Gia nhập AEC: Còn nhiều thách thức
25/12/2014 104Tại hội thảo "Đánh giá mức độ sẵn sàng của Việt Nam về các khía cạnh kinh tế - xã hội trước thềm Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)" do Dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU Mutrap) tổ chức tại TP.HCM mới đây, các chuyên gia cho rằng, nhìn chung Việt Nam đã có những chuẩn bị sẵn sàng về mặt kinh tế - xã hội cho AEC, nhưng vẫn còn phải xử lí những khó khăn, bất cập không nhỏ.
Đánh giá mức độ sẵn sàng của Việt Nam trên các phương diện tăng trưởng kinh tế, GDP bình quân đầu người, thu hút FDI, năng lực canh tranh, tăng trưởng thương mại, thị trường tài chính và các khía cạnh xã hội, ông Nguyễn Anh Dương, Viện Nghiên cứu quản lí kinh tế Trung ương cho rằng, thế mạnh của Việt Nam là ổn định chính trị, xã hội, dân số trẻ, tầng lớp thu nhập trung bình đang nổi lên, tăng trưởng kinh tế đi kèm với tạo việc làm và tiến bộ xã hội, vị trí địa lí quan trọng và quy mô sản xuất tương đối lớn...
Về các biện pháp thực hiện AEC, theo bà Trần Bình Minh, Viện Nghiên cứu quản lí kinh tế trung ương, đối với trụ cột một thị trường và một cơ sở sản xuất kinh doanh chung, dù chưa thực sự hiệu quả về phí và lệ phí, hợp tác với cơ quan biên giới nhưng Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc trên các phương diện quản trị và công bằng, tham gia vào cộng đồng thương mại, quy trình rà soát, thủ tục.
Đối với trụ cột về Khu vực kinh tế cạnh tranh, Việt Nam đã tích cực trong việc sửa đổi và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng thúc đẩy một khu vực kinh tế cạnh tranh cũng như kí kết và tham gia các thỏa thuận trong ASEAN. Trụ cột phát triển kinh tế công bằng được thực hiện thông qua thúc đẩy phát triển các DN nhỏ và vừa và sáng kiến hội nhập ASEAN.
Đối với trụ cột về hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đang hướng đến những sân chơi có chất lượng cam kết cao hơn như TPP, RCEP, FTA VN-EU, FTA Việt Nam – Liên minh Hải quan Nga, Belarus và Kazakstan, FTA Việt Nam – Hàn Quốc.
Mặc dù vậy, theo các chuyên gia quá trình thực hiện AEC của Việt Nam vẫn phải đối đầu với khá nhiều khó khăn. Những khó khăn này một phần xuất phát từ những bất cập trong hệ thống thể chế, chất lượng nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng. Cụ thể, theo phân tích của ông Nguyễn Anh Dương, về tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn chưa ứng phó tốt với ảnh hưởng từ các cú sốc trên thị trường quốc tế về giá cả, dòng vốn, khủng hoảng tài chính. Điển hình từ sau khi Việt Nam gia nhập WTO vào năm 2007, tăng trưởng GDP giảm mạnh: Năm 2007, đạt 8,5%, năm 2008: 4%, năm 2009: 3,2%, năm 2011-2012: dưới 4%, từ năm 2011 đến nay, mặc dù tốc độ tăng trưởng GDP đã có dấu hiệu phục hồi nhưng còn chậm, năm 2014 dự kiến đạt khoảng 6,4%. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam còn kém cạnh tranh hơn các nước trong khu vực và dựa nhiều vào tài nguyên, thiên nhiên và lao động.
Về GDP bình quân đầu người, mặc dù đã đạt mức tăng ấn tượng so với các nước trong khu vực trong vòng 15 năm (từ 1984 đến năm 2012) với 275%, tuy nhiên Việt Nam vẫn ở mức thấp gần nhất khu vực chỉ cao hơn Lào và Campuchia. Mặc dù thu hút FDI vẫn là một ưu tiên gắn với hội nhập kinh tế quốc tế và huy động nguồn lực từ bên ngoài nhưng vẫn còn hạn chế (thấp hơn cả Campuchia). FDI cũng đóng góp chưa tương xứng và thiếu gắn kết với khu vực trong nước. Đóng góp của FDI vào tăng trưởng thương mại đạt 60% nhưng vào GDP chỉ đạt gần 20%. Năng lực cạnh tranh chậm được cải thiện, hạ tầng kém phát triển, kĩ năng và nâng suất lao động tương đối thấp, thể chế kinh tế (kể cả thể chế cho hội nhập kinh tế quốc tế còn bất cập) thể hiện ở sự tham gia cho DN vào quá trình đàm phán các FTA chưa được cải thiện. Về mặt xã hội, mặc dù đã duy trì được đà tiến bộ nhưng chuyển biến chậm trong thời gian gần đây.
Ngoài ra, theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hào, nguyên thứ trưởng Bộ Công Thương, Việt Nam còn chậm đổi mới về khoa học, công nghệ, hiện nay các khu công nghệ cao của Việt Nam tập trung chủ yếu là DN nước ngoài, Thị trường chứng khoán phát triển chậm, khả năng thu hút vốn kém. Các ngành nông nghiệp chủ yếu dựa vào tài nguyên, lao động rẻ nên giá trị gia tăng không cao, dịch vụ yếu kém. Đặc biệt, thách thức lớn nhất là nguy cơ tụt hậu vẫn còn đe dọa.
Bên cạnh những khó khăn nội tại, triển vọng hội nhập AEC của Việt Nam còn bị ảnh hưởng không nhỏ bởi bối cảnh khu vực còn đan xen cạnh tranh, hợp tác và tranh chấp, rủi ro bẫy thu nhập trung bình cũng như sự nổi lên của một số nền sản xuất lớn như Trung Quốc, Ấn Độ.
Để củng cố và nỗ lực chuẩn bị hướng tới AEC 2015, các chuyên gia cho rằng,Việt Nam cần tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả các cam kết của mình. Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện khả năng cạnh tranh, nâng cao năng lực thể chế và năng lực của DN để tận dụng các cơ hội. Bên cạnh đó, cần nỗ lực tuyên truyền, quản lí giám sát thông tin, đồng thời, tăng cường cải cách trong nước về môi trường kinh doanh, đầu tư, chất lượng hạ tầng, nguồn nhân lực cùng với khuôn khổ pháp lí thông suốt là bước đi căn bản không thể thiếu để Việt Nam có thể tham gia hiệu quả vào sân chơi chung của khu vực.
Nguồn: Báo Hải quan
- VCCI lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
- Đàm phán cấp bộ trưởng về thuế đối ứng với Mỹ tại đảo Jeju, Việt Nam đạt kết quả bước đầu
- Việt Nam đề nghị tiếp cận nhập khẩu, chuyển giao hàng hóa công nghệ cao
- Doanh nghiệp dệt may cần hành động ra sao để hóa giải ‘bóng ma’ thuế quan cao?
- Nông sản Việt rộng đường chính ngạch vào Trung Quốc