Cùng với hàng điện tử, những năm qua, nhờ ưu đãi thuế quan từ Hiệp định CPTPP xuất khẩu rau củ, hoa quả của Việt Nam sang Canada tăng trưởng mạnh.

Chanh, bưởi, sầu riêng ùn ùn sang Canada

Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - Canada trong 5 tháng đầu năm 2025 đạt 2,7 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Mặt hàng dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu sang Canada là hàng dệt may, đạt 458,3 triệu USD, tăng 4,3%, chiếm 16,7% tỷ trọng xuất khẩu. Tiếp đến là nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 333,7 triệu, tăng 13%, chiếm 12,1% tỷ trọng xuất khẩu.

Bà Trần Thu Quỳnh - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada cho biết, cùng với hàng điện tử, những năm qua, nhờ ưu đãi thuế quan từ Hiệp định CPTPP xuất khẩu rau củ, hoa quả của Việt Nam sang Canada tăng trưởng mạnh.

Phân tích cụ thể về mặt hàng rau củ, bà Quỳnh cho biết, thị trường nhập khẩu rau củ tươi của Canada có quy mô trung bình 3,7 tỷ USD và tăng đều qua các năm (riêng năm 2024 tăng lên trên 4 tỷ USD). Các nước xuất khẩu chủ yếu vào Canada ngoài Hoa Kỳ và Mexico là: Trung Quốc, Guatemala, Ấn Độ, Tây Ba Nha, Peru, Honduras, Bỉ, Hà Lan.

Năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 5,74 triệu USD giá trị rau củ sang Canada, tăng 76% so với trước khi có CPTPP và là năm xuất khẩu rau củ quả mạnh nhất của Việt Nam sang Canada.

Trong 10 năm qua (2015 - 2024), giá trị xuất khẩu rau củ của Việt Nam sang địa bàn đã tăng gần gấp 3 lần (từ 2,3 triệu năm 2015 lên 5,7 triệu USD hiện nay). Nếu tính từ sau khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, mức tăng là 76%, cao hơn tốc độ tăng trưởng nhập khẩu của Canada từ các nước khác.

Về sản phẩm trái cây, năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu được xấp xỉ 120 triệu USD sản phẩm trái cây và hạt sang Canada (mã HS 08); trong đó riêng hạt điều chiếm đến 65% (78 triệu USD). Nếu tính cả hạt điều, xuất khẩu mã HS 08 sang địa bàn từ sau CTPPP có xu hướng tăng nhẹ 24%. Từ sau CPTPP, nếu xét riêng trái cây (bỏ hạt điều), Việt Nam đã xuất khẩu sang Canada tăng 207%, với kim ngạch năm 2024 đạt 41,7 triệu USD, nói cách khác, các sản phẩm trái cây tươi đã đóng góp chủ lực vào sự tăng trưởng của nhóm mã HS 08 trong những năm gần đây, trong khi sản phẩm hạt điều có xu hướng giảm dần đều tỷ trọng trong đóng góp tăng trưởng.

Quy mô của thị trường nhập khẩu trái cây Canada khá lớn, năm 2024 đạt xấp xỉ 6 tỷ USD. Trong giai đoạn từ 2019-2024, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 9 trong top 10 nhà xuất khẩu mã HS 08 nhiều nhất vào Canada. Các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam ngoài Hoa Kỳ và Mexico là: Peru, Guatemala, Chile, Nam Phi, Costa Rica, Maroc và Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhìn vào cơ cấu cạnh tranh có thể thấy, đối với các sản phẩm trái cây đặc sản châu Á, Việt Nam hiện nay chưa có đối thủ mạnh. Việt Nam vẫn là nước xuất khẩu nhiều nhất các mặt hàng như thanh long, chanh/bưởi, dừa tươi, và gần đây là ổi, xoài, nhãn, sầu riêng và vải tươi.

Kể từ khi CPTPP có hiệu lực, xuất khẩu trái cây sang Canada tăng trưởng mạnh. “Các mặt hàng ổi xoài, dừa có sự gia tăng nhẹ (tăng mạnh nhất là chanh/bưởi với tốc độ 483%)” - bà Quỳnh thông tin và cho biết, xuất khẩu sầu riêng tươi là sản phẩm có sự tăng trưởng mạnh sau CPTPP, đặc biệt trong hai năm gần đây, với những nỗ lực quảng bá của Thương vụ để kết hợp sản phẩm sầu riêng với các món ăn tráng miệng ở Canada như bánh ngàn lớp, kem, pudding sầu riêng.

Kể từ sau CPTPP, mức tăng trưởng của sản phẩm này lên đến gần 1900%, đạt kim ngạch năm 2024 là 3,65 triệu USD. Trong 4 tháng đầu năm 2025, bất chấp sự sụt giảm kim ngạch ở các địa bàn khác, xuất khẩu sầu riêng sang địa bàn vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt.

Cùng với sầu riêng, dừa tươi là sản phẩm xuất khẩu có sự gia tăng rất nhanh sau CPTPP với mức tăng lên đến 196%, từ một nước có thị phần không đáng kể, xếp sau nhiều nước, năm 2024, Việt Nam đã vượt Thái Lan, trở thành nước xuất khẩu dừa lớn thứ 2 vào Canada sau Ấn Độ. Đặc biệt, nhờ ưu thế về giá, chất lượng và nguồn cung ổn định, trong 4 tháng đầu năm 2025, sản phẩm đã xuất khẩu được 798 nghìn USD vào địa bàn và dự kiến là mặt hàng triệu đô thứ 4, với mức tăng trưởng lên đến 120% so với cùng kỳ 2024.

Ngoài ra, chanh bưởi cũng là sản phẩm trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào địa bàn thời gian gần đây với sự gia tăng kim ngạch đều qua các năm. Kể từ sau CPTPP, sản phẩm chanh bưởi đã tăng 353% về kim ngạch, giúp đưa nhóm sản phẩm này vào top 3 sản phẩm trái cây xuất khẩu nhiều nhất vào địa bàn, sau thanh long.

CPTPP tác động tích cực nhờ hiệu ứng lan tỏa

Chủ doanh nghiệp nhập khẩu rau củ quả của kiều bào ở thành phố Etobicoke chuyên nhập khẩu rau củ quả Việt Nam vào thị trường Canada cho biết, thanh long, mãng cầu chanh leo, sầu riêng, vải, chôm chôm... Việt Nam đang gặp phải sự cạnh tranh lớn từ các thị trường Brazil, Colombia, Mexico...

Điểm yếu của Việt Nam khi tham gia xuất khẩu là ở chỗ nguồn cung không ổn định, giá không ổn định, chi phí vận chuyển cao. Bên cạnh đó, hàng Việt Nam còn chịu sự cạnh tranh lớn của các thương nhân Trung Quốc, hiện nay đang là những nhà phân phối khống chế nhiều chuỗi siêu thị và chỉ ưu tiên nhập hàng từ Trung Quốc.

Ngoài ra, chủ doanh nghiệp này cũng nhận định, Việt Nam còn chưa bảo tồn và phát triển được các giống/chủng loại trái cây truyền thống (mít tố nữ) và các loại trái cây giống mới được thị trường ưa chuộng. Thêm vào đó, một điểm yếu nữa là mạng lưới người thu mua/thương lái của Việt Nam còn chưa phát triển đúng tầm; trong khi người nông dân vẫn chạy theo lợi nhuận chưa quan tâm đến vấn đề tiêu chuẩn.

Bà Trần Thu Quỳnh cho biết, thị trường trái cây và rau củ Canada là tương đối dễ thâm nhập. Canada không yêu cầu đàm phán mở cửa thị trường với từng sản phẩm, không cần có Nghị định thư/cấp phép để được xuất khẩu chính ngạch, cũng không cần mã số vùng trồng…

Canada không đánh thuế lên hầu hết các sản phẩm rau củ quả, trừ một số sản phẩm Canada cần bảo hộ sản xuất nội địa theo mùa vụ mà Việt Nam không có thế mạnh. Nói cách khác, kể cả không có Hiệp định CPTPP, các sản phẩm rau củ quả tươi sống của Việt Nam cơ bản đều được áp thuế bằng 0 dù sử dụng form ưu đãi CPTPP, MFN hay GPT.

Đối với ngành rau củ quả, CPTPP chỉ có tác dụng đòn bẩy, giúp các doanh nghiệp hai nước quan tâm hơn đến cơ cấu các sản phẩm/thị trường của nhau, từ đó, gián tiếp thúc đẩy xuất khẩu. Bên cạnh đó, CPTPP có thể có tác động tích cực đến xuất khẩu rau củ quả nhờ hiệu ứng lan toả nhờ sự phát triển hơn của chuỗi cung ứng, vận tải và logistics giữa hai nước.

Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chế biến của Canada, lựa chọn nhà cung cấp các sản phẩm đầu vào từ các nước cùng có Hiệp định thương mại tự do là xu hướng ngày càng mạnh, nhằm tận dụng nguyên tắc xuất xứ cộng gộp (cumulative origin) để sản xuất và xuất khẩu sang các thị trường mà hai nước cùng có Hiệp định thương mại tự do.

Đối với sản phẩm rau củ quả nói chung và rau củ mủa vụ nói riêng, Canada hoàn toàn tuân thủ theo các quy định chung của thế giới về vấn đề tiêu chuẩn vệ sinh và kiểm dịch động thực vật của WTO.

Dù vậy, không có nghĩa Canada là một thị trường dễ tính. Để vào được thị trường, vấn đề tiêu chuẩn luôn được đặt hàng đầu, bao gồm đa dạng các góc độ: tiêu chuẩn đối với chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn kích cỡ/trọng lượng/độ chín, tiêu chuẩn đóng gói và ghi nhãn, tiêu chuẩn vệ sinh (khử khuẩn trong thu hoạch, chế biến đóng gói, lưu kho, vận chuyển…).

Trong 5 tháng đầu năm 2025 đạt 2,7 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Mặt hàng dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu sang Canada là hàng dệt may, đạt 458,3 triệu USD, tăng 4,3%, chiếm 16,7% tỷ trọng xuất khẩu; tiếp đến là nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 333,7 triệu, tăng 13%, chiếm 12,1% tỷ trọng xuất khẩu.

Nguồn: Báo Công thương