FTA: Cần có một kế hoạch thống nhất
11/12/2014 10Dường như Việt Nam mới chỉ rất giỏi trong đàm phán, trong khi lại chưa chuẩn bị thấu đáo cho sự hội nhập. Ngay cả những cuộc hội thảo và đối thoại gần đây được tổ chức, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam khi được hỏi vẫn còn tỏ ra rất mù mờ thông tin.
Cứ mỗi khi đề cập đến vấn đề hội nhập, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan tỏ ra khá lo lắng về khả năng tận dụng các cơ hội từ các FTA mà Việt Nam đang đàm phán và có khả năng ký kết vào năm sau.
Theo ông, Việt Nam đã thực hiện chính sách hội nhập từng bước một cách khá là hợp lý trong giai đoạn trước kia: bắt đầu từ việc tham gia ASEAN, ký kết Hiệp định Thương mại Song phương với Mỹ và tham gia Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO). “Từ thấp lên cao, từ dễ đến khó, cái đó là chấp nhận được, nhưng giai đoạn sau tôi thấy dồn dập quá”, ông Khoan nói.
Theo Bộ Công Thương, Việt Nam đang đàm phán 6 hiệp định FTA. Các FTA này được cho là mở rộng sự hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới và cũng được kỳ vọng sẽ giúp đẩy nhanh sự phát triển kinh tế trong tương lai. Tuy vậy, theo ý kiến của ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thì dường như Việt Nam mới chỉ rất giỏi trong đàm phán, trong khi lại chưa chuẩn bị thấu đáo cho sự hội nhập.
Ngay cả những cuộc hội thảo và đối thoại gần đây được tổ chức, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam khi được hỏi vẫn còn tỏ ra rất mù mờ thông tin về các quy định cũng như cam kết của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) - thể chế sẽ được thực hiện ngay từ năm tới chứ chưa nói gì đến các FTA với EU hay cao hơn là TPP.
Thị trường bán lẻ là một ví dụ. Trong quá trình đàm phán WTO, các chuyên gia đàm phán của Việt Nam đã phải rất vất vả để đấu tranh nhằm trì hoãn việc mở cửa thị trường bán lẻ đến tận năm 2009 với hy vọng doanh nghiệp trong nước sẽ kịp trưởng thành để chống lại sự bành trướng của bên ngoài.
Nhưng mọi nỗ lực dường như chỉ nằm trên bàn đàm phán. Các hãng bán lẻ trong nước, dù có thời gian để chuẩn bị, dường như chẳng làm gì để chống lại sự xâm lấn đó. Kết quả cho đến nay, khi thời hạn xin hoãn đã hết, thì các hãng bán lẻ nước ngoài đang dần chi phối thị trường thông qua mua lại những hãng bán lẻ nội địa.
“Nên cân nhắc bước đi cho thích hợp, tôi rất ngạc nhiên chúng ta làm luôn một lèo 6 đàm phán và phần lớn kết thúc trong năm 2015. Cái đó bây giờ không còn gì để nói nữa. Điều quan trọng tôi cho là, đến bây giờ vẫn chưa có một động thái nào để chuẩn bị thực hiện những cam kết đó”, giáo sư Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bình luận.
Ông Mại nhớ lại, khi Việt Nam chuẩn bị vào WTO, đã có một nghị quyết của Trung ương Đảng về WTO và cũng có một Chương trình hành động về WTO. Nhưng đến bây giờ thời điểm vào AEC - một cộng đồng “quá lớn, quá tự do”, theo ông Mại - đã chỉ còn tính từng ngày, nhưng nội dung và sự chuẩn bị của các doanh nghiệp Việt chưa có nhiều.
Nhận xét về tác động của TPP - một hiệp định được kỳ vọng rất nhiều, ông Glenn Maguire, chuyên gia kinh tế trưởng của ngân hàng ANZ tại châu Á-Thái Bình Dương nhận định: TPP không hẳn là hiệp định, quan trọng nhất với Việt Nam trong thời điểm hiện tại. Mà một hiệp định khác chúng ta đang đàm phán và có khả năng thành công lớn hơn đó là Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP).
“Đây là một hiệp định thương mại tự do nó phù hợp hơn cho các nền kinh tế châu Á, và đặc biệt có thể giúp cho họ cải thiện vị thế của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu. Một điều khoản trong hiệp định này đó là hỗ trợ cho các nền kinh tế có thu nhập thấp hơn, nó cũng làm cho hiệp định này có khả năng được thông qua một cách dễ dàng hơn với các nền kinh tế châu Á”, ông Glenn nói.
Theo ông Vũ Khoan, điều cần làm ngay là phải xây dựng một kế hoạch liên kết các FTA lại thành một thể thống nhất. Trong đó, định rõ được những ưu tiên về lĩnh vực, về khu vực, về đối tượng hợp tác, từ đó có những hành động chuẩn bị cần thiết, tránh như hồi gia nhập WTO.
Nguồn: Thời báo Ngân hàng
- VCCI lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
- Đàm phán cấp bộ trưởng về thuế đối ứng với Mỹ tại đảo Jeju, Việt Nam đạt kết quả bước đầu
- Việt Nam đề nghị tiếp cận nhập khẩu, chuyển giao hàng hóa công nghệ cao
- Doanh nghiệp dệt may cần hành động ra sao để hóa giải ‘bóng ma’ thuế quan cao?
- Nông sản Việt rộng đường chính ngạch vào Trung Quốc