Trình tự giải quyết tranh chấp

23/10/2010    50595

Tham vấn (Consultation)

Bên có khiếu nại trước hết phải đưa ra yêu cầu tham vấn Bên kia (Điều 4 DSU). Việc tham vấn được tiến hành bí mật (không công khai) và không gây thiệt hại cho các quyền tiếp theo của các Bên. Bên được tham vấn phải trả lời trong thời hạn 10 ngày và phải tiến hành tham vấn trong vòng 30 ngày kể từ khi nhận được yêu cầu (trường hợp khẩn cấp – ví dụ hàng hoá liên quan có nguy cơ hư hỏng, các thời hạn này lần lượt là 10 ngày và 20 ngày). Bên được tham vấn có nghĩa vụ "đảm bảo việc xem xét một cách cảm thông và tạo cơ hội thoả đáng" cho Bên yêu cầu tham vấn.

Thủ tục tham vấn chỉ là thủ tục được tiến hành giữa các Bên với nhau. DSB được thông báo về thủ tục này và có trách nhiệm thông báo cho các quốc gia thành viên về yêu cầu tham vấn nhưng cơ quan này không trực tiếp tham gia vào thủ tục tham vấn. Các quốc gia khác có thể xin tham gia vào việc tham vấn này nếu Bên bị tham vấn thừa nhận rằng các quốc gia này có “quyền lợi thương mại thực chất” trong việc tham vấn này.

Thông thường các quốc gia đều có gắng giải quyết các bất đồng ở giai đoạn tham vấn nhằm hạn chế đến mức tối đa các thiệt hại về lợi ích cho tất cả các bên đồng thời đảm bảo tính bí mật của các thông tin liên quan đến tranh chấp.

Tuy nhiên, các qui định về tham vấn trong WTO cũng bộc lộ một số hạn chế nhất định như: làm thế nào để định lượng hoặc kiểm nghiệm được việc thực hiện nghĩa vụ “tham vấn một cách thông cảm” của Bên được yêu cầu tham vấn; trường hợp tham vấn đạt được một thoả thuận thì thông báo về kết quả tham vấn cần phải chi tiết đến mức nào để các Thành viên khác của WTO và cơ quan có thẩm quyền kiểm tra được tính hợp pháp của thoả thuận tham vấn (tránh hiện tượng thoả thuận đạt được đơn thuần chỉ là sự thoả hiệp về lợi ích giữa các bên mà không dựa trên các qui định của WTO và thực tế vi phạm vẫn tồn tại…)

Môi giới, Trung gian, Hoà giải

Bên cạnh thủ tục tham vấn, DSU còn qui định các hình thức giải quyết tranh chấp mang tính “chính trị” khác như môi giới, trung gian, hoà giải. Các hình thức này được tiến hành trên cơ sở tự nguyện, bí mật giữa các Bên tại bất kỳ thời điểm nào sau khi phát sinh tranh chấp (ngay cả khi Ban hội thẩm đã được thành lập và đã tiến hành hoạt động). Tương tự như vậy, các thủ tục này cũng có thể chấm dứt vào bất kỳ lúc nào. DSU không xác định bên nào (nguyên đơn hay bị đơn) có quyền yêu cầu chấm dứt nên có thể hiểu là tất cả các bên tranh chấp đều có quyền yêu cầu chấm dứt các thủ tục này.

Chức năng môi giới, trung gian, hoà giải do Tổng Thư ký WTO đảm nhiệm (Điều 5 DSU). Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có qui định về việc liệu một cá nhân hoặc một tổ chức có thể đứng ra đảm trách vai trò môi giới, trung gian, hoà giải này không.

Với các ưu thế nhất định như tiết kiệm được về thời gian, tiền bạc, quan hệ hữu hảo giữa các bên tranh chấp… các phương thức chủ yếu dựa trên đàm phán ngoại giao này được DSU đặc biệt khuyến khích sử dụng (Điều 3.7 DSU), và việc tìm ra được một giải pháp hợp lý thoả mãn tất cả các bên tranh chấp có lẽ còn được coi trọng hơn cả việc đạt được một giải pháp phù hợp với các qui tắc thương mại trong Hiệp định.

Thành lập Ban hội thẩm (Panel Establishment)

Yêu cầu thành lập Ban hội thẩm phải được lập thành văn bản sau khi Bên được tham vấn từ chối tham vấn hoặc tham vấn không đạt kết quả trong vòng 60 ngày kể từ khi có yêu cầu tham vấn (Điều 6 DSU). Tuy nhiên, như trên đã đề cập, yêu cầu thành lập Ban hội thẩm có thể đưa ra trước thời hạn này nếu các bên tranh chấp đều thống nhất rằng các thủ tục tham vấn, hoà giải không dẫn đến kết quả gì. Văn bản yêu cầu thành lập Ban hội thẩm phải nêu rõ quá trình tham vấn, xác định chính xác biện pháp thương mại bị khiếu kiện và tóm tắt các căn cứ pháp lý cho khiếu kiện.

Yêu cầu này được gửi tới DSB để cơ quan này ra quyết định thành lập Ban hội thẩm. Nhờ có nguyên tắc đồng thuận phủ quyết nên hầu như quyền được giải quyết tranh chấp bằng hoạt động của Ban hội thẩm của nguyên đơn được đảm bảo.

Thành viên Ban hội thẩm, nếu không được các bên thống nhất chỉ định trong vòng 20 ngày kể từ khi có quyết định thành lập sẽ do Tổng Giám đốc WTO chỉ định trong số các quan chức chính phủ hoặc các chuyên gia có uy tín trong lĩnh vực luật, chính sách thương mại quốc tế.

Trong trường hợp có nhiều nước cùng yêu cầu thành lập Ban hội thẩm để xem xét cùng một vấn đề (ví dụ: một biện pháp thương mại của một quốc gia thành viên bị nhiều quốc gia khác phản đối) thì DSB có thể xem xét thành lập một Ban hội thẩm duy nhất. Nếu vẫn phải thành lập các Ban hội thẩm riêng rẽ trong trường hợp này thì các Ban hội thẩm này có thể có chung các thành viên và thời gian biểu sẽ được xác định một cách hài hoà để các thành viên này hoạt động một cách hiệu quả nhất.

Bất kỳ quốc gia thành viên nào có quyền lợi thực chất trong vấn đề tranh chấp đều có thể thông báo cho DSB về ý định tham gia vụ việc với tư cách là Bên thứ ba. Các Bên thứ ba này được tạo điều kiện để trình bày ý kiến bằng văn bản trước Ban hội thẩm.

Hoạt động của Ban hội thẩm (Panel Procedures)

Ban hội thẩm có chức năng xem xét vấn đề tranh chấp trên cơ sở các qui định trong các Hiệp định của WTO mà Bên nguyên đơn viện dẫn như là căn cứ cho đơn kiện của mình để giúp DSB đưa ra khuyến nghị/quyết nghị thích hợp cho các bên tranh chấp.

Về nghĩa vụ chứng minh của các bên: Theo tập quán hình thành từ GATT 1947, trường hợp khiếu kiện có vi phạm thì Bên bị đơn có nghĩa vụ chứng minh hành vi vi phạm của Bên đó không gây thiệt hại cho Bên nguyên đơn; trường hợp khiếu kiện không có vi phạm thì Bên nguyên đơn có nghĩa vụ chứng minh hành vi không vi phạm của Bên bị đơn gây ra thiệt hại về lợi ích mà Bên đó đáng lẽ phải được hưởng theo qui định của Hiệp định hoặc chứng minh sự cản trở đối với việc thực hiện một mục tiêu nhất định của Hiệp định. Đối với việc chứng minh các vấn đề khác, mặc dù DSU không có qui định cụ thể về việc này, một tập quán chung (vốn được áp dụng tại Toà án Quốc tế) đã được thừa nhận khá rộng rãi trong khuôn khổ cơ chế này là bên tranh chấp đã đưa ra một chi tiết/thực tế có nghĩa vụ cung cấp các chứng cứ chứng minh cho chi tiết/thực tế đó không phụ thuộc vào việc bên đó là nguyên đơn hay bị đơn trong tranh chấp.

Thủ tục hoạt động của Ban hội thẩm được qui định tại Điều 12 DSU. Ban hội thẩm, sau khi tham khảo ý kiến của các Bên liên quan sẽ ấn định một thời gian biểu cụ thể cho phiên xét xử đầu tiên (các Bên trình bày các văn bản giải trình tình tiết vụ việc và các lập luận liên quan), phiên xét xử thứ hai (đại diện và luật sư của các Bên lần lượt trình bày ý kiến và trả lời các câu hỏi của Ban hội thẩm – oral hearings). Sau phiên xét xử thứ hai, Ban hội thẩm soạn thảo và chuyển đến các bên phần Tóm tắt nội dung tranh chấp của báo cáo để họ cho ý kiến trong một thời hạn nhất định. Trên cơ sở các ý kiến này, Ban hội thẩm đưa ra Báo cáo tạm thời (mô tả vụ việc, các lập luận, kết luận của Ban hội thẩm). Các Bên cho ý kiến về Báo cáo này. Nếu có yêu cầu, Ban hội thẩm có thể tổ chức thêm một phiên họp bổ sung để xem xét lại tổng thể các vấn đề liên quan. Sau đó Ban hội thẩm soạn thảo Báo cáo chính thức để gửi đến tất cả các thành viên WTO và chuyển cho DSB thông qua.

Trong quá trình xem xét vụ việc, Ban hội thẩm có thể tìm kiếm thông tin từ nhiều nguồn khác nhau hoặc thành lập nhóm chuyên gia để tư vấn cho Ban về các vấn đề kỹ thuật hoặc môi trường.

Các phiên họp thảo luận và tài liệu lưu hành trong quá trình hoạt động của Ban hội thẩm phải được giữ bí mật nhằm đảm bảo tính khách quan, độc lập của Ban. Tuy nhiên một Bên tranh chấp có quyền công khai các tài liệu mà mình đã cung cấp cho Ban hội thẩm.

Khác với cơ chế giải quyết tranh chấp trong GATT, DSU có qui định hết sức chặt chẽ về các thời hạn cho hoạt động của Ban hội thẩm nhằm mục tiêu giải quyết nhanh chóng tranh chấp, tránh để quá lâu làm ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của hàng hoá dịch vụ cũng như ý nghĩa của khuyến nghị giải quyết tranh chấp. Điều 12 DSU qui định:

- Ban hội thẩm phải bắt đầu công việc giải quyết tranh chấp chậm nhất là 1 tuần sau khi được thành lập

- Báo cáo chính thức phải được hoàn thành chậm nhất là 6 tháng kể từ khi thành lập Ban hội thẩm (nếu là trường hợp hàng hóa liên quan dễ bị hư hỏng thì thời hạn này là 3 tháng). Thời hạn này cũng có thể được DSB kéo dài thêm trên cơ sở yêu cầu của Ban hội thẩm với lý do giải thích rõ ràng nhưng trong bất kỳ trường hợp nào cũng không được gia hạn thêm quá 3 tháng.

- Các thời hạn trên có thể được điều chỉnh trong trường hợp tranh chấp có liên quan đến một nước đang phát triển

Thông qua Báo cáo của Ban hội thẩm (Adoption of Panel Report)

Báo cáo của Ban hội thẩm được chuyển cho tất cả các thành viên WTO và được DSB thông qua trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày Báo cáo được chuyển cho các thành viên trừ khi một Bên tranh chấp quyết định kháng cáo hoặc DSB đồng thuận phủ quyết Báo cáo (các Bên tranh chấp và các thành viên WTO khác có quyền đưa ra ý phản đối có kèm theo lý do bằng văn bản đối với Báo cáo của Ban hội thẩm chậm nhất là 10 ngày trước khi DSB họp để thông qua Báo cáo).

Báo cáo của Ban hội thẩm được lập thành văn bản trong đó phải có các nội dung sau: trình bày các tình tiết thực tế của vụ việc, tường trình về việc áp dụng các qui định của WTO trong các vấn đề liên quan, kết luận và các khuyến nghị cùng với các căn cứ dẫn tới kết luận, khuyến nghị đó.

Trình tự Phúc thẩm (Appelate Review)

Các bên tranh chấp có thể kháng cáo các vấn đề pháp lý trong Báo cáo của Ban hội thẩm (yêu cầu phúc thẩm) trên cơ sở yêu cầu chính thức bằng văn bản. Khi có yêu cầu này thủ tục phúc thẩm sẽ được bắt đầu.

Trong quá trình làm việc của SAB, các Bên tranh chấp và các Bên thứ ba có quyền đệ trình ý kiến bằng văn bản hoặc trình bày miệng tại phiên họp của cơ quan này. Hoạt động của SAB được giữ bí mật. Việc xem xét và đưa ra Báo cáo phải được thực hiện với sự tham gia của các Bên tranh chấp.

Cơ quan Phúc thẩm ra Báo cáo trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày kháng cáo (trường hợp có yêu cầu gia hạn thì có thể kéo dài thêm 30 ngày nữa nhưng phải thông báo lý do cho DSB biết). Báo cáo này có thể giữ nguyên, sửa đổi hoặc loại bỏ các vấn đề và kết luận pháp lý của Ban hội thẩm. Các Bên không có quyền phản đối Báo cáo này. DSB thông qua Báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm trong thời hạn 30 ngày kể từ khi Báo cáo của SAB được chuyển đến tất cả các thành viên trừ khi DSB đồng thuận phủ quyết.

Khuyến nghị các giải pháp (Recommended Remedies)

Khi Báo cáo được thông qua xác định một biện pháp của một Bên là vi phạm qui định của WTO, cơ quan ra Báo cáo phải đưa ra khuyến nghị nhằm buộc Bên có biện pháp vi phạm phải tuân thủ qui định của WTO (yêu cầu bị đơn rút lại hoặc sửa đổi biện pháp liên quan) và có thể đưa ra các gợi ý (không bắt buộc) về cách thức thực hiện khuyến nghị đó.

Trường hợp khiếu kiện không vi phạm, Bên thua kiện không phải rút lại biện pháp liên quan (vì không có vi phạm) nhưng Báo cáo có thể khuyến nghị Bên thua thực hiện các dàn xếp nhất định để thoả mãn các Bên liên quan (Báo cáo có thể đưa ra những gợi ý về biện pháp dàn xếp thoả đáng, ví dụ: bồi thường)

Thi hành (Implementation)

Bên thua phải thông báo ý định về việc thi hành khuyến nghị tại buổi họp của DSB triệu tập trong vòng 30 ngày kể từ ngày thông qua Báo cáo. Nếu không thực hiện được ngay, Bên đó có thể được gia hạn thực hiện trong một khoảng thời gian hợp lý (thời hạn này do DSB quyết định trên cơ sở đề nghị của các Bên; hoặc do các Bên tranh chấp thỏa thuận trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày thông qua khuyến nghị; hoặc theo phán quyết trọng tài tiến hành trong vòng 90 ngày kể từ ngày thông qua khuyến nghị).

DSB cũng là cơ quan giám sát việc thực thi khuyến nghị của các Bên liên quan. Trong thời gian qui định cho việc thực hiện khuyến nghị, bất kỳ thành viên nào cũng có thể đưa vấn đề thực hiện khuyến nghị này vào chương trình nghị sự của DSB; mỗi khi có đề nghị như vậy thì Bên phải thực hiện khuyến nghị có nghĩa vụ giải trình bằng văn bản về việc thực hiện khuyến nghị của mình gửi cho DSB chậm nhất là 10 ngày trước khi tiến hành phiên họp của DSB.

Bồi thường và trả đũa

Bồi thường và trả đũa là các biện pháp giải quyết tạm thời được sử dụng nhằm đảm bảo lợi ích của Bên thắng kiện trong thời gian Bên thua kiện không thể thực hiện được khuyến nghị của Cơ quan Giải quyết Tranh chấp (DSB) (giai đoạn trong khi chờ đợi Bên thua kiện thực hiện khuyến nghị). Các biện pháp này không làm chấm dứt nghĩa vụ thực hiện khuyến nghị của Bên vi phạm.

Cụ thể, nếu Bên thua kiện tạm thời không thể thực hiện được khuyến nghị của Cơ quan Giải quyết Tranh chấp, các Bên tranh chấp có thể thỏa thuận về khoản bồi thường. Việc bồi thường phải được thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện và phù hợp với hiệp định có liên quan.

Nếu các Bên không đạt được thỏa thuận về việc bồi thường trong vòng 20 ngày kể từ khi hết hạn thực hiện khuyến nghị, Bên thắng kiện có thể yêu cầu Cơ quan Giải quyết Tranh chấp cho phép áp dụng các biện pháp trả đũa song song hoặc trả đũa chéo. Cần lưu ý là Quy tắc Giải quyết tranh chấp trong WTO (DSU) nghiêm cấm việc trả đũa đơn phương mà không có sự chấp thuận của cơ quan này (qui định này thực chất nhằm chấm dứt hiện tượng trả đũa đơn phương khá phổ biến trong thực tiễn giải quyết tranh chấp của GATT 1947). Mức độ và thời hạn trả đũa do Cơ quan Giải quyết tranh chấp (DSB) quyết định căn cứ trên thủ tục qui định về vấn đề này trong Quy tắc Giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ WTO (DSU).

Trả đũa song song thực chất là việc Bên thắng kiện không phải thực hiện các nhân nhượng thuế quan đối với hàng hoá của Bên thua kiện trong cùng lĩnh vực mà Bên thắng kiện bị thiệt hại.

Trả đũa chéo là hình thức trả đũa nhằm vào lĩnh vực khác lĩnh vực bị thiệt hại trong trường hợp việc trả đũa song song không thể thực hiện được (có thể trả đũa chéo lĩnh vực – khác lĩnh vực nhưng trong cùng phạm vi điều chỉnh của một hiệp định; hoặc trả đũa chéo hiệp định – trả đũa trong một lĩnh vực thuộc phạm vi điều chỉnh của một hiệp định khác nếu việc trả đũa song song và trả đũa chéo lĩnh vực đều không thể thực hiện được)

Trọng tài

Thủ tục trọng tài có thể được các Bên tranh chấp thoả thuận sử dụng trong các trường hợp sau đây:

Trong khuôn khổ cơ chế giải quyết tranh chấp DSU: trọng tài có thể được sử dụng trong các thủ tục sau:

- xác định thời hạn thực hiện khuyến nghị trong trường hợp Bên thua không thể thực hiện ngay khuyến nghị;

- xác định mức độ trả đũa trong trường hợp Bên thua có kiến nghị về vấn đề này

Trong trường hợp này thủ tục trọng tài sẽ do các thành viên Ban hội thẩm ban đầu làm trọng tài viên. Nếu các thành viên Ban hội thẩm không có điều kiện làm trọng tài viên thì trọng tài viên (là một cá nhân hoặc một tổ chức) sẽ do Tổng Thư ký WTO chỉ định.

Trường hợp tranh cãi về mức độ trả đũa, trọng tài không đánh giá về bản chất biện pháp trả đũa mà chỉ xem xét xem mức độ Bên thắng kiện đình chỉ các nhân nhượng/nghĩa vụ có tương đương với mức độ thiệt hại mà Bên thắng kiện đã phải chịu không.

Ngoài khuôn khổ cơ chế giải quyết tranh chấp DSU:

Các Bên tranh chấp có thể thoả thuận lựa chọn cơ chế trọng tài độc lập để giải quyết tranh chấp của mình mà không cần sử dụng đến cơ chế của DSU (cơ chế sử dụng Ban hội thẩm, Cơ quan Phúc thẩm…). DSU chỉ cho phép sử dụng trọng tài để giải quyết các tranh chấp trong đó vấn đề tranh chấp (the isssues in conflict) đã được các bên xác định một cách rõ ràng và thống nhất.

Trong trường hợp này, quyết định lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài độc lập phải được các Bên tranh chấp thông báo đến tất cả các thành viên WTO trước khi thủ tục tố tụng được bắt đầu. Các thành viên WTO chỉ có thể tham gia thủ tục tố tụng nếu được các Bên tranh chấp đồng ý.

Quyết định giải quyết của trọng tài phải được các Bên tuân thủ nghiêm túc. Các Bên có nghĩa vụ thông báo về quyết định này cho các thành viên WTO, cho Hội đồng hoặc cho Uỷ ban của Hiệp định có liên quan. Quy tắc giải quyết tranh chấp trong WTO (DSU) qui định quyết định này của trọng tài phải phù hợp với các hiệp định có liên quan và không được gây thiệt hại cho bất kỳ thành viên nào khác của WTO. Bất kỳ thành viên nào cũng có quyền đưa ra câu hỏi liên quan đến quyết định này.