Các nguyên tắc WTO với việc định dạng các tiêu chuẩn mới trong kinh doanh ở Việt Nam

25/04/2011    15106

PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng

Đại học Kinh tế quốc dân

Việc Việt Nam chính thức trở thành thành viên của WTO ngày 11/1/2007 trở thành một sự kiện trọng đại trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế tích cực, chủ động và sâu rộng của Việt Nam và tạo Việt Nam vị thế bình đẳng về thương mại với các nước trong WTO. Việt Nam đã phải điều chỉnh và cam kết áp dụng các nguyên tắc của WTO trong việc xây dựng và thực hiện các quy định pháp luật. Đây cũng là quá trình hình thành các tiêu chuẩn kinh doanh mới ở Việt Nam và cũng là quá trình điều chỉnh cơ bản các hệ giá trị và tiêu chí đánh giá hoạt động.

1.     Các nguyên tắc của WTO

WTO là thể chế thương mại toàn cầu lớn nhất thế giới hiện nay với 153 thành viên (năm 2010). Có thể nói WTO là một tập hợp tốt nhất và hoàn chỉnh nhất hiện nay các quy định pháp luật trong thương mại làm nền tảng cho hoạt động thương mại toàn cầu. WTO tạo điều kiện để hình thành những chuẩn mực chung trong điều chỉnh và đánh giá các quan hệ thương mại giữa các quốc vốn có rất nhiều điểm khác biệt trong phát triển. Đây là điều kiện thuận lợi để các quốc gia có thể chủ động hội nhập có hiệu quả. WTO là hiện hữu của một nền thương mại tự do, minh bạch và công bằng. Nền thương mại tự do là điều kiện để tạo ra lợi ích lớn nhất cho các quốc gia và nguyên tắc cơ bản chi phối nền thương mại tự do là nguyên tắc lợi thế so sánh. Các loại rào cản thương mại bị loại bỏ để quá trình cạnh tranh diễn ra tự do. Các quy luật của nền thương mại tự do được phát huy tốt đa đặc biệt là quy luật cạnh tranh. Nguồn lực của thế giới được phân bổ và sử dụng có hiệu quả cao nhất.

Để duy trì được nền thương mại tự do đó, cần phải có một hệ thống các nguyên tắc làm nền tảng cho các hoạt động ổn định, lâu dài và tạo căn cứ để buộc các quốc gia thành viên phải tuân theo. Dựa trên các nguyên tắc đã đựoc hình thành, các quốc gia sẽ điều chỉnh, sửa đổi các chính sách, luật pháp và quy định để phù hợp với các nguyên tắc và các cam kết của WTO. Các nguyên tắc kiến tạo thể chế WTO gồm có nguyên tắc nước được ưu đãi nhất (MFN), đối xử quốc gia (NT), có thể dự đoán, thương mại ngày càng tự do hơn thông qua đàm phán và giành ưu đãi đối với các nước đang phát triển.  Cùng với các nguyên tắc là một loạt các hiệp định như Hiệp định chung về thương mại và thuế quan, Hiệp định trợ cấp, Hiệp định chống bán phá giá, Hiệp định về các hàng rào kỹ thuật và vệ sinh, kiểm dịch động thực vật, Hiệp định về mua sắm của chính phủ...Tổng số các Hiệp định này được lưu giữ trong 500 trang cùng với khoảng 23.000 trang các cam kết của các nước thành viên. Đây là một khối lượng đồ sộ các quy định pháp lý và cam kết để bảo vệ cho một nền thương mại tự do, minh bạch và công bằng của toàn thế giới.

Các nguyên tắc của WTO có thể quy về thành 3 nhóm các nguyên tắc lớn là  không phân biệt đối xử, minh bạch hoá và có thể dự đoán. Giữa các nguyên tắc này có mối quan hệ qua lại với nhau. Nguyên tắc không phân biệt đói xử yêu cầu các nước thành viên không có sự phân biệt đối xử về thuế quan, hàng rào phi thuế quan, các hàng rào kỹ thuật, vệ sinh, kiểm dịch động thực vật, các quy định về lệ phí, thủ tục... đối với các nước thành viên và giữa hàng hoá, dịch vụ, thể nhân và tự nhiên nhân trong và ngoài nước. Nguyên tắc này còn đòi hỏi các nước phải giành cho nhau những ưu đãi lớn nhất trong các quan hệ thương mại. Sự tốt nhất trong ứng xử sẽ tạo ra kết quả tốt nhất của những giao dịch như là một tất yếu. Đồng thời với nguyên tắc này là nguyên tắc minh bạch hoá yêu cầu các nước phải công khai, minh bạch các loại thủ tục, chính sách và quy định để các nước thành viên biết rõ ràng và cụ thể. loại bỏ tình trạng mập mờ về quy định và thủ tục. Bên cạnh đó, những thay đổi và điều chỉnh về luật pháp, chính sách trong lĩnh vực thương mại cần được thực hiện theo một chiều hướng nhất định mà các nước thành viên đều có thể dự đoán được. (xem Hình 1) Ngoài ra, các nước mở cửa thị trường cho nhau trên nguyên tắc có đi có lại. Đây là nguyên tắc để bảo đảm sự công bằng và cân bằng giữa các quốc gia trong các quan hệ thương mại nhằm giảm thiểu tình trạng những nước lớn về quy mô thương mại, có tiềm lực công nghệ và tài chính lớn có thể gây áp lực đối với các nước có quy mô nhỏ.

Tất cả những điều chỉnh chính sách và quy định của các nước vi phạm những nguyên tắc này đều bị buộc phải huỷ bỏ. Trong trường hợp các nước không loại bỏ những quy định trái với các nguyên tắc WTO, các quốc gia thành viên có quyền khởi kiện ra cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO. Những hình thức chế tài nghiêm khắc được áp dụng để buộc quốc gia thành viên phải tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc của WTO như áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp (thuế đối kháng), trả đũa thương mại.

Với sự ra đời của WTO, quan niệm về thương mại được mở rộng không chỉ có thương mại hàng hoá mà còn thương mại dịch vụ, đầu tư liên quan đến thương mại, sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại và cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại. Nghĩa là WTO đã mở rộng khái niệm thương mại với phạm vi rộng nhất có thể để phù hợp với xu hướng toàn cầu hoá nền kinh tế thế giới và sự phát triển có tính chất bùng nổ của thưưong mại. Đây là khía cạnh đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách cũng như các doanh nhân cần mở rộng tầm nhìn và do đó, các chuẩn mực kinh doanh cũng như nhận thức về các chuẩn mực kinh doanh cũng cần được thay đổi theo hướng đơn giản, rõ ràng và mang tính quốc tế. Quan niệm kinh doanh trong điều kiện toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi các quốc gia chú trọng đến việc tuân thủ các nguyên tắc của WTO tức là những “người chơi” trên “sân chơi” WTO phải tuân thủ nghiêm túc các “luật chơi” quốc tế của WTO để tránh làm tổn hại lợi ích của nhau cũng như lợi ích của đối tác hoặc lợi ích chung của tất cả các nước thành viên trong WTO đồng thời phải tối ưu hoá phục lợi của cả cộng đồng.      

2.     Quá trình chuyển đổi tiêu chuẩn trong kinh doanh ở Việt Nam

Quá trình chuyển đổi kinh tế tại Việt Nam cũng đồng thời gắn liền với quá trình chuyển đổi chuẩn mực kinh doanh và kéo theo là hệ giá trị cũng như tiêu chí để nhân thức, đánh giá các giao dịch kinh tế và kinh doanh. Bản chất của hoạt động kinh doanh đã được hình thành từ khi xuất hiện quá trình sản xuất hàng hoá. Tuy nhiên, ở Việt Nam, quá trình hình thành chuẩn mực này có những điểm đặc thù. Việt Nam đang trong quá trình chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang nền kinh tế thị trường và mở cửa nền kinh tế để hội nhập kinh tế quốc tế. Quá trình này đang làm xuất hiện những tiêu chuẩn kinh doanh mới đặc biệt kể từ khi Việt Nam trở thành thành thành viên WTO. Trong giai đoạn chuyển đổi, quá trình loại bỏ các chuẩn mực kinh doanh cũ và hình thành các tiêu chuẩn kinh doanh mới diễn ra đồng thời cho nên nó cần một thời gian có tính quá độ và chuyển giao lẫn nhau để vừa phủ định và thải loại các tiêu chuẩn kinh doanh cũ, vừa khẳng định và phát triển các chuẩn mực kinh doanh mới. Những điều chỉnh và thay đổi của tiêu chuẩn kinh doanh mới cũng kéo theo những định dạng mới về các chuẩn mực xã hội. Do đó, có thể nói việc gia nhập WTO tạo sự chuyển biến cơ bản trạng thái của xã hội từ một xã hội “đức trị” sang xã hội “pháp trị”.

Trong cơ chế kinh tế kế hoạch hoá tập trung hầu như không có các hoạt động kinh doan. Tất cả các giao dịch trong nền kinh tế đều thực hiện theo nguyên tắc mệnh lệnh và được kế hoạch hoá chặt chẽ từ một trung tâm là nhà nước mang nặng tính hiện vật, nền kinh tế đất nước gần như đóng cửa với các quan hệ kinh tế với bên ngoài. Các tiêu chuẩn kinh doanh được xem xét và đánh giá căn cứ vào mức độ tuân thủ các kế hoạch mệnh lệnh thông qua hệ thống các chỉ tiêu pháp lệnh như chỉ tiêu giá trị hàng hoá thực hiện hay chỉ tiêu nộp ngân sách. Quá trình ban hành các chỉ tiêu này giống như việc ban hành một văn bản pháp luật cho nên tính chất hành chính-pháp lý- một biểu hiện của tính hành chính, đã là cho mức độ cưỡng chế của các giao dịch đạt đến mức cao nhất trong cơ chế kế hoạch hoá. Thời điểm chuyển đổi cơ chế có thể nói cũng là thời điểm mà tính hành chính trong các quan hệ phát triển đến mức đỉnh điểm và dẫn đến trạng thái tự phủ định ngay chính nó.  Xuất hiện tình trạng phổ biến là điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch để hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao vào những tháng cuối năm. Tình trạng “lãi giả lỗ thật” xuất hiện trong các doanh nghiệp nhà nước và nhà nước phải bù lỗ và bao cấp hoạt động của doanh nghiệp nhà nước đặc biệt là bao cấp qua giá...Có thể nói, với cơ chế kế hoạch hoá tập trung, không có các hoạt động kinh doanh thực sự và đồng thời làm xuất hiện các giao dịch ngầm khó có thể kiểm soát. Các doanh nghiệp hoạt động chủ yếu dựa vào hoạt động bao cấp của nhà nước cho nên luôn có thái độ trông chờ, ỷ lại, thụ động và hiệu quả thấp... Các giao dịch diễn ra là các giao dịch hiện vật theo nguyên tắc “cấp phát và giao nộp”. Nhà nước có thể dễ dàng can thiệp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Những phạm trù cơ bản của kinh tế thị trường như cung- cầu, cạnh tranh, tối đa hoá lợi nhuận, phá sản...là những phạm trù bị coi là không phù hợp trong cơ chế kế hoạch hoá. Do đó, các chuẩn mực kinh doanh không có hoặc nếu có cũng chỉ mang tính hình thức.

Các giao dịch kinh doanh chủ yếu dựa trên quan hệ đã được nhà nước sắp đặt và thực hiện theo kế hoạch. Pháp luật kinh doanh xã hội chủ nghĩa vừa thiếu, vừa chồng chéo, đồng thời hiệu lực thực thi rất thấp. Hay nói cách khác, trong thời kỳ bao cấp, ở Việt Nam chưa có một hệ thống pháp luật kinh doanh đúng nghĩa. Quá trình thay đổi tư duy kinh doanh diễn ra chậm và thiếu những động lực quan trọng để tạo ra những chuyển biến cơ bản...  

Việc chuyển đổi nền kinh tế đã đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa kể từ năm 1986. Quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu của Việt Nam được đánh dấu bằng sự kiện Việt Nam chính thức trở thành thành viên của WTO. Sự chuyển dịch cơ bản trong phương thức vận hành nền kinh tế kéo theo sự thay đổi về nhận thức những giá trị và chuẩn mực của chính sách, chiến lược và phương thức ứng xử của các tác nhân trong nền kinh tế.

Trong cơ chế thị trường đặc biệt là thị trường ngày càng có tính toàn cầu, nền kinh tế mở cửa lớn đặc biệt là mở cửa theo các nguyên tắc của WTO. Tiêu chuẩn  kinh doanh được hình thành trên cơ sở các tiêu chuẩn kinh doanh toàn cầu, Quá trình hình thành những tiêu chuẩn này nếu để tự bản thân vận động có thể phải mất một thời gian khá dài, có thể kéo dài hàng thập kỷ. Tuy nhiên, áp lực của cạnh tranh quốc tế, minh bạch hoá, mở cửa để hội nhập chủ động và sâu rộng, các cam kết quốc tế đã tạo ra những ràng buộc phải điều chỉnh cơ bản tư duy và phương thức kinh doanh. Đây là điều kiện và động lực để hình thành các tiêu chuẩn kinh doanh trong thời gian ngắn hơn. Những tiêu chuẩn kinh doanh mới được hình thành có những điểm khác biệt so với trước bắt đầu từ nhận thức.

Những tiêu chuẩn trong kinh doanh của Việt Nam trong WTO

Hệ thống các tiêu chuẩn kinh doanh được hình thành vừa có tính kế thừa vừa có tính thay thế. Đây có thể coi là hệ giá trị mới trong xem xét, phân tích và đánh giá các giao dịch kinh tế và kinh doanh. Các tiêu chuẩn kinh doanh này được hình từ hai góc độ khác nhau và giữa chúng có mối quan hệ qua lại với nhau là góc độ chính phủ và góc độ doanh nghiệp. Đối với chính phủ, những tiêu chuẩn mới được hình thành thể hiện trong việc hoạch định chính sách và pháp luật. Đối với doanh nghiệp, các tiêu chuẩn kinh doanh và vận hành được hình thành gắn với quá trình phát huy tính tự chủ, sáng tạo, năng động để thích nghi với môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Những tiêu chuẩn đối với quá trình hoạch định và thực thi chính sách, pháp luật

Các chính sách và quy định pháp luật ban hành phải bảo đảm phù hợp với các nguyên tăc WTO đồng thời phải phù hợp với điều kiện của đất nước. Vai trò của chính phủ trở thành người lãnh đạo, hướng dẫn và tạo điều kiện tối đa đặc biệt là việc cung ứng các hàng hoá công cộng và dịch vụ công cho hoạt động của doanh nghiệp, giảm thiểu sự can thiệp có tính chất hành chính của chính phủ vào hoạt động kinh doanh cả doanh nghiệp. Đồng thời, có sự tách dần quyền sở hữu và quyền kinh doanh và xuất hện cơ chế quản trị công ty khác với quản lý nhà nước. Năng lực điều hành của chính phủ sẽ được cải thiện khi những tiêu chuẩn mới đựoc hình thành rõ ràng.  Các tiêu chuẩn đó bao gồm:

* Rõ ràng, nhất quán: Đây là tiêu chuẩn đòi hỏi sự thống nhất và đồng bộ trong các chính sách và văn bản pháp luật với các quy định đã ban hành hoặc sẽ ban hành trong nước đồng thời phải thống nhất với các nguyên tắc và quy định của WTO, các cam kết Việt nam đã phê chuẩn. Cần tránh đến mức tối đa trình trạng chồng chéo, bỏ sót hoặc duy trì các quy định lạc hâu so với quy định của WTO. Văn bản pháp luật phải được rõ ràng, cụ thể và tạo cách giải thích thống nhất cũng như thực thi nhất quán. Từ các quy định pháp luật và các văn bản hướng dẫn cần được thực hiện đồng thời. Do đó, các thuật ngữ sử dụng trong bàn hành văn bản cần thống nhất với các thuật ngữ sử dụng trong WTO

* Minh bạch và có thể dự đoán: Quá trình xây dựng và bạn hành chính sách phải được thực hiện theo một quy trình minh bạch, đơn giản đến mức cao nhất có thể. Các loại chính sách, quy định cần được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi công dân, thể nhân trong và ngoài nước có thể tiếp cận một cách thuận lợi nhất và nhanh chóng nhất. Việc ban hành, điều chỉnh và hoàn thiện chính sách cần đựoc thực hiện theo một chiều hướng nhất định để tránh gây ra tình trạng thay đổi và điều chỉnh đột ngột làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp và toàn xã hội. Các chính sách hỗ trợ hoặc các “gói kích cầu” của chính phủ cần được thực hiện công khai.

* Không phân biệt đối xử: Đây là một vấn đề thuộc về phạm trù công bằng xã hội trong kinh doanh. Cần đối xử công bằng đối với mọi tự nhiên nhân, thể nhân và các hoạt động kinh tế được thực hiện. Cần tránh đưa ra các quy định gây phân biệt đối xử giữa các tự nhiên nhân và thể nhân trong và ngoài nước. Đặc biệt, cần giảm thiểu sự phân biệt đối xử theo thành phần kinh tế, tránh tập quá nhiều nguồn lực cho các doanh nghiệp nhà nước làm ăn kém hiệu quả cũng như có sự phân biệt đối với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác đặc biệt là khu vực tư nhân hoặc hợp tác xã...

* Môi trường kinh doanh càng ngày càng thuận lợi: Các loại chính sách, quy định, bộ máy thực hiện, đội ngũ cán bộ phải thực sự là những chủ thể tích cực phục vụ vô điều kiện quá trình thuận lợi hoá môi trường kinh doanh của doanh nghiệp. Sự thuận lợi cao nhất của môi trường kinh doanh như là động lực trực tiếp và xung là áp lực buộc các chủ thể bộc lộ lớn nhất các thế mạnh và lợi thế cũng như huy động triệt để nhất mọi nguồn lực phát triển. Đây là khía cạnh thể hiện trực tiếp và tập trung ở năng lực cạnh tranh cẩp tỉnh, thành phố và năng lực cạnh tranh quốc gia trong điều kiện gia nhập WTO. Đồng thời, cần nâng cao hiệu lực vận hành của bộ máy và xây dựng những tiêu chuẩn mới của đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy quản lý các cấp. Những phẩm chất quan trọng là đạo đức và phẩm chất chính trị của người cán bộ, có tầm nhìn xa, trông rộng, hiểu biết pháp luật trong nước và quốc tế, có khả năng dự báo, phân tích, định hướng và tạo điều kiên tối đa cho doanh nghiệp và công dân thực hiện tốt nhất các nghĩa vụ và được hưởng cao nhất các quyền lợi.

Để có những chuẩn mực đó, cần có một quá trình thử nghiệm, vận dụng và điều chỉnh để hoàn thiện đến mức cao nhất có thể trong các cấp quản lý của bộ máy.

 Những tiêu chuẩn  đối với doanh nghiệp

Doanh nghiệp là chủ thể chịu tác động trực tiếp từ các quy định của WTO đặc biệt là từ các tác động của quá trình cạnh tranh quốc tế. Các hoạt động cạnh tranh và đào thải giữa các doanh nghiệp theo những nguyên tắc của nền thương mại toàn cầu diễn ra với mức độ ngày càng cao và phạm vi rộng. Để thích nghi cao với môi trường cạnh tranh ngày càng trở nên tự do, minh bạch và công bằng trong WTO, các doanh nghiệp Việt Nam cần tuận thủ những tiêu chuẩn nhất định, thể hiện:

* Chấp nhận rủi ro và mạo hiểm: Môi trường kinh doanh ngày càng có tính chất quốc tế, sự đan xen, thâm nhập lẫn nhau đang làm cho các hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp hoặc gián tiếp có tính chất quốc tế và mang nặng tính chất bất định, Do đó, các doanh nghiệp cần thường xuyên phân tích và đánh giá cơ hội, chấp nhận các loại rủi ro có thể xẩy ra và  cần biết giảm thiểu rủi ro một cách hiệu quả. Mức độ chấp nhận rủi ro càng cao, khả năng thu lợi nhuận càng lớn.

* Năng động và sáng tạo: Trong một nền thương mại tư do, minh bạch và công bằng, tính tự chủ của doanh nghiệp được phát huy cao nhất. Do đó, các doanh nghiệp cần phát huy tối đa tính năng động và sáng tạo, chủ động tìm tòi, phát hiện những phương thức kinh doanh mới, các loại hình quan hệ mới để phát triển nhanh chóng.

* Nhạy bén: Do vai trò của chính phủ đã được giảm thiểu trong các giao dịch kinh doanh của doanh nghiệp, quyền chủ động của các doanh nghiệp là tối đa, cho nên, các doanh nghiệp cần phải nhạy bén với cơ hội để nắm bắt, nhạy bén với thách thức để giảm thiểu hoặc phòng tránh và nhạy bén với cạnh tranh để thích nghi.... Để có được chuẩn mực này, các doanh nghiệp cần có cơ chế dự báo và cảnh báo trước cơ hội và thách thức, có khả năng nhìn thấy được chiều hướng phảt triển của thị trường để đón đầu. Vấn đề tạo dựng được tầm nhìn xa, trộng rộng là việc làm cần thiết đối với doanh nghiập.

* Có khả năng kết nối quan hệ và tạo dựng vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu: Trong một nền kinh tế thị trường toàn cầu, chuỗi giá trị hàng hoá, dịch vụ, chuỗi cung ứng đều có tính toàn cầu, sự phụ thuộc lẫn nhau càng ngày càng tăng cho nên doanh nghiệp để tạo được lợi ích tối đa cũng như để giảm thiểu khả năng bị đào thải trong cạnh tranh, doanh nghiệp cần có khả năng kết nối có hiệu quả trong mạng sản xuất quốc tế, chuỗi giá trị hoặc chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là quá trình vừa nhàm tạo dựng, định vị và phát triển ảnh hưởng của doanh nghiệp cũng như hỗ trợ doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Doanh nghiệp cần phát triển khả năng hợp tác, liên kết và khai thác lợi thế để tham gia có hiệu quả trong chuỗi giá trị toàn cầu 

* Bảo đảm chuẩn mức đạo đức nghề nghiệp và thực hiện trách nhiệm xã hội: Doanh nghiệp để tồn tại trong cạnh tranh cần luôn luôn đáp ứng các yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng được kỳ vọng của các đối tượng hữu quan như nhà nước, khách hàng, cộng đồng, đối thủ cạnh tranh, nhà cung ứng, nhà đầu tư, cổ đông, ngân hàng... Vấn đề minh bạch hoá các báo cáo tài chính của doanh nghiệp cần đựoc coi trọng. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần coi trọng việc thực hiện trách nhiệm xã hội như bảo vệ môi trường, làm lạnh mạnh các quan hệ kinh doanh, chống buốn bán hàng lậu, hàng giả...tham gia tích cực vào các hoạt động giúp đỡ người nghèo, ủng hộ dân cư trong các vùng bị thiên tai, bão lụt, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng và thuần phong mỹ tục của dân tộc...Chấp hành nghiêm chỉnh chính sách và pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đối với nhà nước theo quy định.

Từ những phân tích trên đây, có thể rút ra các tiêu chuẩn kinh doanh mới được xây dựng từ việc tham gia WTO về phía chính phủ có thể gói gọn là “lấy việc tạo thuận lợi cho kinh doanh làm mục tiêu, lấy minh bạch làm nền tảng và lấy công bằng làm chuẩn mực”. Đối với doanh nghiệp tiêu chuẩn là “lấy lợi nhuận làm thước đo, lấy cạnh tranh làm động lực và lấy đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội làm chuẩn mực”. Đối với từng cá nhân tiêu chuẩn suy nghĩ và hành động trong nền kinh tế toàn cầu là “tư duy tổng hợp, hành động chi tiết”.  

Danh mục tài liệu tham khảo

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam- Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XI- Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Hà Nôi 2011
  2. Uỷ ban quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế- Các văn kiện gia nhập WTO của Việt Nam.
  3. Các cam kết của Việt Nam trong WTO, http:// www. MOIT. org