EVFTA và ngành rau quả Việt Nam: Đặc điểm thị trường rau quả của EU

15/10/2021    1022

Rau quả là một ngành kinh tế nông nghiệp quan trọng của EU, chiếm khoảng 14% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của EU năm 2018. Các sản phẩm rau quả mà các nước EU có thể trồng được là các sản phẩm hàn đới và ôn đới, trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các sản phẩm rau là cà chua, cà rốt, bắp cải, hành, hạt tiêu; và các sản phẩm quả là táo, cam, dưa hấu, đào, lê. Từ đó, các sản phẩm rau quả chế biến cũng chủ yếu là chế biến từ các sản phẩm ôn và hàn đới này, trong đó phổ biến là nước ép củ quả, củ quả đóng hộp, đông lạnh hoặc sấy khô, và các loại mứt rau quả.

Về thương mại rau quả, EU chủ yếu trao đổi thương mại trong nội khối EU do rau quả là các sản phẩm nhanh hỏng nên chủ yếu được trao đổi trong phạm vi địa lý gần, và các nước EU cũng sản xuất đa dạng các sản phẩm đủ để có thể trao đổi thương mại với nhau. Tuy nhiên, do nhu cầu ngày càng gia tăng của người tiêu dùng EU với những sản phẩm rau trái lạ (như hoa quả, rau gia vị nhiệt đới), và do thiếu hụt nguồn cung trong những thời điểm trái vụ, nên EU nhập khẩu một phần rau quả từ các đối tác bên ngoài EU. Trong nhiều năm qua, EU là khu vực nhập siêu rau quả lớn trên thế giới, với giá trị nhập siêu rau quả năm 2019 là 4,4 tỷ USD.

Rau quả tươi và sơ chế

EU có nhu cầu lớn và ổn định đối với các sản phẩm rau quả tươi. Đối với các sản phẩm rau quả nhiệt đới, EU có nhu cầu nhập khẩu quanh năm và ngày càng gia tăng do người tiêu dùng EU có xu hướng chuyển sang thử và tiêu dùng các loại rau quả lạ từ các khu vực ngoài EU. Tốc độ tăng trưởng trung bình nhập khẩu rau quả tươi của EU trong 5 năm qua là khoảng 19%.

Mặc dù là thị trường nhập khẩu rau quả lớn và tăng trưởng nhanh trong những năm qua nhưng EU cũng là một thị trường đã tương đối bão hòa về cạnh tranh. Các nhà nhập khẩu của EU tương đối khó tính và đã thiết lập các nguồn cung lâu dài với các đối tác ổn định. Các nhà cung cấp mới sẽ khó có thể thâm nhập được vào thị trường EU nếu không có những sản phẩm và chính sách bán hàng thực sự hấp dẫn. Hiện tại các đối tác nhập khẩu rau quả lớn của EU là: Nam Phi, Peru, Maroc, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Mexico, Guatemala, Costa Rica, Colombia, Panama.

Các nguồn cung và sản phẩm rau quả tươi nhập khẩu lớn nhất của EU

  • Peru và Nam Phi: Đây là hai đối tác cung cấp các sản phẩm rau quả trái mùa lớn nhất cho thị trường châu Âu. Peru có các dự án trồng và sản xuất rau quả quy mô lớn và tận dụng các vùng khí hậu khác nhau để kéo dài mùa vụ. Nam Phi cạnh tranh với Peru trong cùng phân khúc và cung cấp một lượng lớn các sản phẩm cam quýt, nho, bơ và một số trái cây khác cho EU.
  • Maroc, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ: Đây là những quốc gia có lợi thế về địa lý do gần với châu Âu, do đó giá cả hàng hóa tương đối cạnh tranh. Trong đó, Maroc là đối tác cung cấp rau lớn nhất cho EU
  • Ấn Độ: Nước này đang tăng cường xuất khẩu rau quả sang EU, đặc biệt là sản phẩm nho. Giá trị xuất khẩu nho của Ấn Độ sang EU đã tăng hơn 2.5 lần từ 107 triệu EUR năm 2015 lên 267 triệu EUR năm 2019
  • Mexico và Guatemala:  Mexico xuất khẩu một lượng lớn bơ và chanh cho thị trường EU, còn Guatemala có thế mạnh về chuối, bơ, đậu Hà Lan, và chanh – xuất khẩu rau quả của Guatemala sang EU đã tăng 96% trong 5 năm qua
  • Costa Rica, Colombia và Panama: Đây là các nhà cung cấp điển hình của các loại trái cây nhiệt đới như chuối, dứa, bơ và một số trái cây lạ khác cho thị trường EU

Nguồn: Trung tâm Xúc tiến Nhập khẩu từ các nước đang phát triển (CBI)

Rau quả chế biến

Mặc dù EU có một ngành công nghiệp chế biến rau quả tương đối phát triển, khu vực này vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn rau quả chế biến. EU là nhà nhập khẩu rau quả chế biến lớn nhất thế giới, chiếm hơn 40% tổng nhập khẩu rau quả chế biến của thế giới năm 2019.

Trong giai đoạn 2014-2018, nhập khẩu rau quả chế biến của EU tăng nhẹ khoảng 4%/năm, đặt gần 23 tỷ USD năm 2019. Dự kiến trong 5 năm tới nhu cầu nhập khẩu rau quả chế biến của EU tiếp tục tăng nhưng với tốc độ chậm hơn, khoảng 2-3%/năm.

Về cơ cấu sản phẩm, EU nhập khẩu đa dạng các sản phẩm rau quả chế biến, trong đó lớn nhất là nước ép rau quả, tiếp đến là rau quả đóng hộp, rau quả đông lạnh, và cuối cùng là rau quả sấy khô và mứt thạch.

Các nước đối tác nhập khẩu rau quả chế biến lớn nhất của EU năm 2018 là Braxin (21%), Thổ Nhĩ Kỳ (13%), Mỹ (10%), Trung Quốc (9%), Ác-hen-ti-na, Séc-bi (4%)…

Bảng các nước đối tác EU nhập khẩu nhiều nhất rau quả chế biến

Nhóm sản phẩm

4 nước nhập khẩu lớn nhất

Các sản phẩm nhập khẩu nhiều nhất

Nước ép rau quả

Braxin

Thổ Nhĩ Kỳ

Costa Rica

Ác-hen-ti-na

Nước ép cam

Nước ép táo

Nước ép quả lựu

Nước ép anh đào

Nước ép cam quýt

Nước ép trái cây nhiệt đới

Rau quả đóng hộp

Trung Quốc
Thổ Nhĩ Kỳ

Peru

Thái Lan

Cà chua đóng hộp

Dứa đóng hộp

Măng tây đóng hộp

Dựa chuột ngâm

Tâm cọ đóng hộptab

Rau quả đông lạnh

Séc-bi

Trung Qốc

Morocco

Chile

Mâm xôi đông lạnh

Dâu tây đông lạnh

Việt quất đông lạnh

Nấm đông lạnh

Trái cây nhiệt đới đông lạnh

Rau quả khô

Thổ Nhĩ Kỳ

Trung Quốc

Tunisia

Philippines

Nho khô

Mơ khô

Nấm khô

Rau khô

Chà là khô

Dừa nạo sấy

Xoài khô

Nguồn: Trung tâm Xúc tiến Nhập khẩu từ các nước đang phát triển (CBI)

Nguồn: Trích dẫn: "Cẩm nang doanh nghiệp EVFTA và Ngành Rau quả Việt Nam
- Trung tâm WTO và Hội nhập