Thâm nhập châu Phi: Lựa chọn nào của Việt Nam?
20/06/2011 116Châu Phi đang nổi lên là một tiêu điểm trong con mắt cộng đồng kinh doanh quốc tế và Việt Nam, với nhiều lợi thế, hoàn toàn có vị trí quan trọng ở lục địa đen. Nhưng hiện thực hoá tiềm năng đó, Việt Nam cần lựa mục tiêu phù hợp với năng lực cạnh tranh.
Mặc dù chưa thể so sánh với Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan nhưng châu Phi là thị trường rất hấp dẫn và doanh nghiệp Việt Nam có rất nhiều nhiều cơ hội. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là tìm ra những lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế để thâm nhập thị trường trong bối cảnh mức độ cạnh tranh ngày càng tăng giữa các nước tại châu Phi.
Thương mại- Mở mặt hàng mới
Hiện gạo là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào châu Phi, chiếm 30% kim ngạch xuất khẩu. Dự báo trong 5 năm tới, vẫn đóng góp nhiều nhất cho kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào châu Phi do nhu cầu cao về gạo của lục địa này. Mỗi năm, châu Phi phải nhập khẩu hơn 1 tỷ USD gạo, nhất là các nước ở khu vực Tây Phi như Nigiêria, Bờ Biển Ngà, Senegal, Ghana…
Mặt hàng quan trọng thứ hai của Việt Nam là dệt may, chiếm 14% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào châu Phi. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Nam Phi, Angola, Nigeria, Ethiopia, Benin, Madagascar… và được người tiêu dùng ưa chuộng.
Đứng thứ ba là mặt hàng thủy hải sản. Hiện nay, cơ cấu hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sang châu Phi ngày càng đa dạng do nhu cầu thị trường tăng nhưng yêu cầu chất lượng không quá khắt khe. Cá tra đang là mặt hàng thủy sản được xuất khẩu nhiều nhất, đặc biệt là sang Ai Cập, Nigiêria, Angiêri, Tuynidi…
Các mặt hàng xuất khẩu khác có kim ngạch lớn như giày dép, cà phê, hạt tiêu, cao su… Gần đây, Việt Nam đã có thêm các sản phẩm như điện, điện tử, cơ khí, đồ nhựa, sản phẩm gỗ, xe máy và phụ tùng, thuốc lá, rau quả, bột gia vị, bột ngọt, đồ chơi trẻ em, mỳ ăn liền, sữa…
Các mặt hàng mới có nhiều tiềm năng để doanh nghiệp Việt Nam khai thác ở thị trường châu Phi như đồ gia dụng, hàng tiêu dùng, thực phẩm chế biến, đồ hộp, cơ khí nông nghiệp, sản phẩm nhựa, dược phẩm, thuốc chống sốt rét, màn chống muỗi...
Về nhập khẩu, châu Phi vẫn là nguồn cung quan trọng cho một số nguyên liệu cho sản xuất trong nước, nổi bật nhất là hạt điều thô, bông, gỗ nguyên liệu, sắt thép phế liệu... Bên cạnh duy trì việc nhập khẩu các mặt hàng này, thời gian tới Việt Nam cần hướng tới các mặt hàng thế mạnh của châu Phi như dầu mỏ, khí đốt, khoáng sản, chế phẩm từ dầu khí… và hạn chế nhập khẩu qua trung gian.
Đầu tư- Những lĩnh vực lợi thế
Song song với đẩy mạnh thương mại với châu Phi, doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng đến việc đầu tư sang châu Phi, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp để tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào, nhân công rẻ và những ưu đãi thuế quan mà châu lục này được hưởng khi xuất khẩu sang EU và Hoa Kỳ.
Một số lĩnh vực đầu tư mà Việt Nam được đánh giá có khả năng cạnh tranh tốt ở châu Phi, có thể tạo đột phá cho quan hệ với châu lục này:
Thứ nhất là thăm dò và khai thác dầu khí, đã khẳng định vị trí số một trong hợp tác công nghiệp với châu Phi. Bên cạnh 13 dự án đã có với các nước châu Phi, PetroVietnam đang tiếp tục mở rộng địa bàn hoạt động tại châu Phi.
Thứ hai là thăm dò và khai thác các khoáng sản có trữ lượng lớn như bạch kim, crôm, mangan, côban, vàng, kim cương, đồng, sắt, than, thiếc, bauxite, phốt phát… Tập đoàn Vinacoamin đã có những xúc tiến theo hướng này.
Thứ ba là hóa chất và phân bón. Ngoài những dự án tại Ai Cập, Marốc, Việt Nam có thể mở rộng hợp tác khai khác và sản xuất phốt phát tại Angiêri, hoá chất với Nigêria, Libi, Nam Phi, Angola…
Thứ tư là dệt may. Đây là tiềm năng mà các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần chú trọng. Chuyển dịch sản xuất dệt may sang châu Phi, các doanh nghiệp khai thác được rất nhiều lợi thế của châu Phi về mặt bằng, nguyên liệu, nhân công rẻ, thị trường tiêu thụ… và được hưởng thuế suất ưu đãi vào Mỹ và EU.
Thứ năm là ngành da giày. Nhiều nước châu Phi có nguồn nguyên liệu da dồi dào trong khi năng lực sản xuất trong nước hạn chế. Ngành da giày Việt Nam có thể phát huy lợi thế về thiết bị, kỹ thuật thông qua các liên doanh sản xuất, tiêu thụ tại châu Phi và xuất khẩu sang nước thứ ba.
Thứ sáu là chế biến gỗ. Việt Nam có thể phát triển liên doanh với các nước châu Phi để khai thác, sản xuất sản phẩm gỗ tiêu thụ tại chỗ hoặc xuất khẩu.
Thứ bảy là sản xuất vật liệu xây dựng. Nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng của châu Phi rất lớn, trong khi sản xuất tại chỗ chưa đáp ứng được nhu cầu. Đây là cơ hội để Việt Nam chuyển dịch sang châu Phi sản xuất xi măng, gạch, gốm sứ xây dựng, trang thiết bị vệ sinh…
Thứ tám là chế biến nông sản và hải sản. Nông nghiệp đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của các nước châu Phi nhưng công nghiệp chế biến còn rất hạn chế. Đây là lĩnh vực châu Phi rất ấn tượng với Việt Nam và đang mong chờ nhất đầu tư nước ngoài để chế biến gạo, cà phê, hoa quả, hạt điều, ngô, đậu, sắn, khoai tây, thực phẩm ăn liền…
Thứ chín là nhóm thiết bị, máy móc nông nghiệp. Trình độ công nghiệp của châu Phi vẫn rất lạc hậu. Việt Nam có thể đầu tư liên doanh sản xuất thiết bị, máy móc phục vụ nông nghiệp như máy cày, bừa, gặt đập, bơm nước, xe tải nhẹ…
Thứ mười là sản xuất xe đạp, xe máy. Thị trường xe đạp, xe máy tại nhiều quốc gia châu Phi hầu như còn “bỏ ngỏ”. Việt Nam đã thành công dự án lắp ráp và tiêu thụ xe máy tại Mali và có triển vọng mở rộng sang nhiều nước châu Phi khác.
Trong thời gian tới, quan hệ kinh tế với châu Phi sẽ có thêm lực đẩy từ những chủ trương mới của Nhà nước. Chương trình hành động quốc gia phát triển quan hệ với châu Phi giai đoạn 2011- 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 sắp được ban hành sẽ hỗ trợ mạnh mẽ doanh nghiệp sang châu Phi kinh doanh thông các công cụ pháp lý, tài chính.
Nguồn: Báo Điện tử Công thương
- Mỹ sẽ công bố thỏa thuận thương mại với các nước trong tháng tới
- Xuất khẩu chính ngạch ớt, chanh leo sang Trung Quốc: Cơ hội và thách thức
- EU cân nhắc áp thuế đối với 100 tỷ euro hàng hóa Mỹ
- Ai Cập – Điểm đến mới giữa căng thẳng thương mại
- Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam