Tin tức

Thuế đối ứng của Mỹ: Việt Nam sẵn sàng đối thoại về chính sách thuế xuất nhập khẩu

11/04/2025    66

Trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ quan điểm về sự chênh lệch thuế giữa Việt Nam và Mỹ, với đường lối sáng suốt Nghị định 73/2025/NĐ-CP cũng thể hiện rõ thông điệp của Việt Nam: Sẵn sàng đàm phán, đối thoại bình đẳng và minh bạch trong thương mại quốc tế.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 73/2025/NĐ-CP ngày 31/3/2025 sửa đổi, bổ sung mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của một số mặt hàng tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo Danh mục mặt hàng chịu thuế ban hành kèm theo Nghị định số 26/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023 về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.

Cùng thời điểm này Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đang thực hiện đánh thuế đối ứng với hàng hóa nhập khẩu từ các nước vào Mỹ. Đánh giá về Nghị định 73/2025/NĐ-CP, Luật sư Hoàng Văn Hà -  Công ty Luật ARC Hà Nội nhận định:

“Việt Nam luôn hướng đến hội nhập sâu rộng, công bằng và bền vững. Nghị định 73/2025/NĐ-CP là minh chứng rõ ràng cho thấy các chủng loại hàng hóa xuất và nhập khẩu hướng thuế về 0% – không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, mà còn thể hiện trách nhiệm và thiện chí trên trường quốc tế.”

Giảm thuế nhập khẩu – Doanh nghiệp Việt đang đứng trước cơ hội vàng để bứt phá

Theo Luật sư Hà, việc thay đổi, bổ sung chính sách, chi phí nhập khẩu của doanh nghiệp có thể giảm hàng tỷ đồng mỗi năm. Nghị định 73/2025/NĐ-CP chính là "cú huých" chiến lược, giúp doanh nghiệp Việt Nam tái cấu trúc chi phí, nâng cao lợi thế cạnh tranh và vươn ra thị trường toàn cầu.

Nghị định 73/2025/NĐ-CP chính là cánh cửa lớn để doanh nghiệp Việt bứt phá trong kỷ nguyên hội nhập.

Những điểm sáng nổi bật của Nghị định gồm: Ô tô Sedan từ 1.500 – 1.800 cc (HS 8703.23.21): được điều chỉnh theo hướng ưu đãi, thúc đẩy nhập khẩu xe thân thiện môi trường.

Gỗ và nội thất (HS 44.21, 94.01, 94.03): thuế nhập khẩu giảm từ 20-25% xuống 0%, hỗ trợ mạnh ngành nội thất, bán lẻ, xây dựng.

Khí LNG: giảm từ 5% còn 2%, giúp giảm chi phí năng lượng cho các ngành công nghiệp trọng điểm.

Ethane – nguyên liệu hóa dầu: áp thuế suất 0%, tạo lợi thế lớn cho ngành hóa chất, sản xuất công nghiệp.

Luật sư Hoàng Văn Hà nhấn mạnh: “Sự điều chỉnh về Thuế là đòn bẩy để doanh nghiệp Việt Nam bước vào sân chơi toàn cầu với tâm thế chủ động. Giảm thuế là giảm áp lực chi phí, nhưng điều quan trọng hơn là tăng khả năng cạnh tranh và mở rộng cơ hội thị trường".

Đặc biệt, để tận dụng hiệu quả chính sách này, các doanh nghiệp cần thực hiện: Rà soát mã HS hàng hóa nhập khẩu để xác định nhóm hàng được ưu đãi; Cập nhật biểu thuế mới và quy trình kê khai hải quan; Tối ưu hóa nguồn nguyên liệu và chiến lược nhập khẩu phù hợp với định hướng phát triển dài hạn.

Các nước Đông Nam Á thống nhất đối thoại với Mỹ về thuế nhập khẩu

Ngày 10/4, Bộ trưởng kinh tế các nước Đông Nam Á (ASEAN) tham gia hội nghị đặc biệt về thuế nhập khẩu của Mỹ. Cuộc họp được tổ chức chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo hoãn áp thuế đối ứng ở mức cao với hàng chục đối tác thương mại trong 90 ngày. Mức thuế tạm thời được áp là 10%.

Trong thông cáo chung sau phiên họp, các Bộ trưởng khẳng định "hợp tác và đối thoại cởi mở là điều cần thiết đảm bảo mối quan hệ bền vững và cân bằng. Trên tinh thần đó, các nước ASEAN cam kết không áp đặt bất kỳ biện pháp trả đũa nào với thuế nhập khẩu của Mỹ".

Thay vào đó, ASEAN sẽ theo đuổi "đối thoại thẳng thắn và xây dựng" với Washington, nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến thương mại.
Trong cuộc họp, các Bộ trưởng bày tỏ lo ngại về tác động tiêu cực từ chính sách thuế mới của Mỹ. Chính sách này có thể gây ra thách thức lớn cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, làm giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế, đứt gãy chuỗi cung ứng cũng như dòng chảy thương mại và đầu tư toàn cầu.

Trước khi Mỹ hoãn thuế, hơn nửa thành viên của ASEAN bị áp thuế đối ứng ở mức cao. Trong đó, Campuchia bị áp 49%, Lào chịu thuế 48%, Việt Nam 46% và Myanmar là 44%.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng ASEAN cần đoàn kết, bình tĩnh và bản lĩnh trong hợp tác với Mỹ. Ông cho biết Việt Nam đã chủ động đối thoại với Mỹ về vấn đề thuế nhập khẩu. Trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ ngày 10/4 (giờ Hà Nội), Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc đã gặp Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer, đề nghị hai bên sớm đàm phán thỏa thuận thương mại song phương.

Các Bộ trưởng ASEAN cũng đồng ý cần tiếp tục hợp tác với Mỹ trong thương mại, đầu tư và các lĩnh vực giá trị gia tăng cao. ASEAN sẽ tận dụng các cơ chế hợp tác hiện có như Hiệp định khung về thương mại và đầu tư ASEAN - Mỹ (TIFA) và Kế hoạch công tác về cam kết kinh tế mở rộng (E3), nhằm tìm ra giải pháp phù hợp cho các vấn đề.

ASEAN hiện là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Mỹ. Trong khi đó, Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai và nhà đầu tư lớn nhất của khu vực này.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ tăng trưởng, các Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp tục thúc đẩy thương mại nội khối và tăng cường hợp tác kinh tế trong khu vực, tận dụng các cơ chế sẵn có, như hiệp định về trao đổi hàng hóa và khung thỏa thuận về kinh tế số.

Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia cho biết thuế nhập khẩu của Mỹ sẽ được thảo luận thêm trong một phiên họp của lãnh đạo các nước thành viên ASEAN.

Nguồn: Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp