FTA Việt Nam- EFTA: Đã đạt được một số đồng thuận
09/09/2014 10Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Sveinung Roren- Trưởng đoàn đàm phán phía EFTA- xung quanh Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Khối Thương mại tự do châu Âu (EFTA).
CôngThương - Xin ông cho biết những nội dung được bàn thảo trong vòng đàm phán thứ 9 vừa qua?
Tại vòng đàm phán thứ 9 diễn ra tại Hà Nội, chúng tôi tập trung vào các nội dung liên quan tới mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ với mục đích làm thế nào để tạo điều kiện tốt nhất cho hàng hóa của EFTA và Việt Nam vào thị trường của nhau một cách dễ dàng và thuận lợi nhất. Nội dung đàm phán bao trùm lên nhiều lĩnh vực khác nhau như: thương mại dịch vụ, tài chính, viễn thông… Đây là một trong những nội dung hết sức phức tạp và khó khăn. Tuy nhiên, với sự hiểu biết sâu rộng về thị trường của nhau và quan trọng hơn là cùng hướng tới mục đích tạo ra một FTA có lợi nhất cho các bên, tôi tin rằng chúng ta có thể vượt qua nhiều thách thức.
Sau 9 vòng đàm phán, các bên đã đạt được những tiến triển gì?
Qua 9 vòng đàm phán, các bên đã đạt được một số đồng thuận tích cực. Cụ thể là những bước tiến quan trọng trong việc thống nhất lời văn hiệp định tại các nội dung như: Thể chế, pháp lý, thương mại dịch vụ, thủ tục hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp phòng vệ thương mại, quy tắc xuất xứ.
Qua các vòng đàm phán này, chúng tôi hiểu biết rõ hơn về khả năng mở cửa thị trường cũng như các lĩnh vực nhạy cảm của nhau để đàm phán có thể tiến nhanh hơn tại các phiên tiếp theo.
Ông có hài lòng với những kết quả mà các bên đã đạt được?
Cũng rất khó có thể nói tôi hài lòng hay không bởi FTA vẫn chưa đi đến hồi kết. Nhưng cho tới thời điểm này, tôi đánh giá hai bên đã đạt được nhiều tiến triển tích cực. FTA được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho cả Việt Nam lẫn EFTA. Đây mới là điều quan trọng và là mục tiêu mà đoàn đàm phán hướng tới. Tôi cũng đánh giá rất cao đoàn đàm phán bên phía Việt Nam. Các chuyên gia đàm phán rất tích cực, chuyên nghiệp và để lại cho tôi rất nhiều ấn tượng tốt.
EFTA bao gồm bốn nước: Thụy Sỹ, Na Uy, Iceland và Liechtenstein. EFTA sẽ là cầu nối giúp Việt Nam có thêm kênh tiếp cận thị trường EU cũng như xuất khẩu sang các nước khác thuộc châu Âu. |
So với EFTA, Việt Nam ở trình độ phát triển thấp hơn, do vậy sẽ được hưởng một số hỗ trợ kỹ thuật. Ông có thể cho biết rõ hơn về những hỗ trợ này?
Trong quá trình đàm phán, chúng tôi luôn lưu ý đến vấn đề này và dành một số hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam. Ví dụ, trong FTA có nội dung đàm phán về kiểm dịch động thực vật (SPS) đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo điều kiện cho hàng nông sản và thủy sản Việt Nam có thể xuất khẩu thuận lợi hơn sang thị trường các nước thành viên EFTA. Chúng tôi đã cử chuyên gia của EFTA đến Việt Nam giới thiệu về các quy trình để có thể xuất khẩu vào các nước EFTA theo các nhóm mặt hàng cụ thể như: Động vật, thực vật, thực phẩm chế biến và dược phẩm.
So với tiến trình hiện tại, mục tiêu FTA giữa Việt Nam và EFTA được ký kết vào cuối năm nay có thể đạt được không, thưa ông?
Chúng tôi đang làm việc rất chăm chỉ và mỗi bên cũng mong muốn đẩy nhanh quá trình cho hiệp định sớm đi đến ký kết. Song, hiện giờ vẫn còn một số lĩnh vực chúng tôi cần có thời gian để bàn thảo kỹ hơn. Như tôi đã đề cập, đoàn đàm phán của các bên đều mong muốn một hiệp định FTA toàn diện và có lợi nhất cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên, do vậy đòi hỏi chúng tôi cần phải tập trung và không thể vội vàng.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Báo Công Thương
- Mỹ sẽ công bố thỏa thuận thương mại với các nước trong tháng tới
- Xuất khẩu chính ngạch ớt, chanh leo sang Trung Quốc: Cơ hội và thách thức
- EU cân nhắc áp thuế đối với 100 tỷ euro hàng hóa Mỹ
- Ai Cập – Điểm đến mới giữa căng thẳng thương mại
- Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam