với Nga, Belarus, Cadacxtan, Hiệp hội thép lo ngại mặt hàng thep xây dựng sẽ phải chịu cạnh tranh cực kỳ khủng khiếp với người khổng lồ Nga. Sự cạnh tranh còn lớn hơn nhiều so với Trung Quốc.

Thuế suất của tất cả các FTA đều thấp hơn so với mức thuế suất MFN trung bình, đặc biệt kể từ 2018 khi các FTA bắt đầu bước vào giai đoạn cắt giảm thuế quan sâu. Đến cuối lộ trình, thuế suất trung bình của các hiệp định như Atiga, Asean – Nhật Bản, Việt Nam – Nhật Bản chỉ ở mức 0-5%.

Trong khuôn khổ hiệp định Asean – Trung Quốc, Việt Nam phải đưa thuế suất mặt hàng phôi để sản xuất thép cuộn về 0% năm 2018, và mặt hàng phôi để sản xuất thép câu về dưới 5% vào 2020.

Vì lẽ đó, kỳ vọng của Chính phủ tăng tỷ lệ xuất khẩu lên 15% sản lượng sản xuất, và giảm khối lượng nhập khẩu xuống còn 35% nhu cầu tiêu thụ trong nước năm 2015 là khó đạt được.

Ngành giấy

Hiện nay Việt Nam chỉ sản xuất được các sản phẩm như giấy in, giấy in báo, giấy bao bì công nghiệp thông thường, giấy vàng mã, giấy vệ sinh chất lượng thấp. Các loại giấy kỹ thuật điện, điện tử; giấy sản xuất thuốc lá, giấy in tiền, in tài liệu bảo mật vẫn phải nhập khẩu.

Có khoảng 500 doanh nghiệp giấy, trong đó 90 doanh nghiệp có công suất trên 1.000 tấn/năm, còn lại là doanh nghiệp nhỏ, hộ cá thể.

Trong mấy năm gần đây, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu giấy từ Asean (tới 50% lượng nhập khẩu). Thuế nhập khẩu đối với giấy các loại trong hiệp định Asean đã ở mức thấp, và sẽ về 0% năm 2018. Đối với bột giấy, việc cắt giảm thuế sẽ sẽ về 0% đến 2019 với tất cả các FTA. Trong bối cảnh đó,  ngành này sẽ đối diện cạnh tranh gay gắt.

Nguồn: TBKTSG