EVFTA và ngành rau quả Việt Nam: Cam kết về Chứng nhận và Quy tắc xuất xứ

13/10/2021    627

Cam kết về Chứng nhận xuất xứ

Cơ chế chứng nhận xuất xứ mà Việt Nam áp dụng cho EVFTA

Theo EVFTA, Việt Nam có thể lựa chọn áp dụng cơ chế cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hoặc cơ chế tự chứng nhận xuất xứ khi thấy thích hợp, áp dụng đối với tất cả các hàng hóa, trong đó có sản phẩm rau quả.

Cơ chế cấp Giấy chứng nhận xuất xứ bởi cơ quan có thẩm quyền là cơ chế vốn rất quen thuộc với doanh nghiệp. Hiện tại, để chứng nhận xuất xứ theo các FTA, các doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn phải xin giấy chứng nhận xuất xứ tại các đơn vị của Bộ Công Thương (ngoại trừ một số rất ít trường hợp thí điểm tự chứng nhận xuất xứ theo ASEAN). Thủ tục chứng nhận xuất xứ theo EVFTA ở Việt Nam trong thời gian tới cũng vẫn theo cơ chế truyền thống này.

Cơ chế tự chứng nhận xuất xứ là cơ chế mới với Việt Nam. So với cơ chế truyền thống nói trên, cơ chế tự chứng nhận xuất xứ được đánh giá là thuận lợi hơn, giúp doanh nghiệp xuất khẩu giảm được thủ tục xin chứng nhận xuất xứ, từ đó giảm chi phí thời gian, tiền bạc, nhân lực cho thủ tục này. Trong các FTA, mới chỉ có CPTPP quy định cụ thể về cơ chế này. EVFTA có quy định nhưng lại không đặt ra thời điểm cụ thể nào để Việt Nam phải áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ.

Trên thực tế, hệ thống GSP mà EU đơn phương dành cho Việt Nam cũng đã yêu cầu áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ. Theo đó, nhà xuất khẩu Việt Nam phải đăng ký theo Hệ thống REX để được cấp mã số REX và tự chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa xuất khẩu sang EU muốn được hưởng ưu đãi GSP.

Theo EVFTA và quy định của EU, trong khoảng thời gian 2 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực (01/08/2020), doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang EU vẫn có thể lựa chọn áp dụng thuế ưu đãi theo EVFTA hoặc thuế ưu đãi theo GSP với điều kiện áp dụng ưu đãi loại nào thì phải tuân thủ QTXX của loại đó và theo thủ tục chứng nhận xuất xứ tương ứng. Cụ thể:

  • Nếu muốn hàng xuất khẩu vào EU hưởng thuế suất ưu đãi EVFTA thì nhà xuất khẩu Việt Nam phải xin C/O mẫu EUR.1 tại các đơn vị của Bộ Công Thương;
  • Nếu muốn hàng xuất khẩu vào EU hưởng thuế ưu đãi GSP thì nhà xuất khẩu Việt Nam phải chứng nhận xuất xứ theo cơ chế của GSP mà hiện tại đang chuyển sang hình thức tự chứng nhận xuất xứ bằng cách đăng ký mã số REX (muộn nhất là đến ngày 31/12/2020 toàn bộ doanh nghiệp xuất đi EU theo GSP phải hoàn thành đăng ký mã số này).

Giấy chứng nhận xuất xứ cho hàng Việt Nam xuất khẩu sang EU

  • Mẫu Giấy chứng nhận xuất xứ EVFTA

Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) EVFTA có mẫu EUR.1, theo quy định trong EVFTA, mẫu này áp dụng chung cho cả hàng hóa xuất khẩu từ EU và Việt Nam. Tuy nhiên, do EU không áp dụng cơ chế cấp chứng nhận xuất xứ bởi cơ quan có thẩm quyền mà áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ bởi nhà xuất khẩu có đăng ký (hệ thống REX), mẫu EUR.1 trên thực tế chỉ áp dụng đối với hàng xuất khẩu từ Việt Nam đi EU.

Mẫu EUR.1 được quy định tại Phụ lục VII, Nghị định thư 1 EVFTA. Thông tin khai báo trên mẫu EUR.1 được cho là đơn giản hơn so với mẫu C/O trong các FTA mà Việt Nam đã ký kết:

  • Một số thông tin nhà xuất khẩu được phép lựa chọn khai báo hoặc không khai báo trên C/O mẫu EUR.1 (ví dụ nhà nhập khẩu, hành trình lô hàng, số hóa đơn thương mại…)
  • Một số thông tin không bắt buộc thể hiện trên mẫu EUR.1 (như tiêu chí xuất xứ, mã số HS của hàng hóa…). Đây là một điểm khác so với các mẫu C/O theo các FTA khác của Việt Nam (các FTA này đều yêu cầu khai mã HS và tiêu chí xuất xứ của hàng hóa)

Thời hạn hiệu lực của C/O EUR.1 là 12 tháng kể từ ngày phát hành.

  • Thời điểm cấp C/O mẫu EUR.1

Đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang EU, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam sẽ cấp C/O mẫu EUR.1 sớm nhất có thể từ ngày xuất khẩu hàng hóa (ngày tàu chạy theo kê khai) và không quá ba ngày làm việc kể từ sau ngày này.

Giấy Chứng nhận xuất xứ hàng hóa có thể được cấp sau khi xuất khẩu nhưng chỉ trong một số trường hợp như quy định cụ thể tại Điều 17 Nghị định thư. Giấy này có thể được cấp lại trong trường hợp bị mất, thất lạc hoặc hư hỏng.

  • Thời điểm nộp C/O

EVFTA không có quy định cụ thể về thời điểm nộp C/O EVFTA, mà cho phép từng Bên (Việt Nam/EU) quy định phụ hợp theo pháp luật của mình. Trên thực tế:

  • Đối với hàng hóa EU nhập khẩu vào Việt Nam: theo quy định hiện hành của Việt Nam (Thông tư số 38/2018/TTBTC ngày 20/04/2018 của Bộ Tài chính), thời điểm nộp C/O của hàng hóa nhập khẩu từ một nước có thỏa thuận ưu đãi thuế quan với Việt Nam là tại thời điểm làm thủ tục hải quan cho hàng nhập khẩu, và có thể nộp muộn không quá 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan.
  • Đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU: EU cho phép nộp C/O cho cơ quan hải quan của EU để hưởng ưu đãi thuế quan sau thời điểm nhập khẩu hàng hóa vào EU. Theo thông tin từ phía EU thì thời hạn cho phép nộp sau này ít nhất là 2 năm.

Lưu ý doanh nghiệp:

C/O mẫu EUR.1 có những nội dung khá quen thuộc và đơn giản hơn so với Mẫu C/O trong các FTA trước đây. Mặc dù vậy, nội dung của Mẫu này trong EVFTA vẫn có những điểm khác biệt đáng chú ý so với các FTA Việt Nam từng ký kết khác. Các nội dung này cũng ảnh hưởng trực tiếp tới các loại giấy tờ mà doanh nghiệp cần cung cấp hoặc thông tin khai báo. Hiện các cam kết EVFTA về các vấn đề này đã được nội luật hóa và hướng dẫn cụ thể trong Thông tư 11/2020/TT-BCT về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong EVFTA. Doanh nghiệp xuất khẩu muốn hàng hóa hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA cần tra cứu kỹ Thông tư này để biết QTXX từng mặt hàng và hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo EVFTA.

Ngoài ra doanh nghiệp cũng cần chú ý C/O mẫu EUR.1 có thể được cấp sau thời điểm xuất khẩu từ Việt Nam và nộp sau thời điểm nhập khẩu vào EU. Vì vậy, trong trường hợp hàng hóa của doanh nghiệp đáp ứng được QTXX của EVFTA nhưng vì lý do chính đáng nào đó mà chưa kịp xin C/O mẫu EUR.1 tại cơ quan có thẩm quyền Việt Nam thì vẫn có thể xin cấp C/O này sau thời điểm hàng hóa đã xuất khẩu sang EU. Đồng thời, doanh nghiệp có thể nộp muộn C/O mẫu EUR.1 cho cơ quan hải quan EU sau khi hàng hóa đã được nhập khẩu vào thị trường này để xin hồi tố thuế quan ưu đãi EVFTA mà trước đó vì chưa có C/O mẫu EUR.1 nên chưa được hưởng ưu đãi thuế.

 

Cam kết về Quy tắc xuất xứ

 

Để được hưởng ưu đãi thuế quan EVFTA, sản phẩm phải đáp ứng được quy tắc xuất xứ và thủ tục chứng nhận xuất xứ của EVFTA. Quy tắc xuất xứ và thủ tục xuất xứ của EVFTA được áp dụng chung với cả sản phẩm rau quả từ EU xuất khẩu sang Việt Nam hoặc từ Việt Nam xuất khẩu sang EU.

Cam kết về xuất xứ trong EVFTA đối với sản phẩm rau quả được quy định tại Nghị định thư 1 - Quy định hàng hoá có xuất xứ và phương thức hợp tác quản lý hành chính. Nghị định thư này gồm 02 phần nội dung chính:

  • Phần Lời văn: bao gồm các nguyên tắc chung về quy tắc xuất xứ và thủ tục chứng nhận xuất xứ, và
  • 08 Phụ lục: bao gồm các cam kết chi tiết hoặc hướng dẫn cụ thể một số nội dung liên quan ở phần Lời văn (mẫu Chứng nhận xuất xứ, các giải thích bổ sung…). Trong đó có Phụ lục II – Danh mục công đoạn gia công và chế biến – đây chính là Danh mục về quy tắc xuất xứ riêng cho từng nhóm hàng hóa (trong đó có các sản phẩm rau quả).

Lưu ý: Khi đọc Phụ lục II – Danh mục Công đoạn Gia công hoặc Chế biến của Nghị định thư về QTXX đối với từng nhóm sản phẩm cụ thể của Nghị định thư 1, cần đọc Phụ lục I – Định nghĩa và Chú giải cho Phụ lục II để hiểu được các từ ngữ và quy định trong Phụ lục II. Các loại tiêu chí xuất xứ của EVFTA về bản chất thì giống các FTA đã có của Việt Nam nhưng ngôn ngữ thể hiện và một số nội dung mới hoặc khác so với các FTA đã có.

Việt Nam hiện đã ban hành quy định hướng dẫn về việc thực hiện quy tắc xuất xứ hàng hóa trong EVFTA tại Thông tư số 11/2020/TT-BCT ngày 15/06/2020.

Quy tắc xuất xứ đối với sản phẩm rau quả trong EVFTA

Trong EVFTA, quy tắc xuất xứ đối với tất cả các sản phẩm rau quả cụ thể như sau:

  • Đối với các sản phẩm rau tươi và sơ chế thuộc Chương 07: Toàn bộ Chương 07 có một quy tắc xuất xứ duy nhất là Xuất xứ thuần túy.
  • Đối với các sản phẩm quả tươi và sơ chế thuộc Chương 08: Toàn bộ Chương 08 có một quy tắc xuất xứ duy nhất là: i) Nguyên liệu thuộc Chương 8 phải có Xuất xứ thuần túy, và; ii) Trọng lượng nguyên liệu đường không có xuất xứ không vượt quá 20% trọng lượng sản phẩm.
  • Đối với các sản phẩm rau quả đã qua chế biến (Chương 20): Tùy thuộc vào từng dòng sản phẩm mà có quy tắc xuất xứ là Chuyển đổi Nhóm hay Xuất xứ thuần túy, cụ thể như sau:

 

Sản phẩm

Công đoạn gia công hoặc chế biến

Cà chua, nấm và nấm cục, đã chế biến hoặc bảo quản bằng cách khác trừ bảo quản bằng giấm hoặc axit axetic thuộc Nhóm 2002 và 2003 (chứ không phải toàn bộ Nhóm 2002 và 2003)

Nguyên liệu thuộc Chương 7 phải có Xuất xứ thuần túy.

Các sản phẩm còn lại của Nhóm 2002 và 2003, và tất cả các Nhóm còn lại của Chương 20 (2001, và 2004-2009)

Chuyển đổi Nhóm và trọng lượng nguyên liệu đường không có xuất xứ không vượt quá 20% trọng lượng sản phẩm

 

LƯU Ý DOANH NGHIỆP:

Thế nào là xuất xứ thuần túy?

Quy tắc xuất xứ của các sản phẩm rau quả tươi hoặc sơ chế thuộc Chương 07 và 08 yêu cầu sản phẩm hoặc nguyên liệu phải có xuất xứ thuần túy. Vậy “Xuất xứ thuần túy” trong EVFTA được hiểu cụ thể như thế nào.

Theo Khoản 1 Điều 4, Nghị định thư 1 của EVFTA thì các sản phẩm rau quả được coi là có xuất xứ thuần túy nếu được trồng thu hoạch (hoặc thu lượm) tại một Bên (Việt Nam hoặc EU). Điều này có nghĩa các công đoạn từ TRỒNG và THU HOẠCH sản phẩm rau quả phải ở Việt Nam, nhưng giống (hạt giống, cây giống) thì có thể nhập khẩu.

Ví dụ, Việt Nam có thể nhập khẩu cây xoài giống Thái Lan về để trồng và thu hoạch xoài giống Thái Lan và vẫn đáp ứng được quy tắc xuất xứ thuần túy theo EVFTA. Điều này có nghĩa là quả xoài giống Thái Lan nhưng được trồng và thu hoạch tại Việt Nam vẫn được hưởng ưu đãi thuế quan EVFTA khi xuất khẩu sang EU.

Các công đoạn gia công chế biến đơn giản có được tính đến?

Khi xác định xuất xứ của các sản phẩm rau quả thì các công đoạn gia công, chế biến dưới đây, khi thực hiện riêng rẽ hoặc kết hợp với nhau, được xem là đơn giản và không được xét đến khi xác định xuất xứ hàng hóa:

  • Công đoạn bảo quản để giữ sản phẩm trong tình trạng tốt trong quá trình vận chuyển và lưu kho
  • Tháo dỡ và lắp ghép kiện hàng
  • Rửa, làm sạch, loại bỏ bụi bẩn
  • Công đoạn sơn và đánh bóng đơn giản
  • Công đoạn sàng lọc, sắp xếp, phân loại, xếp loại hoặc kết hợp
  • Công đoạn đơn giản bao gồm: cho vào chai, lon, bình, túi, hòm, hộp, gắn trên thẻ hoặc bảng thông tin và công đoạn đóng gói đơn giản khác
  • Dán hoặc in nhãn, mác, logo và những dấu hiệu tương tự khác trên sản phẩm hoặc trên bao bì của sản phẩm

Lưu ý: Các công đoạn nêu trên được coi là đơn giản khi không dùng kỹ năng đặc biệt hoặc máy móc, thiết bị hay công cụ được sản xuất hoặc lắp đặt chuyên dụng.

Nguồn: Trích dẫn: "Cẩm nang doanh nghiệp EVFTA và Ngành Rau quả Việt Nam
- Trung tâm WTO và Hội nhập