Mối quan hệ giữa quy luật lợi thế so sánh với các nguyên tắc của WTO

22/04/2011    10114

PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng

Đại học Kinh tế quốc dân

WTO là một hệ thống các nguyên tắc, hiệp định và các cam kết có tính nền tảng quy định phương thức ứng xử giữa các nước thành viên bảo đảm thương mại quốc tế diễn ra tự do, minh bạch và công bằng. Trên cơ sở các nguyên tắc này, lợi thế so sánh của các quốc gia phát huy tác dụng và khi trao đổi diễn ra nghĩa là thực hiện theo đúng yêu cầu của quy luật lợi thế so sánh, các quốc gia thu được lợi ích. Các khoản lợi ích được hình thành trên cơ sở lợi thế so sánh luôn bảo đảm sự minh bạch và công bằng.Vấn đề là cần luận giải cụ thể mối quan hệ giữa quy luật lợi thế so sánh và các nguyên tắc của WTO. Đây là việc góp phần nâng cao nhận thức và phát triển phương pháp luận về thương mại quốc tế cũng như chính sách thương mại quốc tế.

Quy luật lợi thế so sánh 

Quy luật lợi thế so sánh là quy luật cơ bản của thương mại quốc tế, mang tính khách quan, ổn định và lâu dài. Các giao dịch mang bản chất thương mại diễn ra trên phạm vi quốc tế tuân theo quy luật này. Đây không phải là quy luật cung- cầu, cạnh tranh hay lưu thông tiền tệ...với tư cách là quy luật kinh tế kinh tế nói chung mà nó là quy luật phát huy tác dụng trong các giao dịch thương mại quốc tế. Ở phạm vi khái quát nhất, các quy luật kinh tế chỉ ra đời trên cơ sở những tiền đề nhất định. Khi có sự trao đổi quốc tế diễn ra là có sự vận hành của quy luật này. Quy luật lợi thế so sánh được vận dụng để xác định những mặt hàng được đưa ra trao đổi và các khoản lợi ích thu được từ trao đổi quốc tế trên cơ sở chênh lệch về hao phi lao động tương đối sử dụng trong sản xuất các mặt hàng. Mặt hàng nào có hiệu quả tương đối cao hơn sẽ có lợi thế so sánh về mặt hàng. Trong trường hợp một quốc gia bất lợi thế tuyệt đối về tất cả các mặt hàng, quốc gia đó vẫn có thể tham gia vào thương mại quốc tế và thu được lợi ích nếu chọn mặt hàng có lợi thế so sánh. Điều này làm cho lợi thế so sánh trở thành một học thuyểt có tính nền tảng trong thương mại quốc tế và đã trở thành quy luật cơ bản của trao đổi quốc tế. Các quốc gia dù ở trình độ phát triển nào nếu tham gia vào thương mại quốc tế theo quy luật lợi thế so sánh đều thu được lợi ích.

Lợi thế so sánh được xem xét từ nhiều góc độ khác nhau về mặt lý thuyết do góc độ nhận thức và quá trình chứng minh khác nhau. Để phát hiện ra quy luật lợi thế so sánh, có nhiều nghiên cứu khác nhau và tư tưởng khởi đầu là lợi thế tuyệt đối của A. Smith (1776) dựa trên sự ủng hộ xu hướng tự do hoá thương mại. Trước hết và sơ khai nhất là cách xem xét lợi thế so sánh từ góc độ hao phí lao động để sản xuất ra các mặt hàng (D. Rỉcardo, 1817) của hai quốc gia và hai hàng hoá (còn gọi là mô hình 2*2). Các giả định được đưa ra để bảo đảm cho lý thuyết được chấp thuận là thế giới chỉ có hai quốc gia và hai hàng hoá, lao động là yếu tố sản xuất duy nhất chỉ di chuyển trên phạm vi quốc gia mà không di chuyển trên phạm vi quốc tế, công nghệ sản xuất không đổi, không có chi phí vận tải và hàng rào thuế quan, và thương mại diễn ra hoàn toàn tự do. Nhờ có các giả định, lý thuyết lợi thế so sánh đã từng bước tiếp cận đến quy luật lợi thế so sánh trong trao đổi thương mại quốc tế.  

Tiếp theo, chi phí cơ hội (G. Haberler) được coi là sự mở rộng của hao phí lao động với phạm vi rộng hơn và tạo căn cứ có độ tin cậy cao hơn để xem xét lợi thế so sánh ở mức độ khái quát vì không chỉ xem xét lợi thế so sánh chỉ từ góc độ chi phí lao động thuần tuý. Mặt hàng nào có chi phí cơ hội thấp hơn sẽ có lợi thế so sánh.ấCch tiếp nận này đã mở rộng nội hàm của lợi thế so sánh không chỉ ở phạm trù chi phí sản xuất mà chi phí cơ hội.

Từ góc độ mức độ dồi dào của các yếu tố sẵn có (Heckscher- Ohlin) với mô hình Ricardo mở rộng với 3 yếu tố là quốc gia, hàng hoá và yếu tố sản xuất là lao động và vốn (còn được gọi là mô hình 2*2*2), lợi thế so sánh sẽ có ở những sản phẩm sử dụng tương đối nhiều các yếu tố tương đối sẵn có của quốc gia như lao động hoặc vốn đầu tư. Hình dạng của đường giới hạn khả năng sản xuất phản ánh khả năng bổ sung cơ cấu thương mại của các quốc gia. Quốc gia có đường giới hạn khả năng sản xuất nghiêng về phía các mặt hàng sử dụng nhiều vốn sẽ có cường độ trao đổi rất lớn với các quốc gia có đường giới hạn khả năng sản xuất nghiêng về các mặt hàng sử dụng nhiều lao động.

Từ hai quốc gia, mô hình lợi thế so sánh được khái quát hoá cho nhiều quốc gia. Việc tiếp tục phát triển lý thuyết này được thực hiện cả từ góc độ sự tương đồng về cầu giữa các quốc gia, thương mại nội bộ ngành, chênh lệch về trình độ công nghệ, lợi thế theo quy mô...Điều này cho thấy quy luật lợi thế so sánh vận động trên nền tảng lớn hơn các giả định của lý thuyết và thậm chí có những biểu hiện rộng hơn so với các cách giải thích của từng cách tiếp cận cụ thể đối với từng cách tiếp cận đối với lý thuyết.

Theo Balassa (1965), lợi thế so sánh có thể xác định một cách hiện hữu thông qua các kết quả xuất khẩu và nhập khẩu của quốc gia về một mặt hàng với phần còn lại của thế giới theo công thức lợi thế so sánh hiện hữu (RCA).

Lợi thế so sánh có thể tính toán thông qua mô hình lực hấp dẫn với các tham số như tổng sản phẩm quốc nôị (GDP) của các quốc gia tham gia thương mại, khoảng cách địa lý giữa các quốc gia và một số biến số khác. Theo cách tiếp cận này, cường độ thương mại giữa các quốc gia phụ thuộc nhiều váo độ lớn của GDP hơn là hình dạng của đường giới hạn khả năng sản xuất. Nếu quốc gia giàu vốn, đường giới hạn khả nưng sản xuất sẽ nghiêng về các hàng hoá sử dụng nhiều vốn và nếu quốc gia giàu lao động thì đường giới hạn khả năng sản xuất sẽ nghiêng về phía hàng hoá sử dụng nhiều lao động. Sụ khác nhau càng lớn về hình dạng này tạo khả năng bổ sung cơ cấu kinh tế thống qua việc gia tăng cường độ thương mại để đạt đến điểm cân bằng quốc tế.  

Lợi thế so sánh được xem xét từ góc độ sản phẩm cụ thể, không phải từ góc độ quốc gia, do đó, việc khai thác lợi thế so sánh trực tiếp từ góc độ doanh nghiệp và có sự hỗ trợ của chính phủ. Các chính sách của chính phủ cần có sự phối hợp với nỗ lực của doanh nghiệp để tối đa hoá các khoản lợi ích do lợi thế so sánh tạo ra. Chính sách thương mại và công nghiệp là phương tiện kết hợp các nỗ lực này (P.Krugman, 1970).

Để lợi thế so sánh phát huy tác dụng, cần có các điều kiện nhất định nghĩa là sự vận hành của lợi thế so sánh dựa trên một loạt các giả định như thương mại diễn ra tự do và không có các loại rào cản thuế quan và phi thuế quan cũng như các rào cản khác, không có sự di chuyển các yếu tố trên phạm vi quốc tế, hiệu quả sản xuất không thay đổi theo quy mô, công nghệ sản xuất không đổi, cạnh tranh hoàn hảo trên thị trường yếu tố và thị trường đầu vào tức là không có sự can thiệp của các chính phủ vào thị trường làm méo mó thương mại mà thực chất là làm biến dạng lợi thế so sánh, sở thích của các dân tộc giống nhau, cân bằng cán cân thương mại...Trên thực tế, lợi thế so sánh vẫn xuất hiện mặc dù các ràng buộc không cần thiết phải ngặt nghèo như các giả định được nêu trong việc chứng minh bản chất của quy luật. Cho dù sỉư thích các dân tộc là khác nhau hay cán cân thương mại tham hụt chăng nữa thì quy luật lợi thế so sánh vẫn phát huy tác dụng.

Từ các vấn đề nêu trên có thể thấy để có lợi thế so sánh thuần tuý, cần có các điều kiện để bảo vệ, nuôi dưỡng và phát triển lợi thế này. Các điều kiện đó là các giả định được chứng minh trong quá trình luận giải bản chất của lý thuyết. Nếu thiếu các giả định này, lợi thế so sánh không được bộc lộ thậm chí bị triệt tiêu và lợi thế trở thành bất lợi. Nói cách khác, lợi thế so sánh được bộc lộ khi có các điều kiện nhất định. Để lợi thế so sánh bộc lộ tối đa, cần thoả mãn các giả định hay những điều kiện ràng buộc. Quốc gia có lợi thế so sánh khi tham gia vào thương mại quốc tế thu được lợi ích từ thương mại và có thể đạt lợi ích thương mại tối đa.

Lợi thế so sánh bao gồm lợi thế so sánh tự nhiên và tự tạo. Lợi thế so sánh tự nhiên có từ các nguồn lực sẵn có như đất đai, tài nguyên, khoáng sản, lao động và nguồn vốn. Các cơ hội thị trường mở ra cũng có khả năng tạo ra những lợi thế mới. Lợi thế so sánh tự tạo được hình thành từ chính sách đầu tư của chính phủ và doanh nghiệp thông qua chiến lược, cơ cấu và mức độ cạnh tranh nội bộ ngành.

Tuy nhiên, lý thuyết lợi thế so sánh cũng gặp phải những hạn chế như không giải thích được mô hình trao đổi của các nền kinh tế giống nhau. Việc xem xét các yếu tố cấu thành nên lợi thế so sánh ở dạng đơn giản là lao động và vốn nói chung mà chưa chỉ ra cụ thể cơ cấu của lao động và nguồn vốn như lao động phải có tay nghề cao, hàm lượng tri thức lớn đặc biệt là đội ngũ chuyên gia và các doanh nhân giỏi. Nguồn vốn đầu tư và công nghệ phải đạt trình độ cao, các loại dịch vụ sản xuất phải đạt trình độ đẳng cấp quốc tế như dịch vụ ngân hàng, tài chính...Cơ sở hạ tầng của sản xuất và thương mại cần đạt đến trình độ cao về giao thông vận tải, viễn thông, thương mại điện tử...để phù hợp với những yêu cầu đặt ra của các giao dịch thương mại quốc tế...Nhiều hiện tượng mới xuất hiện trong thương mại quốc tế như thương mại dịch vụ, thương mại điện tử, marketing...cần được đưa thành các trường hợp nghiên cứu có tính chất mở rộng của lý thuyết lợi thế so sánh. Cho nên cần có sự bổ sung tiếp theo lý thuyết này.         

Các nguyên tắc của WTO 

WTO là một thể chế thương mại toàn cầu bảo vệ sự tồn tại và vận hành của quy luật lợi thế so sánh với khoảng 500 trang hiệp định và 23000 trang cam kết với 153 thành viên và số thành viên này đang ngày càng tăng lên. WTO chiếm tới 95% thương mại toàn cầu. Điều đó cho thấy, một quốc gia để tham gia triệt để và sâu rộng vào nền thương mại toàn cầu nhằm tận dụng mọi lợi ích từ thể chế này mang lại, cần phải là thành viên của WTO... Với các văn kiện và cam kết tưởng chừng như đơn giản đó, các nước thành viên WTO đã phải trả qua rất nhiều vòng đàm phán khác nhau như vòng đàm phán Dilon, Kenedy, Tokyo, Urugoay...kéo dài hàng chục năm chỉ nhằm mục tiêu tự do hoá thương mại toàn cầu và kết quả cũng đã đạt được. Điều này như là sự khẳng định sự chiến thắng của xu hướng tự do hoá thương mại so với xu hướng bảo hộ mậu dịch Các nguyên tắc của WTO gồm có đối xử tối huệ quốc (MFN), đãi ngộ quốc gia (NT), minh bạch, thương mại tự do hơn thông qua đàm phán và giành ưu đãi đối với các nước đang phát triển được coi như là kết quả cao nhất của sự nhất trí trên thực tế của các quốc gia. Các nguyên tắc của WTO là bộ quy tắc ứng xử giữa các quốc gia về thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ, đầu tư liên quan đến thương mại, sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại, vấn đề xử lý tranh chấp...Các nguyên tắc này là điều kiện bảo đảm để các giao dịch mang bản chất thương mại diễn ra phù hợp với quy luật lợi thế so sánh với những chế tài thương mại được sử dụng khi các bên tham gia có sự vi phạm. Trên cơ sở các nguyên tắc, chủ thể là các quốc gia tham gia vào WTO phải điều chỉnh chính sách thông qua hàng loạt công cụ và biện pháp theo đúng yếu cầu của các nguyên tắc và triệt để khai thác mọi thế mạnh để tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh và thu lợi ích...Nói cách khác, các nguyên tắc của WTO tương đương với các giả định của lý thuyết lợi thế so sánh và mục tiêu cao nhất là ủng hộ một nền thương mại vận hành tự do theo đúng các quy luật của nền kinh tế thị trường đặc biệt là sự chi phối của quy luật lợi thế so sánh.

Nguyên tắc đối xử tối huệ quốc, đòi hỏi các quốc gia khi giành sự đối xử tốt nhất trong quan hệ thương mại với quốc gia thứ hai thế nào thì cũng giành sự đối xử tốt nhất như thế với quốc gia thứ ba. Với cách tiếp cận quy nạp, nguyên tắc này có thể khái quát cho tất cả các quốc gia trên thế giới. Theo yêu cầu của nguyên tắc, các quốc gia phải cắt giảm tối đa thuế quan tức là giành cho nhau ưu đãi cao nhất để mức độ cản trở thương mại được giảm thiểu và việc đó được thực hiện không phân biệt giữa các nước thành viên. Thực chất nguyên tắc được sử dụng để bảo đảm các giao dịch thương mại quốc tế diễn ra tự do đến mức cao nhất, giảm thiểu các rào cản bảo hộ và thực hiện đối xử minh bạch. (xem Hộp 1)

Hộp 1: Minh hoạ nguyên tắc đối xử tối huệ quốc (MFN)
“… bất kỳ một sự ưu đãi, ưu tiên, đặc quyền hay miễn trừ mà một bên ký kết dành cho bất kỳ sản phẩm nào có xuất xứ từ hoặc được giao đến bất kỳ nước nào khác thì ngay lập tức và không điều kiện phải được dành cho sản phẩm tương tự có xuất xứ từ hoặc được giao đến lãnh thổ của tất cả các bên ký kết khác”. (Điều I khoản 1 GATT 1947).
“Đối với bất kỳ biện pháp nào thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định này, mỗi Thành viên phải ngay lập tức và không điều kiện dành cho dịch vụ và người cung cấp dịch vụ của bất kỳ Thành viên nào khác sự đãi ngộ không kém thuận lợi hơn sự đãi ngộ mà Thành viên đó dành cho dịch vụ và người cung cấp dịch vụ tương tự của bất kỳ nước nào khác”. (Điều II khoản 1 GATS).
“Đối với việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, bất kỳ một sự ưu tiên, chiếu cố, đặc quyền hoặc miễn trừ nào được một Thành viên dành cho công dân của bất kỳ nước nào khác cũng phải được ngay lập tức và không điều kiện dành cho công dân của tất cả các Thành viên khác”. (Điều 4 khoản 1 TRIPs).
Nguồn: Uỷ ban quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế

Nguyên tắc đãi ngộ quốc gia (NT), bắt buộc các nước thành viên không được phân biệt đối xử đối với các thể nhân và tư nhiên nhân trong nước và nước ngoài. Đây là nguyên tắc bảo đảm tính công bằng trong đối xử với các thể nhân và tự nhiên nhân của các nước thành viên hay công bằng theo chiều ngang.

Nguyên tắc thương mại tự do hơn thông qua đàm phán, đặt ra yêu cầu các nước thành viên cần sử dụng đàm phán làm phương tiện để hướng tới một nền thương mại tự do với các rào cản được giảm thiểu thay vì các hành vi khác như cấm vận, trả đũa, trừng phạt...Để cuộc đàm phán diễn ra có hiệu quả, cần có sự minh bạch về thông tin cũng như sự hợp tác từ phía chính phủ nhằm giảm thiểu thương mại bị bóp méo.

Nguyên tắc giành ưu đãi đối với các nước đang phát triển tạo nền tảng để các nước đang phát triển với năng lực cạnh tranh thấp có những khoản lợi ích trong quá trình tham gia vào thương mại bình đẳng với các nước phát triển với năng lực cạnh tranh cao. Thực chất, nguyên tắc này tạo điều kiện để cán cân thương mại giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển ít bị thâm hụt hơn về phía các nước đang phát triển. Nếu sự thâm hụt thương mại xẩy ra về phía các nước đang phát triển thì có thể gây ảnh hưởng lợi ích đối với các bên. Đối với các nước phát triển, nếu xuất hiện thặng dư thương mại với các nước đang phát triển cũng có nghĩa là các nước đó đã xuất khẩu cả những mặt hàng mà chúng không có lợi thế so sánh. Ngược lại, đối với các nước đang phát triển, việc nhập khẩu ồ ạt hàng hoá và dịch vụ từ các nước phát triển thì cũng có ngụĩa là nhập khẩu cả những mặt hàng mà chúng có lợi thế so sánh. Nhìn tổng thể, với trạng thái thâm hụt hay thặng dư nghiêng về một phía thì các bên đều không đạt lợi ích tối đa. Với việc áp dụng nguyên tắc này, chẳng hạn, các nước đang phát triển có thể được trợ cấp xuất khẩu trong phạm vi cho phép hoặc được phép sử dụng một số công cụ của chính sách thương mại để bảo hộ một ngành hàng trong một khoảng thời gian nhất định. Thực chất, đây là nguyên tắc công bằng theo chiều dọc trong thương mại.   

Mối quan hệ giữa quy luật lợi thế so sánh với các nguyên tắc của WTO  

Các nguyên tắc của WTO là cách thức ứng xử về mặt luật pháp giữa các quốc gia trong lĩnh vực thương mại quốc tế. Trên cơ sơ các nguyên tắc đó, hệ thống các hiệp định về các lĩnh vực đa dạng của thương mại cũng như các quy định liên quan đến giải quyết tranh chấp thương mại được hình thành và vận hành. Các nguyên tắc cho thấy việc xây dựng, phát triển và bảo vệ một nền thương mại quốc tế tự do, minh bạch và công bằng thực chất là bảo vệ sự vận hành của quy luật lợi thế so sánh. Việc trao đổi quốc tế trên cơ sở sự tự nguyện, thuận mua vừa bán, mua giá thấp bán giá cao....Những hành vi mua bán trái với cơ sở này đều là sự vi phạm nguyên tắc thương mại công bằng.  

Nếu các giả định trong lý thuyết lợi thế so sánh là điều kiện tiên quyết và khách quan để chứng mính tính phù hợp của lợi thế so sánh về mặt lý thuyết thì các nguyên tắc của WTO là nền tảng pháp lý bắt buộc các thành viên tuân thủ phương thức ứng xử để quy luật lợi thế so sánh phát huy tác dụng trên thực tế. Các giả định là các ràng buộc về mặt khoa học cũng như là điều kiện bắt buộc để các vấn đề lý thuyết được bộc lộ rõ ràng nhưng chúng lại không ràng buộc về trách nhiệm pháp lý đối với các bên tham gia. Ngược lại, các nguyên tắc không phải là điều kiện bắt buộc để chứng minh về mặt lý thuyết nhưng lại là những ràng buộc trách nhiệm pháp lý đối với các nước thành viên. Nói cách khác, vai trò của các nguyên tắc của WTO tương đương với vai trò của các giả định trong lý thuyết lợi thế so sánh mặc dù chúng không hoàn toàn đồng nhất với nhau. Trên thực tế, các quốc gia áp dụng các công cụ của chính sách thương mại như thuế quan, hạn ngạch, trợ cấp xuất khẩu, hạn chế xuất khẩu tự nguyện, các hàng rào kỹ thuật, hành chính...và việc đó có thể làm biến dạng thương mại và thủ tiêu các tác động tích cực của lợi thế so sánh, là tăng tính chất “chuẩn tắc” của các quyết định chính sách (xem Hình 1). Do đó, các nguyên tắc WTO tạo căn cứ để các nước thành viên loại bỏ các tác động của biện pháp và công cụ chính sách làm biến dạng thương mại quốc tế hay đi ngược với bản chất nền thương mại tự do, minh bạch và công bằng.

Nguồn: Tổng hợp của tác giả

Các công cụ của chính sách thương mại, bên cạnh những tác động kinh tế, còn có những ảnh hưởng về các khía cạnh khác như về lợi ích của các nhóm xã hội, môi trường...Còn các nguyên tắc của WTO, bên cạnh những tác động về thương mại còn có các tác động về nhận thức xã hội, tư duy hoạch định chính sách, cơ chế vận hành, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong nước...tức là những tác động từ phía thượng tầng kiến trúc đến hạ tầng cơ sở, bảo đảm sự phù hợp giữa hạ tầng cơ sở và thượng tầng kiến trúc. Các nguyên tắc của WTO là phương tiện để “hoá giải” các tác động làm bóp méo thương mại của các công cụ trong chính sách thương mại quốc tế của các quốc gia.

Như vậy, các nguyên tắc của WTO được hình thành trên cơ sở yêu cầu của quy luật lợi thế so sánh. Tuy nhiên, các nguyên tắc của WTO mang tính chất pháp lý và chỉ đạo quá trình hoạch định, điều chỉnh chính sách thương mại của các quốc gia còn quy luật lợi thế so sánh là một quy luật kinh tế và nó phát huy tác dụng khi có các tiền đề về kinh tế. Các nguyên tắc được xây dựng có những điểm khác biệt so với các giả định được xây dựng trong các cách giải thích về lý thuyết và trên thực tế, các giả định được nêu ra đã thu hẹp bản chất của lợi thế so sánh và chỉ mới được sử dụng để giải quyết từng khía cạnh cụ thể. Hơn nữa, các giả định mang tính chất lý thuyết còn các nguyên tắc là sự vận động thực tế và phụ thuộc vào cách diễn giải của các chủ thể mặc dù các giải thích thiếu căn cứ có thể không được chấp thuận.

Một số vấn đề kết luận 

Từ mối quan hệ giữa quy luật lợi thế so sánh và các nguyên tắc của WTO, có thể rút ra một số kết luận đối với cả nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp. Các kết luận này có ý nghĩa trong việc nâng cao nhận thức và hướng dẫn hành động trực tiếp.

Về phía các nhà hoạch định chính sách, để hình thành các nguyên tắc có tính chất xuyên suốt đặc biệt là các nguyên tắc ứng xử trong lĩnh vực thương mại quốc tế cần dựa trên yêu cầu của các quy luật khách quan. Các quy luật cần được phát hiện cả nội dung và hình thức biểu hiên trên cơ sở các nghiên cứu khoa học để bảo đảm tính khách quan của nó. Do đó, không tuỳ tiện đặt ra các nguyên tắc khi chưa tiến hành khảo sát kỹ lưỡng các hình thức biểu hiện của quy luật. Trên cơ sở các nguyên tắc được xây dựng, việc tiếp tục ban hành và hoàn thiện các chính sách hiện có là hoàn toàn cần thiết. Cách tiếp cận này cũng là sự phản ánh quy trình bàn hành, rà soát và hoàn thiện chính sách trong lĩnh vực thương mại quốc tế để bảo đảm tính nhất quán và khâu trước là căn cứ để thực hiện khâu sau trong một chu trình thống nhất. Quy trình này cũng là căn cứ để bảo vệ lợi ích thương mại của các đối tác trong các giao dịch quốc tế khi bị xâm phạm về nguyên tắc. (Xem Hình 2)

Hình 2: Quy trình xây dựng, điều chỉnh và hoàn thiện chính sách thương mại quốc tế

Nguồn: Tác giả xây dựng

Về phía doanh nghiệp, cần nhận thức đầy đủ các biểu hiện của quy luật kinh tế mà cụ thể là quy luật lợi thế so sánh để vận dụng có hiệu quả vào các hoạt động của doanh nghiệp sao cho lợi ích tối đa trong các giao dịch mang bản chất thương mại. Doanh nghiệp cần thường xuyên theo dõi, đánh giá những biểu hiện của quy luật để vận dụng phù hợp bởi vì các lý thuyết chỉ mới xem xét được một số biểu hiện cụ thể của quy luật và có quá nhiều ràng buộc dưới dạng các giả định. Điều đó bảo đảm tính khoa học của các nghiên cứu song không phản ánh hết mọi sắc thái biểu hiện của quy luật đặc biệt khi có những hiện tượng mới trong thương mại quốc tế xuất hiện. Doanh nghiệp và chính phủ cần hợp tác với nhau chặt chẽ để vừa tuân thủ nguyên tắc tự do hoá thương mại vừa tối đa hoá lợi ích của các bên cũng như bảo vệ các nhóm lợi ích cần thiết trong tiền trình tự do hoá thương mại. Mỗi loại hàng hoá hoặc dịch vụ có những biểu hiện rất khác nhau về lợi thế so sánh cho nên cần đầu tư khảo sát để nhận dạng sự thay đổi các hình thức biểu hiện này trong từng giai đoạn. Trong trường hợp một doanh nghiệp bị bất lợi thế về tuyệt đối tất cả các mặt hàng thì  nó vẫn có lợi thế so sánh nếu có phương pháp lựa chọn thích hợp, theo đó, các khoản lợi ích thu được từ thương mại vẫn đạt được. Vấn đề là tìm khả năng tối đa hoá lợi ích đó trong hàng loạt những sự ràng buộc.  

 

       Danh mục tài liệu tham khảo 

  1. A.Smith, Của cải của các dân tộc. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, 1998
  2. P. Krugman, Kinh tế học quốc tế. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, 1997