Xuất khẩu của khối FDI đạt 101,59 tỷ USD
30/12/2014 16Công Thương- Xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) năm 2014 đạt 101,59 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2013 và chiếm 68% kim ngạch xuất khẩu.
Đóng góp lớn vào thành tích xuất siêu
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (FIA) – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 15/12/2014, xuất khẩu của khu vực FDI (kể cả dầu thô) trong 12 tháng năm 2014 đạt 101,59 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2013 và chiếm 68% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong đó, nếu không tính tới dầu thô, xuất khẩu khu vực này đạt 94,41 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2013.
Xét về hoạt động nhập khẩu, tính đến tháng 12 năm 2014, giá trị nhập khẩu của các doanh nghiệp FDI đã đạt 84,56 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 57% kim ngạch nhập khẩu. Tính chung 12 tháng, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu 17,03 tỷ USD.
Như vậy, trong bảng thành tích xuất siêu của Việt Nam năm 2014, có sự đóng góp không nhỏ của khối doanh nghiệp FDI.
Gia tăng thu hút vốn - Thước đo cải cách
Tính đến ngày15/12, cả nước có 1.588 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) với tổng vốn đăng ký 15,64 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2013.
Trong đó, có 594 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 4,58 tỷ USD.
Tính chung cả cấp mới và tăng vốn năm 2014, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 20,23 tỷ USD, bằng 93,5% so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên, kết quả này đã vượt 19% so với kế hoạch năm 2014 là 17 tỷ USD.
Con số này phần nào phản ánh những giải pháp trong cải cách về môi trường kinh doanh, thể chế kinh tế- xã hội mà Chính phủ Việt Nam thực hiện quyết liệt trong thời gian qua đã có tác động tích cực tới các nhà đầu tư nước ngoài.
Thêm vào đó, tiến độ giải ngân cũng được đẩy nhanh. Tính đến ngày 15/12, ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 12,35 tỷ USD, tăng 7,4 % so với cùng kỳ năm 2013 và tăng 2,9% so với kế hoạch năm 2014.
Cũng theo FIA, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là nơi tụ vốn FDI nhiều nhất với 774 dự án đầu tư đăng ký mới cùng tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 14,49 tỷ USD, chiếm 71,6% tổng vốn đầu tư đăng ký cả năm 2014.
Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với 35 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt 2,54 tỷ USD, chiếm 12,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ 3 là lĩnh vực xây dựng với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,05 tỷ USD, chiếm 5,2% tổng vốn đăng ký.
Làm nên bảng thành tích thu hút FDI của Việt Nam phải kể đến vai trò tối quan trọng của các nhà đầu tư Hàn Quốc. Với một số “siêu” dự án (Dự án Tổ hợp công nghệ cao Sam Sung Thái Nguyên – giai đoạn 2 với tổng vốn đầu tư đăng ký 3 tỷ USD; Dự án Công ty TNHH điện tử Samsung CE Complex với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,4 tỷ USD; Dự án Công ty TNHH SamSung Display Bắc Ninh với tổng vốn đầu tư đăng ký 1 tỷ USD), các doanh nghiệp Hàn Quốc đang giúp Việt Nam trở thành điểm sáng trên bản đồ “điểm đến FDI” của khu vực châu Á.
Nguồn: Báo Công Thương
- VCCI lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
- Đàm phán cấp bộ trưởng về thuế đối ứng với Mỹ tại đảo Jeju, Việt Nam đạt kết quả bước đầu
- Việt Nam đề nghị tiếp cận nhập khẩu, chuyển giao hàng hóa công nghệ cao
- Doanh nghiệp dệt may cần hành động ra sao để hóa giải ‘bóng ma’ thuế quan cao?
- Nông sản Việt rộng đường chính ngạch vào Trung Quốc