Sẽ tham gia Công ước La Haye về tống đạt giấy tờ
11/12/2014 51Năm 2014, 52% yêu cầu ủy thác tư pháp của Việt Nam gởi ra nước ngoài không nhận được hồi âm. Vì vậy Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho rằng, để giải quyết trở ngại này, việc nghiên cứu gia nhập Công ước La Haye là cần thiết.
Hôm nay, 10-12, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội thảo kinh nghiệm quốc tế về tham gia và thực thi Công ước La Haye năm 1965 về Tống đạt giấy tờ.
(Tên đầy đủ của Công ước này là Công ước ngày 15/11/1965 về tống đạt ở nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp liên quan tới dân sự và thương mại - Convention of 15 November 1965 on the Service Abroad of Judicial and Extrajudicial Documents in Civil or Commercial Matters. Đây là công ước thứ 14 trong số 39 công ước và nghị định thư của Hội nghị La Haye về tư pháp quốc tế - Conférence de La Haye de droit international privé )
Tại hội thảo, bà Phạm Hồ Hương, Trưởng phòng Tư pháp quốc tế, Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp cho biết, hiện nay Việt Nam chỉ mới ký 15 hiệp định/thỏa thuận tương trợ tư pháp với các nước (chủ yếu các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa trước đây – quá nhỏ so với số lượng quốc gia/vùng lãnh thổ mà Việt Nam có quan hệ ngoại giao và quan hệ thương mại) nên chưa tạo ra được cơ chế pháp lý đầy đủ để đáp ứng nhu cầu về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tương trợ tư pháp.
Cụ thể, theo bà Hương, năm 2014 có 85% yêu cầu ủy thác tư pháp gửi ra nước ngoài là những nước chưa có hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam; tỷ lệ không có kết quả từ nước ngoài gửi về lên đến 52%; nếu có kết quả thì thời gian thực hiện thường kéo dài, thậm chí lên đến hàng năm. Trong khi việc tống đạt giấy tờ là yêu cầu bắt buộc của pháp luật tố tụng Việt Nam để quyết định chính xác vụ việc, bảo vệ quyền và lợi ích của các bên.
Ông Lê Mạnh Hùng, Viện Khoa học xét xử, Tòa án nhân dân tối cao cho biết, trung bình hàng năm (tính từ năm 2010 đến nay) các Tòa án nhân dân cấp tỉnh thụ lý giải quyết khoảng 3.500 đến 4.000 vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài và phải ủy thác tư pháp ra nước ngoài cho đương sự ở nước ngoài và gặp rất nhiều khó khăn.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc thừa nhận, hiện nay số lượng tranh chấp dân sự và thương mại có yếu tố nước ngoài ngày càng tăng, do đó các yêu cầu về tống đạt giấy tờ cũng tăng. Cho nên, theo ông việc tìm hiểu, gia nhập Công ước La Haye là rất hữu ích, vì Công ước Tống đạt giấy tờ sẽ giúp Việt Nam hoàn thiện thể chế liên quan đến tư pháp quốc tế thông qua việc áp dụng những chuẩn mực quốc tế về tương trợ tư pháp, đưa hệ thống pháp luật, quy trình tố tụng của Việt Nam đến gần và phù hợp với hệ thống pháp luật quốc tế.
Công ước La Haye về Tống đạt hiện nay có 68 thành viên (quốc gia) tham gia.
Nguồn: TBKTSG
- VCCI lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
- Đàm phán cấp bộ trưởng về thuế đối ứng với Mỹ tại đảo Jeju, Việt Nam đạt kết quả bước đầu
- Việt Nam đề nghị tiếp cận nhập khẩu, chuyển giao hàng hóa công nghệ cao
- Doanh nghiệp dệt may cần hành động ra sao để hóa giải ‘bóng ma’ thuế quan cao?
- Nông sản Việt rộng đường chính ngạch vào Trung Quốc