Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU: Tác động thể chế và điều chỉnh chính sách ở Việt Nam

14/08/2017    2491

Hiệp định EVFTA là một trong những Hiệp định Thương mại Tự do lớn nhất Việt Nam từng tham gia, được kỳ vọng sẽ làm thay đổi thể chế chính sách và phát triển nền kinh tế Việt Nam lên một tầm cao mới khi chính thức được thực thi.

Tham gia vào Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Việt Nam sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh do tính kinh tế quy mô; gia tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài để khai thác lợi ích của FTA; đồng thời, chắc chắn có các cải cách về thể chế, chính sách làm tăng tính dự đoán và giảm rủi ro; sự bổ trợ từ các nguồn sản xuất chất lượng cao và sự bổ trợ do tăng cường cạnh tranh tích cực,v.v… Do vậy, mục tiêu của Việt Nam là EVFTA sẽ được đưa vào thực hiện vào năm 2018

Giống như TPP, những cam kết trong EVFTA không chỉ giới hạn trong phạm vi loại bỏ thuế quan và tạo thuận lợi cho thương mại, mà sâu rộng hơn nhiều. Những cam kết đằng sau biên giới bao gồm cách thức quản lý nhà nước, ban hành pháp luật, mối quan hệ giữa nhà đầu tư và nhà nước, vấn đề cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, quan hệ lao động,v.v...

Theo kết quả nghiên cứu, trong khi những tác động trực tiếp liên quan đến việc sửa đổi luật pháp cho phù hợp với cam kết của Hiệp định không nhiều, những tác động gián tiếp trong việc cải cách thể chế kinh tế nói chung là rất lớn, đặc biệt là môi trường đầu tư, doanh nghiệp nhà nước, môi tường kinh doanh và năng lực cạnh tranh. Vấn đề trở lên cấp thiết hơn khi sự sẵn sàng của nền kinh tế và của doanh nghiệp cho thực hiện Hiệp định là chưa cao.

Bên cạnh đó, trong EVFTA, cam kết về hải quan và tạo thuận lợi thương mại được thể hiện rất rõ trong Chương 5 và Chương 20 - Giao thức về hợp tác quản lý trong hải quan. Những chương trên thể hiện các cam kết về hải quan; tạo thuận lợi cho thương mại; hỗ trợ trong hải quan; hợp tác giữa hải quan của hai bên. Hầu hết các cam kết trên phải thực hiện ngay lập tức khi thỏa thuận có hiệu lực. Do đó, thực hiện EVFTA sẽ thúc đẩy Việt Nam hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến vấn đề hải quan.

Vì vậy, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) ra mắt ấn phẩm: '"Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU: Tác động thể chế và điều chỉnh chính sách ở Việt Nam" nhằm phân tích và hỗ trợ Việt Nam trong việc điều chỉnh cải cách thể chế và chính sách trên nhiều lĩnh vực như môi trường đầu tư, kinh doanh và năng lực cạnh tranh; cải cách các doanh nghiệp nhà nước, v.v… khi thực thi EVFTA.