Mỹ hạ thuế CBPG ống thép hàn chịu lực của Việt Nam
03/06/2014 40Bộ Thương mại Mỹ hôm 23-5 đã ra kết luận điều tra cuối cùng, theo đó hạ thuế chống bán phá giá đối với ống thép hàn chịu lực không gỉ (welded stainless pressure pipe) của Việt Nam từ mức sơ bộ 17,72%-53,91% xuống còn 16,25%, Cục Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công Thương cho biết hôm nay, 27-5.
Theo kết luận cuối cùng của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) trong cuộc điều tra chống bán phá giá (CBPG) thép hàn chịu lực không gỉ của Việt Nam, tất cả các doanh nghiệp của Việt Nam đều chịu mức thuế suất 16,25%, kể cả hai bị đơn bắt buộc là Công ty cổ phần quốc tế Sơn Hà và Công ty TNHH Mejonson Industrial Việt Nam.
Trước đó, vào cuối tháng 12-2013, trong kết luận điều tra sơ bộ, hai bị đơn tại Việt Nam chịu thuế suất là 17,72%, còn các doanh nghiệp còn lại của Việt Nam chịu thuế suất 53,91%.
Theo kết luận này của DOC, so với các bị đơn khác trong vụ kiện này là Malaysia và Thái Lan, Việt Nam chịu mức thuế CBPG thấp hơn. Cụ thể, biên độ phá giá đối với các doanh nghiệp Malaysia là 22,07%-167,11% và Thái Lan là 23,89%-24,01%.
Tuy nhiên, các mức thuế này có chính thức được áp dụng hay không còn tùy thuộc vào kết luận cuối cùng của Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (USITC), dự kiến được đưa ra vào ngày 6-7-2014.
Nếu kết luận của USITC là việc nhập khẩu ống thép hàn chịu lực không gỉ từ Malaysia, Thái Lan và Việt Nam gây thiệt hại hoặc đe dọa cho ngành sản xuất nội địa của Mỹ, DOC sẽ ban hành lệnh áp thuế CBPG, dự kiến vào ngày 13-7-2014.
Theo thông tin của Cục Quản lý cạnh tranh, trong năm 2013, tổng giá trị ống thép hàn chịu lực không gỉ nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ ước tính đạt 10,3 triệu đô la Mỹ, từ Malaysia là 11,9 triệu đô la Mỹ và từ Thái Lan là 16,9 triệu đô la Mỹ. Tính từ năm 2011, đây là sản phẩm thép thứ tư của Việt Nam bị kiện tại thị trường Mỹ. Trước đó là các mặt hàng ống thép hàn cacbon, mắc áo bằng thép, ống thép dẫn dầu.
Theo một doanh nghiệp thép Việt Nam, việc cạnh tranh về giá trên thị trường thép khá khốc liệt, nên chỉ cần bị đánh thuế thêm vài phần trăm, doanh nghiệp khó có thể cạnh tranh nổi. Nếu bị áp thuế cao tại thị trường Mỹ, doanh nghiệp Việt Nam có nguy cơ không bao giờ có thể quay lại được thị trường này.
Các cuộc điều tra CBPG của Mỹ lên các mặt hàng thép của Việt Nam gây thêm khó khăn cho các doanh nghiệp thép vốn cũng đang gặp khó do sức tiêu thụ trên thị trường nội địa yếu.
Chẳng hạn như, theo giải trình báo cáo tài chính quí 1-2014 của Công ty cổ phần quốc tế Sơn Hà – một trong hai bị đơn trong vụ kiện trên, doanh thu trong quí 1 năm nay của công ty giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu vì doanh thu xuất khẩu giảm 66% do ảnh hưởng của việc Mỹ điều tra áp thuế CBPG đối với ống thép inox công nghiệp của công ty. Trong khi đó, do tình hình kinh tế trong nước nhìn chung có nhiều khó khăn nên doanh thu bán hàng nội địa của công ty này cũng giảm 14% so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn
- Mỹ sẽ công bố thỏa thuận thương mại với các nước trong tháng tới
- Xuất khẩu chính ngạch ớt, chanh leo sang Trung Quốc: Cơ hội và thách thức
- EU cân nhắc áp thuế đối với 100 tỷ euro hàng hóa Mỹ
- Ai Cập – Điểm đến mới giữa căng thẳng thương mại
- Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam