Hiệp định TPP đang đi đến giai đoạn đàm phán then chốt với gần 20 lĩnh vực rất phức tạp về kỹ thuật hoặc nhạy cảm về việc mở cửa thị trường.

Chưa có thời hạn cuối

Đến nay, Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã thực hiện được 19 phiên đàm phán chính thức với rất nhiều các phiên đàm phán nhóm. 12 quốc gia tham gia TPP đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về một số lĩnh vực mang tính kỹ thuật, không quá nhạy cảm như: Hợp tác và xây dựng năng lực, DN nhỏ và vừa, chính sách cạnh tranh thuần túy… 

Trong khi đó, TPP vẫn còn gần 20 lĩnh vực hoặc rất phức tạp về kỹ thuật hoặc rất nhạy cảm về việc mở cửa thị trường, bao gồm: Mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư; các quy chế về quản lý đầu tư nước ngoài; rào cản thương mại; mua sắm chính phủ; sở hữu trí tuệ; doanh nghiệp nhà nước (DNNN); lao động, môi trường… 

Mục tiêu ban đầu mà các nước đặt ra là quyết tâm kết thúc đàm phán vào cuối năm 2013 nhưng thực tế, khối lượng các vấn đề còn lại rất nhiều và phức tạp. Bản thân các Bộ trưởng đã vào cuộc (qua 5 phiên đàm phán) nhưng vẫn chưa tìm được giải pháp ổn thỏa mà tất cả các bên đồng thuận. 

Các chuyên gia nhận định, sau ba lần gỡ bỏ thời hạn kết thúc đàm phán, nguyên nhân giải thích cho sự chậm trễ là thành phần tham gia đàm phán quá đa dạng, đồng thời không giống các hiệp định hợp tác đa phương khác, TPP trải rộng về địa lý, với độ “phủ” gồm hai nền kinh tế hàng đầu thế giới (Mỹ, Nhật Bản) cùng các nước đang phát triển và phát triển năng động của châu Á, Bắc Mỹ và Nam Mỹ. 

Bên cạnh đó, các nước tham gia đàm phán TPP cũng đưa ra một chương trình nghị sự quá lớn, khiến việc tìm được tiếng nói chung hết sức khó khăn và thực tế, giữa các thành viên tham gia đàm phán cũng tồn tại bất đồng về các chính sách của mỗi nước.

Hướng tới lợi ích cốt lõi 

Theo Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về TPP Trần Quốc Khánh, quan điểm chung của các nước là không có hiệp định sẽ tốt hơn có một hiệp định tồi. Khi tham gia vào TPP, Việt Nam cũng như các nước đặt ra lợi ích và nghĩa vụ của từng quốc gia và đều thống nhất, chỉ khi nào các bên có được sự cân đối giữa quyền lợi và nghĩa vụ, lúc đó TPP mới có thể kết thúc đàm phán. Việt Nam cũng như các nước khác, không sẵn sàng hy sinh quyền lợi chỉ để đáp ứng một thời hạn nào đó. 

Các DN Việt Nam có thể vẫn đang băn khoăn về lợi ích và thách thức khi TPP được ký kết, nhưng có thể khẳng định, sẽ có những lợi ích cốt lõi đối với nền kinh tế nói chung, các DN nói riêng. Liên quan tới vấn đề thuế quan, Việt Nam sẽ đáp ứng quy tắc chung của TPP về việc xóa bỏ 100% thuế nhập khẩu (trong đó 90% xóa bỏ ngay khi TPP có hiệu lực), nhưng Việt Nam yêu cầu phải có được lộ trình giảm thuế cụ thể, nhất là với các mặt hàng nhạy cảm. 

Về vấn đề DNNN, TPP không có điều khoản yêu cầu các quốc gia không được duy trì DNNN cũng như yêu cầu các quốc gia phải cổ phần hóa hay tư nhân hóa DNNN, mà thừa nhận vai trò của DNNN. TPP chỉ đề nghị DNNN khi tham gia cạnh tranh phải tuân theo quy luật của thị trường.  

Với mua sắm chính phủ, TPP có thể là động lực tốt để giải quyết tình trạng thiếu minh bạch trong các hợp đồng đấu thầu mua sắm công và là một biện pháp tốt nhằm giảm tham nhũng trong đầu tư công. Về lâu dài, TPP sẽ thúc đẩy cơ sở pháp lý ngày càng hoàn thiện, nền hành chính công của Việt Nam được cải cách tốt hơn, tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế bền vững trong tương lai. 

Nguồn: Báo Công Thương