“Hiếm có quốc gia nào quan tâm đến TPP như Việt Nam” – Đó là nhận xét của chuyên gia kinh tế khi nói về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương.

Được coi là Hiệp định của thế kỷ 21 nhưng dường như con đường để đi đến thỏa thuận cuối cùng còn rất chông gai bởi tham vọng của hiệp định cũng như cách tiếp cận cứng nhắc của các quốc gia tham gia.

Trở ngại từ các ông lớn

Ngay từ khi được khởi xướng bởi Mỹ, TPP đã được đánh giá là “tiêu chuẩn vàng” của các hiệp định kinh tế. Khác với những Hiệp định thương mại khu vực (RTA), Đối tác kinh tế (EPA) hay Thỏa thuận thương mại tự do (FTA) đã được ký kết, TPP là một hiệp định về hội nhập và gắn kết kinh tế sâu rộng với cách tiếp cận mới, hướng tới mở cửa thị trường cạnh tranh.

Nếu như các hiệp định kinh tế từng được ký kết tập trung vào khía cạnh thương mại thì TPP có những cam kết sâu hơn tập trung vào những vấn đề gai góc như mua sắm chính phủ, doanh nghiệp nhà nước, quyền lợi của người lao động, giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước, cam kết giữa chính quyền trung ương và địa phương, sở hữu trí tuệ, sở hữu tài sản..Tất cả được cụ thể tại 29 chương của Hiệp định.

Không chỉ do những cam kết sâu rộng của TPP mà quá trình đàm phán còn gặp nhiều khó khăn bởi sự chênh lệch phát triển giữa các nền kinh tế tham gia.

“TPP gồm những nền kinh tế lớn và phát triển nhất thế giới như Mỹ, Nhật Bản đến những nền kinh tế đang phát triển như Peru, Việt Nam,..có những mối quan tâm khác nhau nên đàm phán khó càng thêm khó” – chuyên gia kinh tế ANZ nhận định

Mặc dù là nước đóng vai trò “cầm trịch” trong đàm phán TPP, nhưng đến thời điểm hiện nay Mỹ tỏ ra là quốc gia khá cứng nhắc trong đàm phán đối với một số lĩnh vực được coi là nhạy cảm như nông nghiệp gồm các mặt hàng như thịt heo, thịt bò,..Hay như Nhật Bản, sau thời gian tham vấn và quyết định chính thức tham gia đàm phán vào tháng 3/2013, cũng thể hiện quan điểm bảo hộ mạnh mẽ đối với một số mặt hàng nông sản như lúa mì, gạo, sữa, đường, thịt bò và thịt heo mặc dù cũng thể hiện sự nhượng bộ với thịt heo.

Ngoài ra, diễn biến mới trên chính trường Hoa Kỳ rất có thể sẽ gây thêm nhiều khó khăn cho đàm phán TPP khi đảng Dân chủ của Tổng thống Obama đã mất quyền kiểm soát với lượng viện Hoa Kỳ.

“Có thể Hạ viện Hoa Kỳ sẽ cản trở việc đẩy nhanh đàm phán TPP hoặc gây khó khăn bằng yêu cầu khắt khe hơn mà Chính phủ của Tổng thống Obama không thể làm gì được. Tuy nhiên TPP lại nhận được sự ủng hộ của giới doanh nghiệp Hoa Kỳ như Walmart vì tham gia TPP giúp giảm giá thành nhập khẩu, gia tăng lợi nhuận” – ông Glenn B.Maguire – kinh tế gia trưởng khu vực Nam Á, Asean và Thái Bình Dương của ANZ bình luận.

Vẫn còn RCEP

Tại Việt Nam, sự hồ hởi của cộng đồng kinh doanh đối với TPP rõ ràng nhất ở lĩnh vực dệt may. Thực tế, trong 12 nước tham gia đàm phán TPP, Việt Nam là quốc gia duy nhất có lợi thế ở lĩnh vực nay. Nếu hiệp định được ký kết, có thể nói ngành dệt may của Việt Nam không có đối thủ cạnh tranh tuy nhiên để đạt được ưu đãi đó các DN dệt may phải thỏa mãn điều kiện sản xuất “từ sợi trở đi”. Đây chính là nút thắt không dễ mở đối với Việt Nam khi hầu hết nguyên liệu đầu vào của ngành sản xuất này lại được nhập từ Trung Quốc, quốc gia không tham gia đàm phán TPP.

Nếu như TPP với cách tiếp cận từ những nền kinh tế phát triển, với thước đo khắt khe thì AEC hay RCEP dường như đang là những hiệp định phù hợp hơn với điều kiện hiện tại của Việt Nam.

Năm 2015, Cộng đồng kinh tế chung ASEAN - AEC sẽ chính thức được thành lập với thị trường 605 triệu người, GDP hơn 2.400 tỷ USD, chiếm 7% thương mại toàn cầu. Hay như Hiệp định RCEP đang được đàm phán giữa 10 nước ASEAN và 6 nước đối tác Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ và New Zealand mở rộng thị trường 3,4 tỷ người, tổng GDP là 21 ngàn tỷ USD chiếm 29% thương mại toàn thế giới, lớn hơn TPP với 26%.

Quy mô các Hiệp định đang được đàm phán

“RCEP không tham vọng bằng TPP nhưng đó là yếu tố giúp khả năng sớm kết thúc đàm phán. Đồng thời, khác với TPP tiếp cận tổng thể, RCEP lựa chọn tiếp cận từng bước cùng với việc cung cấp biện pháp hỗ trợ các nền kinh tế đang phát triển dễ tham gia hơn” – ông Glenn B.Maguire nói.

So sánh về ảnh hưởng của TPP và RECP

Theo đánh giá của ANZ, Việt Nam và Thái Lan sẽ là 2 quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ RCEP. Cụ thể, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong 5 năm khi ký kết RCEP có thể đạt gần 8%, còn Thái Lan là 13%. Riêng với FDI thì RECP chiếm 85% dòng vốn FDI toàn thế giới, đây là yếu tố quan trọng tác động tới kinh tế Việt Nam.

Những quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ RCEP

Về phía doanh nghiệp, khi Việt Nam tham gia đầy đủ vào các hiệp định thương mại sẽ giúp gia tăng thu nhập nhờ cơ hội đầu tư thương mại cũng như giảm “tổn thất” khi phải đứng ngoài do không được hưởng ưu đãi. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng sẽ dễ bị tổn thương hơn do những biến động bên ngoài nhưng lợi nhuận sẽ nhạy cảm với tỷ giá.

Nguồn: NDH