Đối mặt với thế giới đa cực

Toàn cầu hóa, hội nhập đang cùng hợp nhịp phát triển, kéo theo sự cạnh tranh khốc liệt, các kênh đàm phán cũng vì thế mà trở lên đa dạng và quyết liệt hơn. Việt Nam tiếp tục phải đương đầu với những thách thức mới.

Doha vẫn bế tắc, đàm phán khó hơn

Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), khởi đầu cho một loạt đàm phán, hội nhập kinh tế quốc tế. Ở đó, Việt Nam và các thành viên WTO phải tham gia các cuộc đàm phán song phương, đa phương như Vòng đàm phán Đoha mở cửa thị trường, đàm phán song phương với các thành viên và các nước chưa là thành viên về mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ trong WTO… Theo Ủy Ban Hợp tác kinh tế quốc tế (HTKTQT), Việt Nam chắc chắn phải tiến hành đàm phán song phương để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp và nền kinh tế với 29 nước đang đàm phán gia nhập WTO, trong đó có những nước lớn như Liên bang Nga, Ukraina và một số nước thuộc Liên Xô trước đây - những đối tác kinh tế truyền thống của Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh Vòng đàm phán Đoha vẫn bế tắc bởi những mâu thuẫn và xung đột về lợi ích giữa các nước thành viên phát triển và đang phát triển, việc đàm phán các hiệp định thương mại có thể sẽ xoay sang một hướng khác.

WTO dự báo, đến năm 2011, toàn thế giới sẽ có trên 350 hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết và đi vào thực thi. Việc hình thành các FTA đã và đang trở thành thách thức rất lớn đối với nền kinh tế đang chuyển đổi như Việt Nam, nơi mà hệ thống chính sách, luật pháp và quản lý xã hội đang trong quá trình đổi mới, hoàn thiện. Đặc biệt, khả năng thực thi một cách đầy đủ, hiệu quả các cam kết quốc tế trong các tổ chức và diễn đàn kinh tế khu vực còn đang là vấn đề quan trọng.

Ngoài FTA, hiện nay, Việt Nam đang được yêu cầu tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Với khuôn khổ thương mại toàn diện, chất lượng cao, tầm bao quát rộng, các thành viên kỳ vọng, TPP sẽ mang lại sự hội nhập sâu rộng hơn khi vòng đàm phán Đoha đang bế tắc. Tham gia vào TPP, Việt Nam có thêm nhiều cơ hội tiếp cận chuỗi giá trị cung cấp toàn cầu, đưa các sản phẩm thế mạnh ra thị trường thế giới, thu hút đầu tư từ các nền kinh tế phát triển… Nhưng TPP cũng là một mẫu hiệp định FTA được đàm phán và ký kết giữa các nước phát triển hoặc có hệ thống phương mại phát triển ổn định. Vì vậy, sẽ là thách thức rất lớn cho Việt Nam khi tham gia đầy đủ vào TPP.

Hiện, ASEAN đang phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, hướng tới một thị trường chung vào 2015. Sự mở rộng hợp tác trong ASEAN đã và đang có những tác động nhiều chiều tới Việt Nam. Mặt trái của Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc - ASEAN, có hiệu lực từ 1/1/2010, trong đó 90% mặt hàng có thuế suất bằng 0% tràn vào Việt Nam, cộng thêm việc Trung Quốc tiếp tục xuất khẩu dựa trên đồng nhân dân tệ giá rẻ đang trở thành những nguy cơ đối lớn với Việt Nam.

Việt Nam cũng đang tham gia vào hai diễn đàn kinh tế lớn và uy tín nhất thế giới là APEC và ASEM, mà ở đó, các thành viên là các đối tác kinh tế chiến lược lớn nhất của Việt Nam cả trong hiện tại và tương lai. Khu vực Đông Á sẽ có thêm Nga, Mỹ và các đối tác khác. Thời gian tới, Việt Nam tiếp tục tiến hành nhiều phiên đàm phán ASEAN mở rộng với các đối tác quan trọng như Trung Quốc, Nhật bản, Mỹ, EU… Trong cuộc chơi mới này, không chỉ có kinh tế, mà còn có cả chính trị, ngoại giao... và nhiều vấn đề khác nữa.

Theo kinh nghiệm của ông Lương Văn Tự, nguyên Trưởng đoàn đàm phán WTO của Việt Nam, trong đàm phán các hiệp định thương mại, các nước mạnh cái gì thường đòi đối tác mở cửa cái đó. Tới đây, những gì các nước phát triển không có được trong WTO, trong đàm phán Đoha sẽ đưa vào nội dung đàm phán khác với Việt Nam. Cụ thể, trong nội dung đàm phán TPP với nước ta, Mỹ sẽ đưa vấn đề hóc búa như mua sắm công, nhân quyền, tự do công đoàn...

Hoạt động hội nhập có vấn đề

Ngày 10/2/1998, Chính phủ ban hành quyết định 31/1998 thành lập Ủy ban Quốc gia về HNKTQT nhằm thống nhất sự chỉ đạo của Chính phủ đối với các bộ ngành và địa phương về công tác HNKTQT. Tuy nhiên, thay cho những phấn khích, hăng hái ban đầu, công tác hội nhập ngày càng trở nên tẻ nhạt, chưa đáp ứng được tình hình thực tế, chưa khai thác được lợi ích từ hội nhập. Theo Ủy ban Quốc gia HNKTQT, Việt Nam đã kịp thời xây dựng các nghị quyết và khoảng 60 chương trình hành động ngay sau khi gia nhập WTO, song việc thực thi còn lúng túng, phân công chồng chéo… Mỗi bộ, ngành lại giao cho nhiều bộ phận khác nhau phụ trách nên tên gọi cũng khác nhau, chẳng hạn, Bộ Ngoại giao là vụ Hợp tác kinh tế đa phương, bộ Kế hoạch và Đầu tư lại giao cho Vụ kinh tế đối ngoại… Tương tự, giao việc tại các địa phương cũng khác, có nơi giao Sở kế hoạch và Đầu tư, có nơi giao Sở Nội vụ… thậm chí có địa phương lại giao cho các trung tâm xúc tiến thương mại đảm trách.

Đến nay, cả nước mới chỉ có 15/12 bộ, ngành và 50/63 tỉnh, thành phố xây dựng được Ban HNKTQT. Các bộ phận đầu mối làm công tác hội nhập được lắp ghép khiên cưỡng từ nhiều nguồn nên thiếu sự gắn kết, cơ chế tổ chức vận hành thiếu khoa học, công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương vẫn ì ạch, chệch choạc… “Không có cơ quan điều phối, các hoạt động bị phân lẻ, dẫn đến mạnh ai nấy làm”, ông Tự nhận định. “Hội nhập đang giống như một chiếc áo, mỗi người xé một mảnh, cuối cùng không còn gì để mặc”.

Thực trạng hoạt động của Ban hội nhập kinh tế quốc tế Hà Nội, một trong những địa phương đi đầu trong việc thành lập Ban HNKTQT, phần nào phản ánh tình hình chung của cả nước. Ông Nguyễn Minh Phong, Ủy viên Ban hội nhập kinh tế quốc tế Hà Nội cho biết, việc thay đổi nhân sự trong Ban khiến người mới, không biết người cũ làm gì, thậm chí văn bản cũ đã ban hành nhưng không ai biết nó nằm ở đâu, được thực hiện hay chưa…Không có các hoạt động kiểm định, đánh giá, mức hỗ trợ 50 triệu/năm chỉ dành cho tổng kết năm. “Công tác hội nhập là có thật và ngày càng quan trọng, nhưng trên thực tế hoạt động này lại đang nhạt dần. Thực tế cho thấy hoạt động của hệ thống Ủy ban hội nhập là có vấn đề”, ông Nguyễn Minh Phong nói.

Nguồn: Báo Công thương