Nông sản xuất khẩu: Tư duy cũ, khó vượt rào cản
26/11/2014 27Xuất khẩu nông sản vốn là một trong những thế mạnh của Việt Nam. Tuy nhiên, để có thể trụ vững trên thị trường quốc tế, đặc biệt là các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Úc… các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản còn rất nhiều vấn đề phải lưu tâm, đặc biệt là những rào cản được các quốc gia nhập khẩu dựng lên liên quan đến điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Những rào cản "gai góc”
Thương vụ Việt Nam tại Úc (Bộ Công thương) vừa thông báo một tin không vui cho các doanh nghiệp Việt Nam, đó là trong tháng 10/2014, Việt Nam có 2/22 mặt hàng vi phạm khi nhập khẩu hàng thực phẩm vào Úc.
Cụ thể, theo kết quả kiểm tra nguy cơ từ thực phẩm nhập khẩu của Úc, Bộ Nông nghiệp Úc kiểm soát và xác định 11 lô hàng thực phẩm có nguy cơ cao hoặc trung bình cho sức khỏe cộng đồng. Trong đó, Việt Nam có một trường hợp vi phạm chất cấm Standard Plate Count thuộc về mặt hàng tôm nấu chín và một vi phạm về nhãn thành phần (thuộc về mặt hàng mì ăn liền).
Bộ Nông nghiệp Úc cho biết những lô hàng này sẽ không được phép bán tại Úc, đồng thời nhà nhập khẩu phải hủy hoặc tái xuất về nước xuất xứ dưới sự giám sát của các cơ quan chức năng Úc. Các lô hàng tiếp theo sẽ bị kiểm tra 100% cho đến khi đạt tiêu chuẩn quy định.
Như vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam lại tiếp tục gặp những rào cản liên quan đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm khi xuất khẩu sang Úc, một quốc gia cũng vô cùng khắt khe trong việc kiểm soát hàng hóa, thực phẩm nhập khẩu.
Còn nhớ, hồi năm 2008, Cục Kiểm dịch động, thực vật Liên bang Nga đột ngột ban hành lệnh cấm nhập khẩu cá tra Việt Nam vì cho rằng thủy sản Việt Nam không đạt tiêu chuẩn vệ sinh. Hàng trăm container cá dồn ứ tại các cảng của Nga trong khi doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vẫn phải thanh toán các chi phí logistics, đã gây ra nhiều thiệt hại nặng nề cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Đồng cảnh ngộ, đã có một thời gian khá dài, con tôm của Việt Nam khi xuất khẩu sang Nhật Bản cũng bị quốc gia này làm khó bằng rào cản mang tên Ethoxyquin. Đó là thời điểm năm 2012, chỉ duy nhất con tôm của Việt Nam bị phía Nhật Bản áp dụng kiểm tra Ethoxyquin khi xuất khẩu vào nước này.
Cũng trong năm này (2012), các đối tác châu Âu đã trả lại sản phẩm chè của Việt Nam do tồn dư hoạt chất bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép. Đồng "cảnh ngộ” quả thanh long - một mặt hàng nông sản có lượng xuất khẩu khá lớn của nước ta cũng đã từng bị Mỹ cấm thông quan vì bị cho là có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá mức quy định.
Những dữ liệu trên cho thấy, các mặt hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam vẫn luôn gặp phải những "rào cản gai góc” khi xuất khẩu vào các thị trường khó tính, chủ yếu liên quan đến các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đó cũng là điều tất yếu bởi, đối với bất cứ quốc gia nào, vấn đề an toàn sức khỏe của người dân luôn phải đặt lên hàng đầu.
Hướng tới nền sản xuất sạch
Đó chỉ là một số ví dụ điển hình trong vô số các trường hợp mà doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam khi xuất sang nước bạn bị đối tác nước ngoài trả về, hoặc cấm nhập. Và các rào chắn kỹ thuật đó đó tiếp tục là tiếng chuông cảnh tỉnh cho ngành nông nghiệp Việt Nam, bởi những thiệt hại về kinh tế đối với doanh nghiệp khi bị nước bạn "từ chối, trả về nơi sản xuất” là một chuyện, quan trọng hơn, khi niềm tin bị sứt mẻ, các doanh nghiệp của chúng ta sẽ rất khó làm ăn khi tìm kiếm các đối tác mới. Vô hình trung, chính doanh nghiệp mình lại tự làm khó cho bản thân.
Giới chuyên gia cho rằng, nếu muốn trụ vững trên thị trường quốc tế, không còn cách nào khác, các doanh nghiệp Việt phải hướng đến một nền sản xuất sạch hơn, ở đó chất lượng sản phẩm luôn là vấn đề đặt lên hàng đầu chứ không phải là sản lượng bao nhiêu. Do đó, việc hình thành được chuỗi liên kết để có thể kiểm soát chặt ngay từ khâu sản xuất, chế biến, đến tiêu thụ sản phẩm… có ý nghĩa quyết định.
Tuy nhiên, điều này xem ra có vẻ khá khó khăn vì lâu nay, cả doanh nghiệp, người nông dân của ta đều vẫn sản xuất theo lối tư duy manh mún, nhỏ lẻ. Muốn thay đổi thói quen canh tác, sản xuất đó không phải là điều dễ dàng. Song, khó mấy, chúng ta cũng cần phải thực hiện sớm nếu muốn nông sản Việt có thể vượt qua được các rào cản thương mại, giữ vững được chữ tín và khẳng định được chỗ đứng của mình trên thị trường quốc tế.
Nguồn: Đại đoàn kết
- VCCI lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
- Đàm phán cấp bộ trưởng về thuế đối ứng với Mỹ tại đảo Jeju, Việt Nam đạt kết quả bước đầu
- Việt Nam đề nghị tiếp cận nhập khẩu, chuyển giao hàng hóa công nghệ cao
- Doanh nghiệp dệt may cần hành động ra sao để hóa giải ‘bóng ma’ thuế quan cao?
- Nông sản Việt rộng đường chính ngạch vào Trung Quốc