Tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm 2011 ước đạt 5,6%, thấp hơn cùng kỳ năm 2010 (6,16%) và chỉ tiêu cả năm 2011 đã được Quốc hội thông qua là 7-7,5%. Các ngành kinh tế công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, du lịch tiếp tục đà tăng trưởng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng khoảng 22,8% so với cùng kỳ năm 2010.

Nhập siêu vẫn tăng!

Xuất nhập khẩu Việt Nam đã có bước tiến vượt bậc, nhưng cũng đang phải đối mặt với nhập siêu. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhập siêu 6 tháng đầu năm 2011 ước khoảng 7,5 tỷ USD, bằng 18% kim ngạch xuất khẩu.

Nhìn vào số liệu 6 tháng đầu năm 2011, kim ngạch xuất khẩu tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước và so với kế hoạch đề ra. Nhiều mặt hàng công nghiệp chủ yếu đã có mức tăng mạnh. Tuy nhiên, tỷ lệ nhập siêu đang có xu hướng tăng và cao hơn chỉ tiêu đề ra. Việt Nam (VN) vẫn nhập siêu chủ yếu với khu vực châu Á, trong đó nhập siêu từ Trung Quốc (TQ) chiếm khoảng 82% tổng nhập siêu của cả nước. Theo Viện Nghiên cứu thương mại - Bộ Công Thương, năm 2001 nhập siêu mới chiếm 7,9% kim ngạch xuất khẩu, đến năm 2010 tỉ lệ này đã tăng vọt lên 17,5%. Như vậy, nếu lấy quãng thời gian nhập siêu trong quá khứ cộng với nhập siêu trong tương lai từ TQ, đó là quãng thời gian quá dài và rất bất lợi cho nền kinh tế Việt Nam.

Quan hệ Bắc - Nam

Theo Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, 90% các công trình điện, khai khoáng, dầu khí, luyện kim, hóa chất của VN do TQ đảm nhiệm, giá trị trúng thầu từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ USD/dự án. Đây là những ngành công nghiệp thượng nguồn, chủ đầu tư lại là các tập đoàn kinh tế trụ cột của nền kinh tế VN, nhưng khi thực hiện các dự án  này, các nhà thầu TQ đều mang theo máy móc, thiết bị, công nghệ, nguyên vật liệu, thậm chí cả nhân công.

TS Nguyễn Đức Thành - Giám đốc VEPR nhận định, VN sẽ lâm vào tình cảnh xuất khẩu càng nhiều, nhập siêu càng lớn bởi thiếu những hàng rào kỹ thuật cần thiết đối với hàng hóa nhập từ TQ. Nhóm hàng xuất khẩu chủ yếu sang TQ là khoáng sản và nông - lâm - thủy sản với số lượng nhỏ... "Nhập siêu từ TQ đang chiếm tỷ trọng quá lớn trong tổng nhập siêu của VN song giá trị lan tỏa về công nghệ không cao như kỳ vọng” - TS Nguyễn Đức Thành nói.

Ở một góc độ khác, TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - cho rằng, VN đang tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, cần có cái nhìn tốt hơn vào phần trung gian và thiết bị máy móc. Hiện, trong 100 USD nhập khẩu từ TQ, có gần 25 USD là thiết bị máy móc. Điều này liên quan đến câu chuyện đầu tư và năng lực sản xuất trong dài hạn, là bài toán chiến lược về đầu tư và mô hình phát triển của VN. Số 70-75 USD là trung gian, nhưng trong đó, một nửa là tạo ra hàng hóa bán trong nước, nửa còn lại là nhập nguyên liệu để sản xuất, chế biến hàng hóa xuất khẩu.

Thâm hụt thương mại là vấn đề toàn cầu, dù quan hệ thương mại song phương cũng cực kỳ quan trọng. Theo TS Võ Trí Thành, quan hệ Việt-Trung là quan hệ Bắc-Nam và cơ cấu mặt hàng. VN nhập nguyên liệu từ TQ 5, song lại xuất khẩu tới 7.

Bản thân phần này không gây thâm hụt thương mại và chỉ khoảng 5 - 7% là cạnh tranh với hàng tiêu dùng cuối cùng của VN. Vấn đề ở đây là năng lực cạnh tranh. Vì vậy, nếu ta tăng được hàm lượng hàng xuất khẩu và giảm hàm lượng hàng nội địa sẽ giảm được thâm hụt thương mại.

Giá trị lan tỏa

Theo TS Nguyễn Đức Thành, Việt Nam chủ trương tăng xuất khẩu để giảm nhập siêu là chính sách tổng thể, song có những điểm cần lưu ý. Tăng xuất khẩu, ta phải được lợi về giá trị gia tăng mới có nhiều ý nghĩa. Nhưng trong thực tế, giá trị gia tăng hàng xuất khẩu của VN giảm nhanh trong 10 năm trở lại đây. Điều này phản ánh về năng lực sản xuất, trình độ công nghệ, rào cản thương mại... TS Thành lưu ý, nhập khẩu chỉ là công cụ để có được những hàng hóa tốt nhất mà trong nước chưa hoặc không có khả năng sản xuất. Dựa vào năng lực sản xuất thực sự, họ biến thành sản phẩm của mình rồi tái xuất, mang lại giá trị gia tăng cao. Điều này chỉ rõ bản chất bên trong nền kinh tế chứ không phải là vấn đề ngoại giao. VN cũng theo xu hướng đó nhưng về thực chất, chưa thành công, đặc biệt là việc chuyển hóa năng lực công nghệ vào sản xuất, kinh doanh.

Việt Nam sẽ cân bằng cán cân  thương mại với TQ, điều này chưa thể diễn ra trong 5 năm, thậm chí là 10 năm tới. Nhưng để giải bài toán nhập siêu từ nước láng giềng khổng lồ này, TS Nguyễn Đức Thành cho rằng, cần có các giải pháp đồng bộ, không chỉ về chính sách thương mại mà cả về chính sách đầu tư, chính sách công nghiệp, cơ chế chọn nhà thầu khoán. TQ có lợi thế song cũng nhiều bất lợi. Việt Nam cũng vậy, nhưng với lợi thế của nước nhỏ, năng động, chúng ta có thể nhìn vào mô hình của Thái Lan, Malaysia để đi nhanh hơn, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu, thoát khỏi tình trạng nhập siêu từ TQ như hiện nay. Mặt khác, Nhà nước cần điều tiết cạnh tranh trên thị trường nội địa, tăng giá trị lan tỏa về xã hội, về công nghệ từ các hoạt động nhập khẩu, tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững.

Kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, trong đó, yếu tố tăng về lượng đóng vai trò chủ yếu, chiếm khoảng 2/3 tổng mức tăng kim ngạch. Tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 41,5 tỷ USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm trước và gấp gần 3 lần chỉ tiêu kế hoạch đã được Quốc hội thông qua là 10%.

Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2011 và năm 2012 còn diễn biến phức tạp, nhiều khó khăn do tác động, ảnh hưởng của những tồn tại, hạn chế nội tại của nền kinh tế, diễn biến khó lường từ bên ngoài. Lạm phát, mặt bằng lãi suất đang ở mức cao; nhập siêu còn lớn gây sức ép lên tỷ giá, cán cân thanh toán; khu vực sản xuất, kinh doanh đã và đang bị ảnh hưởng của chính sách thắt chặt tài khóa, tiền tệ; an sinh xã hội, đời sống của một bộ phận người nghèo, đối tượng chính sách còn khó khăn. Trọng tâm 6 tháng cuối năm 2011 là tập trung chỉ đạo điều hành kiên trì, quyết liệt các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội trong những tháng cuối năm 2011 và một số năm tiếp theo...

 

Nguồn: Báo Điện tử Công thương