Vài nhận xét và suy nghĩ về công bằng trong mậu dịch (Fair Trade)

22/12/2009    1998

Ngô Vĩnh Long

Trong bài về sự bí ẩn trong “thế giới hàng hóa” của Marx,[1] tác giả Lữ Phương có viết những dòng sau đây về trao đổi hàng hóa:

Trừ những trường hợp riêng biệt, nguyên tắc của trao đổi là ngang giá, hai bên đều có lợi, mình cần cái mình không có mà không bị thiệt thòi. Muốn như vậy thì phải tìm ra một chuẩn mực chung giữa hai hàng hoá để làm cơ sở cho cuộc trao đổi đó.

Chuẩn mực chung đó là gì? Trong trao đổi đơn giản, Marx cho rằng nếu đó là sự chi phí sức lao động tính bằng độ lâu (durée) về thời gian của các loại lao động riêng biệt thì trong xã hội mà sự trao đổi hàng hoá đã trở thành hiện tượng “chi phối”, phổ biến, sự chi phí về sức lao động đó đã biểu hiện như một hình thái đồng nhất, trừu tượng mang ý nghĩa của một bản thể xã hội gọi là giá trị. Không có cái bản thể chung quy định cho hình thái giá trị này làm cơ sở thì việc trao đổi hàng hoá sẽ trở nên tuỳ tiện, không thể bảo đảm được nguyên tắc ngang giá, có lợi cho các đối tác trên phạm vi toàn xã hội.

Đoạn trích ở trên có hai câu gây cho tôi ít nhiều suy nghĩ: “Trừ những trường hợp riêng biệt, nguyên tắc của trao đổi là ngang giá, hai bên đều có lợi” và “Không có cái bản thể chung quy định cho hình thái giá trị này làm cơ sở thì việc trao đổi hàng hoá sẽ trở nên tuỳ tiện, không thể bảo đảm được nguyên tắc ngang giá, có lợi cho các đối tác trên phạm vi toàn xã hội.” Lữ Phương đã trình bày rất chi tiết phân tích của Marx về “hình thái giá trị” đề cập ở trên; và việc đánh giá nguyên tắc ngang giá của Marx như thế nào là tùy người “đọc.” .

Nhưng vì hiện nay tại nhiều nước trên thế giới người ta nói rất nhiều đến việc “hai bên đều có lợi” (“giải pháp cùng thắng,” win-win solution) trong trao đổi hàng hóa (mậu dịch) và việc “có lợi cho các đối tác trên phạm vi toàn xã hội” (mà tiếng Anh người ta gói trong các khái niệm như “cosmopolitan egalitarianism” và “global justice”), nhân cơ hội nầy tôi xin trình bày một vài nhận xét và suy nghĩ về công bằng trong mậu dịch. Theo tôi công bằng trong mậu dịch (Fair Trade) là một nhân tố của công bằng cho toàn xã hội loài người (global justice, cosmopolitan egalitarianism) nhưng, khác với khái niệm global justice hay cosmopolitan egalitarianism, có một quan niệm với những mục tiêu rất thiết thực mà người ta có thể, từng bước, đạt được từ các cấu trúc kinh tế, xã hội và chính trị hiện hữu qua những cuộc vận động hay đấu tranh kiên trì.

 

Những nguyên tắc bình đẳng toàn cầu “mới” và “cũ”

Các lý thuyết gia về “cosmopolitan egalitarianism” hình dung một xã hội hay một cộng đồng toàn cầu (có hay không có một chính quyền toàn cầu) và đi từ những lý thuyết về tính chất nguyên thủy của xã hội toàn cầu hay từ những quan niệm đạo đức về bình đẳng tương tự để tạo ra những nguyên tắc về công bằng toàn cầu mà họ cho là phải cao hơn hay phải kiềm hãm được các nguyên tắc về công bằng của các quốc gia cá thể.[2] Những nguyên tắc toàn cầu nầy gồm có “nguyên tắc khác biệt trên toàn cầu” (global difference principle)[3], “cơ hội bình đẳng toàn cầu” (global equality of opportunity)[4], “bình đẳng về tài nguyên cho toàn cầu” (global equality of resources)[5], và “tự do thật sự cho tất cả” (real freedom for all).[6] Theo khái niệm “cosmopolitan egalitarianism” thì vấn đề công bằng trong mậu dịch chỉ là một phần phụ, nếu không nói là ngoại vi, trong việc coi nền kinh tế toàn cầu như là một cơ cấu hợp tác xã hội độc nhất, với sự đối đãi và tôn trọng mọi cá nhân trên toàn cầu một cách bình đẳng. Khái niệm bình đẳng hay công bằng toàn cầu nầy không quan tâm đến vai trò của các quốc gia cá thể, hầu như coi nó không quan trọng hay cần thiết.

Các lý thuyết gia chống khái niệm bình đẳng toàn cầu đưa ra khái niệm mà ta có thể gọi là khái niệm công bằng toàn cầu tối thiểu, tức là nguyên tắc đòi nhân sinh và nhân quyền của mọi người trên thế giới phải được nâng cao lên và đãm bảo đến mức tối thiểu có thể. Nhưng để thật sự có công bằng toàn cầu được thì trước hết là phải thành lập được một một chính thể hay một chúa tể cho toàn cầu (“global sovereign”) để thẩm định các yêu sách một cách có hệ thống như đề nghị của Thomas Nagel[7]; hay như kêu gọi của John Rawls là các nước trên thế giới phải có trách nhiệm trợ giúp các “xã hội bị oằn lưng” (burdened societies), nhưng trách nhiệm trợ giúp nầy phải có mục tiêu rõ ràng và phải có thời hạn dứt điểm (cutoff)[8]; và như đề án “Global Resource Dividend” của Thomas Pogge, tức là một quỹ được thành lập từ thuế tiêu dùng nguyên liệu của thế giới để nâng thu nhập của mọi người vượt được ngưỡng nghèo đói tối thiểu của Liên Hiệp Quốc (United Nations poverty line.)[9] Nhưng khái niệm công bằng toàn cầu tối thiểu nầy cũng không đề cập gì đến vấn đề công bằng trong mậu dịch và dường như cũng cho nó là vấn đề ngoại vi, nếu không nói là không quan trọng.

Hai khái niệm về công bằng toàn cầu trên được đưa ra vì người ta thấy quan niệm “cùng thắng ” (win-win) trong trao đổi hàng hóa (mậu dich, thương mại) là quá eo hẹp và không còn thích hợp trong giai đoạn toàn cầu hóa hiện nay nữa. Họ cho là nếu hai cá thể (hai cá nhân, hai công ty, hai quốc gia) nào đó thấy họ “đều có lợi” và đều hài lòng mỹ mãn trong việc trao đổi hàng hóa đi nữa thì việc nầy không có nghĩa là những người khác không bị thiệt thòi (thiệt hại). Trong ba thập kỷ vừa qua, tuy đã giúp phát triển mậu dịch và tăng tổng thu nhập quốc dân (GDP) chưa từng thấy cho nhiều nước trên thế giới, toàn cầu hóa đã càng ngày càng làm tăng sự cách biệt giàu-nghèo giữa nhiều nước cũng như giữa những thành phần xã hội trong mỗi nước. Ngay tại Hoa Kỳ, một quốc gia giàu có nhất trên thế giới và được hưởng lợi lớn nhất qua toàn cầu hóa, số người thất nghiệp cũng đã tăng đến khoảng 10% (theo các con số chính thức phần lớn là trong các khu vực sản xuất và chế biến) và khoảng 50 triệu người (trong tổng số 300 triệu) không có bảo hiểm sức khỏe vì quá nghèo. Do đó, người ta có lý do hoàn toàn chính đáng để yêu cầu một sự đền bù—hay công bằng—nhất định đối với những phần tử xã hội bị thiệt thòi hay thiệt hại.

 

Công bằng “cực đoan” hay Utopia

Cho nên, đứng về mặt lý tưởng mà nói tôi không phản đối khái niệm công bằng toàn cầu, kể cả khái niệm công bằng tối thiểu mặc dầu tôi không tán thành phần lớn các lập luận “ảo tưởng” được áp dụng (như việc phân phối cho công bằng phải cần có một chính thể toàn cầu hay một chúa tể toàn cầu, hay như việc đền bù những thiệt hại phải có thời hạn dứt điểm làm như các thiệt hại đó chỉ có xảy ra hay tồn tại trong một thời gian nhất định thôi). Nếu nhân dân thế giới đạt được những mục tiêu tối thiểu đề cập đến trong khái niệm nầy thì đây cũng đã là một thành quả rất to lớn vì hiện nay có khoảng một nữa nhân loại đang đói khổ ngặt nghèo. Hai khái niệm trên không thực tế; và càng không hiểu tại sao những lý thuyết gia của hai khái niệm ấy (và những người ủng hộ nó) lại cho rằng quan điểm công bằng trong mậu dịch là ngoại vi. Có thể họ cho rằng xu hướng toàn cầu hóa trong giai đoạn hiện tại sẽ dẫn đến một sự hòa nhập sâu đậm và do đó hai khái niệm công bằng trên sẽ rất cần thiết và sẽ nhận được sự đồng tình của số đông. Nhưng như Dani Rodrik[10] ̶ một kinh tế gia đại học Harvard rất nổi tiếng về các vấn đề toàn cầu hóa và phát triển ̶ đã nhận định: “Với các cấu trúc chính trị và những thực tế kinh tế hiện hành, hòa nhập sâu đậm là một điều không tưởng” (Under current political configurations and economic realities, deep integration is a utopia).[11]

Tuy nhiên Rodrik cũng cho biết trong bài viết nầy của ông là nếu nhân dân lao động có nhiều tự do di chuyển và di dân thì các nước đang phát triển sẽ có lợi lớn hơn gấp 25 lần tất cả các khoản mục đang được ghi trong các chương trình nghị sự của các tổ chức mậu dịch quốc tế.[12] Không biết có phải đây là một trong những lý do làm cho nhiều người nghĩ rằng công bằng trong mậu dịch là vấn đề phụ, là vấn đề không quan trọng lắm hay không? Nhưng nếu việc tự do di chuyển và di dân thật sự có lợi nhiều hơn việc đòi hỏi bình đẳng trong các tổ chức mậu dịch quốc tế và việc tự do di dân và di chuyển nầy là việc khả thi như Rodrik nói (chứ không phải lại là một việc không tưởng) thì câu hỏi vẫn có thể được đặt ra là trong hai điều kiện, cái nào khả thi hơn “với các cấu trúc chính trị và những thực tế kinh tế hiện hành”? Trên thực tế hiện nay chưa thấy có những cơ cấu hay tổ chức đặc biệt nào dành cho việc bảo đãm sự tự do di trú của nhân dân lao động trên thế giới. Nhưng hiện nay đã có nhiều tổ chức mậu dịch đa phương như NAFTA (North American Free Trade Agreement), AFTA (Asia Free Trade Agreement), APEC (Asia Pacific Economic Cooperation), và WTO (World Trade Organization) qua đó người ta có thể không những tranh đấu cho có công bằng hơn trong mậu dịch mà cũng có thể tranh đấu cho có công bằng hơn trong việc tự do di trú của nhân dân lao động. Vấn đề là cụ thể phải làm gì, “chuẩn mực chung” như thế nào để các hoạt động đấu tranh cho có công bằng hơn trong mậu dịch khỏi phải “tùy tiện”, và chuẩn mực chung nầy làm sao có thể hướng dẫn việc làm chính sách hay đánh giá chính sách và những cơ chế hiện hành chứ không phải chỉ là ý niệm luân lý trừu tượng chung chung?

 

Trước hết là Công bằng trong Mậu dịch theo tiêu chí nào

Hiện nay phong trào đòi hỏi công bằng trong mậu dịch đang lan tỏa tại nhiều nước trên giới. Ở Mỹ, chẳng hạn, phong trào công bằng trong mậu dịch (Fair Trade Movement) được chia ra làm hai cánh. Cánh thứ nhất chú trọng vào sự lựa chọn của các cá nhân và tổ chức trong việc mua bán hàng hóa và đặt ra những tiêu chuẩn mà họ cho là công bằng trong việc đối xử với những người sản xuất những hàng hóa đó. Các tiêu chuẩn nầy, theo định nghĩa của Fair Trade Federation (Liên Đoàn Công Bằng trong Mậu Dịch) gồm có: trả lương công bằng trong bối cảnh địa phương (paying fair wages in local context), ủng hộ sự tham gia của tất cả mọi người tại các chỗ làm việc (supporting participatory work places), bảo đảm sự bền vững của môi trường (ensuring environmental sustainability), cung cấp sự trợ giúp về mặt tài chính và kỹ thuật (supplying financial and technical support), tôn trọng văn hóa bản xứ (respecting cultural identity), có trách nhiệm trước công chúng (offering public accountability), và giáo dục những người tiêu dùng (educating consumers).[13] Vấn đề giáo dục người tiêu dùng về thực trạng của nông dân và công nhân tại các nước đang phát triển là đóng góp rất quan trọng của phong trào Fair Trade nầy. Ở Mỹ khi người tiêu dùng thấy trên nhãn hiệu các hàng hóa như cà phê, trà, ca-cao, sô-cô-la, chuối, vải cô-tông có đóng mộc với chữ “Fair Trade Federation” hay “Fair Trade Certified” thì họ biết là các mặt hàng đó đã đạt được những tiêu chuẩn nói trên. Ngoài những thông tin có thể tìm được trên trạm của Fair Trade Federation (http://www.FairTradeFederation.org) người ta còn có thể tìm thấy nhiều thông tin cụ thể tại các trạm như http://www.fairtraderesource.org/.[14]

Trạm này là của Fair Trade Resource Network ở Philadelphia, Pennsylvania, và ngày 13 tháng 7 năm 2009 có đăng một bản tin là mặc dù kinh tế toàn cầu suy thoái những mặt hàng “Fair Trade Certified” bán ra trên toàn cầu năm 2008 tăng 22%, với tổng giá trị là 4 tỷ Mỹ kim. Ở Mỹ tăng 10% (1,06 tỷ Mỹ kim), ở Anh tăng 43% (1,23 tỷ Mỹ kim), ở Đức tăng 50%, ở Ca-na-đa tăng 67%, ở Tân Tây Lan tăng 72% và ở Thụy Điển tăng 75%. Các mặt hàng với giá trị tăng cao nhất là trà (tăng 112%) và cô-tông (tăng 94%). Các mặt hàng với số lượng tăng cao nhất là cà phê (tăng 14%, đạt đến 66.000 tấn) và chuối (tăng 28%, đạt 300.000 tấn). Đến cuối năm 2008 trên toàn thế giới có 746 tổ chức sản xuất được danh hiệu Fair Trade Certified và những tổ chức nầy làm đại diện cho hơn 1 triệu rưỡi nông dân cá thể và công nhân. Thêm vào đó có hơn 700.000 người trong các chi nhánh (affiliated organizations) của các nhóm có danh hiệu Fair Trade Certified, nhưng không trực tiếp sản xuất các món hàng bán ra, cũng được hưởng lợi gián tiếp.

Mặc dầu chỉ số tăng trên trông rất lạc quan so với sự suy thoái trung bình khoảng 30% của tổng giá trị mậu dịch thế giới từ năm 2008 cho đến cuối quý đầu năm 2009, tổng giá trị các mặt hàng Fair Trade Certified được bán ra chỉ là một phần không đáng kể của tổng giá trị mậu dịch thế giới.[15] Để có những thay đổi to lớn hơn cho đời sống của những người bị ảnh hưởng bởi mậu dịch ở các nước đang phát triển, cánh thứ hai trong phong trào tại Mỹ đòi hỏi công bằng trong mậu dịch cho rằng người ta phải chú trọng đến các điều kiện về mậu dịch do các hiệp định thương mại dựng lên. Do đó, cánh nầy tập trung vào việc cải cách NAFTA, WTO và các hiệp định hay cơ chế tương tự. Cụ thể thì các phần tử trong cánh nầy hiểu vấn đề (hay đặt vấn đề) công bằng trong mậu dịch như thế nào? Phần lớn các tổ chức trong cánh nầy đều quy tụ và đoàn kết xung quanh đạo luật “Trade Reform, Accountability, Development and Employment Act of 2008”—gọi tắt là Trade Act (H.R. 6180.S.3083). Do đó, các điều khoản của đạo luật cũng như các biện luận và phân tích ủng hộ đạo luật nầy là những nơi ta có thể tìm thấy những tiêu chuẩn về công bằng của các phần tử trong cánh nầy.[16] Ở đây tôi không thể đi vào chi tiết về các điều khoản của đạo luật nầy và những biện luận ủng hộ nó vì chúng ta chưa có một “chuẩn mực chung” để có thể phân tích hay đánh giá các điều khoản của đạo luật nầy cũng như các lập luận ủng hộ một cách có hệ thống. Làm sao có thể xét được là sự đòi hỏi về công bằng trong mậu dịch của cánh nầy là thật sự công bằng, là đem lại lợi ích cho mọi người và không gây thiệt hại cho bất cứ ai ở các nước đang phát triển hay ở tại Mỹ cả?

 

Bốn quan niệm về Công bằng trong Mậu dịch

Thiết nghĩ một chuẩn mực chung về công bằng trong mậu dịch (chứ không phải công bằng cho toàn xã hội hay toàn cầu) cũng cần phải có một tiêu chuẩn bình đẳng. Vì thế công bằng trong mậu dịch cần được phân biệt với những quan niệm về công bằng hay bất công bằng sau đây mà người ta thường thấy trong những tài liệu về mậu dịch:

1. Quan niệm bất công bằng trên khía cạnh luật lệ (legal unfairness), tức là việc vi phạm các điều khoản trong các hiệp định mậu dịch. Nếu các điều khoản trong các hiệp định đó đã không công bằng thì bắt phạt những người vi phạm những điều khoản không công bằng đó là không công bằng. Một ví dụ là các điều khoản của WTO về bảo vệ quyền sở hữu trí thức (protections for intellectual property rights) mà các nước phát triển muốn đẩy mạnh để chống việc vi phạm quyền sở hữu (piracy) tại các nước nghèo. Nhưng như Aaron James, một giáo sư triết tại đại học University of California (Irvine), đã trình bày rất thuyết phục là trong nhiều trường hợp vi phạm quyền sở hữu là công bằng và có thể, về mặt đạo đức mà nói, chấp nhận được.[17]

2. Quan niệm không phân biệt đối xử (non-discrimination). Đây là nguyên tắc về thủ tục rất cơ bản đối với các luật lệ trong các hiệp định, nhưng không thể có tiêu chí chung cho công bằng trong mậu dịch được. Xin lấy ví dụ về một trường hợp được nhiều người biết đến. Đó là việc một nhóm chuyên gia (panel) của WTO phán quyết rằng chính sách hạn chế nhập khẩu xăng tái chế (reformulated gasoline) của Sở Bảo Vệ Môi Trường (Environmental Protection Agency) của Mỹ là việc không công bằng trong mậu dịch. Vấn đề chính ở đây không phải là vấn đề công bằng trong mậu dịch được coi là quan trọng hơn những qui định bảo vệ môi trường (mặc dầu có nhiều người diễn dịch phán quyết nầy như thế), mà là các qui định nầy phân biệt đối xử giữa những nhà cung cấp dầu trong nước và nước ngoài.[18]

3. Quan niệm không công bằng gọi là “mercantilist unfairness” hay “mercantilism,” tức là khi một quốc gia dựng hàng rào thuế quan hay trợ giá (bao cấp) trong khi các quốc gia khác không làm việc đó. Ví dụ như thuế quan cao ở Ấn-độ hay việc trợ giá cho các tập đoàn nông nghiệp ở Mỹ đã giúp hai nước này bán nông phẩm trên thị trường thế giới rẽ hơn là giá của nông dân Mê-hi-cô.[19] Nhiều kinh tế gia phủ nhận những giả định “mercantilist” vì họ cho đây là những quan niệm lỗi thời về mậu dịch.[20] Do đó họ cũng hoài nghi luôn về công bằng trong mậu dịch.[21] Đối với nhiều kinh tế gia, nhất là những người theo thuyết thị trường tự do, thì nói đến công bằng trong mậu dịch là thừa vì lợi ích của mỗi nước, mỗi xã hội, là giảm thiểu các hàng rào ngăn cản gây bất lợi cho mậu dịch (trade barriers) và trao đổi theo lợi thế so sánh của chính mình, bất chấp các nước khác làm gì. Khi một nước tháo bỏ hàng rào ngăn cản của mình thì kết quả là những hàng nhập sẽ rẻ hơn và vì thế sẽ có lợi rất lớn. Do đó nếu các nước khác không khôn ngoan và không chịu tháo gỡ hàng rào để có lợi thì mình cũng phải thủ lợi cho riêng mình bằng cách chấp nhận thị trường tự do.[22] Paul Krugman, giáo sư kinh tế giải Nobel năm 2009, cho rằng: “Nếu các kinh tế gia cai trị thế giới thì sẽ không cần có Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới…Mậu dịch tự do toàn cầu sẽ tự phát từ những theo đuổi thoải mái của lợi ích quốc gia.”[23]

4. Quan niệm công bằng thực dụng (utilitarian fairness). Đây là quan niệm trong nhiều lập luận về mậu dịch tự do (free trade). Những lập luận nầy cho rằng mậu dịch tự do là một phương cách để cải thiện phân phối nguyên liệu, để tăng hiệu xuất/năng xuất (vì có cạnh tranh của nước ngoài), để tăng sự đa dạng của hàng hóa, và để đem đến những lợi ích gián tiếp khác như là giảm thành kiến, phát huy dân chủ và củng cố hòa bình. Những lợi thế tương đối sẽ đem đến lợi ích tổng thể cho tất cả các đối tác trong trị trường tự do.

 

Về tính thực dụng của mậu dịch tự do

Nhưng mậu dịch tự do có thật là mậu dịch công bằng không? Đã có nhiều sách phê bình tính thực dụng của các lập luận mậu dịch tự do.[24] Vấn đề cần đặt ra là nếu mậu dịch là tự do thì việc đòi hỏi được có công bằng (hay công bằng hơn), mặc dầu chỉ áp dụng trực tiếp trong mậu dịch mà thôi, có quan trọng gì đối với mậu dịch và những chính sách liên quan đến mậu dịch?

Để câu hỏi trên có thể được sáng tỏ hơn, tôi xin lấy ví dụ bài viết với tựa đề “Spreading the Wealth” (Trải rộng sự Giàu có) của hai kinh tế gia Ngân Hàng Thế giới, David Dollar và Aart Kraay, đăng trên tạp chí Foreign Affairs năm 2002. Trong bài nầy Dollar và Kraay dùng các số liệu thống kê để biện hộ cho việc tự do hóa mậu dịch và vốn đầu tư kết hợp với các “chính sách kinh tế vĩ mô bảo hộ tăng trưởng thông thường” (standard pro-growth macro-economic policies.) Để chứng minh Dollar và Kraay nói rằng các chính sách nầy đã làm giảm nghèo một cách rất ấn tượng tại Ấn-độ và Trung Quốc sau 30 năm “toàn cầu hóa.” Họ nói rằng nghiên cứu về xu hướng bất bình đẳng trong 150 năm trước đó, so sánh sự khác nhau giữa thu nhập của bất cứ một cá nhân nào được lựa chọn một cách ngẫu nhiên và thu nhập trung bình chung, cho thấy rằng bất bình đẳng trong thu nhập đã được ổn định hay đã đảo ngược (trang 123.) Từ đó Dollar và Kraay đi đến kết luận họ không tìm ra được mối tương quan giữa tự do hóa mậu dịch và sự tăng trưởng bất bình đẳng trong tất cả các xã hội trên thế giới. Họ nói rằng ở mỗi nước thu nhập của các hộ thuộc thành phần 20 phần trăm nghèo nhất tăng trưởng cùng nhịp độ với tăng trưởng GDP. Bất bình đẳng trong thu nhập có tăng ở những nước như Trung Quốc, nhưng lại giảm tại các nước như Phi-líp-pin và Mã-lai. Theo Dollar và Kraay, sự khác nhau giữa các nước nói trên là do chính sách đối nội khác biệt trong lĩnh vực giáo dục, thuế má, và bảo hiểm xã hội chứ không phải là do sự khác biệt về chính sách mậu dịch (trang 128).

Hàm ý bài của Dollar và Kraay là chính sách mậu dịch và những chính sách liên hệ khác trong toàn cầu hóa không cần phải quan tâm đến việc phân phối các lợi lộc đạt được từ mậu dịch như thế nào. Đối với họ không phải là không có những lựa chọn khác như kết hợp các chính sách mậu dịch và đối nội làm sao nhằm chuyển tốc độ tăng tưởng kinh tế (có thể cho nó chậm hơn) để giảm nghèo và giảm bất bình đẳng nhanh hơn trong từng nước và trên toàn cầu. Theo quan niệm công bằng thực dụng thì nếu tính hữu dụng được tăng tối đa cho tổng thể qua mậu dịch (qua toàn cầu hóa) và các đối tác đều đạt được ít nhiều lợi lộc thì không còn có ràng buộc gì khác đối với việc nên phân phối các lợi lộc hay các gánh nặng như thế nào.

 

Phân phối không công bằng dù kinh tế tăng trưởng

Phân phối công bằng là nhân tố rất quan trọng của công bằng trong mậu dịch. Một ví dụ là người ta có thể sẽ nghĩ rằng Ấn-độ và Trung Quốc không toàn cầu hóa thành công nếu sự giảm nghèo ở các thị thành, vì hậu quả của mậu dịch, đã làm cho sự nghèo khổ ở các vùng nông thôn tăng lên cho dù thu nhập ròng cho toàn xã hội có tăng trưởng. Mặc dầu đây là nhận định về việc phân phối không công bằng trong hai xã hội nói trên, người ta cũng có thể áp dụng suy luận nầy đối với việc phân phối giữa các xã hội khác nhau. Giả dụ như vì Ấn-độ và Trung Quốc gộp lại có phần lớn dân số và phần lớn người nghèo trên thế giới thì người ta có thể tối đa hóa sự xóa đói giảm nghèo bằng cách chỉ buôn bán riêng với hai nước nầy mà thôi. Và để cho việc xóa đói giảm nghèo nầy càng có hiệu quả hơn có lẽ người ta cũng nên dựng hàng rào mậu dịch rất cao đối với các nước phát triển và đang phát triển khác. Nhưng không biết có ai gọi sự tối đa hóa lợi ích tổng hợp (aggregate welfare) như thế nầy là công bằng trong mậu dịch hay không?

Aaron James cho rằng các tiêu chuẩn của trường phái mậu dịch tự do là “hẹp không thể tưởng tượng” (implausibly narrow) bởi vì “ít nhất thì một quan niệm công bằng phải quan tâm đến những tổn thương của mậu dịch” (if nothing else, fairness surely concerns the harms of trade) trong khi quan điểm của trường phái mậu dịch tự do làm ngơ trước những tổn thương nảy sinh từ những yếu thế trước sức áp đảo của thị trường.[25] Vì thế James nhận xét: “Rõ ràng một trong những yêu cầu về công bằng trong mậu dịch là phải có những điều chỉnh đặc biệt qua các hình thức bảo hộ quá độ và những trợ giúp về mặt kỹ thuật và tài chính để nuôi dưỡng các cơ chế bảo hộ đó. Đây là việc phải có dù mục tiêu chỉ là phòng ngừa và giảm thiểu những tổn thương không cần thiết.”[26] Từ nhận định nầy James đưa ra một nguyên tắc mà ông ta gọi là “Collective Due Care” (Quyền được bảo hộ tập thể), hay ngắn gọn là “Due Care,” mà ông định nghĩa là một tổ chức tập thể phải tìm mọi cách để phòng ngừa những hậu quả tiêu cực có thể xảy ra từ những hoạt động chung và phải có chính sách bồi thường những tổn thương nảy sinh từ những hoạt động đó.[27] Nguyên tắc nầy ăn khớp với những đề nghị của những kinh tế gia phê phán các giả định của trường phái thị trường tự do chính thống như Joseph Stiglitz và Ha-Joon Chang. Thêm vào đó nó cũng đã trở thành nền tảng của những đòi hỏi về bồi thường cho những người bị tổn thương ở những nước giàu do hậu quả của mậu dịch gây ra.[28]

Vì người ta có thể đi xa hơn là chỉ không gây tổn thương, nguyên tắc “Due Care” của James được ông ta bổ sung thêm nguyên tắc mà ông ta gọi là “Fair Distribution” (Phân phối công bằng). Ông ta dành 7 trang để định nghĩa và phân tích nguyên tắc nầy và đề cập đến hàng loạt các trường hợp mà lợi ích của các nước phát triển có thể có ưu tiên hơn là những mục tiêu của các nước đang phát triển.[29] Với lý do cho rằng sự tồn tại của mậu dịch là cùng có lợi, ở đây không có tiền giả định là các nước phát triển là các nước phải chịu thiệt thòi để có được công bằng, nhưng có nhận định là có các cá nhân trong các nước phát triển đó bị thiệt hại. Trong trường hợp những việc làm của các công nhân Mỹ bị mất đi vì ảnh hưởng của NAFTA, thì nguyên tắc Due Care bắt phải bồi thường cho những mất mát đó. Nhưng “vì các nước giàu có thể luôn luôn chi trả cho các biện pháp bồi thường, nó không gây chi phí cho các nước đang phát triển.”[30]

Trừ những trường hợp tương tự như trên, James nói rằng ông ta không tìm ra được tình huống hợp lý nào khác mà lợi từ mậu dịch phải chuyển qua cho các nước phát triển thay vì cho các nước đang phát triển. James thuyết phục: “vì các lý do của nguyên tắc ‘ưu tiên cho trường hợp xấu nhất’—tức là quan niệm lợi ích được coi là quan trọng hơn, từ khía cạnh luân lý và khía cạnh công bằng, thì người nghèo nhất là người có ưu tiên tuyệt đối.”[31] Cũng như “nguyên tắc khác biệt” của Rawl được nêu trên, ở đây một cái lợi nhỏ cho người nghèo có ưu tiên hơn cái lợi lớn cho người giàu. Sự phân phối nầy có thể tiếp tục đến mức mà những người giàu ở những nước giàu “không khá thêm” (left no better off) nhưng “không dễ bị tổn thương” (cannot fairly be harmed.)[32] Nên nhớ rằng ở đây ta chỉ bàn đến lợi ích từ mậu dịch.

 

Ưu tiên phân phối công bằng cần một tiêu chí phổ cập

Các suy xét về ưu tiên sẽ giảm dần khi có được càng nhiều người bước qua ngưỡng nghèo khổ. Nhưng vì lĩnh vực của nguyên tắc đang được đề cập đến là lợi từ mậu dịch, chứ không phải là giảm nghèo, quan điểm về bình đẳng “vẫn được áp dụng kể cả trong một thế giới mà sự nghèo khổ đã được xóa bỏ” (can still apply even in a world in which poverty has been eliminated.”[33] Do đó, nguyên tắc “phân phối công bằng”, khác với quan niệm “công bằng toàn cầu tối thiểu”, là không có mục tiêu nhất định hay thời hạn dứt điểm. Nguyên tắc “phân phối công bằng” vẫn mãi có hiệu lực và như thế cuối cùng là nguyên tắc bình đẳng hơn cho dù, trong hoàn cảnh hiện tại của thế giới, một sự chú tâm tối thiểu đến việc xóa đói giảm nghèo có thể tạm thời chuyển nhiều lợi ích đến các nước đang phát triển hơn.

Như đã đề cập từ đầu bài nầy, công bằng trong mậu dịch chỉ là một phần của lý thuyết về công bằng toàn cầu. Quan niệm công bằng trong mậu dịch, qua việc phân phối bình đẳng như nhau các lợi ích thu được từ mậu dịch, không loại trừ việc các nước phát triển cần phải chi thêm để giảm nghèo tại các nước đang phát triển và việc phải phân phối lại nguyên liệu để có công bằng thêm trên thế giới. Hay là việc những nước bị bỏ rơi ngoài các cơ chế mậu dịch hiện hành thì vấn đề công bằng trong mậu dịch chưa được áp dụng cho họ, nhưng vấn đề làm sao để họ có thể gia nhập các cơ chế mậu dịch một cách công bằng cần được thảo luận.

Vấn đề đáng lưu ý ở đây là mậu dịch phát sinh một số nguyên tắc riêng của nó; và quan niệm công bằng trong mậu dịch phải có nhân tố bình đẳng là có lý hơn những khái niệm của trường phái mậu dịch tự do như đã trình bày ở trên. Có thể công bằng trong mậu dịch là ngoại vi đối với những lý thuyết về công bằng toàn cầu, nhưng thiết tưởng vấn đề phân phối công bằng, chẳng hạn, sẽ có thể đem lại hòa nhập sâu đậm hơn trong mỗi nước, trong nhiều vùng (như trong vùng EU và NAFTA), và (biết đâu?) dần dần sẽ đem đến nhiều đổi thay trên thế giới. Do đó quan niệm công bằng trong mậu dịch mà tôi trình bày ở trên không những có thể được áp dụng như là một tiêu chí phổ cập cho các phong trào đấu tranh trong hiện tại mà cũng có thể dùng cho việc đánh giá các hiệp định mậu dịch, các tổ chức mậu dịch, và các điều khoản trong các đạo luật thương mại như Trade Act (H.R. 6180.S.3083) như đã đề cập ở trên.

Chú thích:

[1] Lữ Phương, 2009, “Về điều bí ẩn trong “thế giới hàng hoá” của Marx,” Thời Đại Mới số 16, tháng 7 (Số này)

[2] Một ví dụ là: Tan, K. 2004. Justice Without Borders: Cosmopolitanism, Nationalism and Patriotism. Cambridge: Cambridge University Press.

[3] Beitz, C. 1979. Political Theory and International Relations. Princeton: Princeton University Press.

[4] Caney, S. 2001. “Cosmopolitan Justice and Equalizing Opportunities.” Metaphilosophy 32: nos. 1-2: 113—134. Moelledorf, D. 2002. Cosmopolitan Justice. Boulder, Colorado: Westview Press.

[5] Barry, B. 1991. “Humanity and Justice in Global Perspective.” In Liberty and Justice: Essays in Political Theory, 2: 182—210. Oxford: Clarendon.

[6] Van Parijs, P. 1995. Real Freedom for All. Oxford: Clarendon Press.

[7] Nagel, T. 2005. “The Problem of Global Justice.” Philosophy & Public Affairs 33: no. 2: 113-147.

[8] Rawls, J. 1999. The Law of Peoples. Cambridge, Mass.: Harvard University Press.

[9] Pogge, T. W. 2002. World Poverty and Human Rights: Cosmopolitan Responsibilities and Reforms. Cambridge: Polity Press.

[10] Xem Trần Hữu Dũng, 2009, "Về kinh nghiệm phát triển: Đọc Rodrik và Chang, hai kẻ nghi ngờ," Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, số Tết Dương Lịch.

[11] Rodrik, D. 2002. “Feasible Globalizations.” Research Paper, July, trang 24. Bài nầy có thể tải về từ: http://ksghome.harvard.edu/~drodrik/papers.html.

[12] Như trên, trang 20.

[13] Xem: http://greenlivingideas.com/topics/food-and-cuisine/fair-trade/fair-trade-vs-free-trade.

[14] Sau đây là một vài trạm chính: http://www.GlobalExchange.org http://www.SierraClub.org/trade http://www.EqualExchange.org http://www.tenthousandvillages.com/

[15] Xin xem chi tiết trong: The collapse of global trade, murky protectionism, and the crisis: Recommendations for the G20, A VoxEU.org publication. Cuốn sách nầy có thể tải về từ: http://www.voxeu.org/reports/Murky_Protectionism.pdf. Cũng nên xem thêm bài “Demystifying the collapse in trade” của Caroline Freund đăng ngày 3 tháng 7 năm 2009 tại: http://www.voxeu.org/index.php?q=node/3731.

[16] Chi tiết về các điều khoản và các biện luận được trình bày ở các trạm sau đây: http://thomas.loc.gov/cgi-bin/query/z?c110:H.R.6180: http://www.washingtonwatch.com/bills/show/110_HR_6180.html http://www.citizen.org/trade/tradeact/ http://www.citizen.org/trade/wto/

[17] Xem: “When International Intellectual ‘Piracy’ is Fair.” Bài nầy có thể tải về từ trạm: http://www.faculty.uci.edu/profile.cfm?faculty_id=4884

[18] Xem: Irwin, Douglas A. 2002. Free Trade Under Fire. Princeton: Princeton University Press, trang 193-196.

[19] Như trên, trang 55-62 và trang 181.

[20] “Mercantilism” là chủ nghĩa và cơ chế kinh tế chính trị thịnh hành ở Âu-châu sau khi chủ nghĩa phong kiến suy sụp. Cơ chế nầy dựa trên các chính sách quốc gia về tích lũy vàng bạc, thành lập các thuộc địa và các hạm đội thương thuyền, phát triển kỹ nghệ và khai thác mỏ để dành lợi thế trong cáng cân thương mại.

[21] Paul Krugman, giáo sư về kinh tế tại đại học Princeton và là người được giải Nobel kinh tế năm 2008, giải thích như sau: Anyone who has tried to make sense of international trade negotiations eventually realizes…they are a game scored according to mercantilist rules, in which an increase in exports—no matter how expensive to produce in terms of other opportunities forgone—is a victory, and an increase in imports—no matter how many resources it releases for other uses—is a defeat. Ai mà đã muốn hiểu ý nghĩa của những cuộc thương lượng về mậu dịch quốc tế thì cuối cùng thấy rằng… nó là một trò chơi được tính điểm theo các nguyên tắc mercantilist, trong đó một sự tăng gia trong xuất khẩu—mặc dù có phải trả giá đắt đến đâu để sản xuất so với những cơ hội khác bị bỏ qua—là một thắng lợi, và một sự tăng gia trong nhập khẩu—dù có dành được không biết bao nhiêu tài nguyên để sử dụng cho các việc khác—là một thất bại. Xem: Krugman, P. (1977). "What Should Trade Negotiators Negotiate About?" Journal of Economic Literature 35(1): 113-120, trang 113-4.

[22] Nhưng theo Jagdish Bhagwati, một giáo sư kinh tế nữa, nếu hai nước cùng chấp nhận thị trường tự do thì kết quả sẽ càng lớn hơn cho cả hai. Bhagwati, J. (2002). Free Trade Today. New Jersey, Princeton University Press, trang 102. Joseph Stiglitz, một giáo sư kinh tế giải Nobel nữa, không đồng ý với nhiều quan niệm của trường phái thị trường tự do chính thống. Xem: Stiglitz, J. và Charleton, A. 2005. Fair Trade for All: How Fair Trade Can Promote Development. Oxford: Oxford University Press [Trần Hữu Dũng (2006) điểm cuốn sách này: "Đọc “Công bằng thương mại cho tất cả” của Joseph E. Stiglitz và Andrew Charlton," Tia Sáng, Xuân Bính Tuất]

[23] Krugman, như trên, trang 113. Nguyên văn: “If economists ruled the world, there would be no need for a World Trade Organization. (…) [G]lobal free trade would emerge spontaneously from the unrestricted pursuit of national interest.” Lập luận trên của Krugman có thể diễn dịch một cách khác như sau (cho dễ hiểu hơn?): Nếu (giả định?) một người khôn ngoan, thận trọng, và nhìn xa hiểu rộng (như các kinh tế gia?) không bao giờ đi giết người vì có khả năng bị thương tích hay bị tổn thương danh dự (vân vân và vân vân) thì trong một thế giới có những người khôn ngoan, thận trọng và nhìn xa hiểu rộng đó không cần có những đạo luật xử phạt người giết người hay các cơ chế nhà tù để giam cầm những người đó. Nhưng nếu, trong thực tế, đã có những đạo luật và cơ chế nhà tù dành cho những người giết người và ta thấy rằng một nhóm người thuộc chủng tộc hay giới tính nào đó thường bị xử phạt khắc nghiệt hơn nhóm người khác thì ta có thể phản đối sự không công bằng đó mà không cần phải so sánh ai khôn ngoan và nhìn xa hiểu rộng hơn ai. Cùng một thể ấy, giả dụ như hiệp định WTO đã được thành lập vì sự thiếu khôn ngoan và không nhìn xa hiểu rộng của các quốc gia (hay các nhà lãnh đạo các nước nầy) trên thế giới đi nữa, nếu người ta thấy các điều lệ mậu dịch hiện hành trong hiệp định nầy không công bằng vì có ảnh hưởng xấu hay đem lại thiệt hại cho nhóm người nào đó hơn thì ta có quyền phản đối và đưa ra những đề nghị thay đổi các điều khoản đó.

[24] Xem: Stiglitz, J. và Charleton, A. 2005, như trên; Chang, Ha-Joon. 2003. Kicking Away the Ladder. London: Anthem Press; và Chang, Ha-Joon và Grabel, I. 2004. Reclaiming Development. New York: Zed Books.

[25] “When International Intellectual ‘Piracy’ is Fair”, như trên, trang 23.

[26] Như trên, trang 23. Nguyên văn: “Special accommodation in the form of transitional protections, and technological and financial assistance to support them, seem a clear demand of fairness in trade. This is so even if the goal is limited to the prevention and mitigation of unnecessary harm.”

[27] James, A. 2005. “Distributive Justice without Sovereign Rule: The Case of Trade.” Social Theory and Practice 31:4, trang 10. Nguyên văn: “when people (or their activities) are organized as a governable social practice, we can expect them, as a collectivity, to take reasonable precautions to prevent foreseeable negative consequences of their joint activity, and to compensate for any resulting harm.” Bài nầy có thể tải về từ: https://webfiles.uci.edu/ajjames/DistributiveJusticewithoutSovereignRule.pdf

[28] “When International Intellectual ‘Piracy’ is Fair”, như trên, trang 25.

[29] James, A. 2005. “Distributive Justice without Sovereign Rule: The Case of Trade.” Social Theory and Practice 31:4, trang 10-17.

[30] “When International Intellectual ‘Piracy’ is Fair”, như trên, trang 25. Nguyên văn: “because rich countries can almost always afford such measures, they do not entail a cost to developing countries.”

[31] Như trên, trang 25. Nguyên văn: “for reasons of ‘priority for the worse off’—the idea that a benefit matters more, from a moral or fairness point of view, the worse off a person is in absolute terms.”

[32] Như trên, trang 26-27. [33] Như trên, trang 28.

Nguồn: Tạp chí Thời đại mới số 16 – Tháng 7 năm 2009