Theo kế hoạch, chỉ còn 2 vòng đàm phán nữa, Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga, Belarus, Kazakhstan sẽ ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) vào cuối năm 2014. Hai bên tham gia đều đặt quyết tâm giải quyết dứt điểm các vấn đề còn tồn đọng để sớm hoàn tất các nội dung của hiệp định.

CôngThương - Thống nhất nhiều vấn đề

Từ đầu năm đến nay, các bên đã tiến hành 3 vòng đàm phán với nhiều thỏa thuận đã đạt được, trong đó có những đồng thuận được đánh giá có tính quyết định để kết thúc đàm phán đúng tiến trình dự kiến vào cuối năm nay. Cụ thể, hai bên đã thống nhất được phần lớn lời văn của hiệp định, đạt được thỏa thuận về thương mại điện tử và thống nhất sớm hoàn tất các nội dung của hiệp định.

Theo thông tin từ Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương), trong vòng đàm phán thứ 6 vừa diễn ra mới đây tại LB Nga, các thành viên tham gia đàm phán đã trao đổi thẳng thắn, trực tiếp những vấn đề còn chưa thống nhất, hai bên hoàn tất thêm lời văn các chương về thương mại hàng hóa và mua sắm chính phủ, đồng thời đã thu hẹp đáng kể những khác biệt ở nội dung hợp tác về hải quan, quy tắc xuất xứ, sở hữu trí tuệ.

Đối với các vấn đề có nội dung chủ yếu mang tính kỹ thuật, đòi hỏi thêm thời gian cho đàm phán như: Mở cửa thị trường về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư và di chuyển thể nhân, hai bên đã thể hiện sự thiện chí, nỗ lực để có cách tiếp cận chung, bảo đảm nguyên tắc cân bằng lợi ích của cả hai bên. Để phấn đấu kết thúc đàm phán như đã thỏa thuận, các nhóm đàm phán đã xây dựng kế hoạch khẩn trương hơn, trong đó có việc tổ chức các phiên trao đổi giữa kỳ hoặc đàm phán trực tiếp từ nay cho đến phiên thứ 7, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 15- 19/9/2014.

Tuy nhiên, theo ông Đặng Hoàng Hải- Trưởng đoàn Việt Nam về đàm phán kỹ thuật- hai bên còn phải vượt qua một số khó khăn nữa, xuất phát từ cách tiếp cận khác nhau của mỗi bên.

Trước đó, chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, Thứ trưởng Bộ Phát triển kinh tế LB Nga A.E.Likhachev cho rằng, quá trình đàm phán thường rất phức tạp, tuy nhiên các nhà đàm phán có thể giải quyết được mọi bất đồng, hướng tới một hiệp định có tính tổng quát, phản ánh được tầm cỡ mối quan hệ của các nước tham gia.

Thứ trưởng Bộ Phát triển kinh tế LB Nga A.E.Likhachev:

Quá trình đàm phán thường rất phức tạp, tuy nhiên, các nhà đàm phán có thể giải quyết được mọi bất đồng, hướng tới một hiệp định có tính tổng quát, phản ánh được tầm cỡ mối quan hệ của các nước tham gia.

Mở ra nhiều cơ hội lớn

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, khi FTA được hình thành, xuất khẩu từ Việt Nam sang LB Nga tăng 63%, sang Belarus tăng 41% và sang Kazakhstan tăng 8%.

Đặc biệt, danh mục hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang các thành viên Liên minh Hải quan và ngược lại không mang tính cạnh tranh mà sẽ bổ trợ cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của các bên. Do vậy, việc cắt giảm hay xóa bỏ thuế quan sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng chủng loại hàng hóa xuất khẩu, tận dụng các lợi thế so sánh của hàng may mặc, thủy sản, điện tử, đồ gỗ... Cũng nhờ tính bổ trợ hàng hóa mà việc nhập khẩu các mặt hàng có thế mạnh của phía Liên minh Hải quan sẽ giúp cải thiện cơ cấu các hàng nhập khẩu Việt Nam.

Ước tính, việc tạo ra khu vực thương mại tự do, cho phép đến năm 2020 thương mại giữa ba nước của Liên minh Hải quan và Việt Nam được kỳ vọng vượt mức 10 tỷ USD.

Ở một khía cạnh khác, giới phân tích nhận định, các doanh nghiệp Việt Nam có thể sẽ phải chịu nhiều sức ép cạnh tranh từ các đối thủ được hưởng ưu đãi thuế khi LB Nga thực hiện cam kết gia nhập WTO. Theo đó, hàng hóa Việt Nam cũng cần phải đáp ứng được các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng và quy tắc xuất xứ hàng hóa của Liên minh Hải quan.

Nguồn: Báo Công Thương