Trái ngược với viễn cảnh nền kinh tế toàn cầu giảm tốc và có nguy cơ gặp suy thoái, các nước châu Á lại đang tạo ra triển vọng tăng trưởng vững chắc.

Trong một bài viết mới đây, tờ Nikkei Asia (Nhật Bản) trích dẫn số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, dự báo tốc độ tăng trưởng năm 2023 ở châu Á được nâng từ 4,9% lên 5,3%, gấp 3 lần so với mức của Mỹ và gấp 7 lần Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings cũng ước tính châu Á-Thái Bình Dương sẽ đạt tăng trưởng 4,2% trong năm nay.

“Châu Á sẽ là khu vực tăng trưởng”, Nikkei Asia nêu rõ, đồng thời chỉ ra hai động lực dài hạn góp phần ủng hộ quan điểm lạc quan trên.

Trước hết, theo Nikkei Asia, đó là kinh nghiệm quản lý tài khóa. Các nền kinh tế châu Á đã tích lũy kinh nghiệm kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính cuối thế kỷ trước nên bước qua đại dịch Covid-19 mà không để lại nhiều thiệt hại nghiêm trọng.

Chính phủ các nước châu Á đều phản ứng nhanh trước sự hoành hành của dịch bệnh, áp dụng nhiều biện pháp quyết đoán, tìm mọi cách để bảo đảm sức khỏe cộng đồng và việc làm trong nền kinh tế. Vì thế, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đánh giá, tốc độ phục hồi kinh tế ở châu Á mạnh hơn và nhanh hơn nhiều so với Mỹ và châu Âu. 

Trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu chậm lại, cuộc xung đột Nga-Ukraine và những đợt tăng lãi suất mạnh mẽ của Mỹ, các nước châu Á nỗ lực tăng cường dự trữ ngoại hối, kiểm soát lạm phát và bảo đảm rằng các nền kinh tế khu vực không bị ảnh hưởng nặng nề do lãi suất và tỷ giá hối đoái xấu đi. Ngay cả khi đồng USD tăng giá, phần lớn tiền tệ của các nền kinh tế mới nổi ở châu Á lại hoạt động tốt hơn so với các loại tiền tệ truyền thống như đồng yen và đồng euro. Nhà kinh tế trưởng Jerome Haegeli thuộc Công ty tái bảo hiểm Swiss Re (Thụy Sĩ) từng nhận định: “Các nền kinh tế châu Á mới nổi dẫn đầu trong cuộc chiến giữ lạm phát ở mức thấp”.

Mặt khác, Nikkei Asia khẳng định, các thỏa thuận như Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) hay Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là “chìa khóa” giúp thúc đẩy phục hồi kinh tế khu vực. Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và nhu cầu tiêu dùng của châu Á gia tăng đã tạo đà cho chuỗi cung ứng toàn cầu chuyển dịch và tái cấu trúc.

Trong bối cảnh đó, các hiệp định như RCEP và CPTPP-hai trong số những hiệp định thương mại tự do có quy mô lớn nhất toàn cầu hiện tại-sẽ có tác dụng tăng cường trao đổi thương mại bên trong châu Á, tối ưu hóa tiềm năng tăng trưởng dài hạn của khu vực, giúp các nền kinh tế châu Á hội tụ lại trong một mô hình kinh tế gắn kết thông qua việc dỡ bỏ các rào cản thương mại.

Trong nhiều năm, phần lớn các nước đang phát triển ở châu Á đã tận dụng chi phí lao động thấp để khai thác tiềm năng tăng trưởng dựa vào xuất khẩu. Điều này đã thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ 34 tỷ USD năm 1990 lên 741 tỷ USD năm 2021. Quá trình đó cũng tạo điều kiện cho hàng trăm triệu người có được thu nhập khả dụng và chuyển sang tầng lớp tiêu dùng. RCEP và CPTPP sẽ làm cho môi trường kinh doanh khu vực trở nên hấp dẫn hơn.

Viện Nghiên cứu Brookings (Mỹ) ước tính, số lượng người tiêu dùng ở châu Á sẽ tăng từ 560 triệu năm 2000 lên khoảng 3 tỷ vào năm 2030, tương đương 70% dân số của châu lục. Nikkei Asia cho biết, các nhà đầu tư quốc tế cần nhận ra rằng, thay vì đổ tiền vào sản xuất ở châu Á để xuất khẩu sang thị trường khác, họ sẽ tập trung sản xuất tại châu Á cho thị trường châu Á.

Nguồn: Báo Quân đội nhân dân