Do nhu cầu tiêu thụ thủy sản lớn, Australia nhâp khẩu hơn 200.000 tấn thủy sản mỗi năm, trị giá hơn 1 tỷ USD và Việt Nam là nhà cung cấp lớn thứ 3 sau New Zealand và Trung Quốc, chiếm hơn 20% thị phần.

CôngThương - Theo Thương Vụ Việt Nam tại Australia, Australia là một trong những nước có mức tiêu thụ thuỷ sản bình quân đầu người tăng từ 10kg/năm vào những năm 1990 lên khoảng 25kg/năm hiện nay. Dù vậy, mức tiêu thụ bình quân này vẫn còn thiếu 40% so với khuyến cáo của các tổ chức về sức khoẻ của nước này. Do đó, nhu cầu tiêu thụ thuỷ sản của Australia sẽ còn tăng hơn nữa.

Trong các loại hải sản được tiêu thụ mạnh tại thị trường Australia, tôm là mặt hàng dẫn đầu với sản lượng tiêu thụ cao khoảng 50.000 tấn/năm và với việc các nhà nuôi trồng và đánh bắt địa phương chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu. Bên cạnh đó, sau cá hồi Đại Tây Dương, người tiêu dùng Australia rất ưa chuộng cá basa vì giá cả phải chăng, vị thanh  và không có xương.

Các chuyên gia nhận định, Australia là thị trường xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam trong bối cảnh các thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU đang có dấu hiệu bão hòa. Vấn đề hiện nay là các nhà sản xuất và cung ứng thủy sản Việt Nam cần nắm rõ các các quy định nghiêm ngặt của Australia về vệ sinh an toàn thực phẩm và an toàn sinh học.

Các doanh nghiệp phải xuất khẩu mặt hàng có chất lượng cao và xuất xứ tốt, đồng thời, xây dựng hình ảnh sản phẩm của Việt Nam. Xuất xứ tốt của sản phẩm (không phải giá thấp) nên là chiến lược trọng tâm cần hướng tới. An toàn thực phẩm, môi trường bền vững, đãi ngộ lao động, tất cả được minh chứng bằng một giấy xác nhận độc lập sẽ là con đường mà các doanh nghiệp phải đi trong quá trình toàn cầu hóa.

Muốn thực sự hiểu thị trường, các nhà cung cấp nên tiến hành khảo sát thị trường và dành thời gian để hiểu người tiêu dùng nghĩ gì và tìm giải pháp phù hợp cho hệ thống bán buôn và bán lẻ.

Việc này sẽ giúp nâng tầm thương hiệu Việt Nam, xây dựng lòng tin đối với người tiêu dùng và thay đổi nhận thức về việc Việt Nam chỉ cung cấp các sản phẩm giá rẻ, trong khi người Australia thường quan niệm hàng rẻ tiền là hàng có chất lượng không tốt.

Nguồn: Báo Công Thương