EVFTA và ngành rau quả Việt Nam: Cam kết về bảo hộ chỉ dẫn địa lý

12/10/2021    156

Chỉ dẫn địa lý, hiểu đơn giản là các chỉ dẫn về sản phẩm đặc biệt có nguồn gốc từ /gắn liền một khu vực địa lý hay vùng lãnh thổ nhất định, và là một đối tượng được bảo hộ SHTT. Đối với ngành rau quả Việt Nam, cam kết về chỉ dẫn địa lý là rất có ý nghĩa đối với các sản phẩm rau quả địa phương mà Việt Nam có thế mạnh (như vải thiều Lục Ngạn, bưởi Đoan Hùng, xoài cát Hòa Lộc, thanh long Bình Thuận…).

Trong EVFTA, các cam kết về chỉ dẫn địa lý có một số nội dung đáng chú ý sau:

Về đối tượng bảo hộ, các cam kết về chỉ dẫn địa lý trong EVFTA chỉ áp dụng đối với 03 nhóm sản phẩm có nguồn gốc từ lãnh thổ Việt Nam hoặc EU sau: Rượu vang, và rượu mạnh; Nông sản; Thực phẩm.

Trên thực tế thì 03 nhóm này cũng bao quát gần như phần lớn các sản phẩm có thể là đối tượng của chỉ dẫn địa lý.

Về cơ chế bảo hộ, tuy không đề cập trực tiếp nhưng EVFTA yêu cầu việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo cơ chế riêng (quy trình công nhận chỉ dẫn địa lý), độc lập với cơ chế bảo hộ “nhãn hiệu”. Trên thực tế, hiện cả EU và Việt Nam đều bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo một cơ chế riêng, độc lập với các đối tượng SHTT khác (trong khi Hoa Kỳ và một số nước khác lại bảo hộ chỉ dẫn địa lý như là một loại của nhãn hiệu, theo cơ chế bảo hộ chung của nhãn hiệu).

Về mối quan hệ với nhãn hiệu, EVFTA ghi nhận quyền được bảo hộ của các nhãn hiệu dù có tên gọi giống với chỉ dẫn địa lý nhưng đã được đăng ký và bảo hộ hợp pháp trước thời điểm EVFTA có hiệu lực hoặc trước ngày đơn yêu cầu bảo hộ chỉ dẫn địa lý đó được nộp cho cơ quan có thẩm quyền.

Về các trường hợp được bảo hộ đương nhiên, Phụ lục 12-A, Chương 12 EVFTA liệt kê 169 chỉ dẫn địa lý của EU và 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam mà hai Bên cam kết bảo hộ đương nhiên, không cần qua các thủ tục thẩm định, thông báo, khiếu nại… như quy trình thông thường. Trong tương lai, danh mục các chỉ dẫn địa lý được bảo hộ đương nhiên này có thể được rà soát lại bởi Nhóm công tác về SHTT (trong đó có chỉ dẫn địa lý) của EVFTA.

EVFTA quy định các quy tắc bảo hộ riêng đối với các chỉ dẫn địa lý đương nhiên này, ví dụ Việt Nam và EU phải có biện pháp pháp lý để chủ thể quyền thực hiện việc:

  • Ngăn cản việc sử dụng các chỉ dẫn địa lý này cho các sản phẩm không xuất phát từ khu vực địa lý của nước xuất xứ được liệt kê, hoặc xuất phát từ nước xuất xứ nhưng không được sản xuất/gia công phù hợp với pháp luật nước xuất xứ (ngoại lệ với một số chỉ dẫn như “Asiago”, “Fontina”, “Gorgonzola”, “Feta”; với “Champagne” thì nghĩa vụ này được hoãn 10 năm với Việt Nam)
  • Ngăn cản việc sử dụng trình bày trên nhãn mác hoặc giới thiệu theo cách khiến người tiêu dùng nhầm lẫn về xuất xứ của sản phẩm vốn không có xuất xứ tại đó
  • Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan tới chỉ dẫn địa lý đó

Bảng Các chỉ dẫn địa lý với rau quả Việt Nam được bảo hộ đương nhiên theo EVFTA

  1. Bưởi Đoan Hùng
  2. Thanh long Bình Thuận
  3. Vải Thanh Hà
  4. Cam Vinh
  5. Vải Lục Ngạn
  1.  Xoài Hòa Lộc
  2. Chuối Đại Hoàng
  3. Hồng không hạt Bắc Kạn
  4. Bưởi Phúc Trạch
  5. Hạt dẻ Trùng Khánh
  6. Mãng cầu Bà Đen
  7. Nho Ninh Thuận
  8. Bưởi Tân Triều
  1. Hồng không hạt Bảo Lâm
  2. Quýt Bắc Kạn
  3. Xoài Yên Châu
  4. Bưởi Bình Minh
  5. Bưởi Luận Văn
  6. Vú sữa Vĩnh Kim
  7. Cam Cao Phong

 

Về cơ chế đăng ký và bảo hộ thông thường, theo EVFTA, Việt Nam và EU phải thiết lập cơ chế đăng ký và bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho ít nhất là 03 nhóm đối tượng thuộc diện điều chỉnh bảo đảm các yêu cầu:

  • Phải có một hệ thống đăng ký liệt kê rõ các chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ trên lãnh thổ của mình
  • Quy trình thẩm định hành chính để đưa hoặc duy trì một chỉ dẫn địa lý trên hệ thống đăng ký phải cho phép xác định được một sản phẩm có xuất xứ tại một khu vực địa lý nhất định và có chất lượng, uy tín, đặc điểm đặc thù chủ yếu nhờ vào việc sản phẩm có xuất xứ từ khu vực địa lý đó
  • Phải có quy trình cho phép các tổ chức, cá nhân có lợi ích liên quan được lên tiếng phản đối và được lắng nghe
  • Phải có quy trình cho phép điều chỉnh, hoặc đưa ra khỏi hệ thống đăng ký sau khi cân nhắc các ý kiến phản đối của các bên có lợi ích cũng như ý kiến phản biện của chủ thể quyền

Về việc thực thi, EVFTA yêu cầu Việt Nam và EU phải có cơ chế pháp lý cho phép ngăn chặn việc sản xuất, đóng gói, mua bán, quảng cáo sai, lừa đảo hoặc gây hiểu nhầm về nguồn gốc của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ. EVFTA đồng thời cũng nhấn mạnh các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ phải tuân thủ các yêu cầu về chất lượng liên quan theo pháp luật nước sở tại.

 

Lưu ý doanh nghiệp

Số lượng các chỉ dẫn địa lý Việt Nam đã đăng ký bảo hộ còn quá ít so với các nhãn hiệu thương mại đã đăng ký. Vì vậy, khả năng xảy ra tình trạng một chỉ dẫn địa lý dù đáp ứng đầy đủ các điều kiện để được bảo hộ nhưng lại trùng lặp hoặc tương tự với một nhãn hiệu đã đăng ký trước có thể là rất lớn. Trong trường hợp này, mặc dù các cộng đồng sở hữu chỉ dẫn địa lý vẫn có các quyền được bảo hộ nhất định nhưng bị hạn chế và theo các điều kiện quy định.

Vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ cần phải đặc biệt lưu ý tới cam kết về chỉ dẫn địa lý trong EVFTA để có thể bảo vệ tốt nhất lợi ích liên quan của mình, tránh trường hợp bị các doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trước và mất quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc sản của mình.

Nguồn: Trích dẫn: "Cẩm nang doanh nghiệp EVFTA và Ngành Rau quả Việt Nam
- Trung tâm WTO và Hội nhập