EVFTA và ngành rau quả Việt Nam: Cam kết về thuế quan

15/10/2021    1542

1. Vị trí các cam kết về thuế quan trong Văn kiện EVFTA

Trong Hệ thống Hài hóa Mô tả và Mã hóa Hàng hóa (Hệ thống HS), các sản phẩm rau quả nằm trong các Chương sau:

  • Rau tươi và sơ chế thuộc Chương 07
  • Quả tươi và sơ chế thuộc Chương 08
  • Rau quả chế biến thuộc Chương 20

Đối với các sản phẩm hàng hóa như các sản phẩm rau quả, cam kết quan trọng nhất trong các FTA là cam kết về thuế quan mà mỗi Bên áp dụng đối với sản phẩm này. Trong EVFTA cũng vậy, cam kết quan trọng nhất đối với các sản phẩm rau quả của Việt Nam là cam kết về thuế quan của Việt Nam đối với rau quả nhập khẩu từ EU và cam kết về thuế quan của EU đối với rau quả nhập khẩu từ Việt Nam.

Cam kết về thuế quan đối với các sản phẩm rau quả trong EVFTA được nêu tại:

  • Lời văn của Chương 2 Đối xử quốc gia và mở cửa thị trường đối với hàng hóa: Phần này bao gồm các quy tắc chung liên quan tới thuế quan, áp dụng chung cho cả EU và Việt Nam (tuy nhiên cũng có một số nội dung nêu cụ thể chỉ áp dụng cho Việt Nam hoặc EU);
  • Các Phụ lục 2A của Chương 2 – Cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan, trong đó:

+ Tiểu phụ lục 2-A-1: Biểu thuế nhập khẩu của EU

+ Tiểu phụ lục 2-A-2: Biểu thuế của Việt Nam

2. Cách đọc hiểu Biểu thuế quan EVFTA liên quan đến các sản phẩm rau quả

Cam kết thuế quan của các sản phẩm rau quả trong EVFTA được thể hiện bằng các ký hiệu chữ và số đi kèm, với ý nghĩa cụ thể như sau:

Ký hiệu

Giải thích

A

Xóa bỏ thuế ngay sau khi EVFTA có hiệu lực

B3

Xóa bỏ thuế dần đều trong vòng 04 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực

B5

Xóa bỏ thuế dần đều trong vòng 06 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực

B7

Xóa bỏ thuế dần đều trong vòng 08 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực

 

Ví dụ

Cam kết thuế đối với sản phẩm Cà chua (tươi hoặc ướp lạnh) của Việt Nam nêu trong Biểu cam kết của Việt Nam như sau:

CN2012

Mô tả hàng hóa

Thuế suất cơ sở

Danh mục

0702.00.00

Cà chua, tươi hoặc ướp lạnh.

20%

B5

 

Cam kết này được hiểu là: Sản phẩm mã Cà chua, tươi hoặc ướp lạnh, có mã HS 0702.00.00 sẽ được xóa bỏ thuế dần đều trong vòng 6 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực. Do EVFTA có hiệu lực từ ngày 01/08/2020 nên lộ trình cắt giảm thuế của sản phẩm này theo các năm sẽ như sau:

 

Mức thuế cơ sở

Mức thuế năm 1 (từ 01/08/2020 đến 31/12/2020)

Mức thuế năm 2 (từ 01/01/2021 đến 31/12/2021)

Mức thuế năm 3 (từ 01/01/2022 đến 31/12/2022)

Mức thuế năm 4 (từ 01/01/2023 đến 31/12/2023)

Mức thuế năm 5 (từ 01/01/2024 đến 31/12/2024)

Mức thuế năm 6 và các năm tiếp theo (từ 01/01/2025 trở đi)

20%

16,67%

13,34%

10%

6,67%

3,33%

0%

 

Lưu ý:

  • Mức thuế cơ sở làm căn cứ tính thuế là: i) mức thuế MFN năm 2012 đối với Việt Nam và, ii) mức thuế chung của EU năm 2012 đối với EU. Mức thuế cơ sở này đã được nêu trong Biểu cam kết thuế. Thuế quan cam kết cắt giảm là cắt giảm từ mức thuế cơ sở này chứ không phải là mức thuế tại thời điểm có hiệu lực của EVFTA.
  • Thời điểm cắt giảm thuế lần 1 là ngày có hiệu lực của EVFTA (01/08/2020), thời điểm cắt giảm thuế lần 2 là ngày 01 tháng 01 của năm liền sau đó (01/01/2021), cứ như vậy xác định các mốc tương tự cho các lần cắt giảm tiếp theo.

3. Ý nghĩa của cam kết về thuế quan đối với hàng nhập khẩu

Tương tự như bất kỳ FTA nào, cam kết về thuế quan trong EVFTA là cam kết của các Bên về mức thuế nhập khẩu tối đa mà Bên đó sẽ áp dụng cho từng loại hàng hóa nhập khẩu từ Bên kia trong EVFTA. Vì vậy trên thực tế, tùy thuộc nhu cầu của mình, Việt Nam hoặc EU có thể đẩy nhanh lộ trình cắt giảm thuế so với cam kết. Khi đó, mức thuế quan áp dụng trên thực tế có thể sẽ thấp hơn so với mức cam kết trong văn kiện Hiệp định. Do đó, mức cam kết trong EVFTA là mức thuế cao nhất mà Việt Nam hoặc EU có thể áp dụng đối với rau quả của Bên kia, còn mức thuế thực tế áp dụng sẽ thực hiện theo Biểu thuế xuất nhập khẩu của mỗi bên.

Trường hợp của Việt Nam, tương tự các FTA khác, Biểu thuế quan ưu đãi đặc biệt theo EVFTA được ban hành theo từng giai đoạn. Chẳng hạn sau khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam đã ban hành biểu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thưc hiện EVFTA giai đoạn 2020-2022 tại Nghị định 111/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 của Chính phủ. Doanh nghiệp có thể tra cứu mức thuế quan EVFTA áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu của mình trong văn bản này.

Đối với EU, doanh nghiệp có thể tra cứu các mức thuế quan mà EU áp dụng từng năm đối với từng sản phẩm (thuế MFN, GSP, thuế quan ưu đãi FTA như EVFTA) từ một nước bất kỳ (trong đó có Việt Nam) tại Cơ sở dữ liệu về Tiếp cận Thị trường của EU (Access2Market) tại link sau: https://trade.ec.europa.eu/access-to-markets/en/content.

4. Cam kết thuế quan của EU đối với các sản phẩm rau quả Việt Nam

Trong EVFTA, EU cam kết xóa bỏ thuế với các mặt hàng rau củ của Việt Nam theo 4 nhóm:

  • Xóa bỏ tất cả các loại thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với phần lớn dòng thuế rau quả (514/547 dòng, tương đương 94% tổng số dòng)
  • Xóa bỏ thuế tính theo tỷ lệ phần trăm trị giá hàng hóa (thuế suất X% giá trị lô hàng) ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực nhưng vẫn giữ thuế tuyệt đối (thuế X euro/đơn vị khối lượng) (ký hiệu là “A+EP”) với 24/547 dòng thuế rau quả (tương đương khoảng 4% số dòng thuế rau quả, chủ yếu là nhóm trái cây như cam, quýt, chanh, nho, mơ, đào... và nước nho ép).

Chú ý: Thuế tuyệt đối trong các trường hợp này được xác định theo hệ thống giá đầu vào mà EU áp dụng theo Biểu thuế chung được quy định tại Quy tắc thực thi Ủy ban (EU) số 543/2011 ngày 07/06/2011 (Quy tắc này quy định chi tiết các quy tắc áp dụng Quy định Hội đồng (EC) số 1234/2007 đối với hoa quả và rau và sản phẩm chế biến hoa quả và rau).

  • Cắt giảm thuế dần về 75 EUR/tấn từ năm 2025 trở đi (R75) cho 01 dòng thuế có mã HS 08039010 Chuối, trừ chuối lá, tươi. Cụ thể, mức thuế quan áp dụng đối với sản phẩm này cho từng năm cụ thể như sau:

Năm

Thuế quan (EUR/tấn)

2020

100

2021

95

2022

90

2023

85

2024

80

Từ năm 2025 trở đi

75

 

  • Áp dụng hạn ngạch thuế quan với 3 loại sản phẩm rau quả như dưới đây, với mức thuế trong hạn ngạch là 0%:

Sản phẩm

Mức hạn ngạch

Tỏi

Tỏi tươi hoặc đông lạnh (HS 07032000): 400 tấn/năm.

Ngô ngọt

Ngô ngọt, trừ loại có đường kính lõi từ 8 mm trở lên nhưng không quá 12 mm (HS 07104000A): 5.000 tấn/năm.

Ngô ngọt đã chế biến hoặc bảo quản bằng giấm hoặc axit acetic (Zea mays var. saccharata), trừ loại có đường kính lõi từ 8 mm trở lên nhưng không quá 12 mm (HS 20019030A): 5.000 tấn/năm.

Ngô ngọt đã chế biến hoặc bảo quản bằng cách khác trừ bảo quản bằng giấm hoặc axit axetic, không đông lạnh (Zea mays var. saccharata), trừ loại có đường kính lõi từ 8 mm trở lên nhưng không quá 12 mm (HS 2005.80.00A): 5.000 tấn/năm.

Nấm

Nấm thuộc chi Agaricus đã bảo quản tạm thời (HS 07115100): 350 tấn/năm

Nấm đã chế biến hoặc bảo quản bằng giấm hoặc axit acetic (HS 20019050): 350 tấn/năm

Nấm thuộc chi Agaricus, đã bảo quản tạm thời hoặc được nấu chín hoàn toàn bằng cách khác trừ bảo quản bằng giấm hoặc axit axetic (HS 20031020): 350 tấn/năm

Nấm thuộc chi Agaricus, đã chế biến hoặc bảo quản bằng cách khác trừ bảo quản bằng giấm hoặc axit axetic – loại khác (HS 20031030): 350 tấn/năm

 

Rau quả là một trong những nhóm sản phẩm mà EU vẫn duy trì mức thuế MFN cao. EU thường áp thuế MFN cao đối với các sản phẩm nông nghiệp và thấp đối với các sản phẩm công nghiệp.

Mức thuế MFN trung bình của EU năm 2020 đối với các sản phẩm rau quả là:

  • 8,7% đối với các sản phẩm rau tươi và sơ chế Chương 07
  • 6,67% đối với các sản phẩm quả tươi và sơ chế Chương 08
  • 17,71% đối với các sản phẩm rau quả chế biến Chương 20

EU cũng đang cho hưởng thuế GSP đối với các sản phẩm rau quả đến từ một số nước đang và kém phát triển (trong đó có Việt Nam). Mặc dù vậy, mức thuế GSP trung bình của EU năm 2020 đối với các sản phẩm rau quả vẫn được đánh giá là tương đối cao, cụ thể:

  • 5,91% đối với các sản phẩm rau tươi và sơ chế Chương 07
  • 4,49% đối với các sản phẩm quả tươi và sơ chế Chương 08
  • 12,96% đối với các sản phẩm rau quả chế biến Chương 20

4. Cam kết thuế quan của Việt Nam đối với các sản phẩm rau quả EU

Trong EVFTA, Việt Nam cam kết về thuế quan với các sản phẩm rau quả của EU theo 4 nhóm:

  • Xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 17/286 (tương đương 6%) dòng thuế rau quả - chủ yếu là rau củ làm giống (các dòng mà thuế MFN của EU đã là 0%)
  • Cắt giảm và xóa bỏ thuế theo lộ trình 4 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực với 8/286 (tương đương 3%) dòng thuế rau quả, chủ yếu là các loại trái cây như cam, quýt, chanh, táo, lê…
  • Cắt giảm và xóa bỏ thuế theo lộ trình 6 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực với 194/286 (tương đương 68%) dòng thuế rau quả
  • Cắt giảm và xóa bỏ thuế theo lộ trình 8 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực với 67/286 (tương đương 23%) dòng thuế rau quả, chủ yếu thuộc Chương 20 (các sản phẩm rau quả chế biến)

Đối với Việt Nam, rau quả cũng thuộc nhóm sản phẩm đang duy trì thuế MFN cao, đặc biệt là rau quả chế biến. Do đó, mức cắt giảm thuế quan của Việt Nam trong EVFTA đối với các sản phẩm rau quả như trên là tương đối đáng kể.

Sản phẩm

Thuế MFN

Cam kết trong EVFTA

Các sản phẩm rau tươi và sơ chế Chương 07

Cao, từ 10-30% tùy thuộc sản phẩm, một số ít rau củ giống hoặc để gieo trồng là 0%

Phần lớn xóa bỏ thuế theo lộ trình 6 năm

Một số dòng rau củ giống hoặc để gieo trồng xóa bỏ thuế ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực.  

Các sản phẩm quả tươi và sơ chế Chương 08

Cao, phổ biến 20-30%

Phần lớn xóa bỏ thuế theo lộ trình 6 năm.

Một số ít xóa bỏ thuế theo lộ trình 4 năm

Riêng quả Kiwi (HS 0810.50.00) xóa bỏ thuế ngay sau khi Hiệp định có  hiệu lực

Các sản phẩm rau quả chế biến Chương 20

Rất cao, phổ biến 30-40%

Phần lớn xóa bỏ thuế theo lộ trình 8 năm.

Một số ít xóa bỏ thuế theo lộ trình 6 năm.

Nguồn: Trích dẫn: "Cẩm nang doanh nghiệp EVFTA và Ngành Rau quả Việt Nam
- Trung tâm WTO và Hội nhập