EVFTA và ngành rau quả Việt Nam: Cơ hội cho người lao động và doanh nghiệp

13/10/2021    146

Cơ hội cho người lao động

Trong EVFTA, Việt Nam không có cam kết nào về mở cửa thị trường lao động cho lao động EU trong ngành rau quả di chuyển sang làm việc lao động tại Việt Nam. Do đó, các lao động ngành rau quả Việt Nam sẽ không phải chịu áp lực cạnh tranh từ lao động EU sang Việt Nam.

Trong khi đó, nhiều cam kết của EVFTA được dự đoán có tác động tích cực đến cơ hội việc làm và thu nhập của người lao động trong ngành rau quả.

1. Cơ hội từ xuất khẩu gia tăng

Các cam kết về cắt giảm thuế quan của EU đối với các sản phẩm rau quả Việt Nam có thể giúp các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu rau quả Việt Nam tăng cường xuất khẩu sang khu vực thị trường rộng lớn này. Xuất khẩu các sản phẩm rau quả có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam sang EU được dự kiến sẽ tăng trưởng nhanh trong thời gian tới. Đây là các ngành sử dụng nhiều lao động, đặc biệt là lao động hộ gia đình, lao động phổ thông.

Khi sản xuất và xuất khẩu của ngành rau quả gia tăng nhờ các tác động trên, sẽ kéo theo nhu cầu sử dụng lao động gia tăng, tạo thêm nhiều công ăn việc làm, và có thể tăng thu nhập cho các lao động địa phương.

Ngoài ra, giá trị gia tăng ở thị trường EU được đánh giá là cao hơn các thị trường khác. Các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam, vì thế, cũng có cơ hội gia tăng lợi nhuận ở thị trường này. Hệ quả là người lao động cũng sẽ được hưởng lợi từ thu nhập tăng thêm.

2. Cơ hội từ tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài trong ngành rau quả

Các cam kết của Việt Nam về mở cửa thị trường đầu tư và cam kết bảo hộ đầu tư trong ngành rau quả sẽ thu hút thêm đầu tư từ EU trong lĩnh vực này, từ đó tác động tích cực đến người lao động trong ngành. Thứ nhất, các doanh nghiệp EU thường có quy mô lớn, vì thế cũng có nhu cầu lớn về tuyển dụng lao động. Thứ hai, thu nhập trung bình của người lao động trong các khối doanh nghiệp nước ngoài thường cao hơn doanh nghiệp trong nước, nên lao động làm việc cho các doanh nghiệp rau quả EU được dự đoán là sẽ có thu nhập cao hơn. Thứ ba, các doanh nghiệp EU thường có công nghệ sản xuất và trình độ quản lý hiện đại, tiên tiến. Các lao động Việt Nam làm việc trong các doanh nghiệp này sẽ có cơ hội được đào tạo, học hỏi để nâng cao tay nghề và năng suất lao động.

Hiện tại, ngành rau quả Việt Nam là một trong những ngành sử dụng lao động phổ thông là chủ yếu, năng suất lao động chưa cao, đặc biệt là so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Thu nhập của người lao động trong ngành này cũng ở mức thấp do với nhiều ngành kinh tế khác. Sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài trong ngành này, đặc biệt là các doanh nghiệp EU, có thể giúp lao động trong ngành được đào tạo về tay nghề và công nghệ để nâng cao năng suất lao động và từ đó cũng có mức thu nhập cao và ổn định hơn.

3. Cơ hội từ tăng các điều kiện lao động và môi trường tốt hơn

Các cam kết về lao động và phát triển bền vững trong EVFTA sẽ khiến Việt Nam phải thực thi các biện pháp nhằm bảo đảm các quyền cơ bản của người lao động, đảm bảo các điều kiện lao động, bảo vệ môi trường và hướng tới phát triển bền vững. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong trường hợp ngành rau quả là một ngành có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng tiêu cực đến người lao động trong ngành và môi trường xung quanh như khí thải và khói bụi, sử dụng nhiều hóa chất, nước thải khó xử lý….

Ngoài ra, người tiêu dùng EU rất ưa chuộng các sản phẩm rau quả được sản xuất hữu cơ, thân thiện với môi trường. Họ cũng quan tâm đến quy trình tạo ra sản phẩm, đến người lao động sản xuất ra các sản phẩm đó có được đảm bảo các điều kiện về lao động hay không…. Chính vì thế, các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả của Việt Nam cũng sẽ phải chú ý đến các vấn đề lao động và môi trường trong quá trình sản xuất ra sản phẩm rau quả xuất khẩu sang EU. Từ đó, các điều kiện của người lao động cũng được đảm bảo hơn, tránh phải tiếp xúc với các loại thuốc bảo vệ thực vật độc hại….

4. Cơ hội cho lao động nữ cải thiện vấn đề bình đẳng giớii

Trong lĩnh vực sản xuất rau quả, lao động nữ thường chiếm ưu thế. Điều này là do các công đoạn trồng trọt và thu hoạch chủ yếu được thực hiện bởi các hộ nông dân hoặc trang trại nhỏ ở các khu vực nông thôn nơi lao động chính thường là nữ. Các cơ hội từ xuất khẩu rau quả sang EU với giá trị gia tăng cao hơn, cùng các cơ hội làm việc cho các nhà đầu tư nước ngoài sẽ giúp các lao động nữ này có thêm thu nhập và tăng cường tiếp cận với khoa học công nghệ trong trồng trọt và sản xuất. Từ đó, tiếng nói của người lao động nữ tại nơi làm việc cũng như trong gia đình có thể được cải thiện, giúp giảm nhẹ tình trạng bất bình đẳng giới hiện vẫn đang diễn ra phổ biến ở nhiều doanh nghiệp và gia đình của Việt Nam.

Cơ hội cho doanh nghiệp

1. Giải pháp tận dụng cơ hội từ EVFTA

EVFTA có nhiều cam kết có lợi cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc tăng cường xuất nhập khẩu rau quả với thị trường EU. Do đó, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ các nội dung liên quan của EVFTA để có thể tận dụng được tối đa các lợi ích của Hiệp định:

  • Tìm hiểu cam kết thuế quan của Việt Nam và EU trong Phụ lục 2-A của Chương 2 – Đối xử quốc gia và mở cửa thị trường hàng hóa của Hiệp định. Cần lưu ý là các cam kết trong EVFTA là cam kết tối thiểu của mỗi Bên. Trong đó với rất nhiều sản phẩm Việt Nam và EU cam kết xóa bỏ thuế quan theo lộ trình. Tuy nhiên, tùy thuộc vào nhu cầu của mình trong từng thời kỳ, Việt Nam hoặc EU có thể cắt giảm nhanh hơn so với cam kết trong EVFTA. Do đó, để biết chính xác nhất mức thuế quan EVFTA mà mỗi bên áp dụng đối với một sản phẩm trong một thời điểm nhất định cần căn cứ vào quy định nội địa hiện hành của Bên đó.

Ngoài ra, cần lưu ý là trong vòng 2 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực doanh nghiệp vẫn được tiếp tục áp dụng cơ chế ưu đãi thuế quan GSP. Do đó doanh nghiệp vẫn được lựa chọn áp dụng ưu đãi thuế quan EVFTA hay GSP, áp dụng cơ chế nào thì phải đáp ứng được quy tắc và thủ tục xuất xứ của cơ chế đó.

  • Tìm hiểu các quy tắc và thủ tục chứng nhận xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan EVFTA trong Nghị định thư 1 - Quy định hàng hoá có xuất xứ và phương thức hợp tác quản lý hành chính. Việt Nam cũng đã nội luật hóa quy định về Quy tắc xuất xứ của EVFTA trong Thông tư số 11/2020/TT-BCT ngày 15/06/2020 quy định về Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong EVFTA.
  • Tìm hiểu các vấn đề liên quan khác như Phòng vệ thương mại (Chương 3), Hải quan và Tạo thuận lợi thương mại (Chương 4), TBT (Chương 5), SPS (Chương 6), Đầu tư (Chương 8), Sở hữu trí tuệ (Chương 12) …

2. Giải pháp ứng phó với các biện pháp, yêu cầu của thị trường EU

Ngoài các vấn đề về thuế quan và thủ tục xuất xứ, khi xuất khẩu các sản phẩm rau quả sang EU các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần chú ý đáp ứng đầy đủ các quy định nhập khẩu khác, đặc biệt là các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, ghi nhãn…. Các quy định nhập khẩu của EU đối với rau quả rất khắt khe, và thay đổi thường xuyên nên doanh nghiệp xuất khẩu phải liên tục cập nhật. Biện pháp trừng phạt nếu bị phát hiện vi phạm lại rất nghiêm khắc, không chỉ khiến doanh nghiệp vi phạm thiệt hại mà còn có thể ảnh hưởng xấu tới xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp khác có sản phẩm tương tự. Do đó, việc tìm hiểu kỹ, đầy đủ các quy định nhập khẩu liên quan, thường xuyên cập nhật thông tin về các yêu cầu này và kết nối chặt chẽ với nhà nhập khẩu là điều mà các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả phải đặc biệt chú trọng.

Ngoài ra, do các nhà nhập khẩu EU thường xuyên có các yêu cầu bổ sung, doanh nghiệp xuất khẩu cần trao đổi cụ thể với nhà nhập khẩu để tìm hiểu các yêu cầu của họ để cân nhắc, tính toán khả năng đáp ứng cũng như chi phí phát sinh, đồng thời lên kế hoạch thực hiện (đặc biệt nếu việc đáp ứng đòi hỏi phải điều chỉnh quy trình sản xuất, chế biến sản phẩm liên quan). Đồng thời, doanh nghiệp cũng có thể chủ động tìm hiểu các yêu cầu của khách hàng tiềm năng, để có thể chủ động điều chỉnh, qua đó tìm kiếm cơ hội mới.

Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh

Phân tích cho thấy thị trường rau quả EU rất tiềm năng đối với các doanh nghiệp rau quả Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường cũng tồn tại rất nhiều đối thủ cạnh tranh mạnh, do đó để tiếp cận và phát triển bền vững ở thị trường này, doanh nghiệp xuất khẩu rau quả, đặc biệt là các nhà xuất khẩu mới, cần có chiến lược cạnh tranh hiệu quả cho sản phẩm của mình. Dưới đây là một số giải pháp gợi ý để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm rau quả của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường EU:

  • Nghiên cứu thị trường và thị hiếu người tiêu dùng: EU bao gồm 27 nước thành viên, người tiêu dùng mỗi nước thành viên có thể có những nhu cầu và thị hiếu khác nhau. Vì vậy, doanh nghiệp xuất khẩu rau quả cần tìm hiểu kỹ nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng từng thị trường thành viên EU. Đặc biệt, cần chú ý các thị trường ngách mà ở đó đối thủ cạnh tranh chưa nhiều, doanh nghiệp có thể thâm nhập dễ dàng hơn.
  • Chú trọng xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm: Đây là vấn đề các doanh nghiệp rau quả Việt Nam thường ít chú trọng. Với EVFTA, Việt Nam có 20 sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý đương nhiên mà không cần làm các thủ tục xin bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo quy định của EU. Doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội hiếm có này để quảng bá thương hiệu các sản phẩm liên quan với người tiêu dùng EU, qua đó nâng cao giá trị và hiệu quả cạnh tranh của các sản phẩm này; 
  • Áp dụng các quy trình sản xuất rau quả sạch và an toàn: Mặc dù không phải là một quy định nhập khẩu bắt buộc, nhưng tiêu chuẩn GlobalGap đã gần như là một tiêu chuẩn chung cho rau quả nhập khẩu vào EU mà hầu như người mua EU nào cũng sẽ yêu cầu. Vì vậy, để có thể xuất khẩu rau quả sang khu vực thị trường này, các doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư áp dụng các tiêu chuẩn GlobalGap cho các vùng trồng để đạt được chứng nhận này. Ngoài ra, các nhà nhập khẩu EU có thể yêu cầu bổ sung các loại chứng nhận khác mà nhà xuất khẩu rau quả Việt Nam cần tìm hiểu để đáp ứng đầy đủ.
  • Đầu tư vào công nghệ sản xuất, chế biến rau quả: Các sản phẩm rau quả chế biến được đánh giá là có cơ hội lớn nhất từ EVFTA do EU có nhu cầu lớn, thuế quan EU hiện đang áp dụng tương đối cao và EVFTA sẽ giúp xóa bỏ các loại thuế này cho Việt Nam. Tuy nhiên, ngành công nghiệp chế biến rau quả của Việt Nam còn hạn chế, chủng loại sản phẩm và mẫu mã còn nghèo nàn. Vì vậy, các doanh nghiệp chế biến cần tăng cường đầu tư công nghệ, máy móc thiết bị để nâng cao năng lực cạnh tranh giúp các sản phẩm rau quả chế biến của Việt Nam có thể tiếp cận thị trường EU tận dụng EVFTA

Nguồn: Trích dẫn: "Cẩm nang doanh nghiệp EVFTA và Ngành Rau quả Việt Nam
- Trung tâm WTO và Hội nhập