Những bước tiến quan trọng sau 2 năm gia nhập WTO

22/12/2009    461

Vũ Khoan – Nguyên BTTWĐ, Phó Thủ tướng Chính phủ


Nước ta gia nhập WTO mới trên 2 năm. Đó là một thời đoạn quá ngắn, vả lại không giống như Trung Quốc gia nhập WTO khi kinh tế thế giới phục hồi, nước ta gia nhập WTO vào thời điểm kinh tế thế giới đầy xáo động rồi lâm vào cuộc suy thoái trầm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II nên khó bề đánh giá chuẩn xác. Bên cạnh đó còn phải kể đến nhiều nhân tố khác tác động tới kinh tế nước ta, kể cả sự yếu kém vốn có từ lâu của nền kinh tế và những cam kết quốc tế khác… nên càng khó bóc tách rạch ròi. Do vậy mọi sự đánh giá chỉ mang tính tương đối.

Để đánh giá có thể dựa trên 4 căn cứ khác nhau: (i) theo những cơ hội và thách thức chúng ta đã dự báo; (ii) theo những quan điểm chỉ đạo đã được đề ra; (iii) theo những cam kết ta đã nhận và (iv) theo những chủ trương, chính sách lớn được Đảng và Chính phủ nêu lên. Vì đây là cuộc hội thảo của các Văn phòng ở TW cho nên, có lẽ nên lấy căn cứ (iv) thì hợp lý hơn.

Thực hiện cơ bản Nghị quyết của Đảng và Chương trình hành động của Chính phủ

Sau khi nước ta gia nhập WTO, Hội nghị TW 4 khoá X họp tháng Giêng 2007 đã ra Nghị quyết “ về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên WTO”, trong đó nêu ra 10 chủ trương, chính sách lớn. Tiếp đó, Chính phủ đã thông qua Chương trình hành động để thực hiện. Nay ta thử nhìn lại xem đã làm được gì, điều gì chưa làm được theo những chủ trương, chính sách ấy ở những nội dung liên quan trực tiếp tới việc gia nhập WTO.

1. Về chủ trương “Tăng cường công tác tư tưởng, nâng cao nhận thức của toàn Đảng, toàn dân” nay đã đạt được sự đồng thuận rộng rãi về nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; đã có sự hiểu biết nhất định về “luật chơi” và ở chừng mực nào đó đã thích ứng với chúng.

Tuy nhiên, về mặt này cũng còn tồn tại một số vấn đề. Lúc đầu đã nẩy sinh tâm tư kỳ vọng quá lớn; không ít người cứ tưởng gia nhập WTO sẽ phồn vinh ngay; trái lại khi gặp khó khăn do giá cả thế giới tăng cao và nhất là khi nổ ra cuộc khủng hoảng toàn cầu lại nẩy sinh tâm tư cho rằng, mọi khó khăn đều do gia nhập WTO. Nói một cách khác chưa thật quán triệt nhận thức rằng, gia nhập WTO chỉ là một phương tiện, nội lực mới có ý nghĩa quyết định.

Bên cạnh đó nhiều người, kể cả những người liên quan trực tiếp chưa hiểu thật sâu những cam kết khi gia nhập WTO. Đặc biệt là chưa phát huy cao độ tinh thần chủ động sáng tạo để biến cơ hội thành hiện thực; nhiều chương trình hành động mang tính hình thức, chưa được quan tâm thực hiện; chưa biết tận dụng những công cụ WTO cho phép để bảo vệ lợi ích của mình như các tiêu chuẩn kỹ thuật, chống bán phá giá, độc quyền…

2. Về chủ trương “khẩn trương bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thể chế” đã nêu ra 4 nhiệm vụ cụ thể; trong đó đã và chưa đạt được những mặt sau:

(i) chưa bao giờ việc bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật lại được tiến hành với cường độ cao như vừa qua; về đại thể những điều bổ sung, hoàn thiện đều phù hợp với những cam kết khi gia nhập và được thực hiện nghiêm chỉnh, chưa một đối tác nào chê trách.

Mặt khác vẫn tồn tại những căn bệnh cố hữu là các văn bản dưới luật chậm được ban hành; nhiều quy định trùng chéo, mâu thuẫn nhau; sự hiểu biết pháp luật chưa sâu và việc thực thi pháp luật chưa tốt.

(ii) về nhiệm vụ “hình thành nhanh và đồng bộ các yếu tố của kinh tế thị trường” thì cho đến nay đã hình thành về cơ bản thị trường hàng hoá, thị trường dịch vụ, thị trường tài chính-tiền tệ, thị trường bất động sản, thị trường lao động, thị trường khoa học-công nghệ. Chúng ta đã mở cửa từng bước cho các đối tác nước ngoài đúng với cam kết.

Tuy nhiên, thị trường dịch vụ chưa phát triển đúng mức; thị trường chứng khoán giảm mạnh và nay phản ánh đúng hơn thực trạng kinh tế; thị trường tài chính-ngân hàng có khó khăn nhất định nhưng không bị đổ vỡ như ở nhiều nước khác; thị trường bất động sản trì trệ kéo dài, vấn đề đất đai vẫn còn phức tạp gây trở ngại cho phát triển kinh tế, kể cả đối với nhà đầu tư nước ngoài; thị trường khoa học-công nghệ chưa phát huy tác dụng cần có; thị trường lao động gặp khó khăn do sản xuất giảm sút.

Về cơ chế giá, vừa qua đã có bước tiến mới là áp dụng cơ chế giá thị trường đối với xăng dầu và điện. Nhiều cơ chế trợ cấp đã được dỡ bỏ, tuy nhiên cần đề phòng sự trở lại của cơ chế bao cấp, xin-cho nhân các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ trước sự suy giảm kinh tế.

Công cụ thuế ngày càng được hoàn thiện cho dù thủ tục còn nhiều rắc rối; thất thu còn lớn; do kinh tế suy giảm, thu ngân sách giảm thiểu, chi hỗ trợ lớn, bội chi ngân sách tăng cao, do đó cần đề phòng lạm phát quay trở lại.

Nhiệm vụ “nâng cao hiệu quả đầu tư” chưa đạt, hệ số ICOR ngày càng cao: 2001-2005 là 4,89; 2006 là 5; 2007 là 5,4 và 2008 là 6,8, năm nay theo kế hoạch là 6,1.

Về sự điều hành của Nhà nước trên tầm vĩ mô thì sau khi gia nhập WTO, ta chủ trương tăng tốc phát triển. Khi vốn nước ngoài vào nhiều, có phần làm tăng phát hành tiền, tín dụng, đầu tư, nhập khẩu, bội chi ngân sách đưa tới lạm phát cao; để kiềm chế lạm phát ta đã phải thắt chặt tiền tệ, ở mặt nào đó đã gây khó khăn cho sản xuất, nhất là vào lúc kinh tế thế giới suy giảm, làm cho sản xuất giảm thiểu, nhiều người mất việc làm. Rõ ràng, sau khi gia nhập WTO, sự điều hành nền kinh tế thị trường lại hội nhập đầy đủ với kinh tế thế giới là một vấn đề mới mẻ và phức tạp, cần thích nghi dần.

3. Về nhiệm vụ “đẩy nhanh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước” tuy đã làm được thêm một số việc, nhất là việc xếp sắp lại bộ máy hành pháp và giảm thiểu thủ tục, song vẫn tồn tại nhiều bất cập, trong đó đáng chú ý là việc thực hiện chủ trương “đẩy mạnh phân cấp gắn với tăng cường trách nhiệm và kiểm tra, giám sát” có nhiều vướng mắc do nguồn nhân lực ở các địa phương chưa tương xứng với nhiệm vụ.

4. “Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm” là nhiệm vụ lớn, lâu dài, trong hơn 2 năm chúng ta chưa thể làm được gì nhiều. Tuy nhiên, cái được là qua quá trình hội nhập càng bộc lộ rõ hơn những yếu kém về mặt này; riêng ở tầm quốc gia nổi lên 3 khâu “thắt nút cổ chai” là kết cấu hạ tầng; chất lượng nguồn nhân lực và thể chế, nhất là thủ tục, đi đôi với nạn tham nhũng chưa bị đẩy lùi, ảnh hưởng tới hiệu quả phát triển của nền kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài.

5. Trong quá trình hội nhập chúng ta luôn quan tâm tới những tác động không thuận đối với nông nghiệp, nông dân như trong Nghị quyết TW 4 đã nêu bật vấn đề này và Hội nghị TW 7 đã thông qua hẳn một nghị quyết riêng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Tuy nhiên, trong hơn 2 năm qua, xét riêng về góc độ liên quan trực tiếp tới việc gia nhập WTO thì cũng chưa kịp triển khai được nhiều việc, kể cả quyền được sử dụng 10% giá trị sản lượng để hỗ trợ cho nông nghiệp; xuất khẩu nông sản vẫn gia tăng nhưng chủ yếu vẫn ở dạng thô, chất lượng và vệ sinh an toàn sản phẩm chưa có sự cải thiện rõ rệt, toàn diện; đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào nông nghiệp vẫn ở mức cực thấp.

Gia nhập WTO, xuất khẩu nông sản gia tăng

6. Do thời gian còn quá ngắn nên khó bóc tách rõ những vấn đề xã hội nào do việc gia nhập WTO gây ra, những vấn đề nào do quá trình phát triển nội tại đưa tới. Tuy nhiên, có thể thấy, do xuất khẩu gia tăng, nhất là đầu tư nước ngoài tăng đột biến, khả năng xuất khẩu lao động được mở rộng, chúng ta đã tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho nhân dân.Thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản bùng nổ đã góp phần tăng thu nhập của một bộ phận dân cư. Tiếc rằng, tình trạng lạm phát cao và tác động của khủng hoảng toàn cầu đã hạn chế, thậm chí phần nào đã xoá đi những gì gặt hái được, buộc chúng ta phải ứng phó với nạn thất nghiệp và chi tiêu nhiều hơn cho nhiệm vụ an sinh xã hội; công cuộc xoá đói giảm nghèo tuy đạt được nhiều thành tựu, nhưng nay phải đứng trước những thách thức mới; việc thu hẹp khoảng cách ngày càng doãng ra giữa các tầng lớp dân cư và vùng miền tiếp tục mang tính thời sự cao.

7. Không chỉ do gia nhập WTO mà do chính sách mở cửa dưới tác động của xu thế toàn cầu hoá và công nghệ thông tin nói chung, chúng ta đã tiếp thu được không ít thành tựu, tinh hoa văn hoá của nhân loại, tuy về mặt trái của quá trình ấy, sản phẩm văn hoá của các nước có điều kiện xâm nhập sâu rộng, mạnh mẽ vào nước ta, đặt nền văn hoá dân tộc trước nhiều thách thức mới, trong một số lĩnh vực còn có phần bị văn hóa ngoại lấn lướt.

Chúng ta đã làm được không ít việc để giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc đi đôi với việc quảng bá văn hoá nước ta ra nước ngoài song nhìn tổng thể nói chung hiệu quả còn chưa được như mong muốn.

8. Vấn đề môi trường ngày càng trở nên bức bách, sau khi nước ta gia nhập WTO một số nhà đầu tư nước ngoài có ý định đưa vào ta những dự án có thể gây ô nhiễm nặng, gây lo ngại sâu sắc trong dư luận xã hội và có thể ảnh hưởng xấu tới tính bền vững trong sự phát triển của nước ta.

Khắc phục nhược điểm, đẩy mạnh hội nhập

Tóm lại, trong hơn 2 năm qua, chúng ta đã làm được nhiều việc theo Nghị quyết TW 4 và Chương trình hành động của Chính phủ nhằm bảo đảm việc gia nhập WTO góp phần làm cho nước ta phát triển nhanh và bền vững. Tuy nhiên như trên đã nói, do thời gian quá ngắn, đồng thời lại rơi vào đúng thời điểm kinh tế thế giới khủng hoảng, nhiều vấn đề liên quan tới nhiều nhân tố khách quan và chủ quan khác nên khó có thể đánh giá hết những thành tựu đã đạt được, cũng như những gì chúng ta cần phải phấn đấu, khắc phục.

Mặc dầu vậy có thể hình dung rằng, bên cạnh một số kết quả “hữu hình” rất quan trọng như đầu tư nước ngoài tăng cao, nguồn ngoại tệ vào nhiều, xuất khẩu có bước phát triển mới,…chúng ta đã gặt hái được một số kết quả “vô hình” có ý nghĩa to lớn, trong đó nổi lên 4 việc: có sự đồng thuận cao hơn về nhu cầu hội nhập; luật pháp, thể chế được hoàn thiện hơn, góp phần gia tăng niềm tin của các doanh nghiệp trong và ngoài nước; vị thế quốc tế của nước ta được nâng cao thêm và sau hơn 2 năm hội nhập, chúng ta càng nhận thức được rõ hơn những điểm yếu trong nền kinh tế nước ta.

Việc phát huy những mặt làm được, khắc phục những nhược điểm còn tồn tại cần đặt trong sự gắn kết với 3 quá trình: về ngắn hạn là tiếp tục đối phó với tác động của suy thoái toàn cầu; về trung hạn cần chủ động chuẩn bị cho thời kỳ “hậu khủng hoảng”; về dài hạn là chuẩn bị Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm tới để đưa nước ta lên bước phát triển mới về chất là về cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Đây là những vấn đề lớn cần được bàn thảo tiếp tục.

Nguồn: Cổng thông tin Điện tử Chính phủ