Giới thiệu bộ văn kiện gia nhập WTO

06/11/2018    18264

Bộ văn kiện gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của Việt Nam đã được Đại hội đồng WTO thông qua vào ngày 07/11/2006, bao gồm các tài liệu sau:

1. Báo cáo của Ban Công tác về việc gia nhập WTO của Việt Nam

Báo cáo này thể hiện các cam kết đa phương, đó là các cam kết chung, mang tính nguyên tắc, về việc thực hiện các quy định của WTO. Đây là các cam kết về việc tuân thủ các hiệp định của WTO, các cam kết về sửa đổi quy định, chính sách cho phù hợp với quy định của WTO và một số cam kết đặc thù của Việt Nam.

Báo cáo này do Ban Thư ký tổng hợp, dựa trên các bản trả lời câu hỏi, các chương trình hành động và các bản thông báo về chế độ, chính sách mà Việt Nam gửi cho Ban Công tác. Bác cáo bao gồm các đoạn văn có đánh số, sắp xếp theo từng đề mục theo mẫu cung của WTO.

2. Cam kết về thương mại hàng hóa

Các Thành viên WTO thường yêu cầu nước xin gia nhập phải cam kết: (i) ràng buộc mức trần cho tất cả các dòng thuế trong biểu thuế nhập khẩu của mình; (ii) chỉ dùng thuế nhập khẩu làm công cụ để bảo hộ; (iii) tại cửa khẩu, ngoài thuế nhập khẩu, không sử dụng phí, lệ phí và các khoản thu khác nhằm mục đích thu ngân sách. WTO còn yêu cầu phải giảm thuế, nhất là các mặt hàng đang có thuế suất áp dụng cao và yêu cầu các nước xin gia nhập cắt giảm thuế theo ngành với mức cắt giảm 0% (như Hiệp định công nghệ thông tin, Hiệp định về thiết bị máy bay dân dụng, thiết bị y tế) hoặc hài hòa thuế suất ở mức thấp (như Hiệp định hóa chất, Hiệp định hàng dệt may).

Việt Nam giảm mức thuế bình quân từ mức hiện hành 17,4% xuống còn 13,4% thực hiện dần trong vòng 5-7 năm. Mức thuế bình quân hàng nông sản từ mức hiện hàng 23,5% xuống còn 20,9% thực hiện trong khoảng 5 năm. Mức thuế bình quân hàng công nghiệp giảm từ 16,8% xuống 12,6% thực hiện trong vòng 5 đến 7 năm (mức giảm thuế chi tiết từng mặt hàng xem biểu thuế).

Việt Nam cũng cam kết tham gia một số hiệp định tự do hóa theo ngành. Những ngành mà Việt Nam cam kết tham gia đầy đủ là sản phẩm công nghệ thông tin (ITA), dệt may và thiết bị y tế. Những ngành mà Việt Nam tham gia một phần là thiết bị máy bay, hóa chất và thiết bị xây dựng. Thời gian để giảm thuế là từ 3-5 năm.

Việt Nam bảo lưu quyền áp dụng hạn ngạch thuế quan với đường, trứng gia cầm, lá thuốc lá và muối. Riêng muối là mặt hàng WTO không coi là nông sản, do vậy thường không được áp dụng công cụ hạn ngạch thuế quan nhưng ta kiên quyết giữ để bảo vệ lợi ích của diêm dân. Đối với 4 mặt hàng này, mức thuế trong hạn ngạch là tương đương mức thuế MFN hiện hành (trứng 40%, đường thô 25%, đường tinh 40-50%, thuốc lá lá 30%, muối ăn 30%). Mức thuế ngoài hạn ngạch cao hơn rất nhiều.

Các quy định của WTO về trợ cấp:

Đối với trợ cấp nông sản, nước xin gia nhập phải cam kết loại bỏ trợ cấp xuất khẩu nông sản. Đối với sản phẩm phi nông sản, có 3 nhóm trợ cấp: Nhóm đèn đỏ là trợ cấp cấm được áp dụng (gồm trợ cấp xuất khẩu và trợ cấp thay thế nhập khẩu). Nhóm đèn vàng là trợ cấp riêng biệt cho một ngành, gây bóp méo cho thương mại, không bị cấm áp dụng những có thể bị “trả đũa”. Nhóm đèn xanh là trợ cấp được coi là ít gây bóp méo thương mại. Tuy nhiên, WTO cũng có  những ngoại lệ dành cho các nước đang và kém phát triển đối với trợ cấp nông nghiệp và phi nông nghiệp. Việt Nam đồng ý bãi bỏ hoàn toàn các loại trợ cấp bị cấm theo quy định của WTO (trợ cấp xuất khẩu và trợ cấp nội địa hóa). Việt Nam bảo lưu được thời gian quá độ là 5 năm (trừ đối với ngành dệt may) đối với các ưu đãi đầu tư dành cho sản xuất hàng xuất khẩu đã cấp trước ngày gia nhập WTO. Đối với hỗ trợ trong nước đối với nông nghiệp, ta vẫn được hưởng mức hỗ trợ là 10%

3. Cam kết về mở cửa thị trường dịch vụ

Đàm phán mở cửa thị trường dịch vụ để gia nhập WTO căn cứ theo yêu cầu đàm phán mà các thành viên WTO đưa ra trên cơ sở các nguyên tắc của Hiệp định chung về Dịch vụ liên quan đến thương mại (GATS). Lộ trình cam kết về thương mại dịch vụ được gọi là Biểu cam kết về Thương mại Dịch vụ.

Về nội dung:

Biều cam kết dịch vụ gồm 3 phần: cam kết chung, cam kết cụ thể và danh mục các biện pháp miễn trừ đối xử tối huệ quốc (MFN).

Phần cam kết chung bao gồm các nội dung cam kết được áp dụng cho tất cả các dịch vụ đưa vào Biểu cam kết dịch vụ. Phần này chủ yếu đề cập tới những vấn đề kinh tế - thương mại tổng quát như các quy định về chế độ đầu tư, hình thức thành lập doanh nghiệp, thuê đất, các biện pháp về thuế, trợ cấp cho doanh nghiệp trong nước,…

Phần cam kết cụ thể bao gồm các nội dung cam kết được áp dụng cho từng dịch vụ đưa vào Biểu cam kết dịch vụ. Điều này có nghĩa là đối với mỗi dịch vụ trong Biểu cam kết sẽ có nội dung cam kết cụ thể áp dụng cho dịch vụ đó, chẳng hạn như các cam kết về dịch vụ viễn thông, về dịch vụ bảo hiểm, ngân hàng hoặc về dịch vụ vận tải. Nội dung cam kết thể hiện mức độ mở cửa thị trường đối với từng dịch vụ cho các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài.

Danh mục các biện pháp miễn trừ đối xử tối huệ quốc liệt kê các biện pháp được duy trì để bảo lưu việc vi phạm nguyên tắc MFN đối với những dịch vụ có duy trì biện pháp miễn trừ. Theo quy định của GATS, một thành viên được vi phạm nguyên tắc MFN nếu thành viên đó đưa biện pháp vi phạm vào danh mục các biện pháp miễn trừ đối xử tối huệ quốc và được các Thành viên WTO chấp nhận.

Về cấu trúc:

Biểu cam kết dịch vụ gồm 4 cột: (i) cột mô tả ngành/ phân ngành; (ii) cột hạn chế về tiếp cận thị trường; (iii) cột hạn chế về đối xử quốc gia; và (iv) cột cam kết bổ sung.

Cột mô tả ngành/ phân ngành thể hiện tên dịch vụ cụ thể được đưa vào cam kết. Theo danh mục phân loại ngành dịch vụ của Ban Thư ký WTO, có tất cả 12 ngành và 155 phân ngành dịch vụ được các Thành viên WTO tiến hành đàm phán. Việt Nam cam kết mở cửa 11 ngành và 110 phân ngành.

Cột hạn chế về tiếp cận thị trường liệt kê các biện pháp duy trì đối với các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài. Biểu cam kết nào liệt kê càng nhiều biện pháp nói trên thì mức độ mở cửa thị trường cho các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài càng chặt chẽ.

Cột cam kết bổ sung liệt kê các biện pháp ảnh hưởng đến hoạt động cung cấp và tiêu dùng dịch vụ nhưng không thuộc về hạn chế tiếp cận thị trường hay hạn chế về đối xử quốc gia. Cột này mô tả những quy định liên quan đến trình độ, tiêu chuẩn kỹ thuật, các yêu cầu hoặc thủ tục về việc cấp phép…

Về các phương thức cung cấp dịch vụ:

GATS quy định 4 phương thức cung cấp dịch vụ, bao gồm: 1) cung cấp qua biên giới; 2) tiêu dùng ngoài lãnh thổ; 3) hiện diện thương mại; 4) hiện diện thể nhân.

Phương thức cung cấp qua biên giới (gọi tắt là Phương thứ 1) là phườn thức theo đó dịch vụ được cung cấp từ lãnh thổ của một Thành viên này sang lãnh thổ của một Thành viên khác. Ví dụ, vận tải hàng hóa hoặc hành khách từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Phương thức tiêu dùng ngoài lãnh thổ (gọi tắt là Phương thức 2) là phương thức theo đó người tiêu dùng của một Thành viên di chuyển sang lãnh thổ của một Thành viên khác để tiêu dùng dịch vụ. Ví dụ, khách du lịch nước ngoài sang Việt Nam tham quan và mua sắm.

Phương thức hiện diện thương mại (gọi tắt là Phương thức 3) là phương thức theo đó nhà cung cấp dịch vụ của một Thành viên thiết lập các hình thức hiện diện như công ty 100% vốn nước ngoài, công ty liên doanh, chi nhánh,… trên lãnh thổ của một thành viên khác để cung cấp dịch vụ. Ví dụ, ngân hàng Hoa Kỳ thành lập chi nhánh để kinh doanh tại Việt Nam.

Phương thức hiện diện thể nhân (gọi tắt là Phương thứ 4) là phương thức theo đó thể nhân cung cấp dịch vụ của một Thành viên di chuyển sang lãnh thổ của một Thành viên khác để cung cấp dịch vụ. Ví dụ, các nghệ sĩ, chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam hoạt động.

Về mức độ cam kết:

Do các điều kiện được sử dụng trong Biểu cam kết của mỗi Thành viên sẽ tạo ra các cam kết có tính ràng buộc pháp lý nên việc thể hiện có hay không có các hạn chế về tiếp cận thị trường hay đối xử quốc gia phải thống nhất và chính xác. Phụ thuộc vào mức độ hạn chế mà mỗi Thành viên có thể đưa ra, thường có bốn trường hợp sau: Cam kết toàn bộ, Cam kết kèm theo những hạn chế; Không cam kết; và Không cam kết vì không có tính khả thi kỹ thuật./.

_______________

Nguồn: Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Quốc tế, Các văn kiện gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO của Việt Nam, Hà Nội, 2006, tr.6-9.