Bài toán đặt ra lúc này có lẽ là phải có một mặt hàng chiến lược với chính sách phát triển rõ ràng.

Theo TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, sự quyết liệt mở cửa thị trường qua đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ khiến Việt Nam trở thành điểm đầu tư hấp dẫn đối với các DN châu Âu. Mặc dù có nhiều ý kiến lo ngại rằng, việc Việt Nam tham gia quá nhiều FTA là "không tự lượng sức", song theo ông Thành trong các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam đã đi trước một bước.

Ông Thành phân tích, các NĐT Liên minh châu Âu (EU) hiện nhìn ASEAN như một thị trường chung, cơ sở sản xuất thống nhất trong tương lai gần. Là một thành viên trong khối này, với việc đẩy mạnh tự do hoá thương mại, chắc chắn Việt Nam sẽ trở thành một cửa ngõ tốt để qua đây các DN nước ngoài tiến vào ASEAN và các quốc gia châu Á láng giềng.

Trong khi các thành viên khác ở khu vực đang rất dè dặt với mở cửa thị trường, Việt Nam đã "bỏ túi" và đang tiếp tục đàm phán nhiều FTA với các đối tác quan trọng như Hàn Quốc, Nhật Bản, Liên minh Nga, Belarus, Kazakhstan... Cùng với chiến lược đầu tư Trung Quốc +1, các DN EU dời cơ sở sản xuất khỏi Trung Quốc, thì điểm đến hấp dẫn chắc chắn sẽ là Việt Nam.

Cũng theo ông Thành, mạng sản xuất của các tập đoàn xuyên quốc gia trong khu vực châu Á hiện đã có sẵn. Vì vậy, cơ hội cho DNNVV của Việt Nam tham gia vào mạng ấy là vô cùng khó khăn. Bởi với các tập đoàn xuyên quốc gia, việc chuyển đổi đối tác từ mạng sẵn có của họ sang hợp tác với các DN Việt Nam đòi hỏi thêm chi phí. Chưa kể, năng lực của DN Việt Nam cũng khó đáp ứng yêu cầu ngay. Như Samsung vừa qua cũng đã khẳng định sẽ không có sự ưu tiên với Việt Nam, mà DN của chúng ta buộc phải có sản phẩm chất lượng tốt hơn, với giá cạnh tranh hơn thì họ mới cho thế chân vào mạng lưới của họ.

Thế nhưng, theo ông Thành đối với các NĐT của EU hay Hoa Kỳ và một số nước phát triển khác thì mạng sản xuất của họ không sẵn có trong khu vực ASEAN. Vì vậy, khả năng để DNNVV của Việt Nam chen được vào mạng sản xuất này và phát triển công nghiệp hỗ trợ là cao hơn. Bài toán đặt ra lúc này có lẽ là phải có một mặt hàng chiến lược với chính sách phát triển rõ ràng.

Câu chuyện chen chân vào chuỗi sản xuất công nghiệp của EU dường như cũng liên quan tới các nhận định mà cộng đồng DN này đưa ra mới đây trong cuốn Sách trắng 2015, liên quan tới ngành công nghiệp ô tô.

Theo đánh giá của các NĐT EU, lộ trình mở rộng sản xuất kinh doanh trong chuỗi giá trị của các nhà sản xuất ô tô tuân theo 5 bước thì các DN châu Á hiện mới chủ yếu dừng lại ở bước thứ 2 và thứ 3 là xuất khẩu và thăm dò. Cụ thể hơn là chưa có hoạt động nghiên cứu và phát triển, chỉ tìm được các nhà cung cấp linh kiện giản đơn hoặc module nhỏ. Cùng với đó là hàm ý thị trường còn nhiều khoảng trống cho các NĐT vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô.

Để tăng tính hấp dẫn cho các đơn vị lắp ráp ô tô trong nước, cộng đồng DN châu Âu đã kiến nghị các cơ quan chức năng xây dựng cơ chế ưu đãi như hoàn thuế, quyền xuất khẩu, khu dành cho hàng hoá quá cảnh đối với bộ phận, phương tiện và linh kiện để sản xuất ô tô, đầu tư xây dựng nhà máy và trang thiết bị, đầu tư tập huấn cho nhân viên...

"Trước mắt, chúng tôi khuyến nghị cắt giảm một loạt các loại thuế nhập khẩu ngay lập tức, theo xu hướng giảm dần với lộ trình rõ ràng, từ đó tăng nhu cầu sử dụng ô tô. Như vậy mới có dung lượng thị trường đủ lớn để hấp dẫn NĐT", đại diện Eurocham cho biết.

Nguồn: Thời báo Ngân hàng