(HQ Online)- Khi đưa một lượng vốn khủng vào Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài thường ra điều kiện về những ưu đãi trong quá trình thực hiện dự án. Nhiều đề xuất ưu đãi là hợp lí, nhưng có đề xuất ưu đãi nếu không được tính toán chặt chẽ sẽ gây ra những hệ lụy khôn lường đến nền kinh tế nói chung và sự cạnh tranh bình đẳng giữa các DN nói riêng.

Vào đầu tư là xin ưu đãi

Mới đây, Báo Hải quan đã đăng bản tin về việc Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) gửi công văn đến Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đề nghị xin thành lập “đặc khu kinh tế gang thép Vũng Áng” với nhiều ưu đãi vượt mọi khung khổ quy định của pháp luật Việt Nam. Ngay lập tức, bản tin này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận nhất là việc này diễn ra ngay sau “biến cố tháng 5” ở Vũng Áng và nhiều kiến nghị hỗ trợ khác của Formosa đã được Chính phủ Việt Nam giải quyết rốt ráo.

Trước đó, khi trả lời phóng viên Báo Hải quan về đề xuất trên của Formosa, chuyên gia kinh tế, TS.Lê Đăng Doanh đã cho rằng: Đây là đề xuất ưu đãi rất cao, chưa có tiền lệ và bất bình thường.

Và đề xuất này không được Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng ý! Lí do là bởi dự án Formosa hiện đã và đang được hưởng ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư, các loại thuế, đất đai... áp dụng đối với dự án đầu tư trong khu kinh tế (bao gồm ưu đãi về thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên liệu; vật tư xây dựng trong nước chưa sản xuất được).

Câu chuyện đòi ưu đãi vượt khung của Formosa không phải là cá biệt. Thời gian vừa qua, hàng loạt các “đại gia” FDI khác khi đầu tư vào Việt Nam vẫn thường đòi hỏi có được những ưu đãi cao nhất. Đáng chú ý là, nhiều địa phương do muốn thu hút đầu tư nên thường chiều theo ý nhà đầu tư, ủng hộ theo các đề xuất của DN.

Mới đây, Công ty TNHH Samsung Display đã được UBND tỉnh Bắc Ninh cấp phép cho dự án sản xuất màn hình có độ phân giải cao Samsung Display với vốn đầu tư 1 tỉ USD ở Tổ hợp công nghệ cao Samsung Bắc Ninh. Trước đó, khi đề xuất với các cơ quan chức năng của Việt Nam về dự án này, Samsung Display đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đề nghị một loạt ưu đãi như đã từng có với các dự án của Samsung ở Bắc Ninh và Thái Nguyên. Đó là được hưởng chế độ ưu tiên trong lĩnh vực Hải quan kể từ ngày được thành lập; được áp dụng thuế suất thuế Thu nhập DN là 10% trong 30 năm kể từ năm đầu tiên có doanh thu; được miễn thuế Thu nhập DN trong 4 năm kể từ năm đầu tiên có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo và được giảm 50% số thuế phải nộp trong 3 năm sau giai đoạn 9 năm đó. Ngoài ra, để đảm bảo dự án Samsung Display cũng như toàn bộ khu Tổ hợp công nghệ Samsung Bắc Ninh hoạt động một cách ổn định, Samsung đề nghị dự án cần được đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu cầu điện, nước, xử lí nước thải.

Các dự án trước đó của Samsung ở Bắc Ninh và Thái Nguyên cũng được hưởng mức ưu đãi cao. Thậm chí, năm 2013, khi Samsung nâng vốn đầu tư từ 670 triệu  USD lên 1,5 tỉ USD, UBND tỉnh Bắc Ninh đã quyết định ưu đãi thêm cho Samsung bằng cách giảm 50% thuế Thu nhập DN cho 3 năm tiếp theo kể từ khi hết hạn miễn, giảm theo Luật thuế Thu nhập DN. Đây là ưu đãi đã không được ghi trong Giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp trước đây. Vì vậy Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có công văn đề nghị Bắc Ninh giải trình về phần ưu đãi “vượt khung” này.

Hay như tại Bình Định, khi Tập đoàn dầu khí Thái Lan (PTT) đề xuất dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội vốn đầu tư lên đến 27-28 tỉ USD tại khu kinh tế Nhơn Hội, PTT cũng đã đề nghị được hưởng mức ưu đãi cho dự án không thấp hơn các cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định cho áp dụng đối với các dự án lọc dầu đã và đang xây dựng tại Việt Nam. Tuy nhiên, đề xuất này đã được Bộ Tài chính xem xét, đóng góp với Chính phủ rằng điều này là “không phù hợp”. Khi trả lời báo chí sau ý kiến này của Bộ Tài chính, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã tỏ ra “không vui” và kiên trì ủng hộ các đề xuất ưu đãi của nhà đầu tư PTT. Song, hồi tháng 6-2014, tập đoàn này đã đề nghị UBND tỉnh Bình Định cho lùi thời gian báo cáo nghiên cứu khả thi 1 tháng so với kế hoạch.

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 31-12-2013, tổng số DN FDI đang hoạt động trên phạm vi toàn quốc là 9.093 DN, gấp 6 lần năm 2000, bình quân giai đoạn 2000-2013 mỗi năm tăng xấp xỉ 16%. Trong đó DN 100% vốn nước ngoài là 7.543 DN, gấp 8,8 lần năm 2000, bình quân giai đoạn 2000-2013 mỗi năm tăng xấp xỉ 20%. DN liên doanh là 1.550 DN, gấp 2,3 lần năm 2000, bình quân giai đoạn 2000-2013 mỗi năm tăng 6,7%. Số DN FDI đang hoạt động thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng hiện chiếm tỷ lệ cao nhất với 73%. Tiếp đến là khu vực dịch vụ với 25,7%. DN FDI hoạt động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ có 123 DN, chiếm 1,4%. Lao động việc làm trong các DN FDI trên 3,2 triệu người, gấp 8 lần năm 2000.

Đóng góp vào ngân sách Nhà nước của khu vực này năm 2013 là 214,3 nghìn tỷ đồng, gấp 9 lần năm 2000, bình quân giai đoạn 2000-2013 tăng 18,1%.

Ưu đãi không làm tăng hiệu quả đầu tư?

Thực tế Tập đoàn Samsung đã không phụ lòng mong mỏi của chính quyền khi đã dành nhiều ưu đãi cho các dự án của tập đoàn này ở Việt Nam. Từ khi hoạt động ở Việt Nam cho đến nay, Samsung đã không ngừng mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, hàng năm đóng góp tỉ trọng lớn vào kim ngạch XK của cả nước, gia tăng nguồn thu ngân sách, tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động. Tuy nhiên không phải nhà đầu tư nào cũng làm được như thế.

Trong báo cáo "Ưu đãi đầu tư với hiệu quả hoạt động DN: Nghiên cứu từ điều tra công nghiệp Việt Nam" vừa được Tổ chức phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) công bố cho thấy: Khi phân tích về động cơ đầu tư vào Việt Nam, 44% các công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam để tìm thị trường là chính. Đặc biệt là phần lớn các công ty nước ngoài được khảo sát cho biết rằng các động cơ chính của họ là tiếp cận thị trường Việt Nam và giảm chi phí sản xuất.

“Các công ty nước ngoài quyết định đầu tư trước hết là vì nước chủ nhà có nền tảng kinh tế vững chắc, rồi sau đó mới đến khung ưu đãi. Vì thế, sự ổn định kinh tế và chính trị, chi phí lao động, thuế, khung pháp lí của nước sở tại và chất lượng của cơ sở hạ tầng... là những nhân tố mà nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến” - báo cáo nhấn mạnh.

Báo cáo của UNIDO cũng chỉ ra một kết quả đáng ngạc nhiên. Đó là về tổng thể, dường như không có mấy khác biệt trong hiệu quả hoạt động của các công ty nước ngoài có nhận ưu đãi và những công ty không nhận ưu đãi. Chỉ có bằng chứng không mấy thuyết phục cho thấy rằng, các công ty nước ngoài có nhận ưu đãi tuyển dụng nhiều người lao động hơn, năng suất lao động cao hơn và tập trung vốn hơn so với các công công ty nước ngoài không nhận được ưu đãi.

Thế nhưng, hiếm có nhà đầu tư lớn nào đầu tư vào Việt Nam mà không đòi ưu đãi, thậm chí ưu đãi vượt khung. Nhiều địa phương cũng đã gặp “rắc rối” khi mạnh tay ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài, bất kể quy định của pháp luật. Câu chuyện của năm 2005 là ví dụ. Vào năm đó, Thủ tướng Chính phủ đã phải yêu cầu lãnh đạo 33 tỉnh trong cả nước kiểm tra, báo cáo việc tự ý ban hành một số cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư vượt khung so với luật định nhằm thu hút đầu tư. Nguyên do là, nhằm tăng thu hút đầu tư, các tỉnh Cần Thơ, Long An, Ninh Thuận, Bến Tre, Bình Định, Đà Nẵng, Nghệ An, Quảng Nam, Hưng Yên... đã ban hành chính sách ưu đãi về hỗ trợ tiền thuê đất, thuế Thu nhập DN, thuế GTGT, hỗ trợ đầu tư... vượt khung quy định của Chính phủ. Trong đó, có 18 tỉnh hỗ trợ vượt khung về đất đai, 11 tỉnh hỗ trợ vượt khung về thuế Thu nhập DN... làm ảnh hưởng đến tính nhất quán trong khuyến khích đầu tư của Nhà nước.

Chuyên gia Brian Portelli của UNIDO cho rằng: Nếu các địa phương thu hút bằng ưu đãi cao nhất mà không cân nhắc tác động thì sẽ dẫn đến sự suy giảm của năng lực cạnh tranh quốc gia, hay tỉnh thành đó. Ngoài ra, ưu đãi về tài chính cũng khiến nguồn thu từ thuế bị cắt giảm và các lĩnh vực khác bị hạn chế ngân sách. Cho nên Việt Nam cần có sự cân bằng giữa các ưu đãi đầu tư, xem xét lĩnh vực nào quan trọng và giám sát việc tuân thủ cam kết của các công ty nhận được ưu đãi. Ngoài ra, đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài cũng phải có sự cộng hưởng với nhau. Cần có sự hỗ trợ để gắn kết giữa DN nước ngoài với DN trong nước, nếu những ưu đãi làm gia tăng sự khác biệt giữa các khu vực thì cần phải xem lại những ưu đãi đó.

Ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài:

Việt Nam nhận thức tương đối thống nhất về ưu đãi đầu tư không phải là điều duy nhất và thay thế cho các yếu tố khác, nhưng nếu nhìn vào cơ cấu đầu tư thời gian qua, thì chính sách ưu đãi đầu tư đã thành công trong 25 năm thu hút FDI. Tuy nhiên, thu hút FDI vào một số địa bàn vẫn còn tồn tại khó khăn, cụ thể tại Tây Bắc, Đông Bắc và Duyên hải miền Trung.

TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lí kinh tế Trung ương:

Việt Nam nhìn nhận được ý nghĩa của FDI thì các nước khác cũng thấy như vậy và cũng tìm mọi cách để thu hút FDI. Một trong những cách truyền thống mà rất nhiều nước, trong đó có Việt Nam áp dụng là tạo ra những ưu đãi tài khóa, như giảm thuế, miễn thuế,… Cạnh tranh thu hút FDI chủ yếu là các nước “nhìn nhau” xem ai ưu đãi thuế hơn ai. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng ưu đãi thuế không có mối tương quan có nghĩa đối với thu hút FDI (có hiệu quả). Hơn nữa, vốn trên thế giới giờ rất dồi dào và trong bối cảnh toàn cầu hóa, khu vực hóa, câu chuyện thu hút FDI hiệu quả phức tạp hơn nhiều mục tiêu tối đa hóa lượng FDI.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan:

Sau khi tham gia WTO, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng lên rất mạnh và tỷ trọng đầu tư nước ngoài trong GDP, trong công nghiệp và nhất là trong xuất khẩu ở Việt Nam liên tục tăng, trong khi tỷ trọng của các DN trong nước bị giảm tương ứng. Điều này cho thấy chúng ta đã quá ưu ái cho FDI mà không dành những ưu đãi cần thiết cho các DN Việt Nam, hoặc ít nhất là cho họ sự bình đẳng so với DN FDI, và vì vậy đã đẩy DN Việt Nam vào thế yếu hơn hẳn so với FDI… Không có một nước nào có sự ưu đãi quá mức cho người nước ngoài và phân biệt đối xử với người trong nước như vậy. Trong mọi hiệp định thương mại tự do, cái mà bên ngoài họ đấu tranh đòi chỉ là cái bình đẳng so với DN trong nước, nhưng ở nước ta thì có tình trạng ngược lại. Rất cần điều chỉnh chính sách, một mặt là rút bớt những ưu đãi quá mức đối với đầu tư nước ngoài, mặt khác là thực sự tạo mặt bằng cạnh tranh bình đẳng cho các DN trong nước và đây là điều Nhà nước cần phải làm gấp.

Nguồn: Báo Hải quan