Tin tức

Thoả thuận mậu dịch tự do EU - Canada: Lợi đơn lợi kép

28/10/2013    13

Sau bốn năm đàm phán, EU và Canada đã đạt được thoả thuận nguyên tắc về thành lập khu vực mậu dịch tự do song phương. Hai bên dự tính kết thúc quá trình đàm phán chi tiết và hoàn tất các thủ tục phê chuẩn chậm nhất trong năm 2015 để khu vực mậu dịch tự do song phương này có thể bắt đầu đi vào hoạt động trong cùng năm ấy.

Đối với cả hai bên, thoả thuận này là dấu mốc rất quan trọng trong quan hệ hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư. 

Cơ hội với thị trường 500 triệu người tiêu dùng

EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Canada sau Mỹ và Canada là đối tác thương mại lớn thứ 12 của EU. Miễn thuế quan và dỡ bỏ mọi rào cản thương mại sẽ thúc đẩy mạnh mẽ trao đổi thương mại và hợp tác đầu tư. Cả hai phía đều mong đợi từ đó những tác động đòn bẩy và cú hích cho tăng trưởng kinh tế và tạo công ăn việc làm ở cả hai bên. Thủ tướng Canada Stephen Harper coi thoả thuận này, viết tắt là CETA, là thoả thuận thương mại quan trọng nhất và đi xa nhất mà Canada đã từng ký kết với đối tác bên ngoài từ trước đến nay, có nghĩa là còn quan trọng hơn và đi xa hơn cả thoả thuận mà Canada đã ký năm 1994 với Mỹ và Mexico về thành lập Khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ (Nafta). Chủ tịch Uỷ ban EU Jose Manuel Barroso đánh giá CETA là nền tảng để có thể "trụ vững ở thị trường Bắc Mỹ và là chất xúc tác cho tăng trưởng kinh tế và tạo công ăn việc làm ở Châu Âu".

CETA giúp giới kinh tế Canada tiếp cận thuận lợi và dễ dàng thị trường EU với hơn 500 triệu người tiêu dùng và huỷ bỏ 99% các loại thuế quan đối với hàng hoá của EU xuất khẩu sang thị trường Canada. Hai bên trù tính CETA sẽ giúp kim ngạch thương mại giữa EU và Canada tăng từ mức độ hiện tại là 86 tỉ USD lên thêm ít nhất 30 tỉ USD.

Vướng mắc lớn nhất đã được hai bên xử lý trong quá trình đàm phán về CETA từ năm 2009 đến nay là nông phẩm. Ông Barroso cho biết EU đạt được mục tiêu là mọi tiêu chí và tiêu chuẩn áp dụng cho nông phẩm không bị suy chuyển gì. Đổi lại, EU phải mở cửa gần như hoàn toàn thị trường EU cho sản phẩm thịt bò của Canada, giúp Canada có thể tăng xuất khẩu thịt bò từ mức độ hiện tại chỉ có 4,3 triệu Euro lên 428 triệu Euro.

Áp lực thời gian

Cái lợi về chính trị và kinh tế từ CETA đối với cả hai phía còn nhiều hơn thế. CETA sẽ giúp Canada giảm đáng kể mức độ lệ thuộc lâu nay vào thị trưởng Mỹ và Nafta, qua đó tạo vị thế mới cho nước này trong các mối quan hệ khác với Mỹ và các đối tác ở Châu Mỹ nói chung. EU hiện đang tiến hành đàm phán với Mỹ về thoả thuận tương tự với tên gọi Quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương về thương mại và đầu tư (TTIP) mà rất nhiều vấn đề cần đàm phán giống như những gì EU đã đàm phán và thoả thuận được với Canada. CETA vì thế rất hữu ích cho EU trong đàm phán với Mỹ về TTIP, giúp EU có thể đặt Mỹ "trước sự đã rồi" trong không ít nội dung đàm phán cụ thể.

Có thể chuyện đàm phán giữa EU và Mỹ về TTIP đã gây áp lực thời gian nhất định thúc ép hai bên phải kết thúc thành công đàm phán về CETA trước khi EU và Mỹ đi vào giai đoạn đàm phán thực chất về TTIP. Điều chắc chắn là sau khi đã có CETA, EU ở vị thế thuận lợi hơn nhiều so với trước trong quá trình đàm phán với Mỹ về TTIP. Canada không chỉ là thành viên đầu tiên của Nhóm G8 ký kết thoả thuận mậu dịch tự do với EU mà còn là một bàn đạp cho EU tiếp cận thị trường châu Mỹ nói chung và thâm nhập vào Nafta nói riêng. Giống như những thoả thuận mậu dịch tự do song phương khác trên thế giới, CETA góp phần thúc đẩy trào lưu hình thành những thoả thuận mậu dịch tự do song phương trong khi Vòng đàm phán Doha của WTO vẫn bế tắc và chưa biết đến khi nào mới có thể kết thúc thành công.

Nguồn: http://dddn.com.vn