Tổ yến thô được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc
09/05/2025 2Nghị định thư năm 2025 cho phép xuất khẩu tổ yến, trong đó bổ sung thêm tổ yến thô. Đây là tin vui đối với các doanh nghiệp và cơ sở nuôi yến trong nước. Đồng thời mở ra cơ hội để Việt Nam xuất khẩu hàng tỉ USD mặt hàng yến chính ngạch sang Trung Quốc.
Triển khai Nghị định thư năm 2025 về xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc, sáng 8/5 tại Hà Nội, Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) tổ chức hội nghị với các Hiệp hội, Hội, doanh nghiệp và nhà nuôi yến để phổ biến những quy định xuất khẩu yến sang thị trường Trung Quốc.
Được xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ giúp giá nguyên liệu của tổ yến thô tăng cao
Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ tổ yến lớn nhất, chiếm đến 80% lượng tiêu thụ trên toàn thế giới. Với nguồn nguyên liệu yến trong nước dồi dào với khoảng 200 tấn mỗi năm, Việt Nam đang có cơ hội xuất khẩu hàng tỉ USD mặt hàng yến chính ngạch sang Trung Quốc…
Ông Hồng Đình Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam cho rằng, so với Nghị định thư năm 2022 về xuất khẩu tổ yến chính ngạch sang Trung Quốc, Nghị định thư xuất khẩu yến năm 2025 vừa được ký giữa 2 bên có bổ sung thêm sản phẩm, đó là sản phẩm yến thô, đây là tin vui đối với các doanh nghiệp và cơ sở nuôi yến trong nước.
“Nghị định thư của năm 2025 và cho phép xuất khẩu tổ yến, trong đó bổ sung thêm tổ yến thô. Đây là tin vui đối với những hộ nông dân nuôi yến, bởi có thêm đầu ra tiêu thụ. Đây cũng là nỗ lực của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, chắc chắn sẽ giúp cho giá nguyên liệu của tổ yến thô tăng cao”, ông Khoa nói.
Tại hội nghị, đại diện Cục Chăn nuôi và Thú y và các đơn vị chuyên môn đã làm rõ những yêu cầu và điều kiện xuất khẩu yến sang thị trường Trung Quốc. Theo đó, các cơ sở sơ chế tổ yến thô và cơ sở chế biến tổ yến sạch xuất khẩu phải được đăng ký với Tổng cục hải quan Trung Quốc.
Cụ thể, việc sản xuất, chế biến tổ yến thô và tổ yến sạch xuất khẩu sang Trung Quốc phải đáp ứng các quy định có liên quan của Việt Nam và Trung Quốc về kiểm dịch, kiểm tra, an toàn thực phẩm. Các cơ sở phải có năng lực sản xuất phù hợp hoặc phải có thiết bị, dụng cụ phù hợp với chủng loại và số lượng sản phẩm. Tổ yến thô và tổ yến sạch xuất khẩu sang Trung Quốc phải được đóng gói bằng vật liệu mới, phù hợp với tiêu chuẩn vệ sinh quốc tế…
Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và điểm hỏi đáp Quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam) lưu ý, với Nghị định thư vừa ký với Tổng cục Hải quan Trung Quốc năm 2025 có một số điểm mới so với Nghị định thư năm 2022, về các quy trình xử lý nhiệt, các cơ sở xử lý hiện nay hoàn toàn đáp ứng được.
“Tuy nhiên, Hải quan Trung Quốc có bổ sung thêm điểm mới, đó là phân tích kiểm tra các chỉ tiêu nhôm trong sản phẩm yến, đây là một điểm mới, doanh nghiệp cũng như nhà sản xuất cần lưu ý khi xuất khẩu phải kiểm tra và xác định mức dư lượng của yếu tố nhôm, tài sản phẩm, tổ yến xuất khẩu để đáp ứng yêu cầu của thị trường Trung Quốc”, ông Nam chỉ ra.
Theo ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi - Thú y, các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, nhà yến chính là những người tiên phong đi đầu trong thực hiện các quy định của Nghị định thư về xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc, cơ quan quản lý nhà nước sẽ song hành để hỗ trợ về kỹ thuật cũng như phổ biến kịp thời các quy định về Nghị định thư này.
“Không có cơ quan quản lý nào làm được việc này, chính những Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và hộ nuôi yến là những người hiện thực hóa Nghị định thư vào thực tiễn một cách hiệu quả nhất. Về mặt kỹ thuật, cơ quan quản lý nhà nước sẽ đồng hành và hỗ trợ để cộng đồng doanh nghiệp, hộ nuôi yến phát triển bền vững”, ông Thắng nêu rõ.
Để tận dụng cơ hội từ thị trường Trung Quốc, ông Dương Tất Thắng cho rằng cần xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, quy hoạch vùng nuôi, và nâng cao chất lượng sản phẩm. Các doanh nghiệp được khuyến khích chế biến sâu, cạnh tranh lành mạnh, và hướng tới xây dựng thương hiệu quốc gia. Việc hoàn thiện khung pháp lý, ứng dụng khoa học công nghệ, và tăng cường giám sát an toàn thực phẩm là những bước đi cần thiết.
Hơn nữa, cần tháo gỡ vướng mắc pháp lý về cấp phép xây dựng nhà yến – hiện đa số chưa được cấp phép chính thức – và kiểm dịch động vật. Sự phối hợp giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp, và người dân sẽ giúp ngành yến Việt Nam không chỉ đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu mà còn tạo dựng uy tín trên thị trường quốc tế.
Việt Nam đang có cơ hội xuất khẩu hàng tỉ USD mặt hàng yến chính ngạch sang Trung Quốc
Ngành nuôi yến tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, với sự gia tăng nhanh chóng về số lượng nhà yến. Theo Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), từ hơn 8.300 nhà yến năm 2017, con số này tăng lên 11.740 nhà vào tháng 8/2019, đạt 22.363 nhà vào năm 2021, 23.742 nhà năm 2022, 26.561 nhà năm 2023, và đến năm 2024 là 29.320 nhà.
Kiên Giang dẫn đầu với 2.981 nhà yến (giảm nhẹ so với 2.995 nhà năm 2022), tiếp theo là Tiền Giang (1.732 nhà), Đắk Lắk (1.725 nhà), và Bình Thuận (1.680 nhà). Sản lượng tổ yến năm 2024 ước đạt 270 tấn, tăng 8% so với năm 2023, hướng tới mục tiêu 350-400 tấn/năm theo Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2030.
Việt Nam sở hữu lợi thế lớn nhờ bờ biển dài, nhiều đảo, và các dãy núi nhô ra biển, tạo điều kiện thuận lợi cho nghề nuôi chim yến. Chất lượng tổ yến Việt Nam được đánh giá vượt trội so với các nước trong khu vực, với tiềm năng khai thác thương mại hóa cao. Tuy nhiên, sự phát triển chưa đồng bộ và thiếu quản lý chặt chẽ đang đặt ra nhiều thách thức.
Kể từ khi tổ yến được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) ưu tiên đàm phán xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc vào năm 2018, quá trình này đã đạt nhiều bước tiến quan trọng. Ngày 9/11/2022, Nghị định thư về kiểm dịch, kiểm tra, và vệ sinh thú y cho tổ yến sạch được ký kết, mở ra cơ hội lớn cho ngành yến Việt Nam. Đến nay, 13 doanh nghiệp được Trung Quốc chấp thuận xuất khẩu, đạt sản lượng hơn 4 tấn tổ yến tinh chế và hàng triệu sản phẩm, với giá trị vượt 4 triệu USD.
Để mở rộng loại hình xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục đàm phán, dẫn đến việc ký kết Nghị định thư mới với Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) vào ngày 15/4/2025, bao gồm cả tổ yến thô và tổ yến sạch, thay thế Nghị định thư 2022. Nghị định thư 2025 yêu cầu khắt khe hơn, bao gồm chứng nhận an toàn dịch bệnh (cúm gia cầm, Newcastle), giới hạn nitrit, nhôm, kiểm tra cảm quan, và xử lý nhiệt (nhiệt độ tâm sản phẩm không dưới 70°C trong ít nhất 3,6 giây). Các cơ sở sơ chế và chế biến phải đăng ký với GACC, chỉ sản phẩm sau ngày đăng ký mới được xuất khẩu, với bao bì niêm phong, ghi nhãn bằng tiếng Trung và tiếng Anh, kèm Giấy chứng nhận kiểm dịch thú y thống nhất giữa hai bên.
Hiện, hơn 70 doanh nghiệp tham gia chương trình giám sát, hơn 4.000 nhà yến được kiểm tra an toàn dịch bệnh, và hơn 220 mẫu tổ yến được xét nghiệm an toàn thực phẩm. Điều này cho thấy nỗ lực lớn trong việc đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt khi Trung Quốc tiêu thụ khoảng 300 tấn tổ yến mỗi năm, chiếm 80% thị phần toàn cầu./.
- Mỹ sẽ công bố thỏa thuận thương mại với các nước trong tháng tới
- Xuất khẩu chính ngạch ớt, chanh leo sang Trung Quốc: Cơ hội và thách thức
- EU cân nhắc áp thuế đối với 100 tỷ euro hàng hóa Mỹ
- Ai Cập – Điểm đến mới giữa căng thẳng thương mại
- Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam