Tại cuộc họp báo thường kỳ diễn ra chiều 3.11, Bộ Công Thương (BCT) cho biết, tính chung 10 tháng đầu năm 2014, Việt Nam đã xuất siêu khoảng 1,9 tỉ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) của các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm 67% tổng KNXK cả nước.

Vẫn tiếp tục xuất siêu

Theo công bố của BCT, tính chung 10 tháng năm 2014 KNXK ước đạt 123,1 tỉ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2013 (tương đương với tăng 14,5 tỉ USD). Trong đó, KNXK của khu vực DN 100% vốn trong nước ước đạt 40,6 tỉ USD - chiếm 33% tổng KNXK của cả nước, KNXK của các DN FDI (kể cả dầu thô) ước đạt 82,5 tỉ USD, chiếm 67% tổng KNXK của cả nước. Nếu không kể dầu thô KNXK của các DN FDI ước đạt 76,2 tỉ USD. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu (KNNK) ước đạt 121,2 tỉ USD. Riêng KNNK của các DN 100% vốn trong nước ước đạt 52,5 tỉ USD. Như vậy, trong 10 tháng đầu năm 2014, khối DN trong nước vẫn nhập siêu tới gần 12 tỉ USD, và sở dĩ tổng hợp lại Việt Nam vẫn nhập siêu khoảng 1,9 tỉ USD chủ yếu là nhờ DN FDI - Thứ trưởng BCT Đỗ Thắng Hải nhận xét.

Về KNXK, hầu hết các nhóm hàng đều có KNXK tăng so với cùng kỳ năm 2013: Nhóm hàng nông - lâm - thủy sản ước đạt 18,8 tỉ USD, tăng 14,7% (tương đương với tăng 2,4 tỉ USD); nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt gần 89,4 tỉ USD, chiếm 72,6% trong tổng KNXK, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2013, tương đương với tăng gần 11 tỉ USD; nhóm hàng hóa khác ước đạt 7,2 tỉ USD - tăng 22,1%.

Chỉ riêng KNXK của nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản giảm nhẹ 0,2% so với cùng kỳ năm 2013, tương đương giảm 157 triệu USD. Trong đó: than đá giảm 36,1%, dầu thô tăng 5,4%, xăng dầu các loại giảm 21%, quặng và khoáng sản khác giảm 0,4%.

Năm 2015 trở lại nhập siêu

Cũng tại cuộc họp, BCT nhận định, năm 2015 Việt Nam sẽ quay trở lại nhập siêu mặc dù 3 năm gần đây liên tục xuất siêu. Theo Thứ trưởng BCT Đỗ Thắng Hải, có nhiều nguyên nhân khiến cho Việt Nam đứng trước khả năng nhập siêu trong năm 2015. Trong đó, nguyên nhân tiên quyết là do khả năng tăng trưởng xuất khẩu của các DN FDI đang có xu hướng giảm. Cụ thể, năm 2012, các DN FDI tăng về xuất khẩu 31%, năm 2013 tăng 22% và đến 2014 chỉ tăng 12%. Xuất khẩu Việt Nam tăng chủ yếu nhờ điện thoại di động, nhưng nếu năm 2012 tốc độ tăng xuất khẩu của mặt hàng này đạt trên 120% thì đến năm 2013 chỉ còn tăng 45% và trong 10 tháng đầu năm nay chỉ tăng 6% so với cùng kỳ.

Bản thân DN FDI đến ngưỡng của họ, đến năm 2015 khả năng tăng trưởng xuất khẩu DN FDI không nhiều. Trong khi đó, các DN trong nước vẫn chủ yếu là nhập siêu. Do đó, từ năm 2011 đến nay, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của cả nước cũng có xu hướng giảm dần.

Bên cạnh đó, kinh tế năm 2015 được dự báo tăng trưởng tốt hơn, các hiệp định được ký kết. Các DN FDI đón đầu làn sóng này và sẽ đầu tư vào Việt Nam, dẫn đến việc tập trung nhập khẩu máy móc, thiết bị trong năm 2015. Đồng thời, các DN Việt cũng nắm bắt triển vọng phát triển từ các hiệp định ký với EU, Hàn Quốc, Liên minh Thuế quan và sắp tới là TPP, nên cũng sẽ nâng cao nhập khẩu.

Một số nhà máy nhiệt điện bắt đầu đi vào hoạt động trong năm 2015 cũng sẽ khiến Việt Nam phải nhập khẩu than. Nhà máy lọc dầu Dung Quất sắp tới cũng cũng có khả năng phải nhập dầu thô để chế biến trong nước... Vì vậy, năm 2015 dự kiến xuất khẩu chỉ tăng 10% so với 2014, còn nhập khẩu tăng nhiều hơn và khả năng Việt Nam sẽ nhập siêu 6-8 tỉ USD.

Nguồn: Lao động