Ngành công nghiệp da giày toàn cầu dự kiến sẽ tăng từ 4-5% (tức gần 200 tỷ USD) vào năm 2015 khi nền kinh tế toàn cầu đang dần phục hồi, kích thích nhu cầu tiêu dùng đối với các nhãn hiệu hàng đầu như Nike hay Steve Madden.
Matt Priest, chủ tịch Hiệp hội các nhà phân phối da giày và bán lẻ Mỹ (FDRA) cho biết: "Nền kinh tế Mỹ đang có những chuyển biến tích cực. Tỷ lệ thất nghiệp giảm và giá nhiên liệu hạ xuống khiến người tiêu dùng chi cho tiêu dùng nhiều hơn." Ông Priest tin doanh số bán hàng đối với giày dép của Mỹ có thể tăng 4%, đạt 60 tỷ trong năm 2015, cao hơn so với mức tăng trưởng 2-3% trong năm 2014 và mức tăng trưởng 1-2% trong năm 2013.
Ông lưu ý rằng thị trường Mỹ chỉ chiếm gần 1/3 doanh số bán hàng da giày toàn cầu, và dự đoán rằng doanh số này năm 2015 có thể đạt mức 195 tỷ USD. Ông Priest cho rằng hầu hết tăng trưởng nằm ở khu vực châu Á và Trung Đông, nơi có nhiều thương hiệu da Mỹ và quốc tế đang đặt mục tiêu tăng mạnh tỷ lệ tiêu dùng.
Tăng trưởng chậm trong năm 2014
Doanh số bán hàng da giày toàn cầu năm 2014 dự kiến sẽ tăng trưởng 2-3% so với 1-2% trong năm 2013. Ông Stephen Lamar, phó chủ tịch Hiệp hội May mặc và Da giày Mỹ cho rằng: "mức tăng trưởng sẽ giữ nguyên hoặc chỉ tăng nhẹ. Mọi người nghĩ tăng trưởng sẽ diễn ra mạnh mẽ và chúng ta sẽ thoát khỏi suy thoái kinh tế trong năm nay, nhưng điều này đã không xảy ra." Ông Lamar cho biết thương mại Mỹ vẫn còn khá lâu mới có thể phục hồi trong khi các thị trường chủ chốt khác ở châu Âu, Trung Quốc và Ấn Độ cũng đang gặp trì trệ.
Ông Carlos Benedetti, Chủ tịch Hiệp hội da giày Mexico Anpic, cho biết lệnh cấm vận của Nga đã gây tác động xấu đến các nhà sản xuất Châu Âu, đặc biệt là nhà cung cấp đứng thứ hai trên thế giới: Italy, góp phần làm giảm mức tăng trưởng của ngành này trong năm 2014.
Cắt giảm các rào cản
Tại Đại hội da giày thế giới lần thứ 5 tổ chức vào tháng 11 năm 2014, các đại biểu đã kêu gọi các nước loại bỏ các biện pháp bảo hộ (thuế nhập khẩu cao và các rào cản phi thuế quan) để giúp thúc đẩy thương mại toàn cầu.
"Nhiều ngành công nghiệp ở một số nước đang gia tăng áp lực lên chính phủ nhằm khiến chính phủ đưa ra các biện pháp bảo hộ", ông Lamar cho biết. Ông cũng cho biết thêm rằng gần đây Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil và Argentina đã áp dụng các biện pháp bảo hộ. Tháng 8, Mexico đã đưa ra một gói viện trợ da giày để bảo vệ ngành công nghiệp trong trước trước sự tăng vọt hàng nhập khẩu từ Châu Á, trong đó áp thuế nhập khẩu 25-30% và hạn chế hàng hóa di chuyển qua chín cổng hải quan nước mình.
Tuy vậy, với việc kỹ thuật số và thương mại điện tử vẫn tiếp tục phát triển mạnh, một số nhà quan sát nói rằng chủ nghĩa bảo hộ có thể dần dần biến mất. Ông William Wong, phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp da giày Hồng Kông nhận định rằng: Sớm hay muộn thì hầu hết các nước đều sẽ bỏ các rào cản do mọi thứ đều được bày bán trực tuyến, và các nhà bán lẻ bằng phương pháp thương mại điện tử cũng không chịu ảnh hưởng bởi những rào cản. Chẳng hạn như "Australia không có bất cứ khoản thuế nhập khẩu, thuế GTGT nào đối với người mua hàng qua Amazon hoặc qua Red Tube ở Trung Quốc.", ông nói.
Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của WTO
Các đại biểu tại Đại hội hoan nghênh việc WTO đã thông qua Hiệp định tạo thuận lợi thương mại (TFA), và cho rằng Hiệp định này sẽ giúp loại bỏ sự quan liêu trên hệ thống hải quan toàn cầu và đem lại lợi ích cho thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, các đại biểu cho biết việc ký kết Hiệp định TTIP giữa Mỹ và Châu Âu, trong đó tạo ra các quy tắc và các quy định chung cho toàn cầu về vấn đề quản lý hóa chất, an toàn sản phẩm và ghi nhãn xuất xứ, cũng rất quan trọng.
"Một trong những thách thức lớn của ngành công nghiệp da giày là các quy định về quản lý hóa chất, nhãn mác và an toàn sản phẩm giữa các quốc gia thường khác nhau và mâu thuẫn. Nếu Mỹ và EU thống nhất được các tiêu chuẩn nghĩa là sẽ có một tiền lệ cho thương mại toàn cầu.", ông Larmar giải thích.
Biện pháp thuê gần
Tìm nguồn cung ứng cũng là một thách thức lớn khi tiến về phía trước. Cũng như ngành công nghiệp may mặc, các nhà cung cấp sản phẩm da giày được dự kiến sẽ di chuyển cơ sở sản xuất đến gần những nơi có nhu cầu cao, gọi là biện pháp "thuê gần". Lao động và chi phí sản xuất tăng cao khiến Trung Quốc không còn là thiên đường sản xuất nữa. Bên cạnh đó, chi phí cũng bắt đầu tăng ở những nước Châu Á sản xuất giá rẻ khác như Bangladesh, Campuchia và Việt Nam. Trong bối cảnh này, các nhà cung cấp hy vọng biện pháp "thuê gần" sẽ có hiệu quả trong 3-5 năm tới khi các thương hiệu di chuyển cơ sở sản xuất sang các nước có năng lực "phản ứng nhanh" để đáp ứng nhu cầu "thời trang ăn liền" của người tiêu dùng.
"Rất nhiều nhà bán lẻ sản phẩm thời trang và da giày đã chuyển cơ sở sản xuất sang Thổ Nhĩ Kỳ bởi vì nước này có phản ứng đủ nhanh", Ông Wong nói. "Trung Quốc và Bangladesh có thể sản xuất hàng loạt nhưng không đủ nhanh vì cách thiết lập các nhà máy của họ". Italy vẫn là một điểm sản xuất hấp dẫn vì tốc độ giao hàng nhanh chóng. Tuy nhiên, trong dài hạn, châu Á có thể phục hồi một số lợi thế bị mất: "Các nhà máy châu Á sớm hay muộn cũng sẽ học được cách phản ứng nhanh và sẽ có thể sản xuất đủ nhanh cho các nhãn hiệu "thời trang ăn liền"", ông Wong nhận xét.
Những thách thức khác
Năng lực sản xuất dư thừa cũng làm tổn thương ngành công nghiệp, làm giảm giá các sản phẩm giày dép thể thao và da giày tổng hợp. "Năng suất đang tăng 20% mỗi năm, nhưng nhu cầu lại không tăng tương đương như vậy". Hơn nữa, "chi phí đã tăng 30-50% do giá nguyên liệu và lao động tăng nhưng giá bán lẻ lại không thay đổi.", ông Wong cho biết. Để có thể phát triển, ông Wong cho rằng các nhà sản xuất phải hiểu sâu thêm về người tiêu dùng, và đầu tư nhiều hơn trong nghiên cứu hành vi người tiêu dùng trước khi đưa ra một sản phẩm mới.
Nguồn: http://hoinhap.org.vn/
- Khảo sát nhanh (2'): Yêu cầu thẩm định chuỗi cung ứng của một số thị trường EU đối với hàng xuất khẩu Việt Nam
- Mỹ sẽ thông báo mức thuế quan mới từ ngày 4/7
- Đàm phán Thuế đối ứng Việt - Mỹ: Chờ đợi kết quả chính thức
- Chờ lối đi ‘sắc bén’ hơn cho xuất khẩu trước thỏa thuận thuế quan mới
- Hiểu thế nào về mức thuế đối ứng 20% Mỹ áp cho Việt Nam?