Trước sự cạnh tranh gay gắt của các doanh nghiệp nước ngoài, để thúc đẩy ngành CNHT trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nhiều ý kiến cho rằng, cần tạo hành lang pháp lý thống nhất…

Báo cáo tháng 5/2024 của Bộ Công Thương cho thấy, ở lĩnh vực chế biến, chế tạo, trong đó có công nghiệp hỗ trợ (CNHT), công nghiệp cơ khí luôn nắm vị trí dẫn dắt, đầu tàu cho tăng trưởng sản xuất công nghiệp nói chung. Trong những tháng đầu năm 2024, lĩnh vực chế biến chế tạo duy trì đà tăng trưởng 6,3% so với cùng kỳ (cao hơn mức tăng chỉ số phát triển công nghiệp – IIP).

Hoạt động CNHT ngày càng phát triển, cung cấp nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước, tỷ lệ nội địa hóa được nâng cao trong nhiều ngành sản xuất như ngành dệt may - da giầy đạt 45-50%, cơ khí chế tạo đạt hơn 30%...

Đáng nói, cùng với phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước, các sản phẩm chế biến, chế tạo, trong đó có CNHT, đóng góp ngày càng cao vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Năm 2023, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chế biến chế tạo trong tổng kim ngạch xuất khẩu lên đến hơn 85%.

Mặc dù đã và đang đạt nhiều kết quả tích cực, thế nhưng, hoạt động của ngành CNHT hiện nay được vẫn còn đó không ít hạn chế, vướng mắc, nhất là khi làn sóng các doanh nghiệp CNHT nước ngoài “theo chân” ông lớn ngoại vào Việt Nam ngày càng lớn.

Nhìn nhận về vấn đề của ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương – Nguyễn Hồng Diên cho rằng, doanh nghiệp FDI vào Việt Nam bao giờ họ cũng muốn tìm đối tác công nghiệp hỗ trợ cùng "hệ" với họ, về tiêu chuẩn sản phẩm, môi trường, giá cạnh tranh... trong khi doanh nghiệp Việt sức khoẻ yếu.

Theo ông Diên, khi triển khai thực hiện Quyết định 68/QĐ-TTg về CNHT, Bộ tập trung vào các lĩnh vực như linh kiện phụ tùng máy móc thiết bị, công nghiệp hỗ trợ dệt may, da giày và công nghệ cao. Sau 6 năm thực hiện với mục tiêu đạt 45% trở lên cho nhu cầu sản xuất nội địa, linh kiện xe máy đáp ứng được 85-90%, linh kiện sản xuất ôtô là 15-40% (tùy chủng loại xe); 40-60% máy nông nghiệp; dệt may, da giày là 40-45%. Tuy vậy, một số sản phẩm công nghiệp đạt thấp, như công nghệ cao mới đáp ứng được 10%.

Nguyên nhân dẫn đến việc này xuất phát từ nguồn lực hỗ trợ Nhà nước hạn chế, khó tiếp cận, chính sách thu hút FDI chưa liên kết, ràng buộc với doanh nghiệp trong nước. Cùng đó, công nghiệp cơ khí khó thu hút vì cần vốn lớn, thị trường hẹp, khả năng cạnh tranh với các đối tác phát triển khó khăn, sự phối hợp giữa các địa phương chưa tốt, nên chính sách "có nhưng khó tiếp cận".

Trước thực tế này, để giành lại thị phần cho doanh nghiệp trong nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, phải rà soát lại chính sách để họ hấp thụ được. Các địa phương phải giành điều kiện thuận lợi nhất giúp doanh nghiệp có mặt bằng, hạ tầng, hỗ trợ về vốn, đào tạo nhân lực... đồng thời, phải sửa Luật Đầu tư, các luật liên quan để có cơ chế ràng buộc doanh nghiệp FDI liên kết, chia sẻ với các đơn vị trong nước, thay vì khuyến khích như hiện nay. Đơn cử, cần hoàn thiện đồng bộ chính sách, trong đó xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm, phối hợp chặt chẽ trung ương, địa phương và doanh nghiệp.

“Chúng ta cần bố trí đủ nguồn lực cho CNHT tới 2025, đào tạo cung cấp nguồn nhân lực hỗ trợ doanh nghiệp, để ngành CNHT đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại”, Bộ trưởng Bộ Công Thương bày tỏ.

Đồng quan điểm với Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, không ít ý kiến cũng cho rằng, cơ hội cho ngành CNHT đang hiện hữu, triển vọng rất tích cực, vấn đề cốt lõi để biến cơ hội, triển vọng thành hiện thực cần những giải pháp đồng bộ và thực hiện quyết liệt nhằm khắc phục cơ bản các điểm nghẽn mà nhà đầu tư nước ngoài cũng như doanh nghiệp trong nước đã liên tục kiến nghị.

Theo ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài cũng cho rằng, để thu hút FDI hiệu quả, Việt Nam cần hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa hợp tác, cung cấp sản phẩm phụ trợ cho doanh nghiệp FDI với giá rẻ hơn. Như vậy, Việt Nam sẽ đạt mục tiêu giữ chân ông lớn FDI, phát triển doanh nghiệp nội địa.

“Làm gì, hỗ trợ gì để các doanh nghiệp trong nước có thể hợp tác với FDI? Tôi cho rằng cần xây dựng các trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D) của doanh nghiệp trong nước. Từ đó, phát triển được các tập đoàn lớn trong nước đủ sức dẫn dắt, và muốn phát triển cần sớm ban hành thêm chính sách hỗ trợ”, vị chuyên gia này bày tỏ.

Còn theo ông Phan Đăng Tuất - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, để thúc đẩy phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh cho CNHT, cần có chiến lược, coi CNHT là linh hồn, hạt nhân của quá trình công nghiệp hóa đất nước, để từ đó có tầm chiến lược, có suy nghĩ thấu đáo và sâu sắc, toàn diện về phát triển. Thêm nữa, cần có đạo luật riêng cho CNHT, với các chính sách ưu đãi mang tính đặc thù riêng, làm cơ sở để thúc đẩy công nghiệp hóa.

Nguồn: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp