Liên bang Nga gia nhập WTO: Tác động tích cực tới quan hệ kinh tế với Việt Nam

13/12/2011    1261

Và rút cuộc, Liên bang Nga – một quốc gia lớn nhất hành tinh và có trong tay nguồn tài nguyên cũng thuộc vào loại nhiều nhất trái đất - đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Gồng mình trong suốt 18 năm để được đứng vào hàng ngũ thứ 154 của tổ chức này, có lúc tưởng chừng như “đứt gánh” và giờ đây họ đã được đền đáp. Tuy nhiên, “được” bao nhiêu và phải chấp nhận “hy sinh” nhiều hay ít, câu hỏi này đã, đang và sẽ còn đặt ra cho biết bao thế hệ người Nga.

Những ước muốn

Có thể nói rằng, Liên bang Nga (LB Nga) gia nhập WTO là một trong những sự kiện lớn nhất trong năm 2011.

Ai cũng biết rằng LB Nga là một quốc gia rộng lớn, chiếm lĩnh 1/6 địa cầu, có nền kinh tế lớn thứ 6 trên thế giới tính theo sức mua và là thị trường rất tiềm năng đối với các nước trên thế giới. Nguồn tài nguyên của nước này vô cùng phong phú, nhiều loại đứng đầu thế giới về trữ lượng, như khí đốt (chiếm 25% trữ lượng khí đốt toàn thế giới). Lớn như vậy và giàu có như vậy, thế mà trên các Diễn đàn G7, G8 và thậm chí G20, LB Nga vẫn chỉ là một “cổ động viên” cho sân chơi thương mại toàn cầu này.

Chuyên gia phân tích về Nga và SNG của HIS Globanl Insight đã nhận xét rằng: “Nga là nước cuối cùng trong G20 vào WTO. Không có một nước nào gia nhập tổ chức này lại lâu đến như vậy”.

Với ngần ấy năm theo đuổi, lại phải bỏ ra một khoản tiền hàng chục triệu USD để chi cho ngót nghét trăm cuộc đàm phán ngoài nước, tổ chức gần 400 cuộc hội thảo, hội nghị chuyên đề về các đề tài liên quan đến WTO cho tất cả các chủ thể liên bang và 64 địa phương, tổ chức tập huấn cho viên chức nhà nước tại 44 tỉnh. Rõ ràng, không ai có thể phủ nhận quyết tâm của Nga gia nhập tổ chức này.

Mỗi quốc gia, khi đâm đơn gia nhập WTO đều xác định mục tiêu chung phải đạt được. Còn đối với Nga, mục đích gia nhập của họ lại không cầu kỳ, đó là:

- Mong muốn nhận được những điều kiện tốt nhất so với hiện tại và sẽ không còn bị phân biệt đối xử trong việc tiếp cận sản phẩm của Nga ra thị trường ngoài nước;

- Thâm nhập vào cơ chế quốc tế trong việc giải quyết những tranh chấp mang tính thương mại;

- Tạo môi trường thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài;

- Mở rộng cơ hội để các nhà đầu tư Nga tiếp cận các nước thành viên WTO; trong đó có lĩnh vực ngân hàng;

- Tạo ra những điều kiện để nâng cao chất lượng hàng hóa và khả năng cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước;

- Được quyền tham gia vào xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế, có tính đến những lợi ích quốc gia của Nga;

- Cải thiện diện mạo của Nga trên trường quốc tế như một thành viên bình đẳng trong thương mại thế giới.

Để đạt được những mục tiêu trên, nhiệm vụ chủ yếu đặt ra đối LB Nga sau khi vào WTO là:

- Phải đạt được những điều kiện tốt nhất khi Nga vào WTO, có nghĩa là một tương quan có lợi nhất cho nền kinh tế và nói như nguyên Bộ trưởng Phát triển kinh tế và Thương mại LB Nga - ông German Gref: “Tạo sự cân bằng quyền hạn và trắch nhiệm của Nga khi gia nhập WTO bằng sự tăng trưởng kinh tế, chứ không phải ngược lại”.

Ngay sau khi kết thúc đàm phán đa phương và song phương với tất cả các bên, vào ngày 11/11/2011, Nga đã nhận được những lời chúc mừng từ nguyên thủ quốc gia các nước Mỹ, Đức, Pháp, Nhật, Anh, Trung Quốc và nhiều tổ chức quốc tế. Tổng thống Mỹ Barac Obama, trong điện chúc mừng gửi Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, đã đánh giá cao việc Nga gia nhập WTO và tuyên bố rằng: “Kết thúc đàm phán gia nhập WTO của Nga được coi như một ngày trọng đại đối với quan hệ Mỹ - Nga”. Tổng thư ký WTO Pascal Lamy thì cho rằng, vào WTO sẽ đảm bảo cho Nga những điều kiện bình đẳng như đối với 153 nước thành viên khác, cho phép Nga tìm được vị trí của mình trong nền kinh tế toàn cầu, tạo môi trường đầu tư và kinh doanh hấp dẫn. Còn  Iohaneson - Trưởng nhóm công tác Nga gia nhập WTO cho rằng đây là một thành tựu mang tính lịch sử của WTO.

Quá trình đàm phán đầy gian truân

Quả thật trên thế giới này, chưa thấy có một quốc gia nào lại phải trải qua một chặng đường đàm phán lâu dài và vất vả để vào WTO như LB Nga. Quá trình này được bắt đầu vào năm 1993 (khi đó có tên gọi là Tổng Hiệp định quan thuế và thương mại GATT, từ 1995 chuyển thành WTO) và kết thúc vào tháng 12/2011.

Cơ quan chủ trì đàm phán của Nga là Bộ Phát triển kinh tế và Thương mại, nay là Bộ Phát triển kinh tế. Trưởng phái đoàn đàm phán của Nga là ông Macxim Medvedkov – nguyên Thứ trưởng Bộ Phát triển kinh tế và Thương mại, nay là Giám đốc Vụ Đàm phán thương mại, Bộ Phát triển kinh tế.

Tháng 7/1997, Ủy ban WTO của Chính phủ được thành lập. Năm 2004 thì đổi thành Ủy ban WTO và Tổ chức hợp tác và Phát triển của Chính phủ do một Phó Thủ tướng lãnh đạo.

Quá trình đàm phán được tập trung vào một số nhóm vấn đề chính:

Đàm phán về thuế

Với mục tiêu là xác định mức thuế nhập khẩu tối đa đối với tất cả danh mục hàng hóa ngoại thương mà Nga được áp dụng sau khi gia nhập WTO.

Đàm phán về đề tài nông nghiệp và công nghiệp

Đây là những đề tài phức tạp nhất và cũng gây tranh cãi nhiều nhất trên các cuộc đàm phán. Nội dung xung quanh vấn đề trợ cấp nông nghiệp, trợ cấp xuất khẩu nông sản và hàng công nghệ phẩm, công nghiệp lắp ráp ô tô và máy bay. Đối thủ nặng ký nhất trên bàn đàm phán của Nga là Mỹ, EU, Nhật bản và Hàn quốc.

Đàm phán về tiếp cận thị trường dịch vụ.

Tập chung vào việc mở của thị trường và mức độ cho phép đối tác nước ngoài tiếp cận thị trường tài chính, ngân hàng và bảo hiểm của Nga. Kết thúc đàm phán, Nga đã cam kết chấp nhận đối với 116 trên 155 lĩnh vực dịch vụ theo phân loại của WTO;

Đàm phán về những vấn đề mang tính hệ thống

Mục đích là đưa ra những biện pháp buộc Nga phải áp dụng trong lĩnh vực luật pháp, trong đó xác định quyền và nghĩa vụ theo tập quán của WTO.

Những tiến bộ đạt được

LB Nga đã phải mất gần 10 năm, tức là vào năm 2004, mới kết thúc đàm phán về các điều kiện thâm nhập thị trường hàng hóa với 14 nước, trong đó có EU – bạn hàng lớn nhất, chiếm tới 50% lưu chuyển hàng hóa ngoại thương của Nga.

Với 90% công việc đã hoàn tất vào năm 2004, Nga hy vọng gia nhập tổ chức này vào tháng 12/2005 tại Hội nghị cấp Bộ trưởng tại Hồng Kông. Tuy nhiên, mong muốn này đã không thành.

Hạn ngạch đối với nhập khẩu thịt lợn, thịt bò và gia cầm từ một số nước Trung- Nam Mỹ, EU, mở cửa tài chính với Mỹ, luôn là đề tài nóng bỏng trên bàn đàm phán đối với Nga.

Tại vòng đàm phán lần thứ 28 (tháng 6/2005), các nước trong WTO ép Nga giảm mức hỗ trợ của nhà nước và trợ cấp xuất khẩu nông sản, tuân thủ các qui định về quyền sở hữu trí tuệ, kiểm dịch động thực vật.

Tháng 10/2005, Nga và Canada đã đạt được thảo thuận song phương trong việc ủng hộ Nga gia nhập WTO.

Năm 2006, Nga và Mỹ ký Hiệp định song phương về việc chấm dứt dàm phán gia nhập WTO của Nga với Hoa Kỳ.

Năm 2008, Nga và Việt Nam ký Biên bản kết thúc đàm phán về việc Nga gia nhập WTO và 2 bên công nhận qui chế kinh tế thị trường.

Trước hàng loạt đòn của phương Tây, đã có lúc Nga bày tỏ thái độ chán nản muốn dừng bước. Thủ tướng Nga đã có lúc phải tuyên bố “Gia nhập WTO trong lúc khủng hoảng thế giới là hành động tự sát đối với nền kinh tế của bất kỳ quốc gia nào” và “Quá trình gia nhập WTO của Nga dường như không thấy đích, Nga càng muốn đến gần cái đích thì cái đích lại càng xa”.

Tháng 10/2009, 3 nước trong liên minh hải quan gồm: Nga, Belarrus và Kazakhstan ra tuyên bố khởi động đàm phán về việc gia nhập WTO độc lập và theo những quan điểm đã được thống nhất. Việc làm này của Nga đã khiến Mỹ phải nghi ngờ và tháng 4/2010, Mỹ lại đưa ra yêu sách tiếp tục đòi Nga phải giải thích về liên minh và cung cấp thông tin vai trò của nhà nước đối với các tập đoàn, công ty nhà nước Nga.

Tháng 9/2010, cuộc “đấu khẩu” Nga – Mỹ vẫn chưa dừng, khi hai bên chưa đạt được thỏa thuận về việc hàng nông sản của Mỹ tiếp cận thị trường Nga và quyền sở hữu trí tuệ.

Trước sức ép ngày càng gia tăng từ một số đối tác, cũng trong tháng 9, tại Giơ-ne-vơ, Bộ trưởng Nông nghiệp Nga đã phải xuống thang và cam kết với đại diện của Mỹ cũng như 19 nước thành viên khác của WTO rằng, trước năm 2012, trợ cấp nông nghiệp của Nga sẽ không tăng quá 9 tỷ USD và từ năm 2013-2017 sẽ giảm đi một nửa. Tuy nhiên, trên thực tế, Nga cũng chưa bao giờ chi tới con số này vì khả năng ngân sách không cho phép.

EU tiếp tục đưa một số vấn đề ra mặc cả với Nga như: thuế xuất khẩu gỗ, trợ cấp nông nghiệp và thể thức phân bố hạn ngạch thuế quan đối với thịt.

Và phải đến tháng 12/2010, Nga mới kết thúc đàm phán gia nhập WTO với Liên minh châu Âu (EU).

Mọi khó khăn đến với Nga vẫn chưa dừng ở đó. Kết thúc đàm phán với Mỹ và EU, tưởng chừng đã xong việc, nhưng "ông láng giềng" Grudia - luôn được Mỹ và EU tiếp tay - đã lại ra sức ngáng chân Nga.

Cuộc chiến năm 2008 giữa Nga và Grudia đã khiến cho tiến trình đàm phán song phương bị đổ bể. Hai nước cộng hòa tự trị có qui chế độc lập: Avkhadia và Nam Osetia là đề tài và hòn đá tảng, cản trở đàm phán Nga – Grudia. Tháng 5/2011, vòng đàm phán thứ 4 giữa hai nước kết thúc mà không có kết quả, bất đồng chủ yếu là thỏa thuận cơ chế giám sát hải quan tại biên giới lãnh thổ Avkhadia và Nam Osetia.

Nhờ vai trò trung gian của Thụy Sỹ, ngày 9/11/2011, Nga và Grudia đã ký thỏa thuận kết thúc đàm phán gia nhập WTO.

Như vậy, sau 18 năm khổ ải, giờ đây, các nhà đàm phán Nga đã thở phào nhẹ nhõm. Và sâm-panh ăn mừng đã được bật nút.

Nhiều cơ hội

Theo nhìn nhận của Cơ quan xếp hạng quốc tế Fitch, sau khi vào WTO, nền kinh tế của Nga sẽ được cấu trúc lại theo hướng ít bị ảnh hưởng bởi sự biến động của giá cả nguyên liệu, sẽ có được những điều kiện tốt hơn cho xuất khẩu hàng hóa phi nguyên liệu ra thị trường ngoài nước, tạo môi trường đầu tư thông thoáng hơn và rút cuộc, giúp tăng trưởng kinh tế và đầu tư trực tiếp. Hệ thống pháp luật sẽ rõ ràng và minh bạch hơn. Vị thế của Nga trên trường quốc tế sẽ được cải thiện hơn.

Tổng thống Nga Dmitrry Medvedev, trong bài phát biểu của mình tại hội nghị G20 diễn ra tại Kann ngày 3/11/2011 đã tuyên bố việc Nga gia nhập WTO sẽ góp phần không nhỏ vào công cuộc tự do do hóa thương mại và đầu tư trên phạm vi toàn cầu.

Một số chuyên gia của Ngân hàng Thế giới tính toán và đưa ra những con số dự báo rằng sau khi vào WTO, kinh tế Nga sẽ có mức tăng trưởng từ 3,3% trong tương lai trung hạn và 11% trong dài hạn.

Hàng hóa của các nước, đặc biệt là hàng tiêu dùng thiết yếu từ thực phẩm, công nghệ phẩm, đồ điện gia dụng, máy vi tính, điện thoại di động đến ôtô, máy bay, do thụ hưởng những lợi thế về thuế, cơ chế điều tiết xuất, nhập khẩu v.v... sẽ tràn vào Nga nhiều hơn và với cơ cấu chủng loại phong phú hơn.

Bên cạnh đó, hàng hóa do Nga sản xuất cũng sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường các nước ngoài, do không bị ngăn cách bởi những rào cản thuế quan và phi thuế quan, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài và Nga được bình đẳng trong đàm phán các hiệp định thương mại quốc tế có tính đến lợi ích quốc gia.

Do phải đối mặt với cạnh tranh với hàng hóa nước ngoài, các nhà sản xuất của Nga buộc phải đầu tư công nghệ mới để hạ giá thành sản phẩm của mình.

Nền kinh tế Nga được hội nhập sâu rộng sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân Nga.

Ý thức được những thiệt/hơn khi gia nhập WTO, trong bài phát biểu của mình tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế Sankt Peterburg, Thủ tướng Nga Vladimir Putin tuyên bố: “Nước Nga không sợ cạnh tranh, sẵn sàng cho việc gia nhập WTO và điều này không chống lại việc thành lập Liên minh hải quan và Không gian kinh tế thống nhất. Chúng tôi hiểu rằng, cạnh tranh quốc tế vẫn sẽ là động lực quyết định đến công cuộc hiện đại hóa đất nước. Trong những điều kiện kín cổng cao tường thì không cái gì có thể phát triển được. Bởi vậy, chúng tôi muốn cạnh tranh và sẵn sàng đối mặt với chúng”.

Còn Trưởng phái đoàn đàm phán của Nga - ông Macxim Medvedkov thì khẳng định rằng: “Việc gia nhập WTO sẽ tạo ra những tiền đề tốt để phát triển nông nghiệp trong nước, bảo vệ thị trường Nga khỏi bị trợ cấp nhập khẩu, cải thiện điều kiện tiếp cận hàng nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới”.

Các nhà kinh tế gia Nga còn dự báo rằng từ năm 2013, mỗi năm Nga có thể thu thêm được từ 4-5 tỷ USD do xuất khẩu kim loại, phân bón, hóa chất, súng thể thao, nhiên liệu hạt nhân, lông thú.

Các doanh nghiệp của Nga sẽ được đối xử bình đẳng trên mọi hoạt động trong khuôn khổ WTO cũng như trên sân nhà, không bị cạnh tranh không lành mạnh bởi rào cản chính trị và kinh tế - thương mại, môi trường đầu tư có sức hấp dẫn hơn, được phán xét các tranh chấp thương mại theo luật chung của WTO.

Dân chúng Nga chắc chắn được hưởng lợi do việc cắt giàm thuế nhập khẩu, kết quả là hàng hóa của các nước sẽ thâm nhập thị trường Nga nhiều hơn với chủng loại phong phú hơn. Điều này tất yếu sẽ giúp người tiêu dùng mua được hàng hóa với giá rẻ hơn, quyền lựa chọn của họ cũng sẽ rộng mở hơn.

Việc giảm thuế nhập khẩu, theo các chuyên gia kinh tế Nga sẽ kéo giá bán lẻ giảm từ 10-15%. Mỹ phẩm, đồ trang sức, hoa tươi, đồ chơi dành cho trẻ em, nước uống và các sản phẩm không cồn cũng giảm giá. Thậm chí có một số mặt hàng sẽ được giảm thuế đáng kể như: đồ gỗ, thảm len, đồ nhựa gia dụng, vải vóc, giày dép, ga trải giường, đồ da và giả da. Thuế đối với sản phẩm thủy, hải sản sẽ được giảm từ 15% xuống còn 12,5%.

Thuế nhập khẩu bình quân gia quyền đối với tất cả hàng hóa ở giai đoạn đầu gia nhập WTO là 11,85% và ở giai đoạn cuối là 7,147%. Đối với nông sản tương ứng là 15,178 và 11,275, còn đối với hàng công nghiệp là 11,256% và 6,410%.

Thời gian chuyển tiếp để tự do hóa tiếp cận thị trường thông thường mất từ 2-3 năm, còn đối với những mặt hàng nhạy cảm là từ 5-7 năm.

Thuế nhập khẩu sản phẩm sữa giảm từ 19,8 xuống còn 14,9%, lương thực từ 15,1% xuống còn 10%, dầu thực vật từ 9 xuống còn 7,1%, ô tô từ 15,5 xuống còn 12%, kỹ thuật điện tử từ 8,3% xuống còn 6,2%, gỗ và giấy từ 13,4 xuống còn 8%.

Thuốc tân dược giảm từ 15-5% xuống 6,5-5%, thiết bị y tế giảm xuống còn 2-3%. Hóa chất từ 10% xuống còn 6,5%. Thiết bị công nghệ, xây dựng, khoa học và đo lường giảm cho đén 0%.

Trong vòng 3 năm sau khi gia nhập WTO, máy vi tính, phương tiện sản xuất và linh kiện sẽ không bị chịu thuế, còn mặt hàng kỹ thuật điện gia dụng và hàng điện tử sẽ giảm từ 15 xuống còn 7- 9%. Xe hơi mới sẽ giảm từ 25% xuống còn 15% sau 7 năm. Thủy, hải sản (nguyên liệu) giảm từ 10% xuống còn 6-8%, đối với một số loại giảm xuống 3-5%. Chế độ giấy phép nhập khẩu đối với thiết bị kỹ thuật số sẽ bị loại bỏ ngay sau khi gia nhập WTO, áp thuế bằng không, mọi hạn chế về nhập khẩu điện thoại di động, smartphone sẽ bị loại bỏ.

Gia nhập WTO, sẽ thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường máy móc nông nghiệp. Thuế nhập khẩu phần lớn thiết bị kỹ thuật nông nghiệp sẽ giảm xuống mức 5-10%,

Hạn mức vốn nước ngoài tham gia vào các công ty bảo hiểm sẽ được tăng từ 25% lên 50%, nhưng trong giới hạn 49% vốn của nước ngoài trong công ty bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm bắt buộc.

Những biện pháp vệ sinh, thú y và kiểm dịch động, thực vật của Nga phải dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế và có đầy đủ luận cứ khoa học. Nga được bảo lưu quyền đòi hỏi khắt khe hơn so với các tiêu chuẩn của quốc tế nếu như điều đó là cần thiết để bảo vệ người tiêu dùng.

Đại sứ Mỹ tại Matxcơva cũng cho biết, Chính quyền Mỹ sẽ xem xét bỏ áp dụng Luật tu chánh án cho Nga vào năm 2012. Động thái này được xem là sẽ có lợi cho các nhà đầu tư và giới doanh nhân của cả hai nước.

Xét tổng thể, thì khi vào WTO sẽ mang lại cho Nga những nguồn lợi nhiều hơn là mất, đảm bảo tự do hóa nền kinh tế và cải thiện môi trường kinh doanh.

Dù sao, những nhận định trên đây cũng chỉ mang tính chất dự báo. Khả năng trở thành hiện thực còn tùy thuộc nhiều vào thể chế chính trị sẽ được hình thành tại Nga trong thời gian tới.

Không ít thách thức

Bên cạnh những cơ hội mà Nga sẽ có được, thì những thách thức gặp phải cũng không ít và nguy hiểm vẫn rình rập. Khi đã là thành viên của WTO, điều đầu tiên là Nga phải tuân thủ mọi qui tắc của WTO, ngoại trừ những vấn đề đã có sự thỏa thuận trong giai đoạn chuyển tiếp. Quả thực đây là vấn đề không dễ.

Nhìn chung, nền công nghiệp của Nga (trừ công nghiệp quốc phòng) hiện nay chưa phát triển, nếu không nói là lạc hậu. Phân tích thực trạng nền công nghiệp Nga, bà Elvira Nabullina – Bộ trưởng Phát triển kinh tế Nga - đã phải lớn tiếng cảnh báo: Muốn hiện đại hóa đất nước, ngành công nghiệp Nga phải được đổi mới toàn bộ.

Mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ, các rào cản thương mại bị dỡ bỏ, chính sách thuế được điều chỉnh theo hướng giảm dần theo lộ trình và có nhiều dòng thuế được kéo về 0, sẽ tạo điều kiện cho hàng ngoại ồ ạt vào Nga. Sản xuất trong nước, nhất là đối với hàng tiêu dùng trong giai đoạn đầu chắc chắn sẽ bất lợi .

Tuân thủ các qui định hiện hành của WTO, các loại thuế nhập khẩu nông sản, thuốc chữa bệnh, sản phẩm chế tạo máy, hàng công nghiệp, sẽ phải hạ và hàng hóa có hàm lượng công nghệ cao sẽ phải hạ xuống mức không. Công nghiệp hàng không và lắp ráp ô tô sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất, do phải cạnh tranh với bên ngoài. Ngành bảo hiểm cũng phải chịu thiệt thòi. Các công ty bảo hiểm nước ngoài sẽ chiếm lính thị phần nhất định của thị trường bảo hiểm Nga. Thị trường bảo hiểm nhân thọ có thể sẽ chuyển toàn bộ cho công ty nước ngoài quản lý và điều hành. Viêc dỡ bỏ những hạn chế hoạt động của các ngân hàng nước ngoài có thể sẽ là đòn giáng đối với các ngân hàng Nga. Tự do hóa thị trường năng lượng trong nước sẽ đánh vào các công ty độc quyền của Nga như Gazprom.

Các chính sách kinh tế - xã hội phải được thay đổi để phù hợp với các cơ chế của tổ chức này. Khi trở thành thành viên của WTO, Nga sẽ phải chấp nhận những ràng buộc trong vai trò là nhà cung cấp chủ chốt nguyên liệu thô. Gazprom của Nga sẽ phải chia sẻ quyền lợi của mình theo các qui định của WTO về chống độc quyền.

Nga cũng buộc phải nhượng bộ Mỹ và EU và cam kết giảm thuế đối với nông sản xuống 10,8% so với mức 13,2% , hàng hóa công nghiệp sẽ giảm xuống còn 7,3% so với mức 9,5% hiện nay.

Để nhận được sự ủng hộ của EU, Nga buộc phải có thái độ mềm mỏng hơn đối với vấn đề xuất khẩu gỗ và nhập khẩu các linh kiện của ôtô.

Trong lĩnh vực đầu tư lắp ráp ôtô, sau khi gia nhập WTO, Nga sẽ phải giảm mức thuế suất 5% - 15% như hiện nay đối với linh kiện xe hơi nhập khẩu xuống dưới 5%, thậm chí buộc phải áp dụng các hạn ngạch miễn thuế trong trường hợp nhập khẩu từ EU. Các doanh nghiệp lắp ráp xe hơi Nga phải nâng sản lượng lắp ráp mỗi năm lên 300 nghìn chiếc sau 4 năm gia nhập WTO, sau 3 năm lên 350 nghìn. Tỷ lệ nội địa hóa trong công nghiệp lắp ráp ôtô phải điều chỉnh theo lộ trình đã thỏa thuận và đạt mức tối đa là 60%.

Hiện nay, tốc độ tăng trưởng người giàu của Nga mỗi năm trên10% và tỷ lệ phân hóa giàu nghèo ngày càng gia tăng. Sau khi vào WTO, chắc chắn bức tranh này tại Nga nhất là tại các thành phố lớn như Matxcơva vẫn khó được cải thiện, có khi còn ngược lại.

Những tác động đến quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nga

Việt Nam luôn mong muốn LB Nga sớm ra nhập WTO. Năm 2007, ngay sau khi gia nhập WTO, Việt Nam đã chấp nhận đàm phán với Nga. Chỉ trong thời gian ngắn và không cần nhiều vòng đàm phán, hai bên cũng đã nhanh chóng đạt được thỏa thuận về mức thuế nhập khẩu đối với 145 nhóm sản phẩm của Việt Nam. Năm 2008, hai bên đã kết thức đàm phán và công nhận qui chế kinh tế thị trường cho nhau.

Hàng hóa của hai bên không mang tính cạnh tranh mà là bổ sung cho nhau. Việt Nam nhập khẩu từ Nga khoảng 73 mặt hàng với mức thuế suất thuế nhập khẩu bình quân 25,7%, chủ yếu là kim loại, sản phẩm dầu mỏ, phân bón, hóa chất, thiệt bị điện. Còn LB Nga nhập khẩu từ Việt Nam khoảng 78 mặt hàng với mức thuế suất thuế nhập khẩu bình quân 12,8%. Nhóm hàng tập trung nhất: nông sản, cao su, chè, cà phê, hàng thủ công mỹ nghệ, mây tre đan, hàng may mặc, giày dép, điện thoại di động. Sự cạnh tranh, nếu có, chỉ xảy ra đối với hàng cùng chủng loại của những nước khác đang có mặt trên thị trường của mỗi bên.

Sau khi vào WTO, cả hai nước đều phải giảm thuế theo lộ trình và như vậy sẽ tạo điều kiện để hàng hóa của mỗi nước tiếp cận thị trường của nhau nhiều hơn (hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Nga phải chịu mức thuế nhập khẩu thấp hơn từ 30% đến 50% so với mức ban hiện hành).

Việc Nga gia nhập WTO chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp Việt Nam. Trong cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Nga thì nhóm hàng nông sản và thủy, hải sản khu vực nhiệt đới chiếm tỷ trọng khoảng 50% (năm 2010 có kim ngạch trên nửa tỷ USD). Hàng nông sản của Việt Nam xuất sang Nga cho đến nay vẫn được hưởng thuế ưu đãi, sau khi Nga vào WTO, những mặt hàng này lại nằm trong nhóm được giảm thuế và không bị vấp bởi rào cản thương mại khi xuất qua Nga.

Hàng thủy, hải sản, mà mỗi năm ta xuất sang Nga trên gần 200 triệu USD sẽ có cơ hội thâm nhập sâu hơn vì thuế nhập khẩu giảm tới gần 30% so với mức hiện nay. Tuy nhiên, LB Nga vẫn chưa loại bỏ chế độ kiểm tra đối với các cơ sở nuôi trồng và chế biến thủy sản. Ngoài ra, dù có vào WTO hay không thì vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và công tác kiểm dịch động thực vật vẫn được Nga quan tâm. Đây là vấn đề không mới đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy, hải sản của Việt Nam.

Những mặt hàng như máy vi tính và linh kiện, hàng điện từ gia dụng, điện thoại di động và linh kiện sẽ bị đánh thuế thấp, có loại giảm xuống bằng không.

Những nhóm hàng mà Việt Nam nhập khẩu tới 80% trong cơ cấu hàng nhập từ Nga như phân bón, sắt thép, thiết bị, xăng dầu sẽ được hưởng lợi vì thuế nhập khẩu của Việt Nam đối với nhóm hàng này cũng sẽ giảm.

Vì những lý do trên, hàng hóa Việt Nam chắc chắn sẽ có thị phẩn xứng đáng hơn trên thị trường Nga. Nhờ tiêu thụ được sản phẩm, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có điều kiện mở rộng sản xuất, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động, nhất là  trong lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và những ngành nghề đòi hỏi hàm lượng chất xám không cao.

Sẽ không có bất kỳ ảnh hưởng tiêu cực nào đến doanh nghiệp sản xuất của hai nước.

Ngoài ra, còn một yếu tố không kém phần quan trọng khác: Ngoài việc là thành viên của WTO, LB Nga còn là thành viên của Liên minh hải quan Nga –Belarus – Kazakhstan, Không gian kinh tế thống nhất Nga – Ucraina – Belarus – Kazakhstan. Khi  hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào Nga sẽ được đưa vào các nước trong các liên minh này mà không bị hạn chế bởi rào cản thương mại. Như vậy, thị trường xuất khẩu của Việt Nam vào Nga, cũng như vào các nước SNG, sẽ được mở rộng và thuận lợi hơn.

Hàng hóa xuất khẩu của Nga vào thị trường Việt Nam sẽ có giá rẻ hơn, góp phần giảm giá thành sản xuất và nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Việc LB Nga gia nhập WTO không chỉ mang lại những lợi ích trước mắt cũng như lâu dài cho nước Nga, cải thiện cân thương mại giữa Việt Nam - LB Nga theo chiều hướng tích cực hơn; mà còn góp phần đáng kể cho tăng trưởng kinh tế thế giới và ổn định thương mại toàn cầu.

Lã Văn Châu - Tùy viên Thương mại tại LB Nga

Nguồn: Báo Công Thương