EVFTA và ngành rau quả Việt Nam: Cam kết về phòng vệ thương mại

13/10/2021    871

Biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp

Chống bán phá giá (anti-dumping) và chống trợ cấp (anti-subsidy, hoặc còn được gọi là biện pháp đối kháng “countervailing”) là các biện pháp được quy định trong WTO, cho phép nước nhập khẩu được thực hiện để bảo vệ ngành sản xuất nội địa của mình trước hành vi cạnh tranh không lành mạnh (bán phá giá, bán hàng hóa được trợ cấp) của hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài.

Từ trước đến nay, các sản phẩm rau quả không phải là đối tượng thường xuyên bị áp dụng các biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp. Tuy nhiên, trong bối cảnh xu hướng bảo hộ gia tăng ở nhiều nước, và các biện pháp thuế quan được cắt giảm theo các FTA khiến các ngành sản xuất nội địa tăng cường tìm đến các biện pháp phi thuế quan như các biện pháp phòng vệ thương mại, thì nguy cơ các sản phẩm rau quả bị điều tra và áp dụng các biện pháp này có thể gia tăng. Vì vậy, các doanh nghiệp ngành rau quả cũng cần chú ý đến các cam kết EVFTA về vấn đề này.

Các cam kết EVFTA về chống bán phá giá và chống trợ cấp được áp dụng chung đối với tất cả các loại hàng hóa trong đó có rau quả. So với WTO, EVFTA có một số cam kết riêng về chống bán phá giá và chống trợ cấp trong đó đáng chú ý là:

1. Các cam kết mới về quy trình, thủ tục tiến hành các vụ việc chống bán phá giá, chống trợ cấp

EVFTA yêu cầu Cơ quan có thẩm quyền trong lĩnh vực chống bán phá giá, chống trợ cấp của EU và Việt Nam trong các vụ việc liên quan tới hàng hóa của nhau phải bảo đảm các yêu cầu sau:

  • Công khai thông tin: tất cả các thông tin và dữ liệu tham khảo cần thiết được sử dụng để đưa ra quyết định phải được công khai ngay sau khi tiến hành áp dụng biện pháp tạm thời và trong mọi trường hợp trước khi ra kết luận cuối cùng. Việc công khai phải bằng văn bản, và phải cho các bên liên quan một khoảng thời gian hợp lý để đưa ra ý kiến bình luận với các nội dung liên quan
  • Cơ hội bình luận: Các bên liên quan tới vụ việc phải được có cơ hội thể hiện quan điểm của mình trong quá trình điều tra phòng vệ thương mại (với điều kiện không làm chậm trễ bất hợp lý quá trình điều tra)
  • Thống nhất ngôn ngữ: Tiếng Anh được lựa chọn là ngôn ngữ được sử dụng trong quá trình trao đổi thông tin giữa Việt Nam và EU trong quá trình điều tra phòng vệ thương mại

2. Các cam kết mới về mức thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp

Theo WTO, khi xác định mức thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp, nước nhập khẩu có thể lựa chọn áp dụng mức như biên độ phá giá/trợ cấp hoặc mức thấp hơn biên độ phá giá/trợ cấp. Như vậy, mức thuế cao nhất có thể áp dụng là mức bằng với biên độ phá giá/trợ cấp, nhưng WTO khuyến nghị các nước “không nên cứng nhắc” và “nên” áp dụng mức thuế thấp hơn nếu mức đó đã đủ để loại bỏ thiệt hại của ngành sản xuất nội địa (thường gọi là quy tắc “mức thuế thấp hơn” – “lesser duty”). Hiện các nước có cách lựa chọn khác nhau. Ví dụ Hoa Kỳ luôn áp dụng mức thuế bằng biên độ phá giá/trợ cấp; EU thì chọn mức nào thấp hơn trong hai biên độ - biên độ phá giá và biên độ thiệt hại.

EVFTA không có quy định khác về vấn đề này so với WTO nhưng nhấn mạnh hơn nghĩa vụ xem xét áp dụng “lesser duty”. Thay vì chỉ là khuyến nghị như WTO, EVFTA đòi hỏi Việt Nam và EU “nỗ lực bảo đảm” áp dụng quy tắc này.

Trên thực tế, Việt Nam trước nay đều quy định như WTO, theo đó:

  • Không áp dụng biện pháp thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp ở mức vượt quá biên độ phá giá/trợ cấp được xác định trong kết luận chính thức của Cơ quan điều tra
  • Biện pháp chống bán phá giá/chống trợ cấp chỉ được áp dụng ở mức độ cần thiết, hợp lý nhằm ngăn ngừa hoặc hạn chế thiệt hại của ngành sản xuất nội địa Việt Nam

Như vậy, pháp luật Việt Nam hiện đang để ngỏ khả năng cho phép áp dụng mức thuế thấp hơn biên độ phá giá/trợ cấp nhưng không nhấn mạnh việc áp dụng này.

Còn EU thì đã và đang áp dụng nguyên tắc “mức thuế thấp hơn” này trong pháp luật của mình một cách rõ ràng.

Tuy nhiên, dù là EU hay Việt Nam thì trước EVFTA, quy tắc “mức thuế thấp hơn” là quy định mà EU và Việt Nam áp dụng tự nguyện, có thể thay đổi nếu muốn (do WTO không bắt buộc nguyên tắc này). Với cam kết trong EVFTA, khi Hiệp định này có hiệu lực, ngay cả khi Việt Nam hoặc EU quyết định dừng quy định hiện tại về áp dụng “lesser duty rules”, đối với các vụ việc chống bán phá giá/chống trợ cấp với hàng hóa EU, Việt Nam vẫn phải nỗ lực bảo đảm sử dụng quy tắc này và với EU cũng vậy.

3. Điều kiện áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp

WTO quy định để có thể áp dụng biện pháp chống bán phá giá/chống trợ cấp thì nước nhập khẩu cần chứng minh sự tồn tại đồng thời của cả 03 điều kiện là (i) Hàng nhập khẩu được bán phá giá/trợ cấp với biên độ trên mức tối thiểu; (ii) Có thiệt hại hoặc đe dọa thiệt hại đáng kể với ngành sản xuất nội địa nước nhập khẩu và (iii) Có mối quan hệ nhân quả giữa việc bán phá giá/trợ cấp của hàng nhập khẩu với thiệt hại của ngành sản xuất nội địa.

Tuy nhiên, theo cam kết EVFTA, kể cả khi chứng minh đủ 03 điều kiện nói trên, Việt Nam và EU vẫn sẽ không áp dụng các biện pháp chống bán phá giá/chống trợ cấp nếu các thông tin sẵn có từ điều tra cho kết luận rõ ràng rằng việc áp dụng các biện pháp này không phù hợp với “lợi ích công cộng”.

Như vậy, các điều kiện để áp dụng các biện pháp chống bán phá giá/chống trợ cấp sẽ không chỉ bao gồm 03 yếu tố như trong WTO mà còn có thêm yếu tố “lợi ích công cộng”.

Việc xem xét yếu tố “lợi ích công cộng” đòi hỏi cơ quan có thẩm quyền trước khi áp dụng các biện pháp chống bán phá giá/chống trợ cấp phải xem xét, cân nhắc các thông tin sẵn có về tất cả các yếu tố liên quan như hiện trạng và quan điểm của ngành sản xuất nội địa, các nhà nhập khẩu, các hiệp hội đại diện cho họ, các tổ chức đại diện người tiêu dùng và đại diện đơn vị hạ nguồn (sử dụng sản phẩm là đối tượng điều tra làm nguyên liệu đầu vào)... Chỉ khi xác định rằng việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá/chống trợ cấp là phù hợp với các lợi ích công cộng tổng thể thì cơ quan này mới có thể áp dụng các biện pháp này.

Trên thực tế, trước 2018, Việt Nam áp dụng quy định “lợi ích công cộng” này trong pháp luật và thực tiễn điều tra chống bán phá giá/chống trợ cấp của mình (một cách tự nguyện). Tuy nhiên, theo Luật Quản lý Ngoại thương mới của Việt Nam (có hiệu lực từ 01/01/2018) thì điều kiện “lợi ích công cộng” đã được loại bỏ, cơ quan điều tra sẽ không còn phải xác định điều kiện này khi quyết định các biện pháp liên quan.

Như vậy, khi EVFTA có hiệu lực, riêng đối với các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với hàng hóa nhập khẩu từ EU, Việt Nam sẽ vẫn phải bảo đảm tính tới cả yếu tố “lợi ích công cộng” trước khi áp dụng các biện pháp liên quan; còn với các vụ điều tra đối với hàng hóa nhập khẩu từ các thị trường khác thì Việt Nam không cần phải xem xét tới yếu tố “lợi ích công cộng” này.

Về phía EU, pháp luật khối này hiện đã đang quy định “lợi ích công cộng” là một yếu tố phải xem xét khi áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp.

Biện pháp tự vệ

Biện pháp tự vệ là một trong ba biện pháp phòng vệ thương mại theo WTO (bao gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ). Biện pháp này cho phép nước nhập khẩu có thể thông qua biện pháp thuế hoặc biện pháp khác để bảo vệ ngành sản xuất nội địa trước hiện tượng hàng nước ngoài nhập khẩu ồ ạt, đột biến, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành. Các sản phẩm rau quả của Việt Nam cũng có nguy cơ là đối tượng của các biện pháp này nếu được nhập khẩu một lượng lớn vào EU gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất nội địa tương tự của khu vực này.

EVFTA có một số cam kết mới về các biện pháp tự vệ so với WTO, đối với cả các biện pháp tự vệ toàn cầu và tự vệ song phương.

1. Biện pháp tự vệ toàn cầu

Biện pháp “tự vệ toàn cầu” là biện pháp tự vệ áp dụng theo Hiệp định về Biện pháp Tự vệ của WTO. Đặc điểm của biện pháp tự vệ toàn cầu là được áp dụng bởi nước nhập khẩu đối với hàng hóa liên quan nhập khẩu từ tất cả các nguồn (toàn cầu), không phân biệt nước xuất khẩu.

EVFTA nhấn mạnh việc tuân thủ các quy định của WTO về biện pháp tự vệ toàn cầu, đồng thời bổ sung thêm một số yêu cầu sau:

  • Thông báo: Bên khởi xướng điều tra/chuẩn bị áp dụng biện pháp tự vệ phải thông báo bằng văn bản tất cả các thông tin làm căn cứ để khởi xướng điều tra, áp dụng biện pháp tự vệ theo yêu cầu của Bên kia và nếu Bên kia có lợi ích đáng kể trong vụ việc;
  • Cách thức: Phải tạo điều kiện để trao đổi song phương giữa hai Bên về biện pháp tự vệ và chỉ được áp dụng chính thức biện pháp tự vệ sau 30 ngày kể từ khi trao đổi song phương thất bại.

2. Biện pháp tự vệ song phương

Trong EVFTA, Việt Nam và EU có thể áp dụng thêm biện pháp tự vệ song phương – biện pháp tự vệ chỉ áp dụng cho hàng hóa từ EU/Việt Nam (mà không áp dụng chung cho hàng hóa từ các nguồn xuất khẩu như WTO). Biện pháp tự vệ song phương này chỉ được áp dụng trong 10 năm đầu tiên Hiệp định có hiệu lực, sau khoảng thời gian này, việc áp dụng phải được sự đồng ý của Bên bị áp dụng.

Dưới đây là một số cam kết đáng chú ý về biện pháp tự vệ song phương trong EVFTA:

  • Điều kiện áp dụng: Sự gia tăng của hàng nhập khẩu từ Bên kia là do việc cắt giảm thuế theo Hiệp định này và là nguyên nhân gây ra thiệt hại nghiêm trọng của ngành sản xuất nội địa của hàng hoá tương tự hoặc cạnh tranh trực tiếp.
  • Thủ tục điều tra: Ngoài các quy định của WTO về điều tra tự vệ, EVFTA bổ sung thêm các yêu cầu:

+ Phải tham vấn song phương với Bên kia trước khi khởi xướng điều tra

+ Thời hạn điều tra là 01 năm

+ Trong trường hợp đặc biệt, có thể áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời trong quá trình điều tra nhưng không quá 200 ngày

  • Hình thức tự vệ: Biện pháp tự vệ song phương chỉ có thể áp dụng dưới các hình thức (i) tạm ngừng cắt giảm thuế quan theo cam kết tại Hiệp định; (ii) tăng thuế nhưng không vượt quá mức thuế thấp hơn trong số 02 mức thuế là MFN tại thời điểm áp dụng biện pháp tự vệ và mức thuế cơ sở đàm phán ban đầu.
  • Cách thức áp dụng:

+ Thời hạn áp dụng không quá 02 năm, có thể gia hạn tối đa là 02 năm nữa;

+ Bên áp dụng biện pháp tự vệ phải tham vấn với bên kia về việc bồi thường (dưới dạng các ưu đãi có tác động thương mại tương đương với biện pháp tự vệ hoặc trị giá các mức thuế bổ sung) trong vòng 30 ngày kể từ ngày áp dụng biện pháp tự vệ song phương. Sau 30 ngày tham vấn, nếu không đạt được thoả thuận đền bù, Bên bị áp dụng biện pháp tự vệ có thể thực hiện biện pháp trả đũa bằng cách tạm ngưng các nhượng bộ thuế quan (với tác động thương mại tương đương với biện pháp tự vệ) nhưng phải sau 24 tháng kể từ khi biện pháp tự vệ có hiệu lực.

Với cam kết về biện pháp tự vệ song phương trong EVFTA, doanh nghiệp rau quả Việt Nam nếu gặp thiệt hại nghiêm trọng từ việc các sản phẩm rau quả của EU nhờ việc loại bỏ thuế quan trong EVFTA mà nhập khẩu tăng đột biến vào Việt Nam thì có thể nộp đơn yêu cầu điều tra và áp dụng biện pháp tự vệ song phương chỉ với rau quả nhập khẩu từ EU.

Đây là một công cụ tạm thời rất có ý nghĩa với doanh nghiệp rau quả trong giai đoạn đầu (10 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực) để chống lại cạnh tranh gia tăng bất ngờ từ thị trường này do EVFTA. Tuy nhiên, cũng như bất kỳ biện pháp tự vệ nào khác, tự vệ song phương trong EVFTA cũng đòi hỏi Bên áp dụng phải có biện pháp bồi thường cho Bên kia; việc bồi thường có thể áp dụng đối với sản phẩm khác trong cùng lĩnh vực hoặc sản phẩm trong lĩnh vực khác, tức là chính nhóm doanh nghiệp rau quả hoặc một nhóm doanh nghiệp khác sẽ phải chịu thiệt hại tương ứng. Điều này đòi hỏi sự cân nhắc tính toán lợi ích của các bên liên quan.

Tóm lại, biện pháp tự vệ là một trong số ít các biện pháp hợp pháp cho phép bảo hộ có điều kiện và có thời hạn đối với ngành sản xuất nội địa trong thương mại quốc tế. Trong bối cảnh các FTA nói chung và EVFTA nói riêng, nguy cơ hàng hóa từ các nước đối tác tận dụng ưu đãi thuế quan nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam, các doanh nghiệp cần chú ý tìm hiểu để vận dụng hiệu quả công cụ hiếm hoi này, đặc biệt là các công cụ được thiết kế riêng để hạn chế phần nào các tác động tích cực của các FTA như công cụ tự vệ trong thời gian chuyển đổi của EVFTA.

Tuy nhiên, theo chiều ngược lại, hàng hóa của Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt nhiều hơn với nguy cơ kiện tự vệ EU, nhất là khi EVFTA đưa ra cơ chế kiện tự vệ song phương bên cạnh cơ chế tự vệ toàn cầu trong WTO.

Nguồn: Trích dẫn: "Cẩm nang doanh nghiệp EVFTA và Ngành Rau quả Việt Nam
- Trung tâm WTO và Hội nhập