Nếu cơ quan chức năng Trung Quốc tiếp tục gây khó dễ cho các tập đoàn đa quốc gia nước ngoài, ASEAN có thể trở thành điểm đến thay thế cho các tập đoàn này.
Điều tra mang tính bảo hộ của Trung Quốc
Cho dù đã tỏ ra rất thân thiện và hợp tác tại hội nghị thượng đỉnh APEC vào tháng trước, Bắc Kinh gần đây lại đưa ra cách tiếp cận mang tính đối đầu với phía nhà đầu tư nước ngoài. Kết quả là, một số công ty nước ngoài đã chuyển cơ sở sản xuất đến Đông Nam Á. Động thái này có thể châm ngòi cho một sự bùng nổ đầu tư ở Việt Nam, quốc gia đã nhận được nhiều dự án lớn từ các công ty trên toàn thế giới, cho thấy tiềm năng to lớn của quốc gia nàytrong việc trở thành điểm đầu tư nước ngoài.
Trong những tháng gần đây, các cơ quan chức năng Trung Quốc đã phạt các công ty phương Tây nhiều triệu đôla mà đôi khi chỉ dựa trên những luận cứ thiếu tính thuyết phục. Các hãng xe như Volkswagen và Chrysler, Hãng điện tử khổng lồ của Hàn Quốc Samsung, và các tập đoàn đa quốc gia Mỹ như GlaxoSmithKline và Johnson & Johnson đã bị phạt một khoảng tiền khổng lồ do bị Trung Quốc cáo buộc có hành vi độc quyền. Microsoft, Qualcomm và Daimler-Benz vẫn đang bị điều tra.
Những khoản tiền phạt này tựa như chính sách bảo hộ sân sau ở một thị trường mở, nơi hàng chục nhà sản xuất xe hơi hoặc nhà sản xuất hàng gia dụng cạnh tranh với nhau và thường là cạnh tranh không lành mạnh. Đây có thể không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi các khoản tiền phạt này lại được áp dụng cho các ngành công nghiệp mà Trung Quốc vốn có kế hoạch tạo ra dòng sản phẩm riêng nhưng đã thất bại trong việc xâm nhập thị trường, chẳng hạn như xe hơi cao cấp và máy tính.
Việc thực thi các quy định kinh doanh thường do các cán bộ địa phương – những người thiếu kinh nghiệm và thiếu sự đào tạo cần thiết để tiến hành các cuộc điều tra phức tạp đối với các tập đoàn đa quốc gia – thực hiện. Do đó, cuối cùng họ lại lấy đi nhiều dữ liệu mật của công ty. Số tiền phạt khổng lồ được đưa ra đôi khi chỉ một vài tuần sau các cuộc điều tra, trong khi các công ty bị điều tra lại có rất ít cơ hội để phản ứng lại số tiền phạt này.
Hậu quả của việc này là một số công ty đã chuyển cơ sở sản xuất sang nơi khác, chủ yếu là sang Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam – quốc gia đã nhận được các dự án đầu tư quan trọng. Samsung đã mở rộng cơ sở đầu tiên của mình tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư 2,5 tỷ USD, và đang xây dựng thêm hai cơ sở nữa với tổng đầu tư khoảng 3,4 tỷ USD bắt đầu từ mùa hè năm 2013.
Trung Quốc nhận ra được các thiệt hại có thể xảy ra. Trước Hội nghị thượng đỉnh APEC, Trung Quốc đã cho đồng nhân dân tệ - vốn luôn được Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ - tăng 37% so với các đồng tiền khác, để xoa dịu các đối tác thương mại vốn thường xuyên lớn tiếng phàn nàn rằng tỷ giá hối đoái thấp giả tạo của Trung Quốc làm tổn thương đến hàng xuất khẩu của họ, trong khi sản phẩm Trung Quốc lại được lợi trên chính thị trường nội địa của các nước này.
Dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang ASEAN
Trong khi Trung Quốc – với cương vị là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới - là người được hưởng lợi chính từ các quy định về tự do thương mại và đầu tư của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thì thị trường riêng của nước này vẫn còn khép kín trước một số ngành công nghiệp nước ngoài, và các doanh nghiệp nhà nước vẫn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ trong đó bao gồm làm lệch đi các sân chơi để ngăn chặn các nhà đầu tư nước ngoài.
Trung Quốc vẫn là một thị trường đầy ấn tượng và là nơi có các cấu trúc chuỗi cung ứng toàn diện nhất. Nhưng khi thị trường chung khu vực Đông Nam Á có hiệu lực vào năm 2015, ASEAN có thể nhanh chóng nổi lên như một đối trọng với Trung Quốc. Với sự tích hợp của 10 nền kinh tế có mức độ kỹ năng lao động và cấu trúc chi phí lao động khác nhau, chuỗi cung ứng có thể được xây dựng lại trong ASEAN mà bỏ qua Trung Quốc.
Hiện tại, sản xuất và lắp ráp đã được chuyển đến Việt Nam và Indonesia. Campuchia đang trở thành một người chơi nghiêm túc trong phân khúc may gia công cấp thấp, và Myanmar đã sẵn sàng nổi lên như là nơi cung cấp nguồn lao động giá thấp tiếp theo, nếu cải cách nước này diễn biến theo kế hoạch. Với các ngành công nghiệp cao cấp của Malaysia (sản xuất linh kiện điện tử) và Thái Lan (sản xuất linh kiện ô tô) - toàn bộ chuỗi cung ứng có thể di chuyển đến các nước ASEAN nếu Trung Quốc trở nên ngày càng không hoan nghênh đầu tư, hoặc thậm chí trở thành nơi có nguy cơ cao đối với các công ty nước ngoài.
Hơn nữa, nếu Hiệp định TPP – một Hiệp định thương mại tự do đang được đàm phán bởi 12 quốc gia Thái Bình Dương, bao gồm Malaysia, Singapore, Brunei và Việt Nam, Trung Quốc sẽ có nguy cơ bị cô lập.
Thương mại hàng hóa trung gian – mua bán các nguyên liệu đầu vào để cấu thành nên sản phẩm hoàn chỉnh - hiện nay đang bị chi phối bởi Trung Quốc. Ví dụ như khoảng 60% các nguyên liệu đầu vào dùng để sản xuất hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc. Theo quy định đề xuất của TPP, chỉ có các sản phẩm làm từ nguyên liệu đầu vào của các nước thành viên TPP mới đủ điều kiện để được miễn thuế nhập khẩu vào các thị trường lớn như Bắc Mỹ, Nhật Bản, Australia và New Zealand.
Một số trường hợp ngoại lệ có thể được thương lượng, chẳng hạn như Việt Nam ưa thích quy tắc "cắt-và-may", nhưng nếu các quy định đề xuất về xuất xứ thành hiện thực, thì nước này sẽ cho các nhà đầu tư những ưu đãi bổ sung để thiết lập các nhà máy sản xuất cho chuỗi cung ứng toàn cầu ở các nước thành viên TPP hơn là ở Trung Quốc. Ngoài ra, rất có thể cảm giác Trung Quốc không còn là nơi an toàn cho người nước ngoài kinh doanh sẽ nảy sinh, và sự thay đổi đáng kể trong mô hình đầu tư: rời khỏi Trung Quốc và tiến đến ASEAN rất có thể sẽ xảy ra.
Kể từ khi Trung Quốc phải đối mặt với những rủi ro này, câu hỏi đặt ra là liệu Bắc Kinh có kết thúc các cuộc điều tra mang tính công kích vào các công ty nước ngoài hay không? Câu trả lời có lẽ là không. Yêu sách hung hăng về lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông và chính sách công nghiệp quyết đoán là hai mặt của cùng một đồng tiền: gia tăng sức mạnh của Trung Quốc trong một trật tự thế giới mới. Rất khó để từ bỏ khía cạnh này trong khi đang theo đuổi khía cạnh còn lại; lại không thể từ bỏ cả hai khía cạnh mà không làm các lãnh đạo mất mặt.
Một lợi thế còn lại cho Trung Quốc là cơ sở vật chất hạ tầng tuyệt vời của nước này, đặc biệt là khi so sánh với một số nước ASEAN. Trớ trêu thay, ý tưởng Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á do Trung Quốc đề xuất có thể giúp đối thủ cạnh tranh của nước này đuổi kịp lợi thế còn lại trên của Trung Quốc.
Nguồn: http://hoinhap.org.vn/
- VCCI lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
- Đàm phán cấp bộ trưởng về thuế đối ứng với Mỹ tại đảo Jeju, Việt Nam đạt kết quả bước đầu
- Việt Nam đề nghị tiếp cận nhập khẩu, chuyển giao hàng hóa công nghệ cao
- Doanh nghiệp dệt may cần hành động ra sao để hóa giải ‘bóng ma’ thuế quan cao?
- Nông sản Việt rộng đường chính ngạch vào Trung Quốc