Tương quan mực, bạch tuộc Việt Nam - Trung Quốc tại thị trường Australia
12/11/2013 15Theo ông Norman Grant - Chủ tịch Hiệp hội Nhập khẩu Thủy sản Australia và ông Robert Chua - Chuyên gia tư vấn thị trường Australia thì tiềm năng XK, trong đó có thủy sản Việt Nam sang thị trường Australia trong thời gian này và tương lai rất lớn. Hàng năm, Australia nhập khẩu khoảng 200.000 tấn thủy sản, trong đó Việt Nam chiếm khoảng 1/4 kim ngạch nhập khẩu thủy sản của nước này.
Tuy nhiên, các DN XK mực, bạch tuộc Trung Quốc đã đang thâm nhập rất tốt vào thị trường tiềm năng Australia, trong khi DN thủy sản Việt Nam lại đang bỏ lỡ nhiều cơ hội. Vì sao vậy? Hãy xem xét về tình hình XK nhuyễn thể (mã HS 0307) trong 9 tháng đầu năm nay.
Hiện nay, Australia là nước XK lớn thứ 7 của thủy sản Việt Nam (sau khối thị trường ASEAN). Tôm chiếm đến 60% tổng giá trị XK, tiếp đó là cá tra chiếm 23,3%, cá biển các loại chiếm 12,5%, còn nhuyễn thể chân đầu chỉ chiếm 1,9% tổng giá trị XK thủy sản sang thị trường Australia. 9 tháng XK đầu năm 2013 thì có đến 6 tháng giá trị XK mực, bạch tuộc Việt Nam sang thị trường Australia chững hoặc giảm mạnh từ 20 - 62% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi nhu cầu mực, bạch tuộc tại Australia đang rất lớn, các DN XK hải sản Trung Quốc đã nhanh chóng nắm lấy “thời cơ” này và họ đã giành lấy 35% thị phần từ “tay” các nguồn cung lớn khác như: New Zealand, Nhật Bản, Thái Lan, Indonesia... và cả Việt Nam. Theo ông Robert Chua thì các DN XK Việt Nam cũng chưa tính đến lợi thế nổi trội nhất khi XK sang thị trường Australia là có vị trí địa lý rất gần gũi so với Mỹ và EU. Đây cũng là cách tính toán thông minh trong bối cảnh khó khăn để giảm được nhiều chi phí. Hơn nữa, Hiệp định tự do Thương mại hai chiều giữa ASEAN - Australia cũng đang tạo điều kiện thuận lợi hơn về thuế suất cho các DN XK Việt Nam. Hiện tại, mực, bạch tuộc Việt Nam XK sang Australia được hưởng mức thuế suất ưu đãi nhất là 0%.
5 năm kể từ 2008-2012, Trung Quốc - nước XK thủy sản lớn nhất thế giới chiếm tới hơn 35% tổng lượng thủy sản toàn cầu coi Australia là đối tác chiến lược, đứng thứ 7 trong danh sách thị trường quan trọng. Tốc độ tăng trưởng về giá trị XK nhuyễn thể (mã HS 0307) của Trung Quốc sang Australia là 38% và về số lượng là 15%.
Theo đối chiếu của Trademap, nếu Thái Lan hay Việt Nam chỉ tập trung NK nhuyễn thể (mã HS 0307) tại một số nước thì Trung Quốc lại ngược lại họ mở rộng thu mua với khối lượng và giá trị lớn từ nhiều nguồn cung lớn, trung bình và nhỏ: Đài Loan, Indonesia, Nga, New Zealand, Mauritania, Morocco, Peru... Tính đến hết quý II/2013, tổng giá trị NK nhuyễn thể của Trung Quốc gấp 10 lần của Việt Nam.
Nguồn nguyên liệu NK của Trung Quốc chia làm 3 loại chính: Hải sản cao cấp (nhiều nhất là Tôm hùm và bào ngư) dùng để tiêu thụ nội địa cho các nhà hàng cao cấp; bột cá dùng cho nuôi trồng và nguồn hải sản dùng để gia công, tái xuất, trong đó có mực, bạch tuộc. Và nguồn thủy sản tiêu thụ cũng được phân chia một cách rõ ràng: Cá nước ngọt phục vụ cho nhu cầu tại các thành phố vệ tinh trong nước, cá biển đông lạnh, chế biến cho các thành phố lớn tại phía Bắc và nguồn hải sản phục vụ cho tầng lớp người giàu.
Toàn bộ nguồn nguyên liệu NK được thông qua nhiều trung tâm giao thương lớn, 90% hải sản NK từ New Zealand được đưa về thành phố Thanh Đảo còn Sơn Đông là thành phố chế biến lớn nhất Trung Quốc. Theo số liệu của FAO, đến năm 2020, tiêu thụ thủy sản của Trung Quốc có thể đạt tới 35,9kg/người. Vừa đáp ứng nhu cầu khổng lồ trong nước nhưng nhờ sự nắm bắt cơ hội và nhanh nhạy “thu vén” nguyên liệu nên các DN Trung Quốc đang chiếm lĩnh nhiều thị trường NK quan trọng trên thế giới.
Không chỉ tại Australia, tại các thị trường tiềm năng và tiêu thụ lớn khác, các DN Trung Quốc vẫn là “đối thủ” đáng gờm nhất đối với nhiều nguồn cung, trong đó có Việt Nam.
Nguồn: http://www.vasep.com.vn