Xuất khẩu gạo đạt 3,367 triệu tấn, tăng 15,3%
27/06/2011 150Tính chung 5 tháng đầu năm 2011, xuất khẩu gạo đạt 3,367 triệu tấn, trị giá 1,657 tỉ USD, tăng 15,3% về lượng và 10,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 56,1% kế hoạch xuất khẩu cả năm 2011.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo tháng 5/2011 đạt 644,29 nghìn tấn, trị giá 314,51 triệu USD. Philippines là thị trường đầu ra lớn nhất của gạo Việt Nam trong tháng 5/2011.
Sau 4 tháng đầu năm khá “lặng tiếng” với chỉ 152,3 nghìn tấn, xuất khẩu gạo sang Philippines tháng 5/2011 tăng mạnh gấp hơn 3 lần về lượng và kim ngạch so với tháng trước, đạt 310,7 nghìn tấn, trị giá 145,3 triệu USD. Tính chung 5 tháng đầu năm nay, Philipines đã nhập khẩu 460,8 nghìn tấn gạo từ Việt Nam, trị giá 224,1 triệu USD.
Theo như kế hoạch nhập khẩu 660 nghìn tấn gạo Việt Nam đã đề ra thì từ nay đến cuối năm Philipines sẽ còn nhập khẩu khoảng 200 nghìn tấn nữa.
Tuy nhiên, xuất khẩu gạo sang các đối tác lớn khác như Malaysia, Singapore, Trung Quốc đều giảm mạnh trong tháng 5/2011, với tốc độ giảm từ 30 - 55% so với tháng trước.
Xuất khẩu sang Cuba - thị trường đứng thứ 3 trong tháng, đạt 50,7 nghìn tấn, giảm nhẹ 3,4% về lượng, trong khi kim ngạch vẫn được duy trì ở mức trên 25 triệu USD.Sau một tháng gần như không tham gia thị trường, Indonesia đánh dấu sự trở lại với 5,77 nghìn tấn gạo Việt Nam nhập khẩu, trị giá 3,7 triệu USD. Lũy kế 5 tháng đầu năm, Indonesia vẫn là thị trường nhập khẩu gạo Việt Nam nhiều nhất, với 678,5 nghìn tấn, trị giá 345,17 triệu USD.
Theo nguồn tin Bộ Công thương, Sierra Leone và Việt Nam vừa ký biên bản ghi nhớ về mậu dịch gạo, sẽ là cơ sở pháp lý cho việc thiết lập quan hệ mua bán gạo ổn định, giúp phát triển quan hệ đối tác chiến lược về cung cấp lương thực giữa hai quốc gia. Phái đoàn Sierra Leone trong chuyến thăm Việt Nam đã thương lượng với Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) để mua 50.000 tấn gạo trong tổng số 100.000 tấn thuộc giai đoạn 2011-2015.
Mỗi năm, châu Phi mua khoảng 1,5 triệu tấn gạo của nước ta. Dù lượng mua lần này không lớn và không phải ngoại lệ nhưng đã tiếp thêm sức mạnh cho giá gạo trong nước vốn giảm mạnh trong những tuần qua do đang giữa vụ thu hoạch lúa hè thu ở Đồng bằng Sông Cửu Long.
Giá gạo xuất khẩu đã tăng so với tuần trước cho dù đang giữa vụ thu hoạch, nhờ hợp đồng xuất gạo sang các nước châu Phi.
Giá gạo 25% tuần này đứng ở 430 USD/tấn, tăng so với 420 – 435 USD/tấn của tuần trước. Giá gạo 5% tấm giá 460 – 470 USD/tấn, so với 460 – 465 USD/tấn cách đây 1 tuần.
Vụ lúa hè thu là vụ lớn thứ hai sau vụ Đông Xuân. Tuy nhiên thóc gạo của vụ này lại ít được dùng xuất khẩu như vụ trước, mà chủ yếu phục vụ tiêu thụ trong nước vì cho ra loại gạo chất lượng thấp.
Viện Mạng lưới kiến thức Thái Lan nhận định, nhờ có chính sách rõ ràng trong việc cắt giảm chi phí sản xuất và quản lý mạng lưới tiếp thị liên quan đến lúa gạo, Việt Nam chắc chắn thành công trong mục tiêu đạt mức tăng trưởng xuất khẩu thóc gạo cao hơn nữa.
Theo báo cáo của cơ quan này, Việt Nam hiện là nước có năng suất lúa bình quân cao nhất ASEAN, đạt 862,4 kg/rai (1 rai = 1.600 m2), trong khi mức bình quân của thế giới là 680 kg/rai; của Thái Lan là 448 kg/rai.
Việt Nam thực hiện chính sách “ba giảm và ba tăng” (giảm sử dụng thóc giống, phân bón và thuốc trừ sâu; tăng sản lượng, chất lượng và lợi nhuận). Khoảng 82% diện tích trồng lúa của Việt Nam đã được thủy lợi hóa, trong khi ở Thái Lan chỉ là 24%.
Các học giả và chuyên gia thuộc Hội nghị nghiên cứu quốc gia Thái Lan về lúa gạo (Thailand National Rice Research Conference) lo ngại sức cạnh tranh của ngành lúa gạo nước này sẽ bị suy giảm, Thái Lan có thể sẽ mất vị trí là nhà xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới trong 5-10 năm tới, do thiếu chính sách phát triển sản xuất hiệu quả và sách lược tiếp thị tốt.
Ngoài ra, chi phí sản xuất ở Thái Lan là 4.575 bạt/rai còn ở Việt Nam chỉ là 2.464 bạt/rai.
Theo nhà nghiên cứu Somporn Isvilanonda thuộc Viện Mạng lưới kiến thức Thái Lan, để nâng cao sức cạnh tranh, Thái Lan cần tập trung nâng cao chất lượng canh tác, sản lượng, giảm chi phí sản xuất, phát triển và hệ thống hóa hoạt động tiếp thị và thương mại trong lĩnh vực lúa gạo.
Nguồn: Báo điện tử Tầm Nhìn
- Khảo sát nhanh (2'): Yêu cầu thẩm định chuỗi cung ứng của một số thị trường EU đối với hàng xuất khẩu Việt Nam
- Mỹ sẽ thông báo mức thuế quan mới từ ngày 4/7
- Đàm phán Thuế đối ứng Việt - Mỹ: Chờ đợi kết quả chính thức
- Chờ lối đi ‘sắc bén’ hơn cho xuất khẩu trước thỏa thuận thuế quan mới
- Hiểu thế nào về mức thuế đối ứng 20% Mỹ áp cho Việt Nam?