EVFTA và ngành rau quả Việt Nam: Cam kết về mở cửa đầu tư so với WTO

12/10/2021    131

Trong WTO, Việt Nam chỉ có cam kết mở cửa đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ mà không có cam kết gì về đầu tư trong lĩnh vực sản xuất. Hiệp định về các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại (TRIMS) của WTO chỉ quy định một số nguyên tắc liên quan đến các biện pháp đầu tư ảnh hưởng tới thương mại hàng hoá. Tương tự WTO, hầu hết các FTA trước đây của Việt Nam cũng chỉ có cam kết về đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ.

Trên thực tế, ngoại trừ một số lĩnh vực nhạy cảm, Việt Nam đã mở cửa cho đầu tư nước ngoài trong hầu hết các lĩnh vực sản xuất chế biến hàng hoá (trong đó có sản xuất, chế biến rau quả). Mặc dù vậy, do không có cam kết ràng buộc trong WTO, Việt Nam có quyền tiếp tục mở hay không mở cửa cho đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực này, cũng như dành các ưu tiên tiếp cận thị trường cho các nhà đầu tư trong nước, hay lựa chọn nhà đầu nước ngoài, khi cần thiết.

Tuy nhiên, trong một số FTA thế hệ mới gần đây của Việt Nam như EVFTA, CPTPP, một số lĩnh vực sản xuất đã được Việt Nam đưa vào cam kết mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, cam kết mở cửa của Việt Nam trong EVFTA cho đầu tư vào lĩnh vực sản xuất là rộng nhất.

Đối với lĩnh vực sản xuất, chế biến rau quả, trong EVFTA, Việt Nam cam kết mở cửa hoàn toàn lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tức là bao gồm sản xuất rau quả. Ngoài ra, Việt Nam cũng mở cửa cho đầu tư vào lĩnh vực chế biến rau quả. Việt Nam chỉ không cam kết mở cửa lĩnh vực sản xuất nông nghiệp liên quan đến nuôi trồng, sản xuất các loại động thực vật quý hiếm. Như vậy, các nhà đầu tư của EU sẽ không bị hạn chế gì về tiếp cận thị trường khi đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất rau quả.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư EU khi đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến rau quả của Việt Nam cũng có thể bảo vệ quyền lợi của mình tốt hơn nhờ các cam kết về bảo hộ đầu tư và cơ chế giải quyết tranh chấp nhà nước – nhà đầu tư trong Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA). EVIPA ban đầu là một phần của EVFTA sau lại được tách ra trở thành một hiệp định riêng song hành với EVFTA và hiện đang trong quá trình phê chuẩn, chưa có hiệu lực.

Cần lưu ý là mặc dù mở cửa hoàn toàn đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, chế biến rau quả cho các nhà đầu tư EU, Việt Nam vẫn có quyền áp dụng các biện pháp hạn chế đối với các nhà đầu tư EU trong lĩnh vực này (theo các ngoại lệ chung được phép áp dụng trong EVFTA) trong các trường hợp sau:

  • Mua sắm công
  • Các biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích công cộng như: bảo vệ sức khỏe cộng đồng, chính sách xã hội, ổn định tài chính, an ninh và an toàn, đa dạng văn hóa….
  • Các biện pháp liên quan đến quy hoạch, kế hoạch hoặc quy định ảnh hưởng đến sự phát triển hoặc sử dụng đất đai,
  • Các biện pháp bảo tồn và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường

Các nghĩa vụ mở cửa đầu tư cơ bản trong EVFTA

Nghĩa vụ cơ bản trong mở cửa đầu tư trong EVFTA mà Việt Nam phải tuân thủ là nghĩa vụ không phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư EU và nhà đầu tư Việt Nam (NT) và giữa nhà đầu tư EU với nhà đầu tư từ các nước khác (MFN). Nghĩa vụ này áp dụng đối với tất cả các lĩnh vực được đưa vào cam kết mở cửa đầu tư của Việt Nam (trong đó có lĩnh vực sản xuất, chế biến rau quả) trừ các trường hợp ngoại lệ (nêu ở trên).

Lưu ý:

  • Các nghĩa vụ cơ bản trong mở cửa cho đầu tư trong EVFTA bao gồm các nghĩa vụ chung áp dụng cho cả EU và Việt Nam chứ không phải riêng cho Việt Nam (tuy nhiên để thuận tiện theo dõi, các giới thiệu dưới đây được thực hiện từ góc độ của Việt Nam, trên thực tế EU cũng có các nghĩa vụ)
  • Cam kết của Việt Nam về đầu tư trong EVFTA được áp dụng cho nhà đầu tư EU và pháp nhân, chi nhánh, văn phòng đại diện (tức là các hiện diện thương mại) của họ ở Việt Nam. Tuy nhiên, để thuận tiện, trong các nội dung dưới đây, tất cả các hiện diện thương mại này sẽ được gọi chung là “doanh nghiệp”.
  • Nghĩa vụ Đối xử quốc gia (NT)

Nghĩa vụ này yêu cầu Việt Nam một khi đã cho phép nhà đầu tư EU tiếp cận thị trường Việt Nam thì phải đối xử với các nhà đầu tư EU và “doanh nghiệp” của họ không kém thuận lợi hơn đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp Việt Nam trong hoàn cảnh tương tự.

Tuy nhiên, nghĩa vụ này áp dụng có giới hạn cụ thể và khác nhau ở từng vấn đề:

  • Trong quá trình thành lập “doanh nghiệp”: Việt Nam có quyền áp dụng thủ tục riêng trong thành lập doanh nghiệp của nhà đầu tư EU miễn là thủ tục này không hạn chế đáng kể quyền của nhà đầu tư EU. Luật Đầu tư hiện hành của Việt Nam đang đi theo hướng này, với thủ tục đăng ký đầu tư riêng cho nhà đầu tư nước ngoài (nói chung, trong đó có nhà đầu tư EU), khác với thủ tục áp dụng cho nhà đầu tư trong nước.
  • Trong quá trình vận hành/hoạt động của “doanh nghiệp”: Việt Nam có thể tiếp tục duy trì (i) các biện pháp phân biệt đối xử đã có trước hoặc vào ngày EVFTA có hiệu lực, (ii) các biện pháp không kém phù hợp hơn so với cam kết EVFTA, (iii) các biện pháp không gây thiệt hại hơn cho “doanh nghiệp” của EU đã được thành lập trước đó.
  • Nghĩa vụ Đối xử Tối huệ quốc (MFN)

MFN trong EVFTA cơ bản đòi hỏi Việt Nam phải đối xử với các nhà đầu tư EU và “doanh nghiệp” của họ không kém thuận lợi hơn đối xử dành cho nhà đầu tư, “doanh nghiệp” của bất kỳ nước nào khác trong hoàn cảnh tương tự.

Khác với nghĩa vụ NT, MFN trong đầu tư không áp dụng cho quá trình thành lập “doanh nghiệp” mà chỉ áp dụng cho quá trình vận hành/hoạt động của “doanh nghiệp”

Nguyên tắc MFN trong đầu tư theo EVFTA cũng không áp dụng với các đối xử mà Việt Nam dành cho các nhà đầu tư, “doanh nghiệp” của họ theo các cam kết tại:

  • Các hiệp định có hiệu lực trước ngày 01/08/2020;
  • Các hiệp định có cam kết xóa bỏ đáng kể tất cả các rào cản đối với hoạt động của “doanh nghiệp” hoặc yêu cầu sự tương đương pháp luật trong một hoặc nhiều ngành kinh tế (bao gồm cả Cộng đồng kinh tế ASEAN);
  • Các hiệp định tránh đánh thuế hai lần hoặc có liên quan một phần hoặc toàn bộ đến thuế; hoặc
  • Các hiệp định liên quan tới trình độ chuyên môn, giấy phép, biện pháp thận trọng về Dịch vụ tài chính.

Nguồn: Trích dẫn: "Cẩm nang doanh nghiệp EVFTA và Ngành Rau quả Việt Nam
- Trung tâm WTO và Hội nhập