(TBKTSG Online) - Ngành thép Việt Nam mong muốn cơ quan đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước, đặc biệt là Nga, hãy cố gắng giữ bảo hộ có lộ trình để doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh trước khi mở cửa hoàn toàn. Trong khi đó, doanh nghiệp ngành dệt may và da giày lại lo không tận dụng được cơ hội mà hội nhập mang lại.

Thép lo cạnh tranh

Ông Chu Đức Khải, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam đã nói về mong muốn của các thành viên của Hiệp hội ở hội thảo “Cơ hội 2015 – 2016: Kinh doanh trong thế cờ thay đổi” do báo BizLive tổ chức vào chiều ngày 31-10 tại TPHCM.

Ông Khải nêu ý kiến khi Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương đề cập về cơ hội và thách thức của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA), Việt Nam-Hàn Quốc nhiều khả năng sắp được ký kết.

Đại diện Hiệp hội Thép cho rằng việc tiêu thụ thép trong nước đang gặp khó khăn do chênh lệch cung - cầu, do sản xuất nhiều nhưng tiêu thụ thấp. Nhiều doanh nghiệp chỉ sản xuất cầm chừng 40 - 60% công suất, dẫn đến hiệu quả không cao. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục phải đối mặt với thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc.

Nếu mở cửa hoàn toàn thị trường thép đối với Nga, theo ông Khải, doanh nghiệp trong nước sẽ rất khó cạnh tranh bởi Nga là một trong những quốc gia mạnh về ngành thép; các nhà máy thép của Nga đã khấu hao và có kỹ thuật hiện đại với chi phí sản xuất thấp. Để sản xuất một tấn phôi, các doanh nghiệp Nga cần khoảng 150 KWh điện, trong khi doanh nghiệp Việt Nam thì cần đến 450-500 KWh. Mặt khác, sức tiêu thụ thép ở Nga đang bão hòa, nếu Việt Nam giảm thuế nhập khẩu ngay thì có khả năng thép Nga sẽ tràn vào Việt Nam.

Do đó, ông Khải mong muốn cơ quan quản lý khi đàm phán cố gắng theo hướng những sản phẩm trong nước đang dư thừa, sản xuất được thì cố gắng bảo hộ từ 5 - 10 năm để doanh nghiệp có thời gian nâng cao năng lực cạnh tranh, có chi phí sản xuất thấp hơn.

Mặc dù vậy, đối với những sản phẩm doanh nghiệp trong nước sản xuất tốt như tấm phôi cán nóng, thép hợp kim, ống không hàn … thì cơ quan đàm phán có thể đề xuất mức thuế về 0% trong 2-3 năm tới.

Ngành thép sẽ tự lo giảm chi phí nhưng cũng mong nhà nước xây hàng rào kỹ thuật ngăn cản hàng bên ngoài vào, nhất là  những mặt hàng không thể bảo vệ được. Điều này, theo ông Khải, các nước trong khu vực đã làm.

Trong lúc doanh nghiệp ngành thép lo thép nhập khẩu bên ngoài tràn vào khi thuế nhập khẩu giảm thì chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng mối lo ngại nhất chính là những dự án thép khổng lồ của nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. Theo bà Lan, chỉ cần dự án Formosa (Đài Loan) ở Hà Tĩnh đi vào hoạt động, có khi có thể lấn át tất cả các doanh nghiệp thép trong nước. Công suất dự án Formosa đủ trùm lên toàn bộ thị trường, doanh nghiệp thép trong nước có thể phải đối phó nhiều hơn việc cạnh tranh với thép của Nga.

Dệt may và da giày lo vuột cơ hội

Cũng tại hội thảo này, các diễn giả cho rằng không riêng ngành thép mà dệt may-da giày... trong những năm tới sẽ có những thay đổi bước ngoặt khi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các FTA được ký kết mà doanh nghiệp trong nước gần như yếu thế.

Ông Trần Việt, Trưởng ban Thị trường - Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho rằng ngành dệt may Việt Nam đang bước vào giai đoạn hậu chung cuộc, làn sóng cuối cùng cho Việt Nam bứt phá. Khi gia nhập TPP, theo ông Việt, thị trường Mỹ và Nhật Bản sẽ mang lại lợi thế lớn. Hiện mức thuế suất hiện nay của Mỹ là 17-18%. Trước đây, lợi nhuận của doanh nghiệp trong nước chỉ khoảng 3% vì chủ yếu là gia công. Khi thị trường EU giảm thuế, cơ hội mở ra là vô cùng lớn. Do đó, ông đề nghị doanh nghiệp trong ngành thay vì tập trung phần may, thì nên chú ý đầu tư phần sợi".

Theo ông những doanh nghiệp lớn cần tận dụng phát triển thành chuỗi; trong doanh nghiệp nhỏ phải đưa mình vào chuỗi lớn hơn, hợp tác với đối tác nước ngoài...

Tuy nhiên, dường như các nhà đầu tư nước ngoài đã nhanh chân hơn doanh nghiệp trong nước vì hai năm gần đây doanh nghiệp các nước không tham gia TPP đều nhảy vào Việt Nam đầu tư để tận dụng cơ hội khi khả năng của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu và thiếu.

Trong khi đó đối với ngành da giày, ông Đỗ Long, Tổng giám đốc Công ty Bita’s, cho rằng một thực tế là nguyên liệu sản xuất của doanh nghiệp da giày trong nước vẫn bị phụ thuộc vào Trung Quốc, dù trong thời gian qua các doanh nghiệp đã tìm giải pháp để giảm bớt sự phụ thuộc này. Ông Long cho rằng vẫn không thể tìm được cách thức để khách hàng thấy giá thành phù hợp với sản phẩm nếu không mua nguyên liệu từ Trung Quốc.

Nguồn: TBKTSG